Luật Doanh Nghiệp

Ngành, nghề ưu đãi đầu tư và địa bàn ưu đãi đầu tư

Ngành, nghề ưu đãi đầu tư và địa bàn ưu đãi đầu tư là vấn đề pháp lý cần thiết trong bối cảnh kinh tế hiện nay ở nước ta. Bởi vì nó giúp thu hút vốn đầu tư vào các lĩnh vực khuyến khích đầu tư và các địa bàn khó khăn, tạo sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. Để tìm hiểu cụ thể về danh mục các ngành, nghề và địa bàn ưu đãi đầu tư, mời bạn tham khảo bài viết dưới đây.

Ưu đãi đầu tư đối với hoạt động công nghệ cao

Ưu đãi đầu tư đối với hoạt động công nghệ cao

Ngành, nghề và địa bàn ưu đãi đầu tư theo quy định của luật đầu tư

Ngành, nghề ưu đãi đầu tư

Theo quy định của pháp luật về đầu tư, dự án đầu tư có ngành, nghề kinh doanh thuộc một trong các ngành, nghề dưới đây sẽ được hưởng ưu đãi đầu tư:

  • Hoạt động công nghệ cao, sản phẩm công nghiệp hỗ trợ công nghệ cao, hoạt động nghiên cứu và phát triển, sản xuất các sản phẩm hình thành từ kết quả khoa học và công nghệ theo quy định của pháp luật về khoa học và công nghệ;
  • Sản xuất vật liệu mới, năng lượng mới, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; sản xuất sản phẩm có giá trị gia tăng từ 30% trở lên, sản phẩm tiết kiệm năng lượng;
  • Sản xuất sản phẩm điện tử, sản phẩm cơ khí trọng điểm, máy nông nghiệp, ô tô, phụ tùng ô tô; đóng tàu;
  • Sản xuất sản phẩm thuộc Danh mục sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển;
  • Sản xuất sản phẩm công nghệ thông tin, phần mềm, nội dung số;
  • Nuôi trồng, chế biến nông sản, lâm sản, thủy sản; trồng và bảo vệ rừng; làm muối; khai thác hải sản và dịch vụ hậu cần nghề cá; sản xuất giống cây trồng, giống vật nuôi, sản phẩm công nghệ sinh học;
  • Thu gom, xử lý, tái chế hoặc tái sử dụng chất thải; phát triển, tích trữ nước và phục hồi nguồn nước
  • Đầu tư phát triển và vận hành, quản lý công trình kết cấu hạ tầng; phát triển vận tải hành khách công cộng tại các đô thị;
  • Giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học;
  • Khám bệnh, chữa bệnh; sản xuất thuốc, nguyên liệu làm thuốc, bảo quản thuốc; nghiên cứu khoa học về công nghệ bào chế, công nghệ sinh học để sản xuất các loại thuốc mới; sản xuất trang thiết bị y tế;
  • Đầu tư cơ sở luyện tập, thi đấu thể dục, thể thao cho người khuyết tật hoặc chuyên nghiệp; bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa;
  • Đầu tư trung tâm lão khoa, tâm thần, điều trị bệnh nhân nhiễm chất độc màu da cam; trung tâm chăm sóc người cao tuổi, người khuyết tật, trẻ mồ côi, trẻ em lang thang không nơi nương tựa;
  • Quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô;
  • Sản xuất hàng hóa, cung cấp dịch vụ tạo ra hoặc tham gia chuỗi giá trị, cụm liên kết ngành.

Cơ sở pháp lý: Khoản 1 Điều 16 Luật Đầu tư 2020 sửa đổi bởi Điểm a Khoản 3 Điều 84 Luật Tài nguyên nước 2023.

Địa bàn ưu đãi đầu tư

Ở nước ta hiện nay có sự phát triển về kinh tế không đồng đều giữa các địa phương với nhau. Và có nhiều dự án nằm rải rác ở các nơi khác nhau dẫn đến việc khó kiểm soát hoạt động của các dự án đó. Do đó, để tạo sự đồng đều trong phát triển kinh tế giữa các địa phương và sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế, Nhà nước đã ban hành chính sách ưu đãi đầu tư đối với các địa bàn sau:

  • Địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn, địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn. Để xác định địa bàn ưu đãi đầu tư dựa vào Phụ lục III Danh mục địa bàn ưu đãi đầu tư được ban hành kèm theo Nghị định số 31/2021/NĐ-CP;
  • Khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế.

Cơ sở pháp lý: Khoản 2 Điều 16 Luật Đầu tư 2020

Một số địa bàn ưu đãi đầu tư

Một số địa bàn ưu đãi đầu tư

Hình thức ưu đãi đầu tư

Với mục đích thu hút vốn đầu tư cả trong lẫn ngoài nước và định hướng đầu tư theo những mục tiêu phát triển nhất định, nước ta đã thực hiện chính sách ưu đãi đầu tư với các hình thức ưu đãi như sau:

  • Ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp, bao gồm áp dụng mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp thấp hơn mức thuế suất thông thường có thời hạn hoặc toàn bộ thời gian thực hiện dự án đầu tư; miễn thuế, giảm thuế và các ưu đãi khác theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp;
  • Miễn thuế nhập khẩu đối với hàng hóa nhập khẩu để tạo tài sản cố định; nguyên liệu, vật tư, linh kiện nhập khẩu để sản xuất theo quy định của pháp luật về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu;
  • Miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, thuế sử dụng đất;
  • Khấu hao nhanh, tăng mức chi phí được trừ khi tính thu nhập chịu thuế.

Cơ sở pháp lý: Khoản 1 Điều 15 Luật Đầu tư 2020.

>>> Xem thêm: Một số hình thức đầu tư theo quy định pháp luật hiện hành

Thủ tục áp dụng ưu đãi đầu tư

Để được hưởng ưu đãi đầu tư, nhà đầu tư có dự án thuộc đối tượng được hưởng ưu đãi đầu tư thực hiện thủ tục áp dụng ưu đãi đầu tư được quy định tại Điều 17 Luật Đầu tư 2020 và được hướng dẫn bởi Điều 23 Nghị định 31/2021/NĐ-CP, như sau:

Bước 1: Xác định căn cứ áp dụng ưu đãi đầu tư:

Căn cứ quy định tại khoản 2, khoản 3 và khoản 4 Điều 23 Nghị định 31/2021/NĐ-CP, nhà đầu tư xác định ưu đãi đầu tư như sau:

Căn cứ nội dung ưu đãi đầu tư tại Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, Quyết định chấp thuận nhà đầu tư, nhà đầu tư thực hiện thủ tục hưởng ưu đãi đầu tư tại cơ quan áp dụng ưu đãi đầu tư tương ứng với từng loại ưu đãi.

Căn cứ áp dụng ưu đãi đầu tư đối với một số doanh nghiệp, dự án đầu tư quy định tại khoản 5 Điều 19 Nghị định 31/2021/NĐ-CP gồm:

  • Đối với doanh nghiệp khoa học và công nghệ là Giấy chứng nhận doanh nghiệp khoa học và công nghệ;
  • Đối với doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là Giấy chứng nhận doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao;
  • Đối với dự án ứng dụng công nghệ cao là Giấy chứng nhận dự án ứng dụng công nghệ cao;
  • Đối với dự án công nghiệp hỗ trợ là Giấy xác nhận ưu đãi sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ;
  • Đối với dự án có chuyển giao công nghệ thuộc Danh mục công nghệ khuyến khích chuyển giao là Giấy chứng nhận chuyển giao công nghệ khuyến khích chuyển giao theo quy định của Thủ tướng Chính phủ.

Đối với dự án đầu tư không thuộc trường hợp quy định nêu trên, nhà đầu tư căn cứ đối tượng hưởng ưu đãi đầu tư quy định tại Điều 19 của Nghị định 31/2021/NĐ-CP, quy định của pháp luật có liên quan để tự xác định ưu đãi đầu tư và thực hiện thủ tục hưởng ưu đãi đầu tư tại cơ quan áp dụng ưu đãi đầu tư tương ứng với từng loại ưu đãi.

Bước 2: Nộp hồ sơ áp dụng ưu đãi đầu tư đến cơ quan có thẩm quyền xem xét áp dụng ưu đãi đầu tư.

Nhà đầu tư tiến hành nộp hồ sơ áp dụng ưu đãi đầu tư đến cơ quan thuế, cơ quan tài chính, cơ quan hải quan và cơ quan khác có thẩm quyền tương ứng với từng loại ưu đãi đầu tư theo quy định tại Điều 17 Luật Đầu tư 2020. Hồ sơ gồm có:

  • Kê khai hoặc đề nghị áp dụng ưu đãi đầu tư;
  • Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, Văn bản quyết định chủ trương đầu tư; Giấy chứng nhận doanh nghiệp khoa học và công nghệ đối với các dự án thuộc trường hợp cấp Giấy chứng nhận đầu tư.

Bước 3: Cơ quan có thẩm quyền ban hành văn bản xác nhận nhà đầu tư đáp ứng đủ điều kiện, hoặc văn bản yêu cầu bổ sung hồ sơ trong trường hợp hồ sơ chưa đủ cơ sở để xác nhận đủ điều kiện ưu đãi hoặc văn bản thông báo không thuộc diện áp dụng ưu đãi đầu tư cho nhà đầu tư không đáp ứng đủ đủ điều kiện theo luật định.

Thời hạn giải quyết thủ tục hưởng ưu đãi đầu tư phụ thuộc vào từng cơ quan có thẩm quyền áp dụng ưu đãi đầu tư đối với từng loại ưu đãi đầu tư. Nhà đầu tư sẽ được xem xét và hưởng các ưu đãi khi thực hiện dự án đầu tư đáp ứng đủ điều kiện và hoàn thành các thủ tục theo luật định.

Theo đó, để áp dụng ưu đãi đầu tư nhà đầu tư có dự án thuộc đối tượng được hưởng ưu đãi đầu tư phải tiến hành các thủ tục như nêu trên.

Dịch vụ hỗ trợ nhà đầu tư có dự án thuộc ngành, nghề được hưởng ưu đãi đầu tư hoặc tại địa bàn ưu đãi đầu tư

Với đội ngũ luật sư và chuyên viên pháp lý có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực đầu tư, chúng tôi cung cấp đến khách hàng dịch vụ tư vấn, hỗ trợ nhà đầu tư có dự án thuộc ngành, nghề được hưởng ưu đãi đầu tư hoặc tại địa bàn ưu đãi đầu tư với các nội dung sau:

  • Tư vấn quy định của pháp luật đầu tư về các đối tượng được hưởng ưu đãi đầu tư;
  • Tư vấn về các hình thức ưu đãi đầu tư;
  • Tư vấn ngành, nghề được hưởng ưu đãi đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư;
  • Tư vấn các địa bàn ở nước ta khi đầu tư sẽ được hưởng ưu đãi đầu tư;
  • Hỗ trợ chuẩn bị hồ sơ áp dụng ưu đãi đầu tư;
  • Đại diện làm việc với cơ quan có thẩm quyền để thực hiện thủ tục áp dụng ưu đãi đầu tư;
  • Các công việc pháp lý khác có liên quan.

Trên đây là một số dịch vụ cơ bản, tuỳ thuộc vào yêu cầu của khách hàng mà phạm vi công việc sẽ khác nhau.

Luật sư hỗ trợ chuẩn bị hồ sơ áp dụng ưu đãi đầu tư

Luật sư hỗ trợ chuẩn bị hồ sơ áp dụng ưu đãi đầu tư

Đối với các dự án có lĩnh vực hoạt động thuộc ngành, nghề ưu đãi đầu tư hoặc các dự án tại địa bàn thuộc danh mục ưu đãi đầu tư sẽ được hưởng chính sách ưu đãi đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư. Để được hưởng ưu đãi, chủ đầu tư của dự án đó cần tiến hành thủ tục áp dụng ưu đãi đầu tư như đã nêu trên. Nếu quý bạn đọc có thắc mắc vui lòng liên hệ với Luật sư tư vấn về đầu tư nước ngoài vào Việt Nam của chúng tôi thông qua hotline: 1900 63 63 87 để được hỗ trợ kịp thời.

Bài viết liên quan đầu tư có thể bạn quan tâm:

5 (18 bình chọn)

Bài viết được Trương Quốc Dũng - Luật sư kiểm duyệt: Trần Tiến Lực
Trương Quốc Dũng - Luật sư kiểm duyệt: Trần Tiến Lực

Tác giả: Chuyên Viên Pháp Lý

Lĩnh vực tư vấn: Hợp Đồng, Xây Dựng, Sở Hữu Trí Tuệ, Doanh Nghiệp

Trình độ đào tạo: Đại Học Luật

Số năm kinh nghiệm thực tế: 3

Tổng số bài viết: 734 bài viết