Với xu thế phát triển và hội nhập thế giới hiện nay, người dân không chỉ sống và làm việc trong nước mà còn đi ra nước ngoài để học hỏi, làm việc. Việc xuất cảnh ra nước ngoài được Nhà nước ủng hộ và thúc đẩy, nó không chỉ là cách giúp mọi người giao lưu văn hóa mà còn là cách thúc đẩy phát triển kinh tế, đầu tư trong và ngoài nước. Tuy nhiên cũng có những trường hợp bị cấm xuất cảnh. Bài viết dưới đây sẽ giải đáp thắc mắc của Quý bạn đọc về Thẩm quyền cấm xuất cảnh và trình tự thủ tục yêu cầu cấm xuất cảnh, kính mời các bạn cùng theo dõi.
Xuất cảnh là ra khỏi lãnh thổ Việt Nam để ra nước ngoài
Mục Lục
Các hành vi bị cấm xuất cảnh
Cấm xuất cảnh là một trong những biện pháp khẩn cấp tạm thời được quy định tại Điều 114 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015. Biện pháp này được áp dụng nếu có căn cứ cho thấy việc giải quyết vụ án có liên quan đến nghĩa vụ của họ đối với Nhà nước, cơ quan, tổ chức, cá nhân khác và việc xuất cảnh của họ ảnh hưởng đến việc giải quyết vụ án, lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác hoặc để đảm bảo việc thi hành án. Theo đó, Luật Thi hành án dân sự 2008 sửa đổi 2014 cũng đề cập đến thuật ngữ cấm xuất cảnh.
Trong khi đó, tại Điều 109 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 quy định về các biện pháp ngăn chặn có bao gồm biện pháp tạm hoãn xuất cảnh. Cụ thể khi có căn cứ chứng tỏ người bị buộc tội sẽ gây khó khăn cho việc điều tra, truy tố, xét xử thì cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng trong phạm vi thẩm quyền của mình có thể áp dụng cấm đi khỏi nơi cư trú, tạm hoãn xuất cảnh. Ngoài ra, Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam 2019 cũng đề cập đến thuật ngữ tạm hoãn xuất cảnh, cụ thể đây là việc dừng, không được xuất cảnh có thời hạn đối với công dân Việt Nam.
Như vậy, có thể nhận thấy rằng trong quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Thi hành án dân sự và Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam đã có sự không thống nhất về cách sử dụng các thuật ngữ pháp lý. Mặc dù vậy nhưng về bản chất, cấm xuất cảnh hay tạm hoãn xuất cảnh đều có thể hiểu là việc không được xuất cảnh có thời hạn đối với công dân.
Các đối tượng và hành vi bị cấm hay tạm hoãn xuất cảnh được quy định tại Điều 36 Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam 2019 bao gồm:
- Bị can, bị cáo; người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố mà qua kiểm tra, xác minh có căn cứ xác định người đó bị nghi thực hiện tội phạm và xét thấy cần ngăn chặn ngay việc người đó trốn hoặc tiêu hủy chứng cứ theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự;
- Người được hoãn chấp hành án phạt tù, người được tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù, người được tha tù trước thời hạn có điều kiện trong thời gian thử thách, người được hưởng án treo trong thời gian thử thách, người chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ trong thời gian chấp hành án theo quy định của Luật Thi hành án hình sự;
- Người có nghĩa vụ theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự nếu có căn cứ cho thấy việc giải quyết vụ án có liên quan đến nghĩa vụ của họ đối với Nhà nước, cơ quan, tổ chức, cá nhân và việc xuất cảnh của họ ảnh hưởng đến việc giải quyết vụ án, lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân hoặc để bảo đảm việc thi hành án;
- Người phải thi hành án dân sự, người đại diện theo pháp luật của cơ quan, tổ chức đang có nghĩa vụ thi hành bản án, quyết định được thi hành theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự nếu có căn cứ cho thấy việc xuất cảnh của họ ảnh hưởng đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân hoặc để bảo đảm việc thi hành án;
- Người nộp thuế, người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp đang bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế, người Việt Nam xuất cảnh để định cư ở nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài trước khi xuất cảnh chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế theo quy định của pháp luật về quản lý thuế;
- Người đang bị cưỡng chế, người đại diện cho tổ chức đang bị cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính và xét thấy cần ngăn chặn ngay việc người đó trốn;
- Người bị thanh tra, kiểm tra, xác minh có đủ căn cứ xác định người đó vi phạm đặc biệt nghiêm trọng và xét thấy cần ngăn chặn ngay việc người đó trốn;
- Người đang bị dịch bệnh nguy hiểm lây lan, truyền nhiễm và xét thấy cần ngăn chặn ngay, không để dịch bệnh lây lan, truyền nhiễm ra cộng đồng, trừ trường hợp được phía nước ngoài cho phép nhập cảnh;
- Người mà cơ quan chức năng có căn cứ cho rằng việc xuất cảnh của họ ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh.
Thẩm quyền cấm xuất cảnh
Thẩm quyền quyết định cấm xuất cảnh được quy định tại Điều 37 Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam 2019 (được hướng dẫn bởi Thông tư 79/2020/TT-BCA) bao gồm ba chủ thể sau: Tòa án; Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát; Cơ quan thi hành án.
- Thẩm quyền cấm xuất cảnh của Tòa án trong vụ án dân sự
Điều 128 Bộ luật Tố tụng Dân sự (BLTTDS) 2015 quy định cấm xuất cảnh đối với người có nghĩa vụ được áp dụng nếu có căn cứ cho thấy việc giải quyết vụ án có liên quan đến nghĩa vụ của họ đối với Nhà nước, cơ quan, tổ chức, cá nhân khác và việc xuất cảnh của họ ảnh hưởng đến việc giải quyết vụ án, lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác hoặc để bảo đảm việc thi hành án.
Ngoài ra, theo quy định tại khoản 1 Điều 9 Nghị quyết 02/2020/NQ-HĐTP ngày 24/9/2020 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn một số quy định về các biện pháp khẩn cấp tạm thời của BLTTDS thì việc Tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời cấm xuất cảnh chỉ được áp dụng khi có đủ hai căn cứ sau đây:
- (1) Người bị áp dụng biện pháp cấm xuất cảnh là đương sự đang bị đương sự khác yêu cầu Tòa án buộc họ phải thực hiện nghĩa vụ; và
- (2) Việc xuất cảnh của họ ảnh hưởng đến việc giải quyết vụ án, lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác hoặc để bảo đảm việc thi hành án.
Như vậy, Tòa án là chủ thể có thẩm quyền áp dụng biện pháp cấm xuất cảnh đối với người có nghĩa vụ. Cụ thể tại Điều 112 BLTTDS 2015 quy định: trước khi mở phiên tòa thì việc áp dụng biện pháp cấm xuất cảnh do một Thẩm phán xem xét, quyết định; tại phiên tòa thì việc áp dụng biện pháp cấm xuất cảnh do Hội đồng xét xử xem xét, quyết định.
Tòa án có thẩm quyền ra quyết định cấm xuất cảnh đối với người có nghĩa vụ
>>>Xem thêm: Thủ tục ngăn chặn khẩn cấp người có nghĩa vụ bỏ trốn ra nước ngoài
- Thẩm quyền tạm hoãn xuất cảnh của Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát và Tòa án trong vụ án hình sự
Theo quy định tại Điều 124 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 thì Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra các cấp, Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân, Chánh án, Phó Chánh án Tòa án nhân dân, Hội đồng xét xử và Thẩm phán chủ tọa phiên tòa có quyền quyết định tạm hoãn xuất cảnh. Các chủ thể nêu trên có quyền ra quyết định tạm hoãn xuất cảnh khi có căn cứ xác định việc xuất cảnh của các đối tượng sau đây có dấu hiệu bỏ trốn: (1) Người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố mà qua kiểm tra, xác minh có đủ căn cứ xác định người đó bị nghi thực hiện tội phạm và xét thấy cần ngăn chặn ngay việc người đó trốn hoặc tiêu hủy chứng cứ; và (2) Bị can, bị cáo.
Bên cạnh đó, đối với loại đối tượng này cần phải đáp ứng hai yếu tố là có đủ căn cứ xác định người đó bị nghi thực hiện tội phạm và xét thấy cần ngăn chặn ngay việc người đó trốn hoặc tiêu hủy chứng cứ thì mới được quyết định tạm hoãn xuất cảnh.
- Thẩm quyền cấm xuất cảnh của Cơ quan Thi hành án dân sự
Liên quan đến việc cấm xuất cảnh đối với người phải thi hành án, trong hệ thống pháp luật chuyên ngành về thi hành án dân sự có quy định tại khoản 1 Điều 51 Nghị định 62/2015/NĐ-CP (được sửa đổi bởi điểm a khoản 15 Điều 1 Nghị định 33/2020/NĐ-CP như sau: cấm xuất cảnh có thể được áp dụng đối với phải thi hành án chưa thực hiện xong nghĩa vụ thi hành án theo bản án, quyết định. Theo đó, Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự ra quyết định về tạm hoãn xuất cảnh và gửi cho cơ quan quản lý xuất nhập cảnh khi thuộc một trong các trường hợp sau:
- Có yêu cầu của người được thi hành án;
- Có căn cứ cho thấy việc xuất cảnh ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của Nhà nước, tổ chức, cá nhân hoặc để đảm bảo việc thi hành án.
Bên cạnh đó, việc tạm hoãn xuất cảnh, gia hạn, giải tỏa, hủy bỏ tạm hoãn xuất cảnh được thực hiện theo quy định của pháp luật về xuất, nhập cảnh.
Trình tự, thủ tục yêu cầu cấm xuất cảnh
Mẫu đơn yêu cầu ngăn chặn xuất cảnh
Đơn yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời của đương sự trong vụ án dân sự, Đơn yêu cầu áp dụng biện pháp ngăn chặn của đương sự trong vụ án hình sự và Đơn yêu cầu cơ quan thi hành ngăn chặn việc xuất cảnh đối với người có nghĩa vụ phải thi hành án gồm những nội dung cơ bản sau đây:
- Ngày, tháng, năm làm đơn;
- Cơ quan tiếp nhận và xử lý đơn;
- Tên, địa chỉ; số điện thoại, fax, địa chỉ thư điện tử (nếu có) của người yêu cầu áp dụng biện pháp cấm/tạm hoãn xuất cảnh;
- Tên, địa chỉ; số điện thoại, fax, địa chỉ thư điện tử (nếu có) của người bị yêu cầu áp dụng biện pháp cấm/tạm hoãn xuất cảnh;
- Tóm tắt nội dung tranh chấp/tóm tắt nội dung vụ án;
- Lý do và căn cứ cần phải áp dụng biện pháp cấm/tạm hoãn xuất cảnh;
- Danh mục tài liệu, chứng cứ kèm theo.
Viết đơn yêu cầu ngăn chặn xuất cảnh
>>>Xem thêm: Thủ tục áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời trọng vụ án dân sự
Thẩm quyền giải quyết
- Tòa án
Trường hợp Tòa án nhận đơn yêu cầu ngăn chặn xuất cảnh trước khi mở phiên tòa thì trong thời hạn 03 ngày làm việc Thẩm phán phải xem xét đơn yêu cầu và các chứng cứ kèm theo chứng minh cho sự cần thiết phải áp dụng biện pháp này.
Trường hợp đơn yêu cầu áp ngăn chặn xuất cảnh chưa đầy đủ nội dung thì Thẩm phán phải yêu cầu sửa đổi, bổ sung đơn yêu cầu. Sau khi xem xét đơn yêu cầu, các tài liệu, chứng cứ và nghe trình bày của người yêu cầu, người bị áp dụng biện pháp cấm xuất cảnh (nếu có), Thẩm phán phải ra ngay quyết định áp dụng biện pháp cấm xuất cảnh đối với người có nghĩa vụ; nếu không chấp nhận yêu cầu thì Thẩm phán phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do cho người yêu cầu.
Trường hợp Hội đồng xét xử nhận đơn yêu cầu ngăn chặn xuất cảnh tại phiên tòa thì Hội đồng xét xử xem xét, thảo luận, giải quyết tại phòng xử án, tùy từng trường hợp mà Hội đồng xét xử giải quyết như sau:
- Nếu chấp nhận yêu cầu thì Hội đồng xét xử ra ngay quyết định áp dụng biện pháp cấm xuất cảnh;
- Nếu tài liệu, chứng cứ chứng minh cho sự cần thiết áp dụng biện pháp cấm xuất cảnh chưa đầy đủ, Hội đồng xét xử tạm ngừng phiên tòa trong thời hạn 02 ngày làm việc và đề nghị người có yêu cầu ngăn chặn xuất cảnh cung cấp bổ sung chứng cứ;
- Nếu không chấp nhận yêu cầu áp dụng biện pháp cấm xuất cảnh thì Hội đồng xét xử phải thông báo ngay cho người yêu cầu tại phòng xử án và phải được ghi vào biên bản phiên tòa.
Như vậy, nếu chấp thuận yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời của đương sự thì Tòa án sẽ ban hành Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời theo Mẫu số 17 dành cho Thẩm phán hoặc Mẫu số 18 dành cho Hội đồng xét xử (ban hành đính kèm Nghị quyết 01/2017/NQ-HĐTP).
- Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát
Theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự, quyết định tạm hoãn xuất cảnh của Thủ trưởng, Phó thủ trưởng Cơ quan điều tra các cấp phải được thông báo ngay cho Viện kiểm sát cùng cấp trước khi thi hành. Bên cạnh đó, thời hạn tạm hoãn xuất cảnh không được quá thời hạn giải quyết nguồn tin về tội phạm, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự. Thời hạn tạm hoãn xuất cảnh đối với người bị kết án phạt tù không quá thời hạn kể từ khi tuyên án cho đến thời điểm người đó đi chấp hành án phạt tù.
Theo đó, Cơ quan điều tra sẽ ban hành Mẫu số 42 về quyết định tạm hoãn xuất cảnh (ban hành đính kèm Thông tư 61/2017/TT-BCA) và Viện kiểm sát sẽ ban hành Mẫu số 54 về quyết định tạm hoãn xuất cảnh (ban hành đính kèm Quyết định 15/QĐ-VKSTC 2018).
- Cơ quan thi hành án
Theo quy định tại Điều 51 Nghị định 62/2015/NĐ-CP thì Cơ quan thi hành án xem xét việc tạm hoãn xuất cảnh đối với cơ quan, tổ chức đang có nghĩa vụ thi hành bản án, quyết định thì được áp dụng đối với người đại diện theo pháp luật của cơ quan, tổ chức đó.
Cơ quan thi hành án cũng cần xem xét đối với người phải thi hành án đang có nghĩa vụ thi hành bản án, quyết định về tiền, tài sản có thuộc sáu trường hợp thể không bị xem xét tạm hoãn xuất cảnh hay không như sau:
(1) Có đủ tài sản để thực hiện nghĩa vụ và đã ủy quyền cho người khác thay mặt họ giải quyết việc thi hành án liên quan đến tài sản đó; việc ủy quyền phải có công chứng và không được hủy ngang;
(2) Đã ủy quyền cho người khác mà người được ủy quyền có đủ tài sản và cam kết thi hành thay nghĩa vụ của người ủy quyền; việc ủy quyền phải có công chứng và không được hủy ngang;
(3) Có sự đồng ý của người được thi hành án;
(4) Hết thời hiệu yêu cầu thi hành án mà không có căn cứ chấp nhận yêu cầu thi hành án quá hạn;
(5) Là người nước ngoài phạm tội ít nghiêm trọng đang bị bệnh hiểm nghèo hoặc không có tài sản, thu nhập tại Việt Nam, có đơn cam kết thực hiện nghĩa vụ sau khi về nước; và
(6) Có văn bản của cơ quan Công an hoặc cơ quan đại diện ngoại giao đề nghị cho xuất cảnh trong trường hợp cá nhân là người phạm tội nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng đang bị bệnh hiểm nghèo hoặc không có tài sản, thu nhập tại Việt Nam nhưng không được người được thi hành án cho xuất cảnh hoặc không xác định được địa chỉ của người được thi hành án hoặc người được thi hành án là người nước ngoài đã về nước và các trường hợp đặc biệt khác.
Sau đó, Cơ quan thi hành án ban hành Mẫu B 47a-THADS quyết định về việc tạm hoãn xuất cảnh đối với người Việt Nam hoặc Mẫu B 47-THADS quyết định về việc tạm hoãn xuất cảnh đối với người nước ngoài (ban hành đính kèm Thông tư 01/2016/TT-BTP).
>>>Xem thêm: Biện Pháp Khẩn Cấp Tạm Thời Trong Tố Tụng Trọng Tài
Trên đây là tư vấn về Thẩm quyền cấm xuất cảnh và trình tự, thủ tục yêu cầu cấm xuất cảnh. Quý bạn đọc có bất kỳ thắc mắc nào liên quan đến vấn đề này cần tư vấn pháp luật lao động vui lòng liên hệ với chúng tôi qua hotline 1900.63.63.87 để được TƯ VẤN LUẬT DÂN SỰ nhanh nhất và kịp thời. Xin cảm ơn!