Tai nạn lao động là rủi ro mà người lao động luôn phải đối mặt trong quá trình làm việc, từ đó làm suy giảm khả năng lao động. Pháp luật Việt Nam quy định về chế độ trợ cấp khi bị suy giảm khả năng lao động để phần nào chia sẻ gánh nặng giúp người lao động vượt qua khó khăn. Vì thế, mức trợ cấp khi bị suy giảm khả năng lao động là vấn đề được rất nhiều người quan tâm. Bài viết dưới đây Chuyên tư vấn luật sẽ cung cấp cho bạn đọc những thông tin hữu ích.
Mức trợ cấp khi bị suy giảm khả năng lao động
Mục Lục
Suy giảm khả năng lao động là gì?
Pháp luật Việt Nam không định nghĩa về suy giảm khả năng lao động. Tuy nhiên, suy giảm khả năng lao động có thể hiểu là tình trạng người lao động bị suy giảm điều kiện về sức khỏe gây khó khăn trong việc tiếp tục tham gia quan hệ lao động theo quy định của pháp luật.
Giám định mức suy giảm khả năng lao động
Cần giám định mức suy giảm khả năng lao động vì đây là cơ sở để người lao động được hưởng chế độ tai nạn lao động và chế độ bệnh nghề nghiệp
Theo quy định tại khoản 1 Điều 47 Luật An toàn vệ sinh lao động 2015 (Luật ATVSLĐ 2015) thì:
Đối tượng được thực hiện giám định mức suy giảm khả năng lao động là người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:
- Sau khi bị thương tật, bệnh tật lần đầu đã được điều trị ổn định còn di chứng ảnh hưởng tới sức khỏe;
- Sau khi thương tật, bệnh tật tái phát đã được điều trị ổn định;
- Đối với trường hợp thương tật hoặc bệnh nghề nghiệp không có khả năng điều trị ổn định theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế thì người lao động được làm thủ tục giám định trước hoặc ngay trong quy trình điều trị.
Bên cạnh đó, người lao động được giám định tổng hợp mức suy giảm khả năng lao động khi thuộc một trong các trường hợp sau:
- Vừa bị tai nạn lao động, vừa bị bệnh nghề nghiệp;
- Bị tai nạn lao động nhiều lần;
- Bị nhiều bệnh nghề nghiệp.
Trợ cấp cho người lao động bị suy giảm khả năng lao động
Các loại trợ cấp được hưởng
Theo Điều 48, 49 và 52 Luật An toàn vệ sinh lao động 2015 thì tùy thuộc vào mức suy giảm khả năng lao động người lao động sẽ được hưởng các loại trợ cấp khác nhau, cụ thể như sau:
- Suy giảm khả năng lao động từ 5% đến 30% thì được hưởng trợ cấp một lần
- Suy giảm khả năng lao động từ 31% trở lên thì được hưởng trợ cấp hằng tháng.
- Suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên mà bị liệt cột sống hoặc mù hai mắt hoặc cụt, liệt hai chi hoặc bị bệnh tâm thần thì được hưởng trợ cấp phục vụ bằng mức lương cơ sở.
Như vậy, người lao động bị suy giảm khả năng lao động có thể được hưởng các loại trợ cấp sau đây: trợ cấp một lần, trợ cấp hằng tháng, trợ cấp phục vụ.
Các loại trợ cấp người lao động được hưởng
Mức trợ cấp cho lao động bị suy giảm khả năng lao động
Theo Điều 48 Luật An toàn vệ sinh lao động 2015 thì mức trợ cấp một lần được quy định như sau:
- Suy giảm 5% khả năng lao động thì được hưởng năm lần mức lương cơ sở, sau đó cứ suy giảm thêm 1% thì được hưởng thêm 0,5 lần mức lương cơ sở;
- Được hưởng thêm khoản trợ cấp tính theo số năm đã đóng vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, từ một năm trở xuống thì được tính bằng 0,5 tháng, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng vào quỹ được tính thêm 0,3 tháng tiền lương đóng vào quỹ của tháng liền kề trước tháng bị tai nạn lao động hoặc được xác định mắc bệnh nghề nghiệp; trường hợp bị tai nạn lao động ngay trong tháng đầu tham gia đóng vào quỹ hoặc có thời gian tham gia gián đoạn sau đó trở lại làm việc thì tiền lương làm căn cứ tính khoản trợ cấp này là tiền lương của chính tháng đó.
Theo Điều 49 Luật An toàn vệ sinh lao động 2015 thì mức trợ cấp hằng tháng được quy định như sau:
- Suy giảm 31% khả năng lao động thì được hưởng bằng 30% mức lương cơ sở, sau đó cứ suy giảm thêm 1% thì được hưởng thêm 2% mức lương cơ sở;
- Được hưởng thêm một khoản trợ cấp tính theo số năm đã đóng vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, từ một năm trở xuống được tính bằng 0,5%, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng vào quỹ được tính thêm 0,3% mức tiền lương đóng vào quỹ của tháng liền kề trước tháng bị tai nạn lao động hoặc được xác định mắc bệnh nghề nghiệp; trường hợp bị tai nạn lao động ngay trong tháng đầu tham gia đóng vào quỹ hoặc có thời gian tham gia gián đoạn sau đó trở lại làm việc thì tiền lương làm căn cứ tính khoản trợ cấp này là tiền lương của chính tháng đó.
Theo Điều 52 Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015 thì mức trợ cấp phục vụ được quy định như sau:
- Hưởng theo quy định tại Điều 49 của Luật này
- Được hưởng thêm trợ cấp phục vụ bằng mức lương cơ sở.
Thời điểm hưởng trợ cấp
Theo Điều 50 Luật An toàn vệ sinh lao động 2015 thì thời điểm hưởng trợ cấp được tính như sau:
- Từ tháng người lao động điều trị ổn định xong, ra viện
- Hoặc từ tháng có kết luận của Hội đồng giám định y khoa trong trường hợp không điều trị nội trú;
Đối với trường hợp giám định tổng hợp mức suy giảm khả năng lao thời điểm trợ cấp được tính như sau:
- Từ tháng người lao động điều trị xong, ra viện của lần điều trị đối với tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp sau cùng
- Hoặc từ tháng có kết luận giám định tổng hợp của Hội đồng giám định y khoa trong trường hợp không điều trị nội trú.
Trường hợp bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp mà sau đó không xác định được thời điểm điều trị ổn định xong, ra viện thì thời điểm hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp được tính từ tháng có kết luận của Hội đồng giám định y khoa;
Trường hợp bị nhiễm HIV/AIDS do tai nạn rủi ro nghề nghiệp thì thời điểm hưởng trợ cấp tính từ tháng người lao động được cấp Giấy chứng nhận bị nhiễm HIV/AIDS do tai nạn rủi ro nghề nghiệp.
Trường hợp người lao động được đi giám định mức suy giảm khả năng lao động sau khi bị thương tật, bệnh tật tái phát đã được điều trị ổn định (quy định tại điểm b khoản 1 Điều 47 Luật ATVSLĐ 2015) và giám định tổng hợp mức suy giảm khả năng lao động khi thuộc một trong các trường hợp: Vừa bị tai nạn lao động vừa bị bệnh nghề nghiệp; Bị tai nạn lao động nhiều lần; Bị nhiều bệnh nghề nghiệp (khoản 2 Điều 47 Luật ATVSLĐ 2015) thì thời điểm hưởng trợ cấp mới được tính từ tháng có kết luận của Hội đồng giám định y khoa.
Thời điểm được hưởng trợ cấp
>>> Xem thêm: Mức bồi thường bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp
Luật sư tư vấn về các mức trợ cấp khi bị suy giảm khả năng lao động
- Tư vấn về mức trợ cấp khi bị suy giảm khả năng lao động
- Tư vấn về giám định mức suy giảm khả năng lao động
- Tư vấn về hồ sơ hưởng chế độ trợ cấp tai nạn lao động
- Tư vấn về trình tự, thủ tục hưởng chế độ tai nạn lao động, nghề nghiệp
Chế độ trợ cấp khi bị suy giảm khả năng lao động là chính sách an sinh xã hội hữu ích nhằm giúp đỡ người lao động vượt qua khó khăn, đảm bảo mức sống và nâng cao đời sống của họ. Trên đây là quy định về mức trợ cấp khi bị suy giảm khả năng lao động đối với người lao động. Bạn đọc có thắc mắc cần Luật sư lao động tư vấn vui lòng liên hệ qua Hotline: 1900.63.63.87 để được lắng nghe và giải đáp thắc mắc. Xin cảm ơn.