Luật Hành Chính

Thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo trong Tòa án Nhân dân

Thẩm quyền giải quyết khiếu nại và tố cáo trong Tòa án Nhân dân là việc Tòa án có thẩm quyền tiếp nhận, xem xét, đánh giá và giải quyết các khiếu nại, tố cáo. Điều này hướng đến mục tiêu bảo vệ quyền và lợi ích của công dân cũng như đảm bảo việc tuân thủ pháp luật trong hoạt động tư pháp. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp đến quý độc giả một số thông tin về thẩm quyền khiếu nại, tố cáo trong Tòa án Nhân dân.

Thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo

Thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo

Ai có quyền khiếu nại, tố cáo?

Căn cứ theo khoản 1 Điều 2 Luật Khiếu nại 2011, khoản 1 Điều 2 Luật Tố cáo 2018, quyền khiếu nại, tố cáo được quy định như sau:

  • Khiếu nại là việc công dân, cơ quan, tổ chức hoặc cán bộ, công chức theo thủ tục do Luật Khiếu nại quy định, đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xem xét lại quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan hành chính nhà nước, của người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước hoặc quyết định kỷ luật cán bộ, công chức khi có căn cứ cho rằng quyết định hoặc hành vi đó là trái pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của mình.
  • Tố cáo là việc cá nhân theo thủ tục quy định của Luật Tố cáo 2018 báo cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền biết về hành vi vi phạm pháp luật của bất kỳ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân, bao gồm Tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ và Tố cáo hành vi vi phạm pháp luật về quản lý nhà nước trong các lĩnh vực.

Như vậy, quyền khiếu nại sẽ thuộc về công dân, cơ quan, tổ chức, cán bộ, công chức. Còn quyền tố cáo sẽ thuộc về cá nhân.

Chủ thể có thẩm quyền giải quyết khiếu nại tố cáo trong Tòa án nhân dân

Thẩm quyền giải quyết khiếu nại

Thẩm quyền giải quyết khiếu nại trong Tòa án nhân dân sẽ thuộc về Chánh án Tòa án nhân dân.

Cụ thể, căn cứ Điều 6 Thông tư 01/2020/TT-TANDTC ngày 18/6/2020 của Tòa án nhân dân tối cao, thẩm quyền giải quyết khiếu nại được quy định như sau:

  1. Chánh án Tòa án nhân dân cấp huyện giải quyết khiếu nại lần đầu đối với các khiếu nại quyết định, hành vi của mình, của công chức và người lao động thuộc quyền quản lý của Chánh án Tòa án nhân dân cấp huyện.
  2. Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh giải quyết đối với các khiếu nại sau:
  • Giải quyết khiếu nại lần đầu đối với các khiếu nại quyết định, hành vi của mình, của công chức, người lao động thuộc quyền quản lý của Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh;
  • Giải quyết khiếu nại lần hai đối với khiếu nại quyết định, hành vi của Chánh án Tòa án nhân dân cấp huyện, của công chức, người lao động thuộc quyền quản lý của Chánh án Tòa án nhân dân cấp huyện đã giải quyết lần đầu nhưng còn khiếu nại hoặc khiếu nại lần đầu đã hết thời hạn nhưng chưa được giải quyết.
  1. Chánh án Tòa án nhân dân cấp cao giải quyết khiếu nại lần đầu đối với các khiếu nại quyết định, hành vi của mình, của công chức và người lao động thuộc quyền quản lý của Chánh án Tòa án nhân dân cấp cao.
  2. Chánh án Tòa án nhân dân tối cao giải quyết các khiếu nại sau:
  • Giải quyết khiếu nại lần đầu đối với các khiếu nại quyết định, hành vi của mình, của công chức, viên chức và người lao động thuộc quyền quản lý của Chánh Tòa án nhân dân tối cao;
  • Giải quyết khiếu nại lần hai đối với khiếu nại quyết định, hành vi của Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Chánh án Tòa án nhân dân cấp cao, của công chức và người lao động thuộc thẩm quyền quản lý của Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Chánh án Tòa án nhân dân cấp cao đã giải quyết lần đầu nhưng còn khiếu nại hoặc khiếu nại lần đầu đã hết thời hạn nhưng chưa được giải quyết.

Như vậy, thẩm quyền giải quyết khiếu nại trong Tòa án nhân dân sẽ thuộc về Chánh án Tòa án nhân dân.

Thẩm quyền giải quyết tố cáo

Căn cứ theo Điều 22 Thông tư 01/2020/TT-TANDTC ngày 18/6/2020 của Tòa án nhân dân tối cao, Điều 14, Điều 21 Luật Tố cáo 2018, thẩm quyền giải quyết tố cáo trong Tòa án nhân dân được quy định như sau:

  1. Chánh án Tòa án nhân dân cấp huyện có thẩm quyền giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện công vụ của công chức do mình quản lý trực tiếp.
  2. Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền sau đây:
  • Giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện công vụ của Chánh án, Phó Chánh án Tòa án nhân dân cấp huyện, công chức khác do mình quản lý trực tiếp;
  • Giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện công vụ của Tòa án nhân dân cấp huyện.
  1. Chánh án Tòa án nhân dân cấp cao có thẩm quyền giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện công vụ của công chức do mình quản lý trực tiếp.
  2. Chánh án Tòa án nhân dân tối cao có thẩm quyền sau đây:
  • Giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện công vụ của Chánh án, Phó Chánh án Tòa án nhân dân cấp cao; Chánh án, Phó Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh; việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của công chức, viên chức khác do mình quản lý trực tiếp;
  • Giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của cơ quan, tổ chức do mình quản lý trực tiếp, của Tòa án nhân dân cấp cao, Tòa án nhân dân cấp tỉnh.
  1. Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị quản lý trực tiếp người được giao thực hiện nhiệm vụ, công vụ mà không phải là cán bộ, công chức, viên chức có thẩm quyền giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật của người đó trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ.
  2. Trường hợp công chức hoặc người lao động được biệt phái thì thẩm quyền được xác định như sau:
  • Trường hợp tố cáo về hành vi vi phạm pháp luật khi thực hiện nhiệm vụ, công vụ trong thời gian công tác trước khi biệt phái thì Chánh án Tòa án nhân dân quản lý trực tiếp tại thời điểm có hành vi vi phạm pháp luật giải quyết, Chánh án Tòa án nhân dân nơi công chức hoặc người lao động được biệt phái đến có trách nhiệm phối hợp giải quyết;
  • Trường hợp tố cáo về hành vi vi phạm pháp luật trong thời gian công tác tại Tòa án nhân dân nơi công chức hoặc người lao động được biệt phái đến thì Chánh án Tòa án nhân dân nơi công chức hoặc người lao động đang công tác giải quyết.
  1. Đối với công chức hoặc người lao động đã chuyển công tác, sau đó mới xác định có hành vi vi phạm tại cơ quan, đơn vị đã công tác thì Chánh án Tòa án nhân dân quản lý trực tiếp công chức hoặc người lao động tại thời điểm có hành vi vi phạm pháp luật giải quyết, Chánh án Tòa án nhân dân nơi công chức hoặc người lao động đang công tác có trách nhiệm phối hợp giải quyết.

Như vậy, Chánh án Tòa án nhân dân sẽ có thẩm quyền giải quyết tố cáo trong Tòa án nhân dân.

Chủ thể giải quyết khiếu nại, tố cáo

Chủ thể giải quyết khiếu nại, tố cáo

Thủ tục giải quyết khiếu nại tố cáo trong Tòa án nhân dân

Thủ tục giải quyết khiếu nại

Căn cứ theo mục 2 Chương II của Thông tư 01/2020/TT-TANDTC ngày 18/6/2020 của Tòa án nhân dân tối cao, trình tự, thủ tục giải quyết khiếu nại được thực hiện theo các bước như sau:

Bước 1: Tiếp nhận đơn khiếu nại.

  • Người khiếu nại gửi đơn khiếu nại hoặc trình bày trực tiếp tại địa điểm tiếp công dân của các Tòa án nhân dân, qua đường bưu chính.
  • Khiếu nại được tiếp nhận từ các nguồn: Do cơ quan, tổ chức, cá nhân là người khiếu nại; Cơ quan Đảng, Nhà nước, đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các thành viên của Mặt trận, các cơ quan báo chí và các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác chuyển đến;

Bước 2: Phân loại và xử lý khiếu nại

  1. Đối với khiếu nại thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân:
  • Người xử lý đề xuất thủ trưởng cơ quan, đơn vị thụ lý để giải quyết theo quy định của pháp luật.
  • Đối với khiếu nại thuộc thẩm quyền giải quyết nhưng không đủ điều kiện thụ lý giải quyết thì trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được khiếu nại, người xử lý đề xuất người có thẩm quyền ra thông báo trả lời hoặc hướng dẫn cho người khiếu nại biết rõ lý do không được thụ lý giải quyết hoặc bổ sung những thủ tục cần thiết để thực hiện việc khiếu nại;
  • Đối với khiếu nại thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân khác, trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được khiếu nại, người xử lý đề xuất người có thẩm quyền chuyển khiếu nại đến Tòa án nhân dân có thẩm quyền để giải quyết theo quy định và thông báo cho người khiếu nại biết
  1. Đối với khiếu nại không thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân:
  • Khiếu nại không thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án thì trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được khiếu nại, người xử lý đề xuất người có thẩm quyền ra thông báo trả lại khiếu nại và hướng dẫn người khiếu nại gửi đơn khiếu nại hoặc đến trình bày trực tiếp với cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền giải quyết.
  • Khiếu nại do đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các thành viên của Mặt trận, các cơ quan báo chí hoặc các cơ quan, tổ chức khác theo quy định của pháp luật chuyển đến nhưng không thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án thì trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được khiếu nại, người xử lý đề xuất người có thẩm quyền ban hành công văn trả lại khiếu nại, nêu rõ lý do trả lại khiếu nại cho cơ quan, tổ chức, cá nhân chuyển khiếu nại đến
  1. Đối với khiếu nại quyết định giải quyết khiếu nại của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật nhưng có dấu hiệu vi phạm pháp luật hoặc có tình tiết mới làm thay đổi nội dung vụ việc khiếu nại thì trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được khiếu nại, người xử lý khiếu nại phải báo cáo, đề xuất thủ trưởng cơ quan, đơn vị xem xét, giải quyết theo thẩm quyền hoặc báo cáo cơ quan, tổ chức, đơn vị của người có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Bước 3: Thụ lý khiếu nại

  1. Tòa án, người có thẩm quyền thụ lý khiếu nại để giải quyết nếu đáp ứng các điều kiện sau:
  • Nội dung khiếu nại theo khoản 1 Điều 4 Thông tư 01/2020/TT-TANDTC, việc khiếu nại được thực hiện bằng đơn khiếu nại hoặc khiếu nại trực tiếp.
  • Khiếu nại trong thời hiệu theo quy định của Luật Khiếu nại hoặc quy định khác của pháp luật có liên quan.
  • Khiếu nại thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân
  • Người khiếu nại phải có năng lực hành vi dân sự đầy đủ theo quy định của pháp luật.
  • Khiếu nại chưa có quyết định giải quyết có hiệu lực pháp luật hoặc chưa có đơn rút khiếu nại của người khiếu nại.
  1. Sau khi thụ lý khiếu nại, người giải quyết khiếu nại yêu cầu người khiếu nại, người bị khiếu nại cung cấp thông tin, tài liệu, chứng cứ liên quan đến nội dung khiếu nại.
  2. Qua nghiên cứu nội dung khiếu nại và tài liệu, chứng cứ, người giải quyết khiếu nại xử lý như sau:
  • Nếu thấy quyết định hành chính, hành vi hành chính là đúng quy định của pháp luật thì người giải quyết khiếu nại ra quyết định giải quyết khiếu nại ngay.
  • Trường hợp chưa đủ căn cứ cho việc giải quyết khiếu nại thì tiến hành xác minh nội dung khiếu nại.

Bước 4: Xác minh nội dung khiếu nại:

  • Người giải quyết khiếu nại hoặc giao đơn vị thanh tra cùng cấp, cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm xác minh nội dung khiếu nại. Nếu cần, có thể thành lập Đoàn xác minh hoặc Tổ xác minh, do Tổ trưởng Tổ xác minh hoặc Trưởng đoàn xác minh chịu trách nhiệm.
  • Trong trường hợp cần thiết, người giải quyết khiếu nại hoặc người có trách nhiệm xác minh thực hiện tổ chức buổi công bố quyết định xác minh nội dung khiếu nại. Việc công bố quyết định xác minh nội dung khiếu nại được lập thành biên bản.
  • Người có trách nhiệm xác minh hoặc Tổ trưởng Tổ xác minh thực hiện các biện pháp để thu thập thông tin, tài liệu, làm rõ nội dung khiếu nại và báo cáo kết quả xác minh nội dung khiếu nại bằng văn bản với người giải quyết khiếu nại hoặc người ban hành quyết định thành lập Tổ xác minh

Bước 5: Tổ chức đối thoại.

  • Trong quá trình giải quyết khiếu nại, nếu yêu cầu của người khiếu nại và kết quả xác minh nội dung khiếu nại còn khác nhau thì người giải quyết khiếu nại tổ chức đối thoại. Việc tổ chức đối thoại được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật khiếu nại.
  • Việc đối thoại được lập thành biên bản. Biên bản đối thoại phải được lưu vào hồ sơ vụ việc khiếu nại, là một trong các căn cứ giải quyết khiếu nại

Bước 6: Ra quyết định giải quyết khiếu nại.

  • Căn cứ quy định của pháp luật, báo cáo kết quả xác minh nội dung khiếu nại đã được phê duyệt, người được phân công xác minh hoặc Tổ trưởng Tổ xác minh dự thảo Quyết định giải quyết khiếu nại trình người có thẩm quyền ký, ban hành quyết định giải quyết khiếu nại.
  • Quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực pháp luật sau 30 ngày kể từ ngày ban hành mà người khiếu nại không khiếu nại tiếp theo; đối với vùng sâu, vùng xa đi lại khó khăn thì thời hạn có thể kéo dài hơn nhưng không quá 45 ngày.
  • Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày có quyết định giải quyết khiếu nại, Quyết định giải quyết khiếu nại được gửi cho người khiếu nại, thủ trưởng cấp trên trực tiếp của người giải quyết khiếu nại hoặc người có quyền, nghĩa vụ liên quan, cơ quan, tổ chức, cá nhân đã chuyển khiếu nại đến và gửi đến Ban Thanh tra Tòa án nhân dân tối cao để theo dõi.

Bước 7: Khiếu nại lần hai

Quy định về khiếu nại lần hai được thực hiện theo quy định tại Điều 36, 37, 38, 39, 40, 41, 42 và Điều 43 của Luật Khiếu nại và các quy định về giải quyết khiếu nại lần đầu đã nêu ở trên theo mục 2 Chương II của Thông tư 01/2020/TT-TANDTC.

Cơ sở pháp lý: Từ Điều 8 đến Điều 21 Thông tư 01/2020/TT-TANDTC.

Như vậy, việc giải quyết khiếu nại trong Tòa án nhân dân được thực hiện theo thủ tục như trên.

>>>Xem thêm: Quy trình xử lý đơn khiếu nại, tố cáo

Thủ tục giải quyết tố cáo

Căn cứ theo mục 3 Chương III Thông tư 01/2020/TT-TANDTC quy định về thủ tục giải quyết tố cáo được chia thành 4 bước như sau:

Bước 1: Tiếp nhận đơn tố cáo.

  • Người tố cáo gửi đơn tố cáo hoặc trình bày trực tiếp nội dung tố cáo tại địa điểm tiếp công dân của các Tòa án nhân dân.
  • Chánh án Tòa án nhân dân các cấp có trách nhiệm tiếp nhận hoặc phân công cơ quan, tổ chức, cá nhân thuộc quyền quản lý tiếp nhận tố cáo; bố trí địa điểm và cán bộ tiếp công dân để tiếp nhận tố cáo

Bước 2: Phân loại và xử lý tố cáo

  • Sau khi nhận được tố cáo, cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm vào sổ, phân loại, xử lý tố cáo.
  • Trường hợp đủ điều kiện thụ lý thì ra quyết định thụ lý tố cáo; trường hợp không đủ điều kiện thụ lý thì không thụ lý tố cáo và thông báo ngay cho người tố cáo biết lý do không thụ lý tố cáo.
  • Trường hợp tố cáo không thuộc thẩm quyền giải quyết của mình thì trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đơn tố cáo, phải chuyển đến cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết và thông báo cho người tố cáo.
  • Trường hợp tố cáo có nội dung tố cáo người giữ chức danh tư pháp có hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động tố tụng thì bộ phận tiếp nhận, xử lý tố cáo báo cáo, đề xuất người có thẩm quyền xem xét, giải quyết theo quy định của pháp luật tố tụng hoặc chuyển cho cơ quan, tổ chức, cá nhân khác xem xét, giải quyết theo thẩm quyền.

Bước 3: Thụ lý tố cáo

  1. Người giải quyết tố cáo thụ lý khi tố cáo đáp ứng các điều kiện như quy định khoản 1 Điều 29 của Luật Tố cáo và Điều 24 của Thông tư 01/2020/TT-TANDTC:
  • Tố cáo được thực hiện theo quy định tại Điều 23 của Luật Tố cáo 2018;
  • Người tố cáo có đủ năng lực hành vi dân sự; trường hợp không có đủ năng lực hành vi dân sự thì phải có người đại diện theo quy định của pháp luật;
  • Vụ việc thuộc thẩm quyền giải quyết tố cáo của cơ quan, tổ chức, cá nhân tiếp nhận tố cáo;
  • Nội dung tố cáo có cơ sở để xác định người vi phạm, hành vi vi phạm pháp luật.
  1. Sau khi thụ lý tố cáo, người giải quyết tố cáo yêu cầu người tố cáo, người bị tố cáo cung cấp văn bản giải trình (đối với người bị tố cáo), thông tin, tài liệu, chứng cứ liên quan đến nội dung tố cáo.
  2. Qua nghiên cứu nội dung khiếu nại và tài liệu, chứng cứ, người giải quyết tố cáo xử lý như sau:
  • Nếu thấy hành vi bị tố cáo không vi phạm pháp luật, người giải quyết tố cáo ban hành ngay kết luận nội dung tố cáo
  • Nếu chưa đủ căn cứ cho việc giải quyết thì tiến hành xác minh làm rõ nội dung tố cáo

Bước 4: Xác minh nội dung tố cáo

  • Người giải quyết tố cáo hoặc cơ quan thanh tra tiến hành xác minh nội dung tố cáo hoặc có thể giao cho cơ quan khác thực hiện, và quy trình xác minh cần tuân theo văn bản giao xác minh và tiến hành lập kế hoạch xác minh nội dung tố cáo.
  • Người giải quyết tố cáo hoặc Tổ trưởng Tổ xác minh thực hiện các biện pháp để thu thập thông tin, tài liệu, làm rõ nội dung tố cáo và báo cáo kết quả xác minh nội dung tố cáo bằng văn bản với người ban hành quyết định thành lập Tổ xác minh.
  • Ra thông báo dự thảo kết luận nội dung tố cáo.

Bước 5: Kết luận nội dung tố cáo

  • Dựa trên nội dung tố cáo, giải trình của người bị tố cáo và kết quả xác minh, người giải quyết tố cáo ban hành kết luận nội dung tố cáo.
  • Kết luận phải nêu rõ kết quả xác minh, căn cứ pháp luật, và xác định đúng, sai sự thật của nội dung tố cáo.

Bước 6: Xử lý kết luận nội dung tố cáo của người giải quyết tố cáo và công khai kết luận nội dung tố cáo, quyết định xử lý hành vi vi phạm tố cáo

  • Trong 07 ngày làm việc kể từ ngày ban hành kết luận nội dung tố cáo, người giải quyết tố cáo xử lý theo kết luận nội dung tố cáo.
  • Nếu người bị tố cáo không vi phạm, quyền và lợi ích của họ được khôi phục. Ngược lại, áp dụng biện pháp xử lý hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý.
  • Trong trường hợp vi phạm có dấu hiệu tội phạm, hồ sơ vụ việc chuyển đến cơ quan điều tra hoặc Viện kiểm sát nhân dân.
  • Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày ra kết luận nội dung tố cáo, quyết định xử lý hành vi vi phạm bị tố cáo, người giải quyết tố cáo có trách nhiệm thực hiện việc công khai kết luận nội dung tố cáo, người có thẩm quyền xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính có trách nhiệm công khai quyết định xử lý hành vi vi phạm bị tố cáo

Cơ sở pháp lý: Từ Điều 24 đến Điều 35 Thông tư 01/2020/TT-TANDTC, Điều 24, Điều 29, Điều 36, Điều 40 Luật Tố cáo.

Như vậy, việc giải quyết tố cáo trong Tòa án nhân dân được thực hiện theo thủ tục như trên.

>>>Xem thêm: Quy trình giải quyết tố cáo

Luật sư tư vấn về thủ tục khiếu nại, tố cáo trong Tòa án nhân dân

Luật sư của Chuyên Tư Vấn Luật cung cấp đến quý khách hàng dịch vụ tư vấn về thủ tục khiếu nại, tố cáo trong Tòa án nhân dân với nội  dung như sau:

  • Tư vấn các quy định về quyền khiếu nại, tố cáo; thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo trong Tòa án nhân dân.
  • Tư vấn chuẩn bị hồ sơ khiếu nại, tố cáo; các thủ tục khiếu nại, tố cáo trong Tòa án nhân dân
  • Hỗ trợ soạn thảo các đơn từ pháp lý liên quan đến khiếu nại, tố cáo trong Tòa án nhân dân;
  • Đại diện khách hàng giải quyết các vấn đề liên quan đến khiếu nại, tố cáo trong Tòa án nhân dân;
  • Hỗ trợ khách hàng thực hiện những thủ tục khiếu nại, tố cáo trong Tòa án nhân dân;
  • Tư vấn các vấn đề pháp lý khác có liên quan theo yêu cầu của khách hàng.

Tư vấn về thủ tục khiếu nại, tố cáo trong Tòa án nhân dân

Tư vấn về thủ tục khiếu nại, tố cáo trong Tòa án nhân dân

Khi cá nhân tổ chức có quyền lợi bị xâm phạm do hành vi hoặc quyết định của chủ thể trong Tòa án thì có quyền khiếu nại hoặc tố cáo. Việc khiếu nại, tố cáo phải được thực hiện theo trình tự thủ tục luật định. Nếu quý độc giả có thắc mắc về nội dung bài viết hoặc muốn sử dụng dịch vụ luật sư tư vấn về khiếu nại, tố cáo trong Tòa án của chúng tôi, quý khách hàng vui lòng liên hệ hotline: 1900.63.63.87 để được Luật sư hành chính hỗ trợ.

5 (16 bình chọn)

Bài viết được Tham vấn bởi Luật sư: Võ Tấn Lộc - Tác giả: Vũ Thị Hải Yến
Tham vấn bởi Luật sư: Võ Tấn Lộc - Tác giả: Vũ Thị Hải Yến

Tác giả: Chuyên Viên Pháp Lý - Vũ Thị Hải Yến

Lĩnh vực tư vấn: hành chính, dân sự, đất đai, di chúc, thừa kế.

Trình độ đào tạo: Trường Đại học Luật

Số năm kinh nghiệm thực tế: 2 năm

Tổng số bài viết: 899 bài viết