Luật Dân sự

Giải quyết chia hoa lợi phát sinh từ tài sản chung sau ly hôn

Giải quyết chia hoa lợi phát sinh từ tài sản chung sau ly hôn là một trong các vấn đề cần giải quyết khi chia tài sản chung sau ly hôn. Nhiều cặp vợ chồng xảy ra tranh cãi về vấn đề chia hoa lợi này vì chưa hiểu rõ bản chất của nó. Nên bài viết dưới đây sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về cách giải quyết cũng như thẩm quyền và các thủ tục cần thiết về tranh chấp chia tài sản sau ly hôn.

Giải quyết chia hoa lợi từ tài sản chung sau ly hônGiải quyết chia hoa lợi từ tài sản chung sau ly hôn

Hoa lợi phát sinh từ tài sản chung sau khi ly hôn được giải quyết như thế nào

Căn cứ theo quy định của Điều 33, Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định về tài sản chung của vợ chồng như sau:

  • Tài sản chung của vợ chồng gồm tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng và thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân, trừ trường hợp được quy định tại khoản 1 Điều 40 của Luật này; tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung và tài sản khác mà vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung.
  • Quyền sử dụng đất mà vợ, chồng có được sau khi kết hôn là tài sản chung của vợ chồng, trừ trường hợp vợ hoặc chồng được thừa kế riêng, được tặng cho riêng hoặc có được thông qua giao dịch bằng tài sản riêng.
  • Tài sản chung của vợ chồng thuộc sở hữu chung hợp nhất, được dùng để bảo đảm nhu cầu của gia đình, thực hiện nghĩa vụ chung của vợ chồng.
  • Trong trường hợp không có căn cứ để chứng minh tài sản mà vợ, chồng đang có tranh chấp là tài sản riêng của mỗi bên thì tài sản đó được coi là tài sản chung.

Như vậy, về mặt nguyên tắc thì hoa lợi phát sinh từ tài sản chung của vợ chồng cũng chính là tài sản chung của vợ chồng.

Việc phân chia hoa lợi phát sinh từ tài sản chung của vợ chồng sẽ tùy thuộc vào từng trường hợp mà sẽ có cách giải quyết khác nhau.

Trường hợp 1: Vợ chồng ly hôn chưa giải quyết vấn đề tài sản và cũng không có bất kỳ thỏa thuận nào khác về chế độ tài sản.

Theo quy định của pháp luật thì trong trường hợp 02 vợ chồng khi ly hôn chưa tiến hành phân chia tài sản thì căn cứ theo quy định của Luật hôn nhân và gia đình 2014  tài sản của vợ chồng sẽ được giải quyết theo quy định của Điều 59, Luật Hôn nhân và gia đình 2014.Cụ thể như sau:

  • Trong trường hợp chế độ tài sản của vợ chồng theo luật định thì việc giải quyết tài sản do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì theo yêu cầu của vợ, chồng hoặc của hai vợ chồng, Tòa án giải quyết theo quy định tại các khoản 2, 3, 4 và 5 Điều này và tại các điều 60, 61, 62, 63 và 64 của Luật này.
  • Trong trường hợp chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận thì việc giải quyết tài sản khi ly hôn được áp dụng theo thỏa thuận đó; nếu thỏa thuận không đầy đủ, rõ ràng thì áp dụng quy định tương ứng tại các khoản 2, 3, 4 và 5 Điều này và tại các điều 60, 61, 62, 63 và 64 của Luật này để giải quyết.

Như vậy, nếu vợ chồng chấm dứt quan hệ hôn nhân nhưng chưa giải quyết vấn đề tài sản và trước đó vợ chồng cũng không có thỏa thuận về chế độ tài sản thì về nguyên tắc hoa lợi phát sinh từ tài sản chung tức tài sản chung sẽ được chia đôi hoặc Tài sản chung của vợ chồng được chia bằng hiện vật, nếu không chia được bằng hiện vật thì chia theo giá trị; bên nào nhận phần tài sản bằng hiện vật có giá trị lớn hơn phần mình được hưởng thì phải thanh toán cho bên kia phần chênh lệch.

Trường hợp 2: Vợ chồng đã  phân chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân

Theo Khoản 1, Điều 40, Luật Hôn nhân và gia đình 2014 có quy định như sau: Trong trường hợp chia tài sản chung của vợ chồng thì phần tài sản được chia, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng của mỗi bên sau khi chia tài sản chung là tài sản riêng của vợ, chồng, trừ trường hợp vợ chồng có thỏa thuận khác.

Như vậy, nếu trong quá trình hôn nhân mà vợ chồng đã có thỏa thuận phân chia tài sản chung thì hoa lợi phát sinh sau đó sẽ được xác định là tài sản riêng của vợ hoặc chồng dù nó được hình thành trong thời kỳ hôn nhân, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

Trường hợp 3: Còn trong trường hợp vợ chồng đã chấm dứt quan hệ hôn nhân và đã giải quyết vấn đề tài sản thì hoa lợi có phát sinh từ một tài sản chung trước đó thì vẫn đương nhiên được xác định là tài sản riêng của vợ hoặc chồng

Cơ sở pháp lý: Điều 33, Điều 40, Điều 59, Điều  61, Điều  62, Điều 64 Luật Hôn nhân và gia đình 2014.

>>> Xem thêm: Tranh chấp về chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân.

Nguyên tắc chia tài sản chung sau ly hôn

Để dễ dàng giải quyết tranh chấp chia tài sản sau ly hôn pháp luật đã đưa ra quy định về các nguyên tắc chia tài sản được quy định cụ thể tại Điều 59 Luật Hôn nhân và gia đình 2014.

Trường hợp các bên có thỏa thuận về vấn đề phân chia tài sản thì Tòa án sẽ giải quyết theo thỏa thuận đó.

Trường hợp các bên không có thỏa thuận hoặc có thỏa thuận nhưng không đầy đủ rõ ràng thì Tòa án sẽ căn cứ vào yêu cầu của các bên khi ly hôn để phân chia tài sản chung. Trong trường hợp các bên không có yêu cầu cụ thể hoặc yêu cầu đối lập nhau Tòa án sẽ giải quyết theo các nguyên tắc sau:

Nguyên tắc 1:  Chia đôi tài sản chung nhưng tính đến các yếu tố:

  • Hoàn cảnh của gia đình và của vợ, chồng;
  • Công sức đóng góp của vợ, chồng vào việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung.
  • Lao động của vợ, chồng trong gia đình được coi như lao động có thu nhập;
  • Bảo vệ lợi ích chính đáng của mỗi bên trong sản xuất, kinh doanh và nghề nghiệp để các bên có điều kiện tiếp tục lao động tạo thu nhập;
  • Lỗi của mỗi bên trong vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ chồng

Nguyên tắc 2: Chia tài sản chung bằng hiện vật. Nguyên tắc này pháp luật sẽ ưu tiên chia bằng hiện vật trước nếu như không chia được bằng hiện vật thì chia theo giá trị. Bên nào nhận được hiện vật có giá trị vượt quá giá trị mình được hưởng thì sẽ thanh toán cho bên phần chênh lệch.

Nguyên tắc 3: Đối với tài sản riêng nhưng nhập hoặc trộn lẫn với tài sản chung

Tài sản riêng của ai thì thuộc quyền sở hữu của người đó, trừ trường hợp tài sản riêng đã nhập vào tài sản chung theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình 2014 sẽ chia theo 2 nguyên tắc trên;

Trong trường hợp có sự sáp nhập, trộn lẫn giữa tài sản riêng với tài sản chung thì bên không nhận tài sản sẽ được thanh toán phần giá trị tài sản của mình đóng góp vào khối tài sản đó.

Bên cạnh đó, việc chia hoa lợi từ tài sản chung sau ly hôn nếu không có thỏa thuận trước thì sẽ được giải quyết theo nguyên tắc chia đôi và nguyên tắc chia tài sản bằng hiện vật.

Có thể thấy về mặt nguyên tắc thì chia tài sản chung sau ly hôn tương tự như nguyên tắc chia tài sản chung khi ly hôn. Tuy nhiên trên đây chỉ là nguyên tắc phân chia theo quy định của pháp luật hôn nhân gia đình

Thủ tục khởi kiện giải quyết tranh chấp chia tài sản chung sau ly hôn

Thẩm quyền giải quyết

Khi tiến hành khởi kiện tại Tòa án để giải quyết tranh chấp chia tài sản chung sau ly hôn thì người khởi kiện phải xác định đúng thẩm quyền của Tòa để nộp hồ sơ khởi kiện. Vì về mặt nguyên tắc thì nếu nộp sai thẩm quyền thì sẽ bị trả hồ sơ khởi kiện. Để xác định thẩm quyền giải quyết của Tòa án thì cần căn cứ các quy định sau:

  • Căn cứ khoản 1 Điều 28 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015 thì những tranh chấp chia tài sản sau ly hôn thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án.
  • Căn cứ điểm a khoản 1 Điều 35 và điểm a khoản 1 Điều  39 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015 quy định Tòa án nhân dân cấp huyện nơi bị đơn cư trú có thẩm quyền giải quyết thủ tục sơ thẩm về tranh chấp chia tài sản sau khi ly hôn.
  • Ngoài ra, Tòa án nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền giải quyết thủ tục sơ thẩm về tranh chấp chia tài sản sau khi ly hôn có yếu tố nước ngoài theo quy định của điểm a khoản 1 Điều 37 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015.

Từ những căn cứ trên, thẩm quyền giải quyết tranh chấp chia tài sản sau ly hôn có thể là Tòa án nhân dân cấp huyện nơi bị đơn cư trú hoặc Tòa án nhân dân cấp tỉnh nơi bị đơn cư trú, làm việc. Trong trường hợp bị đơn không có nơi cư trú, làm việc, trụ sở ở Việt Nam thì nguyên đơn có thể yêu cầu Tòa án cấp tỉnh nơi mình cư trú, làm việc, có trụ sở giải quyết;

Hồ sơ cần chuẩn bị

Để thực hiện thủ tục khởi kiện phân chia tài sản sau ly hôn thì người khởi kiện cần chuẩn bị một bộ hồ sơ theo khoản 4 và khoản 5 Điều 189, Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015 bao gồm:

Đơn khởi kiện theo Mẫu số 23 – DS ban hành kèm theo Nghị quyết 01/2017/NQ-HĐTP  ngày 13/01/2017 do Hội đồng thẩm phán Tòa án Nhân dân tối cao ban hành;

Kèm theo đơn khởi kiện là các giấy tờ, tài liệu, chứng cứ chứng minh kèm theo đơn  khởi kiện. Ví dụ

  • Bản án, quyết định ly hôn
  • Các giấy tờ chứng minh có quyền sở hữu hợp pháp của nhà ở, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất, các văn bản xác minh nguồn gốc nhà ở, hợp đồng, văn bản cho mượn nhà (nếu có),…
  • Giấy tờ tùy thân: Căn cước công dân, Hộ chiếu (sao y)
  • Các tài liệu khác có liên quan.

Trường hợp vì lý do khách quan mà người khởi kiện không thể nộp đầy đủ tài liệu, chứng cứ kèm theo đơn khởi kiện thì họ phải nộp tài liệu, chứng cứ hiện có để chứng minh quyền, lợi ích hợp pháp của người khởi kiện bị xâm phạm. Người khởi kiện bổ sung hoặc giao nộp bổ sung tài liệu, chứng cứ khác theo yêu cầu của Tòa án trong quá trình giải quyết vụ án.

Nguyên tắc chia tài sản chungNguyên tắc chia tài sản chung

Thủ tục giải quyết

Sau khi đã soạn thảo đầy đủ hồ sơ theo như hướng dẫn trên thì người khởi kiện cần thực hiện và nắm rõ các bước sau đây để giải quyết tranh chấp tại Tòa án. Cụ thể:

Bước 1: Gửi đơn khởi kiện đến Tòa án. Theo quy định của khoản 1 Điều 190 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015 thì người khởi kiện có thể nộp hồ sơ khởi kiện thông qua các phương thức sau:

  • Nộp trực tiếp tại Tòa án;
  • Gửi đến Tòa án theo đường dịch vụ bưu chính;
  • Gửi trực tuyến bằng hình thức điện tử qua Cổng Dịch vụ Công Quốc gia (nếu có).

Bước 2: Tòa án tiếp nhận và xử lý đơn khởi kiện

Căn cứ theo Điều 191 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015 thì Tòa án qua bộ phận tiếp nhận đơn phải nhận đơn khởi kiện do người khởi kiện nộp trực tiếp tại Tòa án hoặc gửi qua dịch vụ bưu chính và phải ghi vào sổ nhận đơn; trường hợp Tòa án nhận đơn khởi kiện được gửi bằng phương thức gửi trực tuyến thì Tòa án in ra bản giấy và phải ghi vào sổ nhận đơn.

Khi nhận đơn khởi kiện nộp trực tiếp, Tòa án có trách nhiệm cấp ngay giấy xác nhận đã nhận đơn cho người khởi kiện. Đối với trường hợp nhận đơn qua dịch vụ bưu chính thì trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đơn, Tòa án phải gửi thông báo nhận đơn cho người khởi kiện. Trường hợp nhận đơn khởi kiện bằng phương thức gửi trực tuyến thì Tòa án phải thông báo ngay việc nhận đơn cho người khởi kiện qua Cổng thông tin điện tử của Tòa án (nếu có).

Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đơn khởi kiện, Chánh án Tòa án phân công một Thẩm phán xem xét đơn khởi kiện.

Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày được phân công, Thẩm phán phải xem xét đơn khởi kiện và có một trong các quyết định sau đây:

Theo khoản 3 Điều 191 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày được phân công, Thẩm phán phải xem xét đơn khởi kiện và có một trong các quyết định sau đây:

  • Yêu cầu sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện;
  • Tiến hành thủ tục thụ lý vụ án theo thủ tục thông thường hoặc theo thủ tục rút gọn nếu vụ án có đủ điều kiện để giải quyết theo thủ tục rút gọn quy định tại khoản 1 Điều 317 của Bộ luật này;
  • Chuyển đơn khởi kiện cho Tòa án có thẩm quyền và thông báo cho người khởi kiện nếu vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án khác;
  • Trả lại đơn khởi kiện cho người khởi kiện nếu vụ việc đó không thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án.

Bước 3: Thụ lý và thông báo việc thụ lý

Căn cứ theo quy định tại khoản 1, Điều 195, Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015 thì sau khi nhận đơn khởi kiện và tài liệu, chứng cứ kèm theo, nếu xét thấy vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án thì Thẩm phán phải thông báo ngay cho người khởi kiện biết để họ đến Tòa án làm thủ tục nộp tiền tạm ứng án phí trong trường hợp họ phải nộp tiền tạm ứng án phí.

  • Thẩm phán dự tính số tiền tạm ứng án phí, ghi vào giấy báo và giao cho người khởi kiện để họ nộp tiền tạm ứng án phí. Trong thời hạn 07 ngày, kể từ ngày nhận được giấy báo của Tòa án về việc nộp tiền tạm ứng án phí, người khởi kiện phải nộp tiền tạm ứng án phí và nộp cho Tòa án biên lai thu tiền tạm ứng án phí.
  • Thẩm phán thụ lý vụ án khi người khởi kiện nộp cho Tòa án biên lai thu tiền tạm ứng án phí.
  • Trường hợp người khởi kiện được miễn hoặc không phải nộp tiền tạm ứng án phí thì Thẩm phán phải thụ lý vụ án khi nhận được đơn khởi kiện và tài liệu, chứng cứ kèm theo.

Căn cứ theo Điều 196 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015 quy định việc Tòa án thực hiện thông báo thụ lý như sau: trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày thụ lý vụ án, Thẩm phán phải thông báo bằng văn bản cho nguyên đơn, bị đơn, cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến việc giải quyết vụ án, cho Viện kiểm sát cùng cấp về việc Tòa án đã thụ lý vụ án.

Bước 4: Chuẩn bị xét xử

Theo khoản 2 Điều 230 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015, trong giai đoạn chuẩn bị xét xử, Thẩm phán thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

  • Lập hồ sơ vụ án theo quy định tại Điều 198 của Bộ luật này;
  • Xác định tư cách đương sự, người tham gia tố tụng khác;
  • Xác định quan hệ tranh chấp giữa các đương sự và pháp luật cần áp dụng;
  • Làm rõ những tình tiết khách quan của vụ án;
  • Xác minh, thu thập chứng cứ theo quy định của Bộ luật này;
  • Áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời;
  • Tổ chức phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải theo quy định của Bộ luật này, trừ trường hợp vụ án được giải quyết theo thủ tục rút gọn;
  • Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của Bộ luật này.

Theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 203, Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015 thì thời hạn chuẩn bị xét xử đối với các vụ án quy định tại Điều 26 và Điều 28 của Bộ luật này thì thời hạn là 04 tháng, kể từ ngày thụ lý vụ án

  • Tuy nhiên, đối với vụ án có tính chất phức tạp hoặc do sự kiện bất khả kháng, trở ngại khách quan thì Chánh án Tòa án có thể quyết định gia hạn thời hạn chuẩn bị xét xử nhưng không quá 02 tháng đối với vụ án thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản này và không quá 01 tháng đối với vụ án thuộc trường hợp quy định tại điểm b khoản này.
  • Trường hợp có quyết định tạm đình chỉ việc giải quyết vụ án thì thời hạn chuẩn bị xét xử được tính lại kể từ ngày quyết định tiếp tục giải quyết vụ án của Tòa án có hiệu lực pháp luật.

Theo quy định tại Điều 197 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015, trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày thụ lý vụ án, Chánh án Tòa án quyết định phân công Thẩm phán giải quyết vụ án. Đối với vụ án phức tạp, việc giải quyết có thể phải kéo dài thì Chánh án Tòa án phân công Thẩm phán dự khuyết để bảo đảm xét xử đúng thời hạn theo quy định của Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015.

Trong quá trình giải quyết vụ án, nếu Thẩm phán được phân công không thể tiếp tục tiến hành được nhiệm vụ thì Chánh án Tòa án phân công Thẩm phán khác tiếp tục nhiệm vụ. Trường hợp đang xét xử mà không có Thẩm phán dự khuyết thì vụ án phải được xét xử lại từ đầu và Tòa án phải thông báo cho đương sự, Viện kiểm sát cùng cấp.

Trong suốt quá trình Tòa án giải quyết vụ án, Tòa án còn có thể yêu cầu các đương sự bổ sung, cung cấp các tài liệu, chứng cứ, ra các quyết định đình chỉ xét đơn, trưng cầu giám định, định giá tài sản.

Bên cạnh đó, Tòa án sẽ tiến hành mở phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải giữa các bên đương sự theo quy định từ Điều 208 đến Điều 211 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015. Trong trường hợp các bên hòa giải thành thì Tòa án sẽ ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự theo quy định tại Điều 212 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015. Ngoài ra, Tòa án còn có thể ra quyết định tạm đình chỉ hoặc đình chỉ giải quyết vụ án nếu vụ án rơi vào các trường hợp được quy định tại Điều 214 và Điều 217 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015.

Bước 5: Đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm và mở phiên tòa sơ thẩm

Sau khi đã thực hiện đầy đủ các thủ tục cần thiết và đầy đủ hồ sơ thì Tòa án có thẩm quyền sẽ tiến hành ra Thông báo về việc đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm. Căn cứ Điều 222 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 quy định phiên tòa sơ thẩm phải được tiến hành đúng thời gian, địa điểm đã được ghi trong quyết định đưa vụ án ra xét xử hoặc trong giấy báo mở lại phiên tòa trong trường hợp phải hoãn phiên tòa.

Bước 6: Thẩm phán ban hành bản án hoặc quyết định công nhận sự thỏa thuận của các bên về việc giải quyết tranh chấp hợp đồng dân sự

Căn cứ khoản 2 Điều 246 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015, quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự về việc giải quyết vụ án có hiệu lực pháp luật theo quy định tại Điều 213 của Bộ luật này

Bước 7: Tiến hành giải quyết vụ án theo thủ tục phúc thẩm nếu có kháng cáo, kháng nghị

Theo quy định của Điều 270 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015 thì Tòa án cấp phúc thẩm trực tiếp xét xử lại vụ án mà bản án, quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật bị kháng cáo, kháng nghị.

Có thể thấy, khi thực hiện thủ tục khởi kiện, cần nắm rõ các trình tự thủ tục theo quy định của pháp luật nhằm tránh mất thời gian và đảm bảo những quyền lợi hợp pháp của mình.

>>> Xem thêm: Thủ tục xử lý đơn kiện dân sự theo quy định của pháp luật.

Tư vấn khởi kiện tranh chấp tài sản chung sau ly hôn

Dưới đây là một số nội dung dịch vụ Luật sư khởi kiện giải quyết tranh chấp tài sản chung sau ly hôn:

  • Tư vấn khách hàng về các vấn đề pháp lý về liên quan đến tranh chấp nêu trên;
  • Tư vấn thủ tục ly hôn, giải quyết tranh chấp phân chia tài sản theo quy định pháp luật;
  • Tư vấn các vấn đề pháp lý về cách xác định tài sản riêng tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân
  • Tư vấn ly hôn có yếu tố nước ngoài, ly hôn với người nước ngoài;
  • Tư vấn về nguyên tắc phân chia tài sản sau ly hôn đặc biệt là đất đai;
  • Soạn thảo đơn khởi kiện và hướng dẫn khách hàng thu thập hồ sơ tài liệu đính kèm
  • Soạn thảo bản tự khai, đơn đề nghị, đơn yêu cầu và toàn bộ các văn bản khác nhằm giải quyết vụ án nhanh chóng
  • Cử đại diện theo ủy quyền thực hiện thủ tục nộp và trích lục hồ sơ
  • Luật sư tham gia tố tụng để bảo vệ quyền lợi của đương sự.

Thẩm quyền giải quyết tranh chấpThẩm quyền giải quyết tranh chấp

Như vậy, tùy từng trường hợp mà hoa lợi phát sinh từ tài sản chung sẽ được phân chia khác nhau. Khi phát sinh tranh chấp chia hoa lợi sau khi ly hôn thì các bên tranh chấp thực hiện thủ tục khởi kiện để giải quyết nếu không tự thỏa thuận được. Nếu bạn đọc còn bất kỳ vấn đề thắc mắc hoặc chưa rõ liên quan đến vấn đề này cần được tư vấn, vui lòng liên hệ theo HOTLINE: 1900.63.63.87 để được LUẬT SƯ TƯ VẤN LUẬT HÔN NHÂN GIA ĐÌNH tư vấn chi tiết. Xin cảm ơn.

>>>Bài viết có thể bạn quan tâm:

4.6 (10 bình chọn)

Bài viết được Nguyễn Văn Đệ - Luật sư kiểm duyệt: Nguyễn Trần Phương
Nguyễn Văn Đệ - Luật sư kiểm duyệt: Nguyễn Trần Phương

Tác giả: Chuyên Viên Pháp Lý

Lĩnh vực tư vấn: Lao Động, Hôn Nhân Gia Đình, Dân Sự, Thừa Kế

Trình độ đào tạo: Đại Học Luật

Số năm kinh nghiệm thực tế: 3

Tổng số bài viết: 755 bài viết