Luật Doanh Nghiệp

Đảm bảo hoạt động đầu tư kinh doanh cho nhà đầu tư nước ngoài

Đảm bảo hoạt động đầu tư kinh doanh cho nhà đầu tư nước ngoài là một quy trình phức tạp và đầy rủi ro trong môi trường đầu tư kinh doanh đang ngày càng cạnh tranh. Trước những thách thức pháp lý và rủi ro tiềm ẩn, việc có một chiến lược pháp lý chặt chẽ, hiệu quả là cực kỳ quan trọng. Chính vì vậy, bài viết sau sẽ trình bày về những biện pháp đảm bảo hoạt động kinh doanh đối với nhà đầu tư nước ngoài diễn ra một cách suôn sẻ và bền vững.

Đảm bảo hoạt động đầu tư đối với người nước ngoài

Đảm bảo hoạt động đầu tư đối với người nước ngoài

Nhà đầu tư nước ngoài được kinh doanh các ngành nghề nào theo Luật đầu tư?

Dựa theo quy định tại Điều 5 Luật Đầu tư 2020, chính sách đầu tư kinh doanh đối với nhà đầu tư nước ngoài như sau: Nhà đầu tư có quyền thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh trong các ngành, nghề mà Luật này không cấm. Đối với ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện thì nhà đầu tư phải đáp ứng các điều kiện đầu tư kinh doanh theo quy định của pháp luật.

Ngoài ra, căn cứ theo Điều 9 Luật Đầu tư 2020 quy định về ngành nghề kinh doanh đối với nhà đầu tư nước ngoài được quy định cụ thể như sau:

Thứ nhất, nhà đầu tư nước ngoài được áp dụng điều kiện tiếp cận thị trường như quy định đối với nhà đầu tư trong nước, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.

Thứ hai, căn cứ luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nghị định của Chính phủ và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên, Chính phủ công bố Danh mục ngành, nghề hạn chế tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài, bao gồm:

  • Ngành, nghề chưa được tiếp cận thị trường;
  • Ngành, nghề tiếp cận thị trường có điều kiện.

Thứ ba, điều kiện tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài quy định tại Danh mục ngành, nghề hạn chế tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài bao gồm:

  • Tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ của nhà đầu tư nước ngoài trong tổ chức kinh tế;
  • Hình thức đầu tư;
  • Phạm vi hoạt động đầu tư;
  • Năng lực của nhà đầu tư; đối tác tham gia thực hiện hoạt động đầu tư;
  • Điều kiện khác theo quy định tại luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nghị định của Chính phủ và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

Thứ tư, Chính phủ quy định chi tiết Điều này tại nghị định 31/2021/NĐ-CP

Những chính sách đầu tư kinh doanh đối với nhà đầu tư nước ngoài

Chính sách ưu đãi đầu tư chung

Dựa theo Điều 5 Luật Đầu tư 2020 quy định về chính sách về đầu tư kinh doanh như sau:

  • Nhà đầu tư được quyền thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh trong các ngành, nghề mà pháp luật đầu tư không cấm;
  • Nhà đầu tư được tự chủ quyết định hoạt động đầu tư kinh doanh theo quy định của Luật Đầu tư và quy định khác của pháp luật có liên quan; được tiếp cận, sử dụng các nguồn vốn tín dụng, quỹ hỗ trợ, sử dụng đất đai và tài nguyên khác theo quy định của pháp luật;
  • Nhà nước công nhận và bảo hộ quyền sở hữu về tài sản, vốn đầu tư, thu nhập và các quyền, lợi ích hợp pháp khác của nhà đầu tư;
  • Nhà nước đối xử bình đẳng giữa các nhà đầu tư; có chính sách khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để nhà đầu tư thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh, phát triển bền vững các ngành kinh tế;
  • Nhà nước tôn trọng và thực hiện các điều ước quốc tế liên quan đến đầu tư kinh doanh mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

Như vậy, có thể thấy nhà đầu tư nước ngoài được Nhà nước Việt Nam bảo đảm các quyền lợi và quyền lợi hợp pháp của họ trong quá trình thực hiện các hoạt động đầu tư tại Việt Nam. Điều này thể hiện cam kết của chính phủ Việt Nam đối với sự ổn định và tin cậy của môi trường đầu tư tại đất nước này. Sự bảo đảm này bao gồm việc bảo vệ quyền sở hữu, quyền lợi về tài chính, quyền lợi về lao động và các quyền khác liên quan đến hoạt động đầu tư. Ngoài ra, điều này không chỉ giúp tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư nước ngoài mà còn làm tăng sự hấp dẫn của Việt Nam trên thị trường đầu tư quốc tế.

Chính sách ưu đãi về thuế

Căn cứ tại Khoản 1 Điều 15 Luật Đầu tư 2020 có quy định chi tiết về hình thức được hưởng chính sách ưu đãi đầu tư của Nhà nước. Theo đó, các nhà đầu tư khi đầu tư kinh doanh tại Việt Nam sẽ được hưởng các hình thức ưu đãi đầu tư gồm:

  • Ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp, bao gồm áp dụng mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp thấp hơn mức thuế suất thông thường có thời hạn hoặc toàn bộ thời gian thực hiện dự án đầu tư; miễn thuế, giảm thuế và các ưu đãi khác theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp;
  • Miễn thuế nhập khẩu đối với hàng hóa nhập khẩu để tạo tài sản cố định; nguyên liệu, vật tư, linh kiện nhập khẩu để sản xuất theo quy định của pháp luật về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu;
  • Miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, thuế sử dụng đất;
  • Khấu hao nhanh, tăng mức chi phí được trừ khi tính thu nhập chịu thuế.

Như vậy, nếu thuộc đối tượng được hưởng ưu đãi đầu tư thì dự án sẽ được ưu đãi về thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp; miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp; miễn thuế nhập khẩu; miễn, giảm tiền thuê đất, tiền sử dụng đất, thuế sử dụng đất.

Ưu đãi đầu tư cho nhà đầu tư nước ngoài

Ưu đãi đầu tư cho nhà đầu tư nước ngoài

Các biện pháp bảo đảm hoạt động đầu tư đối với người nước ngoài

Bảo đảm quyền sở hữu tài sản

Theo Luật Đầu tư 2020 thì nhà đầu tư được bảo đảm quyền sở hữu tài sản được quy định tại Điều 10 của Luật này, cụ thể:

  • Tài sản hợp pháp của nhà đầu tư không bị quốc hữu hóa hoặc bị tịch thu bằng biện pháp hành chính;
  • Trường hợp Nhà nước trưng mua, trưng dụng tài sản vì lý do quốc phòng, an ninh hoặc vì lợi ích quốc gia, tình trạng khẩn cấp, phòng, chống thiên tai thì nhà đầu tư được thanh toán, bồi thường theo quy định của pháp luật về trưng mua, trưng dụng tài sản và quy định khác của pháp luật có liên quan.

Điều này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc tạo sự yên tâm về mặt pháp lý cho các nhà đầu tư nước ngoài khi thực hiện dự án đầu tư vào Việt Nam, giúp họ yên tâm trước sự bảo hộ về tài sản hợp pháp của họ không bị quốc hữu hóa hay bất kỳ trường hợp nào khác trở thành tài sản của ai khác trên một đất nước mà họ được xem là người nước ngoài.

Bảo đảm hoạt động đầu tư kinh doanh

Đảm bảo hoạt động đầu tư kinh doanh đối với nhà đầu tư quy định tại Điều 11 Luật Đầu tư 2020. Theo đó, Nhà nước không bắt buộc nhà đầu tư phải thực hiện những yêu cầu sau đây:

  • Ưu tiên mua, sử dụng hàng hóa, dịch vụ trong nước hoặc phải mua, sử dụng hàng hóa, dịch vụ từ nhà sản xuất hoặc cung ứng dịch vụ trong nước;
  • Xuất khẩu hàng hóa hoặc dịch vụ đạt một tỷ lệ nhất định; hạn chế số lượng, giá trị, loại hàng hóa và dịch vụ xuất khẩu hoặc sản xuất, cung ứng trong nước;
  • Nhập khẩu hàng hóa với số lượng và giá trị tương ứng với số lượng và giá trị hàng hóa xuất khẩu hoặc phải tự cân đối ngoại tệ từ nguồn xuất khẩu để đáp ứng nhu cầu nhập khẩu;
  • Đạt được một tỷ lệ nội địa hóa đối với hàng hóa sản xuất trong nước;
  • Đạt được một mức độ hoặc giá trị nhất định trong hoạt động nghiên cứu và phát triển ở trong nước;
  • Cung cấp hàng hóa, dịch vụ tại một địa điểm cụ thể ở trong nước hoặc nước ngoài;
  • Đặt trụ sở chính tại địa điểm theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Ngoài ra, tại Khoản 2 Điều này cũng quy định như sau: căn cứ điều kiện phát triển kinh tế – xã hội và nhu cầu thu hút đầu tư trong từng thời kỳ, Thủ tướng Chính phủ quyết định áp dụng các hình thức bảo đảm của Nhà nước để thực hiện dự án đầu tư thuộc thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ và những dự án đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng quan trọng khác.

Như vậy, Nhà nước luôn đảm bảo rằng các nhà đầu tư nước ngoài được tự do trong việc sản xuất, kinh doanh của chính mình, không bị lệ thuộc vào bất kỳ yêu cầu nào mang tính can thiệp vào hoạt động kinh doanh riêng và hợp pháp của họ.

Bảo đảm việc chuyển lợi nhuận và thu nhập hợp pháp khác của nhà đầu tư ra nước ngoài

Bảo đảm quyền chuyển tài sản của nhà đầu tư nước ngoài ra nước ngoài là biện pháp bảo đảm đầu tư được áp dụng đối với các nhà đầu tư nước ngoài có hoạt động đầu tư tại Việt Nam. Theo Điều 12 Luật Đầu tư 2020, sau khi thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước Việt Nam, nhà đầu tư nước ngoài được chuyển ra nước ngoài các tài sản sau đây:

  • Vốn đầu tư, các khoản thanh lý đầu tư;
  • Thu nhập từ hoạt động đầu tư kinh doanh;
  • Tiền và tài sản khác thuộc sở hữu hợp pháp của nhà đầu tư.

Biện pháp bảo đảm đầu tư này mang tính chất quan trọng và là điều quan tâm bậc nhất của các nhà đầu tư nước ngoài, bởi lẽ khi các nhà đầu tư nước ngoài thực hiện đầu tư tất nhiên là họ mong muốn sẽ có lời, sinh ra lợi nhuận và họ phải được quyền định đoạt phần lợi nhuận đó, việc chuyển về nước họ hay chuyển đi đâu là quyền lợi chính đáng.

Bảo đảm đối xử bình đẳng giữa các nhà đầu tư

Theo quy định tại Khoản 5 Điều 5 Luật Đầu tư 2020 thì Nhà nước đối xử bình đẳng giữa các nhà đầu tư, có chính sách khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để nhà đầu tư thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh, phát triển bền vững các ngành kinh tế.

Như vậy có thể thấy rằng Nhà nước Việt Nam không phân biệt đối xử giữa các nhà đầu tư nước ngoài, luôn bảo đảm các nhà đầu tư được đối xử bình đẳng như nhau. Đây được xem là một trong những nguyên tắc quan trọng. Khi các nhà đầu tư được đối xử công bằng, khả năng cạnh tranh trên thị trường của họ được đảm bảo đó là một trong những lý do làm cho họ quyết định sẽ đầu tư.

Bảo đảm đầu tư trong trường hợp thay đổi pháp luật

Theo Điều 13 Luật Đầu tư 2020 có quy định như sau về bảo đảm đầu tư kinh doanh trong trường hợp thay đổi pháp luật:

  • Trường hợp văn bản pháp luật mới được ban hành quy định ưu đãi đầu tư cao hơn ưu đãi đầu tư mà nhà đầu tư đang được hưởng thì nhà đầu tư được hưởng ưu đãi đầu tư theo quy định của văn bản pháp luật mới cho thời gian hưởng ưu đãi còn lại của dự án đầu tư (trừ ưu đãi đầu tư đặc biệt đối với dự án đầu tư đã được cấp Giấy chứng nhận đầu tư);
  • Trường hợp văn bản pháp luật mới được ban hành quy định ưu đãi đầu tư thấp hơn ưu đãi đầu tư mà nhà đầu tư được hưởng trước đó thì nhà đầu tư được tiếp tục áp dụng ưu đãi đầu tư theo quy định trước đó cho thời gian hưởng ưu đãi còn lại của dự án đầu tư.

Tuy nhiên, nhà đầu tư nước ngoài sẽ không được tiếp tục hưởng mức ưu đãi đầu tư trong trường hợp thay đổi quy định của văn bản pháp luật vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng, bảo vệ môi trường. Khi đó, nhà đầu tư sẽ được xem xét, giải quyết khi có yêu cầu trong thời hạn 03 năm kể từ ngày văn bản pháp luật mới có hiệu lực thi hành theo hướng:

  • Được khấu trừ thiệt hại thực tế vào thu nhập chịu thuế;
  • Điều chỉnh mục tiêu hoạt động của dự án đầu tư;
  • Được hỗ trợ khắc phục thiệt hại.

Căn cứ theo quy định tại Điều 4 Nghị định 31/2021/NĐ-CP thì các ưu đãi đầu tư được bảo đảm bao gồm như sau:

  • Ưu đãi đầu tư được quy định tại Giấy phép đầu tư, Giấy phép kinh doanh Giấy chứng nhận ưu đãi đầu tư, Giấy chứng nhận đầu tư, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, văn bản quyết định chủ trương đầu tư, Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư hoặc văn bản khác do người có thẩm quyền, cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp, áp dụng theo quy định của pháp luật;
  • Ưu đãi đầu tư mà nhà đầu tư được hưởng theo quy định của pháp luật không thuộc các trường hợp nêu trên.

Luật sư tư vấn về đảm bảo hoạt động đầu tư kinh doanh cho nhà đầu tư nước ngoài

Nhằm giúp quý khách hàng đảm bảo hoạt động kinh doanh một cách hợp pháp, minh bạch và hiệu quả tại Việt Nam, Chuyên tư vấn luật cung cấp các dịch vụ luật sư hướng dẫn về đảm bảo hoạt động đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài như sau:

  • Tư vấn, hướng dẫn nhà đầu tư nước ngoài trong việc hiểu rõ về quy trình và yêu cầu pháp lý liên quan đến việc đăng ký và thành lập doanh nghiệp;
  • Phân tích và đánh giá các rủi ro pháp lý có thể phát sinh trong quá trình hoạt động kinh doanh của nhà đầu tư;
  • Đề xuất các chiến lược pháp lý để giảm thiểu rủi ro và đảm bảo tuân thủ đúng các quy định pháp luật;
  • Tư vấn chi tiết về các quy định pháp luật liên quan đến đầu tư kinh doanh của nhà đầu tư nước ngoài;
  • Hỗ trợ soạn thảo và đàm phán các hợp đồng, thỏa thuận đầu tư, đảm bảo rằng các điều khoản được xây dựng bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư nước ngoài và tuân thủ đúng quy định pháp luật;
  • Đại diện cho khách hàng trong việc giải quyết tại các cơ quan quyền lực và tòa án khi có tranh chấp phát sinh;
  • Tư vấn về các quy định pháp luật thương mại và quốc tế có liên quan đến hoạt động kinh doanh của nhà đầu tư nước ngoài.

Tư vấn đảm bảo hoạt động đầu tư với nhà đầu tư nước ngoài

Tư vấn đảm bảo hoạt động đầu tư với nhà đầu tư nước ngoài

Tóm lại, việc đảm bảo hoạt động đầu tư kinh doanh cho nhà đầu tư nước ngoài là yếu tố quyết định đến sự thành công và bền vững của doanh nghiệp. Để đối phó với những thách thức từ thị trường và môi trường kinh doanh biến động, các doanh nghiệp cần phải thấu hiểu và tận dụng mọi cơ hội để tối ưu hóa hiệu quả hoạt động của mình. Nếu còn bất kỳ thắc mắc nào hoặc cần sử dụng pháp lý, xin vui lòng liên hệ với Luật sư tư vấn về đầu tư nước ngoài vào Việt Nam tại Chuyên tư vấn luật qua số hotline 1900.63.63.87.

Bài viết liên quan đầu tư có thể bạn quan tâm:

4.9 (20 bình chọn)

Bài viết được Trương Quốc Dũng - Luật sư kiểm duyệt: Trần Tiến Lực
Trương Quốc Dũng - Luật sư kiểm duyệt: Trần Tiến Lực

Tác giả: Chuyên Viên Pháp Lý

Lĩnh vực tư vấn: Hợp Đồng, Xây Dựng, Sở Hữu Trí Tuệ, Doanh Nghiệp

Trình độ đào tạo: Đại Học Luật

Số năm kinh nghiệm thực tế: 3

Tổng số bài viết: 734 bài viết