Luật Sở Hữu Trí Tuệ

Giới hạn giá trị bồi thường khi doanh nghiệp bị xâm hại uy tín thương hiệu

Hiện nay, thiệt hại khi doanh nghiệp bị xâm hại uy tín thương hiệu là một tổn thất vô cùng lớn và nặng nề. Tuy nhiên, việc yêu cầu bồi thường thiệt hại theo quy định pháp luật lại gây ra nhiều tranh cãi, hạn chế. Các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong việc chứng minh thiệt hại và giá trị bồi thường nhận được không đủ để bù đắp những tổn thất thực tế. Bài viết sau đây, Chuyên tư vấn luật sẽ phân tích và đánh giá rõ hơn cho quý độc giả về Giới hạn giá trị bồi thường khi doanh nghiệp bị xâm hại về uy tín thương hiệu theo quy định pháp luật hiện hành.

doanh-nghiep-bi-xam-hai-uy-tin-thuong-hieu

Giới hạn giá trị bồi thường khi doanh nghiệp bị xâm hại uy tín thương hiệu

Quy định pháp luật khi uy tín thương hiệu bị xâm hại

Theo Khoản 1, Điều 584 Bộ luật Dân sự 2015 quy định: “Người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường”

Khi đó, để yêu cầu bồi thường khi Doanh nghiệp bị xâm hại uy tín thương hiệu cần phải chứng minh các yếu tố sau:

  • Thứ nhất, có thiệt hại thực tế xảy ra;
  • Thứ hai, hành vi gây thiệt hại là hành vi tráipháp luật;
  • Thứ ba, có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi trái pháp luật và thiệt hại thực tếxảy ra;
  • Thứ tư, người gây thiệt hại có lỗi “cố ý” hoặc “vô ý”.

Bên cạnh đó, việc yêu cầu bồi thường thiệt hại còn được quy định cụ thể tại Luật Cạnh tranh 2018 như sau:

Khoản 3 Điều 45 Luật Cạnh tranh 2018 quy định rằng hành vi cung cấp thông tin không trung thực về doanh nghiệp khác bằng cách trực tiếp hoặc gián tiếp đưa thông tin không trung thực về doanh nghiệp gây ảnh hưởng xấu đến uy tín, tình trạng tài chính hoặc hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp đó là hành vi cạnh tranh không lành mạnh bị cấm.

Khi đó, theo Điều 110 Luật Cạnh tranh 2018 quy định nếu Tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật về cạnh tranh gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác thì phải bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.

Ngoài ra, tổ chức, cá nhân có hành vi cạnh tranh không lành mạnh có thể bị xử phạt hành chính theo quy định tại mục 4, Nghị định 75/2019/NĐ-CP, gồm các hành vi:

  • Điều 16. Hành vi xâm phạm thông tin bí mật trong kinh doanh
  • Điều 17. Hành vi ép buộc trong kinh doanh
  • Điều 18. Cung cấp thông tin không trung thực về doanh nghiệp khác
  • Điều 19. Hành vi gây rối hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp khác
  • Điều 20. Hành vi lôi kéo khách hàng bất chính

Từ các quy định trên, có thể thấy khi Tổ chức hay cá nhân nào có hành vi cạnh tranh không lành mạnh bị cấm xâm phạm đến đến uy tín thương hiệu của một doanh nghiệp gây ra thiệt hại thì phải bồi thường và bị xử phạt hành chính theo quy định của Luật Cạnh tranh 2018.

Bên cạnh trách nhiệm bồi thường thiệt hại của Tổ chức, cá nhân do thực hiện hành vi vi phạm pháp luật cạnh tranh, Khoản 1 Điều 113 Luật Cạnh tranh 2018 còn có quy định trong quá trình thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh, nếu cơ quan nhà nước vi phạm các điều cấm tại Khoản 1 Điều 8 của Luật Cạnh tranh 2018 mà xâm hại đến uy tín thương hiệu doanh nghiệp thì doanh nghiệp bị thiệt hại có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại.

Hạn chế giới hạn bồi thường và điểm bất cập trong quy định pháp luật

Bồi thường thiệt hại do nhà nước gây ra

Điều 17 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước 2017 quy định về phạm vi trách nhiệm bồi thường của nhà nước trong hoạt động quản lý hành chính chỉ xác định 14 trường hợp mà nhà nước có trách nhiệm phải bồi thường, trong đó không có trường hợp nào là hành vi bị cấm được mô tả tại khoản 1 Điều 8 Luật cạnh tranh 2018.

Điều này dẫn đến sự mâu thuẩn giữa Luật Cạnh tranh 2018 và Luật Trách nhiệm bồi thường của Nước 2017 và gây khó khăn trong việc yêu cầu bồi thường thiệt hại do nhà nước xâm phạm đến uy tín thương hiệu của doanh nghiệp.

Đối với chứng minh thiệt hại

Theo Điều 589 – 593 Bộ luật Dân sự 2015 thiệt hại bao gồm các loại sau: Thiệt hại do tài sản bị xâm phạm, Thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm, Thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm, Thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm.

Trong đó, thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm được xác định là: Chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại; Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút; Thiệt hại khác do luật quy định.

Theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành thì khái niệm “thương hiệu” vẫn chưa được luật hóa. “Thương hiệu” mới chỉ dừng lại ở góc độ nghiên cứu khoa học pháp lý. Đối với uy tín và thương hiệu của Doanh nghiệp bị thiệt hại là giá trị vô hình như các cơ hội kinh doanh bị bỏ lỡ; các khoản lợi nhuận và thu nhập bị mất hoặc giảm sút; các khoản lỗ phải gánh chịu; các chi phí phát sinh…

Vì thế, các doanh nghiệp sẽ rất khó khăn trong việc chứng minh thiệt hại khi bị xâm hại uy tín thương hiệu vì không được quy định cụ thể và rõ ràng trong Bộ luật Dân sự 2015.

Đối với giới hạn mức bồi thường thiệt hại

Đối với mức bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, theo Khoản 1 Điều 585 Bộ luật Dân sự 2015 quy định “Thiệt hại thực tế phải được bồi thường toàn bộ và kịp thời.” Bồi thường toàn bộ được hiểu là thiệt hại xảy ra bao nhiêu thì phải được bồi thường bấy nhiêu. Đây là nguyên tắc được áp dụng trong hầu hết các vụ việc liên quan đến bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng.

Tuy nhiên, nguyên tắc bồi thường toàn bộ hầu như chỉ áp dụng được với trường hợp thiệt hại do tài sản bị xâm phạm bởi vì giá trị của tài sản bị xâm phạm đều có thể được xác định cụ thể bằng các đơn vị đo lường. Tuy nhiên, đối với các thiệt hại do bị xâm hại uy tín thương hiệu thì khó có thể đo lường được.

Ngoài ra, theo khoản 2 Điều 592 Bộ luật Dân sự 2015, mức giới hạn giá trị bồi thường tổn thất về tinh thần trong trường hợp các bên không thỏa thuận được là không quá mười lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định. Điều này là không phù hợp trong trường hợp uy tín của doanh nghiệp bị mất, bị hủy hoại, giảm sút.

Bởi vì khi doanh nghiệp bị mất uy tín thương hiệu, hoạt động kinh doanh sẽ làm mất đi năng lực cạnh tranh, vị thế của doanh nghiệp trên thị trường và kèm theo đó có thể là những khoản lợi nhuận khổng lồ bị mất hay những khoản lỗ lớn mà doanh nghiệp phải gánh chịu. Thậm chí trường hợp tệ nhất có thể dẫn đến Doanh nghiệp bị phá sản.

Những thiệt hại này so với mức giới hạn bồi thường thiệt hại theo quy định pháp luật là rất lớn. Vì thế, dù có thể thắng kiện và được bồi thường thiệt hại thì doanh nghiệp cũng không thể bù đắp được những thiệt hại mình phải gánh chịu.

Giới hạn giá trị bồi thường xâm hại uy tín thương hiệu

Hạn chế giới hạn bồi thường và điểm bất cập

>>>Xem thêm: Doanh nghiệp xã hội có được kêu gọi quyên góp từ thiện?

Đề xuất kiến nghị thay đổi quy định

Bồi thường thiệt hại do nhà nước gây ra

Điều 17 Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước 2017 cần được sửa đổi theo hướng quy định mở rộng hơn về các trường hợp, hành vi làm phát sinh trách nhiệm bồi thường của Nhà nước. Cụ thể là cần có thêm “các trường hợp khác mà pháp luật quy định”. Quy định bổ sung này sẽ giúp cho quy định tại Khoản 1 Điều 113 Luật Cạnh tranh 2018 được áp dụng một cách hiệu quả.

Đối với chứng minh thiệt hại

Theo các quy định của Bộ luật Dân sự 2015 về việc xác định thiệt hại, Hội đồng thẩm phán Tòa tối cao nên có hướng dẫn riêng, chi tiết về “Thiệt hại do bị xâm hại uy tín thương hiệu” được xác định như thế nào để làm cơ sở giải quyết loại yêu cầu bồi thường này trong thực tế.

Để bảo vệ doanh nghiệp tránh phải gánh chịu những thiệt hại nghiêm trọng, khuyến khích việc khiếu nại, khởi kiện, đồng thời tăng tính răn đe đối với các hành vi xâm hại uy tín thương hiệu của doanh nghiệp, mức bồi thường thiệt hại không nên áp dụng quy định như trong Bộ luật Dân sự 2015.

Tham khảo kinh nghiệm tại Hoa Kỳ cho thấy, để khuyến khích việc khởi kiện và tăng tính răn đe đối với hành vi vi phạm trên, Điều 4 Đạo luật Clayton đưa ra mức bồi thường có thể gấp ba lần thiệt hại thực tế cùng toàn bộ phí tổn cho việc theo đuổi vụ kiện, bao gồm cả chi phí hợp lý để thuê luật sư.

Tại Đài Loan, Điều 31 Luật Thương mại lành mạnh 2015 tòa án có thể ra phán quyết buộc bồi thường lớn hơn mức tổn thất thực tế, miễn là mức ấy không vượt quá ba lần thiệt hại thực tế được chứng minh.

Do đó, Việt Nam có thể tham khảo những quy định pháp luật của Hoa Kỳ và Đài Loan và các quốc gia khác trong việc xây dựng quy định riêng về mức bồi thường thiệt hại do hành vi xâm hại uy tín thương hiệu doanh nghiệp để tăng tính răn đe đối với hành vi xâm phạm uy tín thương hiệu doanh nghiệp và giúp các doanh nghiệp tránh khỏi việc gánh chịu thiệt hại lớn.

Hạn chế giới hạn bồi thường

Đề xuất kiến nghị thay đổi quy định

Trên đây là nội dung tư vấn của chúng tôi về Giới hạn giá trị bồi thường khi doanh nghiệp bị xâm hại uy tín thương hiệu. Nếu quý đọc giả còn thắc mắc nào liên quan đến vấn đề này hoặc có nhu cầu cần hỗ trợ TƯ VẤN LUẬT DOANH NGHIỆP, vui lòng liên hệ với chúng tôi qua HOTLINE: 1900.63.63.87. Luật sư của Chuyên tư vấn luật hy vọng có thể giúp đỡ được nhiều người với nhiều nhu cầu dịch vụ pháp lý khác nhau. Xin cảm ơn!

4.6 (18 bình chọn)

Bài viết được Trương Quốc Dũng - Luật sư kiểm duyệt: Trần Tiến Lực
Trương Quốc Dũng - Luật sư kiểm duyệt: Trần Tiến Lực

Tác giả: Chuyên Viên Pháp Lý

Lĩnh vực tư vấn: Hợp Đồng, Xây Dựng, Sở Hữu Trí Tuệ, Doanh Nghiệp

Trình độ đào tạo: Đại Học Luật

Số năm kinh nghiệm thực tế: 3

Tổng số bài viết: 727 bài viết