Luật Doanh Nghiệp

Doanh nghiệp xã hội có được kêu gọi quyên góp từ thiện?

Hiện nay, vấn đề về kêu gọi quyên góp từ thiện đang được người dân quan tâm gần đây. Bên cạnh những tranh cãi trong dư luận xã hội đối với các cá nhân làm từ thiện, thì thắc mắc về Doanh nghiệp xã hội có được kêu gọi quyên góp từ thiện hay không cũng đang được mọi người chú ý. Bài viết sau đây, Chuyên tư vấn luật sẽ phân tích những quy định pháp luật hiện hành để giải đáp thắc mắc cho quý độc giả liên quan đến vấn đề này.

Doanh nghiệp xã hội có được kêu gọi quyên góp từ thiện?

Doanh nghiệp xã hội có được kêu gọi quyên góp từ thiện?

>>> Xem thêm: Một số vấn đề pháp lý liên quan đến Doanh nghiệp xã hội và công tác từ thiện

Địa vị pháp lý của doanh nghiệp xã hội

Doanh nghiệp xã hội là những doanh nghiệp hoạt động không vì mục tiêu tối đa hoá lợi nhuận. Nó được thành lập với mục tiêu là để giải quyết một vấn đề xã hội nào đó mà doanh nghiệp đó theo đuổi, phần lớn lợi nhuận thu được dùng để phục vụ mục tiêu xã hội. Có thể hiểu, doanh nghiệp xã hội cũng vẫn là mô hình kinh doanh, sinh lợi, cũng như các loại hình doanh nghiệp truyền thống khác nhưng nó có đặc điểm khác biệt để nhận biết đó là đặt sứ mệnh xã hội ở vị trí trung tâm, trong đó mục tiêu lợi nhuận đóng vai trò hỗ trợ.…

Theo khoản 1 Điều 10 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định Doanh nghiệp xã hội là doanh nghiệp được đăng ký thành lập theo quy định của Luật Doanh nghiệp 2020 với mục tiêu hoạt động nhằm giải quyết vấn đề xã hội, môi trường vì lợi ích cộng đồng và sử dụng ít nhất 51% tổng lợi nhuận sau thuế hằng năm của doanh nghiệp để tái đầu tư nhằm thực hiện mục tiêu đã đăng ký.

Như vậy, Luật Doanh nghiệp 2020 không coi Doanh nghiệp xã hội là một loại hình doanh nghiệp đặc thù riêng mà cũng giống như doanh nghiệp thông thường, doanh nghiệp xã hội vẫn tổ chức và hoạt động theo một trong các loại hình doanh nghiệp sau: Công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh và doanh nghiệp tư nhân.

Cơ quan, tổ chức nào có tư cách pháp lý kêu gọi quyên góp từ thiện?

Theo Điều 5 Nghị định 64/2008/NĐ-CP quy định không phải ai cũng được quyền kêu gọi quyên góp từ thiện mà chỉ bao gồm các tổ chức, đơn vị sau đây được tiếp nhận và phân phối tiền, hàng cứu trợ:

  • Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Hội Chữ thập đỏ Việt Nam; cơ quan thông tin đại chúng của Trung ương, địa phương; Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Hội Chữ thập đỏ các cấp ở địa phương.
  • Các quỹ xã hội, quỹ từ thiện quy định tại Nghị định số 148/2007/NĐ-CP ngày 25 tháng 9 năm 2007 của Chính phủ về tổ chức, hoạt động của quỹ xã hội, quỹ từ thiện.
  • Các tổ chức, đơn vị ở Trung ương được Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho phép; các tổ chức, đơn vị ở địa phương được Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh, cấp huyện cho phép.

Ngoài các tổ chức, đơn vị nêu trên, không một tổ chức, đơn vị, cá nhân nào được quyền tổ chức tiếp nhận tiền, hàng cứu trợ.

  • Đối với các cơ quan, tổ chức tiếp nhận tiền, hàng cứu trợ của tập thể, cá nhân thuộc đơn vị mình đóng góp để cứu trợ đồng bào, các địa phương bị thiên tai, hỏa hoạn, sự cố nghiêm trọng thì thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 9 Nghị định 64/2008/NĐ-CP

Doanh nghiệp xã hội có được phép kêu gọi quyên góp từ thiện?

Theo quy định Nghị định 64/2008/NĐ-CP đã được phân tích ở trên thì doanh nghiệp xã hội không được tự tổ chức tiếp nhận tiền, hàng cứu trợ. Trường hợp doanh nghiệp tổ chức và kêu gọi tiếp nhận tiền, hàng cứu trợ từ tập thể, cá nhân thuộc đơn vị mình đóng góp thì phải mở tài khoản tại ngân hàng Thương mại hoặc Kho bạc Nhà nước theo quy định tại Khoản 1 Điều 9 của Nghị định.

Tuy nhiên, theo quy định tại Điều 3 Bộ luật dân sự 2015 không chỉ các tổ chức, đơn vị được quy định tại Điều 5 Nghị định 64/2008/NĐ-CP mới được tiếp nhận và phân phối tiền hàng cứu trợ, mà pháp nhân cũng có thể thực hiện việc này, cụ thể như sau:

Cá nhân, pháp nhân xác lập, thực hiện, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của mình trên cơ sở tự do, tự nguyện cam kết, thỏa thuận. Mọi cam kết, thỏa thuận không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội có hiệu lực thực hiện đối với các bên và phải được chủ thể khác tôn trọng

Về giao kết hợp đồng ủy quyền Điều 562 Bộ luật Dân sự 2015 quy định như sau:

Hợp đồng ủy quyền là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên được ủy quyền có nghĩa vụ thực hiện công việc nhân danh bên ủy quyền, bên ủy quyền chỉ phải trả thù lao nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định.”

Như vậy, theo Bộ luật Dân sự 2015 pháp luật cho phép cá nhân, tổ chức có thể ủy quyền cho pháp nhân khác thực hiện công việc nhất định nếu pháp luật không cấm. Đối với hoạt động quyên góp từ thiện, đây là hoạt động không trái với điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội, nên pháp nhân có thể tiếp nhận và phân phối tiền, hàng cứu trợ dựa trên cơ sở tự do, tự nguyện cam kết, thỏa thuận giữa các bên.

Hiện nay, Nghị định 64/2008/NĐ-CP và Bộ luật Dân sự năm 2015 chưa có sự thống nhất với nhau về đối tượng được quyền kêu gọi quyên góp từ thiện. Theo khoản 2, Điều 156 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015 quy định “Trong thường hợp các văn bản quy phạm pháp luật có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng văn bản có hiệu lực pháp lý cao hơn”. Do đó, vì Bộ luật có giá trị pháp lý cao hơn Nghị định nên trong trường hợp này áp dụng quy định của Bộ luật Dân sự 2015.

Hơn nữa, nghị định 64/2008/NĐ-CP đã được ban hành cách đây 12 năm, cho nên việc Nghị định chưa thể dự trù hết tất cả các tình huống có thể xảy ra trong tương lai để đưa ra được hướng xử lý phù hợp từng thời điểm. Bộ luật Dân sự 2015 đã có quy định rõ về vấn đề này, thì chúng ta nên áp dụng Bộ luật Dân sự để thực hiện là phù hợp với thời điểm hiện tại và phù hợp với quy định của pháp luật.

Như vậy, tổ chức có đủ tư cách pháp nhân hoàn toàn có thể nhận ủy quyền, nhận tiền để làm từ thiện. Đồng nghĩa với việc Doanh nghiệp xã hội có đủ tư cách pháp nhân nên có quyền kêu gọi quyên góp từ thiện.

Doanh nghiệp xã hội có được phép kêu gọi quyên góp từ thiện?

Doanh nghiệp xã hội có được phép kêu gọi quyên góp từ thiện?

Nghĩa vụ của doanh nghiệp xã hội khi nhận quyên góp từ thiện

Theo Điều 562 Bộ luật dân sự 2015 đã được phân tích ở trên, bản chất pháp lý bên quyên góp tiền từ thiện là bên ủy quyền và bên nhận tiền quyên góp để làm từ thiện là bên được ủy quyền.

Theo Điều 565 Bộ luật dân sự 2015 nghĩa vụ của bên được uỷ quyền được quy định cụ thể như sau:

  • Thực hiện công việc theo uỷ quyền và báo cho bên uỷ quyền về việc thực hiện công việc đó;
  • Báo cho người thứ ba trong quan hệ thực hiện uỷ quyền về thời hạn, phạm vi uỷ quyền và việc sửa đổi, bổ sung phạm vi uỷ quyền;
  • Bảo quản, giữ gìn tài liệu và phương tiện được giao để thực hiện việc uỷ quyền;
  • Giữ bí mật thông tin mà mình biết được trong khi thực hiện việc uỷ quyền;
  • Giao lại cho bên uỷ quyền tài sản đã nhận và những lợi ích thu được trong khi thực hiện việc uỷ quyền theo thoả thuận hoặc theo quy định của pháp luật;
  • Bồi thường thiệt hại do vi phạm nghĩa vụ quy định tại Điều này.

>>>Xem thêm: Giới hạn giá trị bồi thường khi doanh nghiệp bị xâm hại uy tín thương hiệu

Kiến nghị, giải pháp hoàn thiện địa vị pháp lý doanh nghiệp xã hội

Bất cập trong quy định pháp luật đối với Doanh nghiệp xã hội

Theo khoản 1 Điều 10 Luật Doanh nghiệp 2020 được trình bày ở trên thì Doanh nghiệp xã hội được xem như là Doanh nghiệp thông thường.

Trong đó, doanh nghiệp là tổ chức có tên riêng, có tài sản, có trụ sở giao dịch, được thành lập hoặc đăng ký thành lập theo quy định của pháp luật nhằm mục đích kinh doanh quy định tại khoản 10 Điều 4 Luật Doanh nghiệp 2020. Kinh doanh là việc thực hiện liên tục một, một số hoặc tất cả công đoạn của quá trình từ đầu tư, sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm hoặc cung ứng dịch vụ trên thị trường nhằm mục đích tìm kiếm lợi nhuận quy định tại khoản 21 Điều 4 Luật Doanh nghiệp 2020. Như vậy, khi nói đến doanh nghiệp tức là nói đến mục đích sinh lợi, đây là đặc điểm nổi bật để phân biệt giữa doanh nghiệp và tổ chức nói chung. Ngoài ra, theo khoản 2 Điều 75 Bộ luật Dân sự 2015 còn quy định “Pháp nhân thương mại gồm doanh nghiệp và các tổ chức kinh tế khác”.

Như vậy, có thể thấy Doanh nghiệp xã hội cũng là một pháp nhân thương mại – “pháp nhân có mục tiêu chính là tìm kiếm lợi nhuận và lợi nhuận được chia cho các thành viên”, chỉ có điều lợi nhuận thu được từ hoạt động kinh doanh trước tiên ít nhất 51% được dùng để giải quyết những vấn đề xã hội, môi trường vì lợi ích cộng đồng và 49% còn lại để chia cho các thành viên (trừ các khoản tài trợ huy động được theo điểm d, khoản 2 Điều 10 Luật Doanh nghiệp 2020).

Tuy nhiên, khoản 2 Điều 76 Bộ luật Dân sự 2015 lại quy định: “Pháp nhân phi thương mại bao gồm cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp, quỹ xã hội, quỹ từ thiện, doanh nghiệp xã hội và các tổ chức phi thương mại khác”.

Có thể thấy, theo Bộ luật Dân sự 2015 thì doanh nghiệp xã hội chính là pháp nhân phi thương mại – “pháp nhân không có mục tiêu chính là tìm kiếm lợi nhuận; nếu có lợi nhuận thì cũng không được phân chia cho các thành viên”.

Như vậy, có sự mâu thuẫn trong quy định về Doanh nghiệp xã hội giữa Bộ luật dân sự 2015 và Luật doanh nghiệp 2014. Điều này dẫn đến trách nhiệm pháp lý của Doanh nghiệp xã hội cũng có sự mâu thuẫn theo. Cụ thể:

Theo Luật Doanh nghiệp 2020, Doanh nghiệp xã hội là pháp nhân thương mại thì nếu Doanh nghiệp xã hội có bất cứ hoạt động kinh doanh nào trái pháp luật, vi phạm pháp luật hình sự Việt Nam phải chịu trách nhiệm hình sự theo khoản 2 Điều 2 và Điều 76 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017. Nhưng theo Bộ luật Dân sự 2015, Doanh nghiệp xã hội là pháp nhân phi thương mại thì sẽ không phải chịu trách nhiệm hình sự theo Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017.

>>>Xem thêm: Bàn về tình trạng khẩn cấp và quy định pháp luật Việt Nam về quy định khẩn cấp

Giải pháp hoàn thiện địa vị pháp lý Doanh nghiệp xã hội

Chuyên tư vấn luật cho rằng, việc đưa Doanh nghiệp xã hội là pháp nhân phi thương mại là không hợp lý. Việc này đã dẫn đến hâu quả pháp lý là số lợi nhuận còn lại sau khi cam kết sử dụng cho mục tiêu xã hội cũng không được phép chia cho các thành viên, đi ngược lại với mục tiêu thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp trong thời kỳ kinh tế thị trường.

Bên cạnh đó, Doanh nghiệp xã hội là pháp nhân thương mại sẽ hợp lý hơn bởi lẽ chỉ khác biệt ở chỗ lợi nhuận của Doanh nghiệp xã hội phải sử dụng ít nhất 51% để tái đầu tư nhằm thực hiện mục tiêu xã hội, thể hiện sự thống nhất, đảm bảo nguyên tắc trong Luật Ban hành các văn bản pháp luật Việt Nam 2015 và có thể sử dụng 49% tổng lợi nhuận còn lại để chia cho các thành viên doanh nghiệp.

Do đó, để hoàn thiện địa vị pháp lý và phát huy sức mạnh của Doanh nghiệp xã hội, pháp luật cần quy định Doanh nghiệp xã hội là pháp nhân thương mại để có một khung khổ pháp lý ổn định, thống nhất, tránh mâu thuẫn nhau giữa các đạo luật.

Giải pháp hoàn thiện địa vị pháp lý doanh nghiệp xã hội

Giải pháp hoàn thiện địa vị pháp lý Doanh nghiệp xã hội

Thông tin liên hệ Chuyên Tư Vấn Luật

Các quý độc giả hãy lưu thông tin và liên hệ với chúng tôi khi cần hỗ trợ vấn đề pháp luật.

Hãy liên lệ với chúng tôi – Chuyên Tư Vấn Luật

Nơi cung cấp dịch vụ pháp lý một cách “Tận tâm- Uy tín- Hiệu quả

  • Hotline: 1900 63 63 87
  • Website: chuyentuvanluat.com
  • Email: chuyentuvanluat@gmail.com
  • Zalo: 0819 70 748
  • FACEBOOK: FANPAGE Chuyên Tư Vấn Pháp Luật
  • Trụ sở công ty: Tầng 14 Tòa nhà HM Tower, 412 Nguyễn Thị Minh Khai, Phường 5, Quận 3, TP.HCM.
  • Văn phòng giao dịch: 277/45 Xô Viết Nghệ Tĩnh, Phường 15, Quận Bình Thạnh, Tp. Hồ Chí Minh.

Trên đây là nội dung tư vấn của chúng tôi về Doanh nghiệp xã hội có được kêu gọi quyên góp từ thiện. Nếu quý đọc giả còn thắc mắc nào liên quan đến vấn đề này hoặc có nhu cầu cần hỗ trợ TƯ VẤN LUẬT DOANH NGHIỆP, vui lòng liên hệ với chúng tôi qua HOTLINE: 1900.63.63.87. Luật sư của Chuyên tư vấn luật hy vọng có thể giúp đỡ được nhiều người với nhiều nhu cầu dịch vụ pháp lý khác nhau. Xin cảm ơn!

4.8 (15 bình chọn)

Bài viết được Trương Quốc Dũng - Luật sư kiểm duyệt: Trần Tiến Lực
Trương Quốc Dũng - Luật sư kiểm duyệt: Trần Tiến Lực

Tác giả: Chuyên Viên Pháp Lý

Lĩnh vực tư vấn: Hợp Đồng, Xây Dựng, Sở Hữu Trí Tuệ, Doanh Nghiệp

Trình độ đào tạo: Đại Học Luật

Số năm kinh nghiệm thực tế: 3

Tổng số bài viết: 724 bài viết