Luật Dân sự

Thời hiệu khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại của doanh nghiệp là bao lâu?

Bồi thường thiệt hại là trách nhiệm của các chủ thể do hành vi trái pháp luật của mình gây ra đối với bên bị thiệt hại. Khi đó, chủ thể có quyền và lợi ích bị xâm phạm có quyền khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại khi bên gây thiệt hại không tự nguyện thực hiện nghĩa vụ này. Vậy thời hiệu khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại của doanh nghiệp là bao lâu? Bài viết dưới đây của Chuyên tư vấn luật sẽ giải đáp thắc mắc cho bạn đọc và cung cấp thêm những vấn đề liên quan:

Thời hiệu khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại của doanh nghiệp là bao lâu?

Thời hiệu khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại

Thời hiệu khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại

Trách nhiệm bồi thường thiệt hại của doanh nghiệp có thể phát sinh từ hợp đồng hoặc bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. Theo đó, thời hiệu khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng với trường hợp bồi thường thiệt hại phát sinh từ thỏa thuận trong hợp đồng là khác nhau.

  • Nếu là yêu cầu bồi thường thiệt hại phát sinh từ thỏa thuận của hợp đồng thì thời hiệu khởi kiện yêu cầu bồi thường chính là thời hiệu khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp hợp đồng, căn cứ vào Điều 429 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định là 03 năm kể từ ngày người có quyền yêu cầu biết hoặc phải biết quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm.
  • Tuy nhiên cũng cần lưu ý đến loại hợp đồng được ký kết có thuộc những lĩnh vực cụ thể với những quy định về thời hiệu khởi kiện riêng biệt hay không, ví dụ như: Đối với hợp đồng trong lĩnh vực hàng hải thì chịu sự điều chỉnh của Bộ luật Hàng hải Việt Nam 2015:
  • Thời hiệu khởi kiện về hư hỏng, mất mát hàng hóa hàng hóa vận chuyển theo chứng từ vận chuyển là 01 năm, kể từ ngày trả hàng hoặc lẽ ra phải trả hàng cho người nhận hàng (Điều 169 Bộ luật hàng hải năm 2015);
  • Thời hiệu khởi kiện đối với vụ việc liên quan đến hợp đồng thuê tàu là 02 năm, kể từ ngày chấm dứt hợp đồng (Điều 219 Bộ luật hàng hải năm 2015);
  • Đối với các tranh chấp về kinh doanh thương mại có thể có các luật chuyên ngành điều chỉnh, nếu không có luật chuyên ngành điều chỉnh thì có thể áp dụng quy định về thời hiệu khởi kiện trong Luật Thương mại 2005, theo đó dựa vào Điều 319 của luật này thì thời hiệu khởi kiện áp dụng đối với các tranh chấp thương mại là 02 năm, kể từ thời điểm quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm, trừ trường hợp quy định tại điểm e khoản 1 Điều 237 của Luật này,…
  • Nếu là yêu cầu bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng thì theo Điều 588 Bộ luật Dân sự năm 2015, thời hiệu khởi kiện là 03 năm, kể từ ngày người có quyền yêu cầu biết hoặc phải biết quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm.

>>>Xem thêm:  Lưu ý khi yêu cầu bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng

Cách tính thời hiệu

Thời hiệu được tính từ thời điểm bắt đầu ngày đầu tiên của thời hiệu và chấm dứt tại thời điểm kết thúc ngày cuối cùng của thời hiệu (Điều 151 Bộ luật Dân sự 2015).

Thời điểm bắt đầu tính thời hiệu

Việc xác định được thời điểm bắt đầu tính thời hiệu là yếu tố quan trọng đầu tiên khi nói đến thời hiệu khởi kiện, theo đó tại Điều 154 Bộ luật Dân sự 2015 có quy định thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự được tính từ ngày người có quyền yêu cầu biết hoặc phải biết quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm (trừ trường hợp pháp luật có quy định khác).

Thời gian không tính vào thời hiệu khởi kiện

Thời gian không tính vào thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự là khoảng thời gian xảy ra một trong các sự kiện sau đây căn cứ Điều 156 Bộ luật Dân sự 2015 (BLDS 2015):

  • Sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan làm cho chủ thể có quyền khởi kiện không thể khởi kiện trong phạm vi thời hiệu.
  • Chưa có người đại diện trong trường hợp người có quyền khởi kiện là người chưa thành niên, mất năng lực hành vi dân sự, có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự.
  • Người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự chưa có người đại diện khác thay thế trong trường hợp sau đây:
  • Người đại diện chết nếu là cá nhân, chấm dứt tồn tại nếu là pháp nhân;
  • Người đại diện vì lý do chính đáng mà không thể tiếp tục đại diện được.

>>>Xem thêm: Thủ tục khởi kiện khi công ty đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động

Bắt đầu lại thời hiệu khởi kiện

Điều 157 BLDS 2015 quy định thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự bắt đầu lại trong trường hợp sau đây:

  • Bên có nghĩa vụ đã thừa nhận một phần hoặc toàn bộ nghĩa vụ của mình đối với người khởi kiện;
  • Bên có nghĩa vụ thừa nhận hoặc thực hiện xong một phần nghĩa vụ của mình đối với người khởi kiện;
  • Các bên đã tự hòa giải với nhau.

Thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự bắt đầu lại kể từ ngày tiếp theo sau ngày xảy ra sự kiện theo các trường hợp nêu trên.

Có hay không được quyền khởi kiện lại khi hết thời hiệu khởi kiện?

Khởi kiện lại khi hết thời hiệu khởi kiện

Khởi kiện lại khi hết thời hiệu khởi kiện

Thời hiệu khởi kiện ở đây không được hiểu là thời hiệu thụ lý đơn, mà phải được hiểu là bên có nghĩa vụ được miễn trừ nghĩa vụ, tức đã hết thời hạn mà họ phải thực hiện nghĩa vụ của mình. Hay nói cách khác, thời hiệu là yếu tố tác động đến quyền của chủ thể (quyết định việc hưởng quyền hay không). Nếu hết thời hiệu khởi kiện thì chủ thể sẽ mất đi quyền, lợi ích hợp pháp bị xâm phạm, chứ không mất đi quyền khởi kiện.

Còn quyền khởi kiện là quyền cơ bản của các chủ thể trong quan hệ pháp luật dân sự và Toà án luôn có trách nhiệm phải thụ lý đơn khởi kiện và không được lấy lý do thời hiệu khởi kiện hết để từ chối thụ lý đơn khởi kiện khi có yêu cầu. Nếu thấy thời hiệu khởi kiện đã hết thì tùy theo từng trường hợp mà Tòa án giải quyết theo tinh thần của Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán TANDTC hướng dẫn thi hành một số quy định về thủ tục giải quyết vụ án tại Tòa án cấp sơ thẩm (khoản 6 Điều 8 Nghị quyết số 05/2012/NQ-HĐTP). Trường hợp này, xem xét tình hình thực tế, Tòa có thể đưa ra xét xử hoặc đình chỉ vụ án.

>>>Xem thêm: Giải quyết bồi thường thiệt hại trong vụ án hành chính

Quy định về việc áp dụng thời hiệu khi vụ án đã được Tòa án giải quyết

Tòa án chỉ áp dụng quy định về thời hiệu theo yêu cầu áp dụng thời hiệu của một bên hoặc các bên với điều kiện yêu cầu này phải được đưa ra trước khi Tòa án cấp sơ thẩm ra bản án, quyết định giải quyết vụ việc. Người được hưởng lợi từ việc áp dụng thời hiệu có quyền từ chối áp dụng thời hiệu, trừ trường hợp việc từ chối đó nhằm mục đích trốn tránh thực hiện nghĩa vụ (khoản 2 Điều 149 Bộ luật Dân sự 2015, khoản 2 Điều 184 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015).

Áp dụng thời hiệu khi vụ án đã được thụ lý

Áp dụng thời hiệu khi vụ án đã được thụ lý

Với quy định nêu trên, về cơ bản tất cả các vụ án đều còn thời hiệu khởi kiện nếu các đương sự không yêu cầu Tòa án áp dụng thời hiệu. Cũng có thể nói, không phải vụ án nào hết thời hiệu khởi kiện thì Tòa án cũng đình chỉ giải quyết vụ án. Tòa án chỉ được đình chỉ giải quyết vụ án khi có yêu cầu của đương sự về việc áp dụng thời hiệu. Tuy nhiên, đương sự chỉ được quyền yêu cầu Tòa án áp dụng thời hiệu trước khi Tòa án cấp sơ thẩm ra bản án, quyết định. Khi Tòa án nhận được yêu cầu áp dụng thời hiệu để giải quyết vụ án thì Tòa án áp dụng thời hiệu theo quy định của pháp luật để xem xét yêu cầu khởi kiện còn hay hết thời hiệu, nếu còn thì Tòa án tiếp tục giải quyết theo thủ tục chung, nếu hết thời hiệu thì Tòa án đình chỉ giải quyết đối với yêu cầu đã hết thời hiệu.

Trên đây là toàn bộ nội dung tư vấn liên quan đến Thời hiệu khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại của doanh nghiệp. Nếu như bạn có bất cứ vướng mắc nào hoặc có nhu cầu tìm hiểu thêm xin vui lòng liên hệ với chúng tôi qua HOTLINE 1900.63.63.87 để được TƯ VẤN LUẬT DÂN SỰ tư vấn và hỗ trợ. Xin cảm ơn./.

4.9 (19 bình chọn)

Bài viết được Nguyễn Văn Đệ - Luật sư kiểm duyệt: Nguyễn Trần Phương
Nguyễn Văn Đệ - Luật sư kiểm duyệt: Nguyễn Trần Phương

Tác giả: Chuyên Viên Pháp Lý

Lĩnh vực tư vấn: Lao Động, Hôn Nhân Gia Đình, Dân Sự, Thừa Kế

Trình độ đào tạo: Đại Học Luật

Số năm kinh nghiệm thực tế: 3

Tổng số bài viết: 755 bài viết