Luật Doanh Nghiệp

Biện Pháp Khẩn Cấp Tạm Thời Trong Tố Tụng Trọng Tài

Có các tranh chấp xảy ra với nội dung phức tạp, mức độ tranh chấp gay gắt… chúng đòi hỏi phải được giải quyết kịp thời, nhằm bảo vệ quyền lợi cho các đương sự. Do đó, trong quá trình hội đồng trọng tài giải quyết vụ tranh chấp, nếu cảm thấy quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm hại hoặc có nguy cơ trực tiếp bị xâm hại thì các bên có quyền làm đơn đến Tòa án hoặc Hội đồng trọng tài để yêu cầu áp dụng một hoặc một số biện pháp khẩn cấp tạm thời thích hợp để bảo vệ tài sản đang bị tranh chấp theo quy định tại Điều 48 Luật trọng tài thương mại 2010.

biện pháp khẩn cấp tạm thời trong tố tụng trọng tài
Biện pháp khẩn cấp tạm thời trong tố tụng trọng tài

Các biện pháp khẩn cấp tạm thời theo Điều 49 Luật TTTM 2010 bao gồm:

  • Cấm thay đổi hiện trạng tài sản đang tranh chấp;
  • Cấm hoặc buộc bất kỳ bên tranh chấp nào thực hiện một hoặc một số hành vi nhất định nhằm ngăn ngừa các hành vi ảnh hưởng bất lợi đến quá trình tố tụng trọng tài;
  • Kê biên tài sản đang tranh chấp;
  • Yêu cầu bảo tồn, cất trữ, bán hoặc định đoạt bất kỳ tài sản nào của một hoặc các bên tranh chấp;
  • Yêu cầu tạm thời về việc trả tiền giữa các bên;
  • Cấm chuyển dịch quyền về tài sản đối với tài sản đang tranh chấp.

Thẩm quyền áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời

Theo yêu cầu của một trong các bên, Hội đồng trọng tài có thể áp dụng một hoặc một số biện pháp khẩn cấp tạm thời đối với các bên tranh chấp. Trước khi áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, Hội đồng trọng tài có quyền buộc bên yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời thực hiện nghĩa vụ bảo đảm tài chính.

Hội đồng trọng tài áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời khác hoặc vượt quá yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời của bên yêu cầu mà gây thiệt hại cho bên yêu cầu, bên bị áp dụng hoặc người thứ ba thì người bị thiệt hại có quyền khởi kiện ra Tòa án để yêu cầu giải quyết bồi thường theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự.

thẩm quyền áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời
Thẩm quyền áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời

Trong quá trình giải quyết tranh chấp, nếu một trong các bên đã yêu cầu Tòa án áp dụng một hoặc một số biện pháp khẩn cấp tạm thời mà sau đó lại có đơn yêu cầu Hội đồng trọng tài áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời thì Hội đồng trọng tài phải từ chối.

Thủ tục áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời

Theo quy định tại Điều 50 Luật TTTM 2010 thì bên yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời phải làm đơn gửi đến Hội đồng trọng tài. Kèm theo đơn yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, bên yêu cầu phải cung cấp cho Hội đồng trọng tài chứng cứ để chứng minh cho sự cần thiết phải áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời đó.

Theo quyết định của Hội đồng trọng tài, bên yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời phải gửi một khoản tiền, kim khí quý, đá quý hoặc giấy tờ có giá do Hội đồng trọng tài ấn định tương ứng với giá trị thiệt hại có thể phát sinh do áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời không đúng gây ra để bảo vệ lợi ích của bên bị yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời. Khoản tiền, kim khí quý, đá quý hoặc giấy tờ có giá được gửi vào tài khoản phong tỏa tại ngân hàng do Hội đồng trọng tài quyết định.

Thủ tục áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời
Thủ tục để áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời

Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đơn, ngay sau khi bên yêu cầu đã thực hiện biện pháp bảo đảm quy định tại khoản 3 Điều này thì Hội đồng trọng tài xem xét ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời. Trường hợp không chấp nhận yêu cầu, Hội đồng trọng tài thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do cho bên yêu cầu biết.

Thay đổi, bổ sung, hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời

a, Thẩm quyền và thủ tục của Hội đồng trọng tài

Theo yêu cầu của một bên, Hội đồng trọng tài có quyền thay đổi, bổ sung, hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời vào bất kỳ thời điểm nào trong quá trình giải quyết tranh chấp. Thủ tục thay đổi, bổ sung biện pháp khẩn cấp tạm thời được thực hiện tương tự như đối với thủ tục áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời.

Việc hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời được hội đồng trọng tài áp dụng trong các trường hợp sau đây:

  • Bên yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời đề nghị hủy bỏ;
  • Bên phải thi hành quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời đã nộp tài sản hoặc có người khác thực hiện biện pháp bảo đảm thi hành nghĩa vụ đối với bên có yêu cầu;
  • Nghĩa vụ của bên có nghĩa vụ chấm dứt theo quy định của pháp luật.

b. Thẩm quyền và thủ tục của Tòa án

Một hoặc các bên tranh chấp có quyền làm đơn gửi đến Tòa án có thẩm quyền yêu cầu áp dụng một hoặc một số biện pháp khẩn cấp tạm thời ngay sau khi nộp đơn khởi kiện tại Trọng tài (khi thời điểm tố tụng trọng tài đã bắt đầu) mà không phân biệt Hội đồng trọng tài đã được thành lập hay chưa, Hội đồng trọng tài đã giải quyết tranh chấp hay chưa. Tòa án có thẩm quyền áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời là Tòa án nơi có biện pháp khẩn cấp tạm thời cần được áp dụng.

Một hoặc các bên có quyền đề nghị Tòa án có thẩm quyền yêu cầu áp dụng một hoặc một số biện pháp khẩn cấp tạm thời quy định tại khoản 2 Điều 49 Luật TTTM, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.

Cùng với việc nộp các tài liệu, chứng cứ theo yêu cầu, bên yêu cầu áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời phải nộp lệ phí yêu cầu và thực hiện biện pháp bảo đảm theo quy định.

Trên đây là nội dung tư vấn của công ty chúng tôi về vấn đề trên. Trường hợp trong nội dung tư vấn có điều gì gây nhầm lẫn, chưa rõ ràng hoặc thông tin nêu trong nội dung tư vấn khiến quý khách chưa hiểu hết vấn đề hoặc có sự vướng ngại, thắc mắc, chúng tôi rất mong nhận được ý kiến phản hồi của quý khách hàng qua hotline 1900 63 63 87.

5 (14 bình chọn)

Bài viết được thực hiện bởi Thạc Sĩ Luật Sư Võ Mộng Thu

Chức vụ: Luật Sư Thành Viên

Lĩnh vực tư vấn: Lao Động, Hành Chính, Hôn Nhân Gia Đình, Dân Sự

Trình độ đào tạo: Thạc sỹ Luật, MBA

Số năm kinh nghiệm thực tế: 09 năm

Tổng số bài viết: 632 bài viết

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.