Luật Doanh Nghiệp

Xác định mức ký quỹ bảo đảm thực hiện dự án đầu tư với nhà đầu tư

Mức ký quỹ bảo đảm thực hiện dự án đầu tư có vai trò quan trọng để giúp cho dự án đầu tư được bảo đảm thực hiện. Tuỳ thuộc vào phần vốn đầu tư của dự án mà có sự chênh lệch vào mức ký quỹ. Để biết thông tin chi tiết về mức ký quỹ, thủ tục bảo đảm thực hiện dự án đầu tư, mời bạn đọc tham khảo bài viết dưới đây.

Mức ký quỹ bảo đảm thực hiện dự án đầu tư

Mức ký quỹ bảo đảm thực hiện dự án đầu tư

Quy định về ký quỹ bảo đảm thực hiện dự án đầu tư

Các trường hợp phải ký quỹ trong đầu tư

Căn cứ khoản 1 Điều 43, khoản 4 Điều 77 Luật Đầu tư 2020 và khoản 1 Điều 25 Nghị định 31/2021/NĐ-CP do Chính Phủ ban hành ngày 26/03/2021 hướng dẫn Luật Đầu tư (sau đây gọi là Nghị định 31/2021/NĐ-CP), nhà đầu tư phải ký quỹ hoặc phải có bảo lãnh của ngân hàng về nghĩa vụ ký quỹ để bảo đảm thực hiện dự án đầy tư được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, trừ các trường hợp sau:

  • Nhà đầu tư trúng đấu giá quyền sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư được Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất thu tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê;
  • Nhà đầu tư trúng đấu thầu thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất;
  • Nhà đầu tư được Nhà nước giao đất, cho thuê đất trên cơ sở nhận chuyển nhượng dự án đầu tư đã thực hiện ký quỹ hoặc đã hoàn thành việc góp vốn, huy động vốn theo tiến độ quy định tại văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư;
  • Nhà đầu tư được Nhà nước giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư trên cơ sở nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất của người sử dụng đất khác.

Bên cạnh đó, dự án đầu tư đã thực hiện hoặc được chấp thuận, cho phép thực hiện theo quy định của pháp luật trước ngày 01 tháng 7 năm 2015 mà thuộc diện bảo đảm thực hiện dự án đầu tư theo quy định của Luật này thì không phải ký quỹ hoặc bảo lãnh ngân hàng về nghĩa vụ ký quỹ.

Trường hợp nhà đầu tư điều chỉnh mục tiêu, tiến độ thực hiện dự án đầu tư, chuyển mục đích sử dụng đất sau khi Luật này có hiệu lực thì phải thực hiện ký quỹ hoặc phải có bảo lãnh ngân hàng về nghĩa vụ ký quỹ theo quy định của Luật Đầu tư.

Như vậy, nếu dự án đầu tư thuộc các trường hợp nêu trên, nhà đầu tư phải thực hiên ký quỹ để bảo đảm thực hiện dự án đầu tư.

>>>Xem thêm: Những ngành nghề kinh doanh nào bắt buộc phải ký quỹ?

Nội dung của thỏa thuận ký quỹ

Căn cứ khoản 1 Điều 26 Nghị định 31/2021/NĐ-CP do Chính phủ ban hành ngày 26/03/2021, nghĩa vụ bảo đảm thực hiện dự án của nhà đầu tư  được thực hiện trên cơ sở thỏa thuận bằng văn bản giữa cơ quan đăng ký đầu tư và nhà đầu tư. Thỏa thuận bảo đảm thực hiện dự án đầu tư gồm những nội dung chủ yếu sau đây:

  • Tên dự án, mục tiêu, địa điểm, quy mô, vốn đầu tư, tiến độ thực hiện, thời hạn hoạt động của dự án đầu tư theo quy định tại Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời với chấp thuận nhà đầu tư hoặc Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư;
  • Biện pháp bảo đảm thực hiện dự án đầu tư
  • Số tiền bảo đảm thực hiện dự án đầu tư
  • Thời điểm, thời hạn bảo đảm thực hiện dự án đầu tư
  • Điều kiện hoàn trả, điều chỉnh, chấm dứt bảo đảm thực hiện dự án đầu tư
  • Biện pháp xử lý trong trường hợp số tiền bảo đảm thực hiện dự án chưa được hoàn trả được nộp vào ngân sách nhà nước;
  • Các quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm khác của các bên liên quan
  • Những nội dung khác theo thỏa thuận giữa các bên nhưng không được trái với quy định của Luật Đầu tư, Nghị định 31/2021/NĐ-CP và pháp luật có liên quan.

Văn bản thoả thuận ký quỹ bảo đảm thực hiện dự án đầu tư

Văn bản thoả thuận ký quỹ bảo đảm thực hiện dự án đầu tư

Mức ký quỹ bảo đảm thực hiện dự án đầu tư là bao nhiêu

Căn cứ khoản 2 Điều 43 Luật Đầu tư 2020 và khoản 2 điều 26 Nghị định 31/2021/NĐ-CP, mức bảo đảm thực hiện dự án đầu tư được tính bằng tỷ lệ phần trăm trên vốn đầu tư của dự án đầu tư theo nguyên tắc lũy tiến từng phần như sau:

  • Đối với phần vốn đến 300 tỷ đồng, mức bảo đảm là 3%;
  • Đối với phần vốn trên 300 tỷ đồng đến 1.000 tỷ đồng, mức bảo đảm là 2%;
  • Đối với phần vốn trên 1.000 tỷ đồng, mức bảo đảm là 1%.

Trong đó, vốn đầu tư của dự án được xác định để làm căn cứ tính mức bảo đảm thực hiện dự án đầu tư sẽ không bao gồm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất nộp cho nhà nước và chi phí xây dựng các công trình thuộc dự án đầu tư mà nhà đầu tư có nghĩa vụ bàn giao cho nhà nước quản lý sau khi hoàn thành (nếu có).

Trường hợp tại thời điểm ký kết Thỏa thuận bảo đảm thực hiện dự án đầu tư mà chưa xác định được chính xác các chi phí xây dựng các công trình bàn giao cho Nhà nước thì cơ quan đăng ký đầu tư căn cứ vào dự toán chi phí trong Đề xuất dự án do nhà đầu tư lập để xác định số tiền bảo đảm thực hiện dự án đầu tư.

Ngoài ra, trong trường hợp dự án đầu tư gồm nhiều giai đoạn đầu tư thì số tiền ký quỹ được nộp và hoàn trả theo từng giai đoạn thực hiện dự án đầu tư, trừ trường hợp không được hoàn trả.

Bên cạnh đó, trừ các dự án không được áp dụng ưu đãi đầu tư theo quy định tại khoản 5 Điều 15 Luật Đầu tư, nhà đầu tư sẽ được giảm tiền bảo đảm trong các trường hợp sau:

  • Giảm 25% đối với dự án đầu tư thuộc ngành, nghề ưu đãi đầu tư; dự án đầu tư tại địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn theo quy định tại Phụ lục II, III Nghị định 31/2021/NĐ-CP;
  • Giảm 50% đối với dự án đầu tư thuộc ngành, nghề đặc biệt ưu đãi đầu tư; dự án đầu tư tại địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn theo quy định tại Phụ lục II, III của Nghị định 31/2021/NĐ-CP; dự án đầu tư thuộc ngành, nghề ưu đãi đầu tư thực hiện tại địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn.

Thủ tục thực hiện ký quỹ

Thủ tục thực hiện ký quỹ diễn ra như sau:

Bước 1: Thỏa thuận bảo đảm thực hiện dự án đầu tư

Nhà đầu tư thỏa thuận bằng văn bản với cơ quan đăng ký đầu tư về việc bảo đảm thực hiện dự án đầu tư.

Thỏa thuận bảo đảm thực hiện dự án đầu tư gồm những nội dung chủ yếu sau đây:

  • Tên dự án, mục tiêu, địa điểm, quy mô, vốn đầu tư, tiến độ thực hiện, thời hạn hoạt động của dự án đầu tư theo quy định tại Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời với chấp thuận nhà đầu tư hoặc Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư;
  • Biện pháp bảo đảm thực hiện dự án đầu tư
  • Số tiền bảo đảm thực hiện dự án đầu tư
  • Thời điểm, thời hạn bảo đảm thực hiện dự án đầu tư
  • Điều kiện hoàn trả, điều chỉnh, chấm dứt bảo đảm thực hiện dự án đầu tư
  • Biện pháp xử lý trong trường hợp số tiền bảo đảm thực hiện dự án chưa được hoàn trả được nộp vào ngân sách nhà nước;
  • Các quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm khác của các bên liên quan
  • Những nội dung khác theo thỏa thuận giữa các bên nhưng không được trái với quy định của Luật Đầu tư, Nghị định này và pháp luật có liên quan.

Bước 2: Căn cứ vào thỏa thuận bảo đảm thực hiện dự án đầu tư, nhà đầu tư thực hiện ký quỹ hoặc nộp chứng thư bảo lãnh về nghĩa vụ ký quỹ.

Thời điểm thực hiện bảo đảm dự án để Nhà đầu tư thực hiện ký quỹ hoặc nộp chứng thư bảo lãnh của tổ chức tín dụng về nghĩa vụ ký quỹ là sau khi:

  • Được cấp Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời với chấp thuận nhà đầu tư hoặc Quyết định chấp thuận nhà đầu tư hoặc Quyết định phê duyệt kết quả trúng đấu giá và trước khi tổ chức thực hiện phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt (đối với trường hợp nhà đầu tư không tạm ứng tiền bồi thường, hỗ trợ, tái định cư).
  • Trước thời điểm ban hành quyết định giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất (đối với trường hợp nhà đầu tư đã tạm ứng tiền bồi thường, hỗ trợ, tái định cư hoặc trường hợp nhà đầu tư được lựa chọn để thực hiện dự án thông qua đấu giá quyền sử dụng đất và được Nhà nước cho thuê đất, trả tiền thuê đất hằng năm).

Thời hạn bảo đảm thực hiện dự án được tính từ thời điểm thực hiện nghĩa vụ đến thời điểm số tiền ký quỹ được hoàn trả cho nhà đầu tư hoặc được nộp vào ngân sách nhà nước hoặc đến thời điểm chấm dứt hiệu lực của bảo lãnh.

Bước 3: Thông báo cho Cơ quan đăng ký đầu tư

Sau khi nộp tiền ký quỹ vào tài khoản của cơ quan đăng ký đầu tư tại tổ chức tín dụng (có giấy xác nhận của tổ chức tín dụng), nhà đầu tư thông báo với cơ quan đăng ký đầu tư.

CSPL: Điều 26 Nghị định 31/2021/NĐ-CP.

>>Xem thêm: Thủ tục đầu tư dự án nhà ở thương mại

Tư vấn các trường hợp hoàn trả tiền ký quỹ

Chuyên tư vấn luật xin cung cấp các dịch vụ tư vấn pháp lý về các trường hợp hoàn trả tiền ký quỹ, bao gồm:

  • Tư vấn nguyên tắc hoàn trả tiền ký quỹ;
  • Tư vấn quy trình hoàn trả tiền ký quỹ đảm bảo thực hiện dự án đầu tư;
  • Tư vấn soạn hồ sơ hoàn trả tiền ký quỹ;
  • Tư vấn những trường hợp được hoàn trả tiền ký quỹ;
  • Tư vấn quy định về ký quỹ trong hoạt động đầu tư;
  • Tư vấn các vấn đề khác có liên quan.
  • Hỗ trợ soạn thảo đơn từ, tài liệu cho liên quan
  • Đại diện khách hàng thực hiện các thủ tục liên quan đến ký quỹ để thực hiện dự án đầu tư

Luật sư tư vấn các trường hợp hoàn trả tiền ký quỹ

Luật sư tư vấn các trường hợp hoàn trả tiền ký quỹ

Ký quỹ bảo đảm thực hiện dự án đầu tư không chỉ bảo vệ các bên liên quan mà còn đảm bảo tiến độ và chất lượng của dự án. Do đó, việc pháp luật quy định mức ký quỹ đảm sẽ giúp cho đảm bảo quyền lợi của các bên tham gia. Bài viết trên đã phân tích về mức ký quỹ trong thực hiện dự án đầu tư, nếu khách hàng còn gặp vướng mắc về vấn đề này thì hãy liên hệ với Luật sư tư vấn pháp luật đầu tư cho nhà đầu tư nước ngoài của Chuyên tư vấn luật qua hotline 1900.63.63.87 để được tư vấn, hỗ trợ.

4.7 (18 bình chọn)

Bài viết được Trương Quốc Dũng - Luật sư kiểm duyệt: Trần Tiến Lực
Trương Quốc Dũng - Luật sư kiểm duyệt: Trần Tiến Lực

Tác giả: Chuyên Viên Pháp Lý

Lĩnh vực tư vấn: Hợp Đồng, Xây Dựng, Sở Hữu Trí Tuệ, Doanh Nghiệp

Trình độ đào tạo: Đại Học Luật

Số năm kinh nghiệm thực tế: 3

Tổng số bài viết: 792 bài viết