Luật Dân sự

Thủ tục công nhận và cho thi hành phán quyết của Trọng tài nước ngoài tại Việt Nam

Thủ tục công nhận và cho thi hành phán quyết của Trọng tài nước ngoài  tại Việt Nam là quy trình bắt buộc phải thực hiện đối với các phán quyết của Trọng tài nước ngoài  nhưng có đối tượng thi hành ở Việt Nam. Trong quá trình hợp tác quốc tế ngày càng mở rộng, pháp luật Việt Nam đã có những bước hội nhập sâu trong các quy định về thủ tục này. Chúng tôi sẽ phân tích cụ thể qua bài viết sau đây.

Phán quyết của Trọng tài nước ngoài được công nhận và cho thi hành tại Việt Nam

>>> Xem thêm: Phán quyết của Trọng tài nước ngoài có giá trị bằng bản án của Tòa án không?

Những phán quyết của Trọng tài nước ngoài  được công nhận và cho thi hành tại Việt Nam

Theo pháp luật Việt Nam, phán quyết của trọng tài nước ngoài là phán quyết do Trọng tài nước ngoài tuyên ở ngoài lãnh thổ Việt Nam hoặc ở trong lãnh thổ Việt Nam để giải quyết tranh chấp do các bên thỏa thuận lựa chọn. Trọng tài nước ngoài là Trọng tài được thành lập theo quy định của pháp luật trọng tài nước ngoài do các bên thỏa thuận lựa chọn. (Theo Khoản 11, 12 Điều 3 Luật Trọng tài thương mại 2010). Việc công nhận và thi hành phán quyết của Trọng tài nước ngoài hiện nay được áp dụng theo Công ước New York năm 1958, Công ước về công nhận và thi hành các quyết định trọng tài nước ngoài (sau đây viết tắt là Công ước 1958). Tuy nhiên, trong quá trình gia nhập Công ước 1958, Việt Nam đưa ra 3 điều bảo lưu cơ bản, đó là:

  • Công ước chỉ áp dụng đối với việc công nhận và cho thi hành tại Việt Nam quyết định của Trọng tài nước ngoài được tuyên tại lãnh thổ quốc gia thành viên của công ước, nếu không sẽ áp dụng nguyên tắc có đi có lại
  • Chỉ áp dụng công ước đối với tranh chấp phát sinh từ các quan hệ pháp luật thương mại
  • Mọi sự giải thích công ước trước Tòa án hoặc cơ quan có thẩm quyền khác của Việt Nam phải tuân theo các quy định của pháp luật và Hiến pháp Việt Nam.

Điều kiện để phán quyết của Trọng tài nước ngoài được công nhận và cho thi hành tại Việt Nam được quy định tại Điều 424 Bộ Luật Tố tụng Dân sự (BLTTSD) 2015:

  • Phán quyết của Trọng tài nước ngoài mà nước đó và Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam cùng là thành viên của điều ước quốc tế về công nhận và cho thi hành phán quyết của Trọng tài nước ngoài;
  • Phán quyết của Trọng tài nước ngoài không thuộc trường hợp quy định trên (nước đó và Việt Nam chưa cùng là thành viên của điều ước quốc tế về công nhận và cho thi hành phán quyết của Trọng tài nước ngoài) trên cơ sở nguyên tắc có đi có lại;
  • Phải là phán quyết cuối cùng của Hội đồng trọng tài giải quyết toàn bộ nội dung vụ tranh chấp, chấm dứt tố tụng trọng tài và có hiệu lực thi hành.

Thủ tục xét đơn yêu cầu công nhận và cho thi hành phán quyết của Trọng tài nước ngoài  tại Việt Nam

Thủ tục xem xét việc công nhận và thi hành phán quyết của trọng tài nước ngoài được quy định trong BLTTDS, phù hợp với Công ước 1958 mà Việt Nam đã gia nhập. Theo đó pháp luật Việt Nam không phân biệt đối xử đối với các phán quyết trọng tài nước ngoài là thành viên của công ước và có nghĩa vụ phải đảm bảo các phán quyết trọng tài nước ngoài được công nhận và có khả năng thi hành giống như các phán quyết trọng tài trong nước.

Thời hạn gửi đơn yêu cầu công nhận và cho thi hành phát quyết của Trọng tài nước ngoài

Khoản 1 Điều 451 BLTTDS 2015 quy định thời hạn gửi đơn yêu cầu công nhận và cho thi hành phán quyết của Trọng tài nước ngoài  là 3 năm, kể từ ngày phán quyết của Trọng tài nước ngoài  có hiệu lực pháp luật.

Trong 3 năm, người được thi hành, người có quyền, lợi ích hợp pháp liên quan hoặc người đại diện hợp pháp của họ có quyền gửi đơn đến Bộ Tư pháp Việt Nam theo quy định của điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên hoặc Tòa án có thẩm quyền của Việt Nam theo quy định của Bộ luật này trong trường hợp điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên không quy định hoặc không có điều ước quốc tế liên quan để yêu cầu Tòa án công nhận và cho thi hành tại Việt Nam phán quyết đó.

Trường hợp người làm đơn chứng minh được vì sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan mà không thể gửi đơn đúng thời hạn quy định tại khoản 1 Điều này thì thời gian có sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan đó không tính vào thời hạn gửi đơn.

Quy định đơn yêu cầu công nhận và cho thi hành phán quyết của Trọng tài nước ngoài tại Việt Nam và tài liệu chứng cứ kèm theo

Theo Điều 452 BLTTDS 2015, Đơn yêu cầu công nhận và cho thi hành tại Việt Nam phán quyết của Trọng tài nước ngoài  phải có các nội dung chính sau đây:

  • Họ, tên, địa chỉ nơi cư trú hoặc nơi làm việc của người được thi hành, người đại diện hợp pháp tại Việt Nam của người đó; nếu người được thi hành án là cơ quan, tổ chức thì phải ghi đầy đủ tên và địa chỉ trụ sở chính của cơ quan, tổ chức đó;
  • Họ, tên, địa chỉ nơi cư trú hoặc nơi làm việc của người phải thi hành; nếu người phải thi hành là cơ quan, tổ chức thì ghi đầy đủ tên và địa chỉ trụ sở chính của cơ quan, tổ chức đó; trường hợp người phải thi hành là cá nhân không có nơi cư trú hoặc nơi làm việc tại Việt Nam, người phải thi hành là cơ quan, tổ chức không có trụ sở chính tại Việt Nam thì trong đơn yêu cầu phải ghi rõ địa chỉ nơi có tài sản và các loại tài sản liên quan đến việc thi hành phán quyết của Trọng tài nước ngoài tại Việt Nam;
  • Yêu cầu của người được thi hành.

Đơn yêu cầu bằng tiếng nước ngoài phải được gửi kèm theo bản dịch ra tiếng Việt, được công chứng, chứng thực hợp pháp Gửi kèm theo đơn yêu cầu là giấy tờ, tài liệu quy định tại điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên; trường hợp không có điều ước quốc tế hoặc điều ước quốc tế không quy định thì kèm theo đơn yêu cầu phải có giấy tờ, tài liệu sau đây:

  • Bản chính hoặc bản sao có chứng thực phán quyết của Trọng tài nước ngoài ;
  • Bản chính hoặc bản sao có chứng thực thỏa thuận trọng tài giữa các bên.

Giấy tờ, tài liệu kèm theo đơn yêu cầu bằng tiếng nước ngoài thì phải được gửi kèm theo bản dịch ra tiếng Việt, được công chứng, chứng thực hợp pháp.

Chuyển hồ sơ cho Tòa án trong vụ việc người yêu cầu nộp đơn qua Bộ Tư pháp Việt Nam

Điều 454 BLTTDS 2015 quy định trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đơn yêu cầu và giấy tờ, tài liệu gửi kèm theo đơn quy định thì Bộ Tư pháp phải chuyển cho Tòa án có thẩm quyền. Trường hợp Bộ Tư pháp đã chuyển hồ sơ cho Tòa án mà sau đó Bộ Tư pháp lại nhận được thông báo của cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cho biết đang xem xét hoặc đã hủy bỏ, đình chỉ thi hành phán quyết của Trọng tài nước ngoài thì Bộ Tư pháp phải thông báo ngay bằng văn bản cho Tòa án biết.

Thụ lý hồ sơ

Điều 455 BLTTDS 2015 quy định: Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ do Bộ Tư pháp chuyển đến hoặc nhận được đơn và giấy tờ, tài liệu kèm theo do người có đơn yêu cầu gửi đến, Tòa án có thẩm quyền căn cứ vào các điều 363 (thủ tục nhận và xử lý đơn yêu cầu), 364 (trả lại đơn yêu cầu) và 365 (thông báo thụ lý đơn yêu cầu) của Bộ luật để xem xét, thụ lý và thông báo bằng văn bản cho người được thi hành, người phải thi hành hoặc người đại diện hợp pháp của họ tại Việt Nam, Viện kiểm sát  (VKS) cùng cấp và Bộ Tư pháp.

Chuẩn bị xét đơn yêu cầu

Điều 457  BLTTDS 2015 quy định thời hạn chuẩn bị xét đơn yêu cầu của loại việc dân sự có tính chất đặc thù này là 2 tháng. Trong thời hạn 02 tháng, kể từ ngày thụ lý, tùy từng trường hợp mà Tòa án ra một trong các quyết định sau đây:

  • Tạm đình chỉ việc xét đơn yêu cầu;
  • Đình chỉ việc xét đơn yêu cầu;
  • Mở phiên họp xét đơn yêu cầu.

Trong thời hạn chuẩn bị xét đơn yêu cầu, Tòa án có quyền yêu cầu người được thi hành giải thích những điểm chưa rõ trong đơn. Trong trường hợp này, thời hạn chuẩn bị xét đơn yêu cầu được kéo dài nhưng không quá 02 tháng. Tòa án phải mở phiên họp trong thời hạn 20 ngày, kể từ ngày ra quyết định mở phiên họp xét đơn yêu cầu. Tòa án chuyển hồ sơ cho VKS cùng cấp nghiên cứu trong thời hạn 15 ngày trước ngày mở phiên họp; hết thời hạn này, VKS phải gửi trả lại hồ sơ cho Tòa án để mở phiên họp xét đơn yêu cầu. Tòa án sẽ không mở phiên họp xét đơn yêu cầu nếu xảy ra các trường phải đình chỉ hoặc tạm đình chỉ xét đơn yêu cầu tại Khoản 2 và Khoản 3 Điều 457 BLTTDS 2015.

Quy trình xét đơn yêu cầu

>>>Xem thêm: Điều kiện để công ty nước ngoài khởi kiện tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa tại Việt Nam

Quy định về phiên họp xét đơn yêu cầu

Điều 458 BLTTDS 2015 quy định: Hội đồng xét đơn yêu cầu gồm 3 Thẩm phán, một Thẩm phán do Chánh án phân công làm chủ tọa; Kiểm sát viên VKS cùng cấp phải tham gia phiên họp, nếu vắng mặt thì Tòa án vẫn tiến hành họp; Người được thi hành án, người phải thi hành án hoặc người đại diện hợp pháp của họ phải có mặt.

  • Hoãn phiên họp nếu họ vắng mặt lần thứ nhất có lý do chính đáng;
  • Vẫn tiến hành họp khi: họ có đơn xin vắng mặt, người phải thi hành án hoặc người đại diện hợp pháp của họ đã được triệu tập hợp lệ lần thứ 2 mà vẫn vắng mặt;
  • Đình chỉ khi người được thi hành án hoặc người đại diện hợp pháp của họ đã được triệu tập hợp lệ lần thứ 2 mà vẫn vắng mặt, hoặc khi có một trong các căn cứ quy định tại khoản 3 Điều 457 BLTTDS.
Hội đồng xét đơn quyết định theo nguyên tắc đa số

Khi xem xét đơn yêu cầu công nhận và cho thi hành, Hội đồng không được xét xử lại tranh chấp đã được Trọng tài nước ngoài ra phán quyết. Tòa án chỉ được kiểm tra, đối chiếu phán quyết của Trọng tài nước ngoài, giấy tờ, tài liệu kèm theo đơn yêu cầu với các quy định các quy định của pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên để làm cơ sở cho việc ra quyết định công nhận hoặc không công nhận phán quyết đó. Sau khi xem xét đơn yêu cầu, giấy tờ, tài liệu kèm theo, nghe ý kiến của người được triệu tập, của Kiểm sát viên, Hội đồng thảo luận và quyết định theo đa số. Hội đồng có quyền ra quyết định công nhận và cho thi hành tại Việt Nam phán quyết của Trọng tài nước ngoài hoặc quyết định không công nhận phán quyết của Trọng tài nước ngoài

>>>Xem thêm: Yêu cầu công nhận bản án tranh chấp tài sản của Tòa án nước ngoài

Tống đạt quyết định của Tòa án

Nếu Tòa án quyết định tạm đình chỉ hoặc đình chỉ việc giải quyết đơn yêu cầu công nhận và cho thi hành phán quyết của Trọng tài nước ngoài theo khoản 2 Điều 457 và khoản 3 Điều 457 BLTTDS thì trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày ban hành quyết định Tòa án phải gửi quyết định đó cho:

  • Các bên liên quan (người được thi hành, người phải thi hành, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan) hoặc đại diện hợp pháp của họ;
  • Bộ Tư pháp;
  • Viện kiểm sát cùng cấp.

Nếu Tòa án quyết định công nhận và cho thi hành tại Việt Nam phán quyết của Trọng tài nước ngoài, thì trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày ban hành quyết định Tòa án phải gửi quyết định đó cho:

  • Các bên liên quan hoặc đại diện hợp pháp của họ;
  • Bộ Tư pháp;
  • Viện kiểm sát cùng cấp.

Nếu các bên liên quan cư trú ở nước ngoài không có đại diện tại Việt Nam và Tòa án đã ban hành quyết định vắng mặt họ theo quy định tại khoản 3 Điều 458 BLTTDS, Tòa án phải gửi quyết định đó cho họ bằng bưu điện hoặc thông qua Bộ Tư pháp theo quy định tại điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên. Việc gửi quyết định của Tòa án được thực hiện theo các phương thức quy định tại Điều 474 của Bộ luật này.

 

Trên đây là tư vấn về Thủ tục công nhận và cho thi hành phán quyết của Trọng tài nước ngoài  tại Việt Nam. Quý bạn đọc có bất kỳ thắc mắc nào liên quan đến vấn đề này cần tư vấn pháp luật vui lòng liên hệ với chúng tôi qua hotline 1900.63.63.87 để được tư vấn Pháp luật dân sự nhanh nhất và kịp thời. Xin cảm ơn!

4.7 (10 bình chọn)

Bài viết được Nguyễn Văn Đệ - Luật sư kiểm duyệt: Nguyễn Trần Phương
Nguyễn Văn Đệ - Luật sư kiểm duyệt: Nguyễn Trần Phương

Tác giả: Chuyên Viên Pháp Lý

Lĩnh vực tư vấn: Lao Động, Hôn Nhân Gia Đình, Dân Sự, Thừa Kế

Trình độ đào tạo: Đại Học Luật

Số năm kinh nghiệm thực tế: 3

Tổng số bài viết: 756 bài viết