Quyền tác giả là quyền của tác giả đối với tác phẩm của mình. Quyền tác giả được pháp luật bảo hộ theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ. Vậy những hành vi như nào được xác định là xâm phạm quyền tác giả và chế tài xử lý hành vi xâm phạm quyền tác giả đối với hành vi đó ra sao? Mời Qúy bạn đọc đến với bài viết sau đây của chúng tôi:
Hành vi xâm phạm quyền tác giả
Theo quy định tại Điều 28 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 sửa đổi bổ sung năm 2022 thì các hành vi xâm phạm quyền tác giả gồm:
- Chiếm đoạt quyền tác giả đối với tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học.
- Mạo danh tác giả.
- Công bố, phân phối tác phẩm mà không được phép của tác giả.
- Công bố, phân phối tác phẩm có đồng tác giả mà không được phép của đồng tác giả đó.
- Sửa chữa, cắt xén hoặc xuyên tạc tác phẩm dưới bất kỳ hình thức nào gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả.
- Sao chép tác phẩm mà không được phép của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, trừ trường hợp quy định tại điểm a và điểm đ khoản 1 Điều 25 của Luật này.
- Làm tác phẩm phái sinh mà không được phép của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả đối với tác phẩm được dùng để làm tác phẩm phái sinh, trừ trường hợp quy định tại điểm i khoản 1 Điều 25 của Luật này.
- Sử dụng tác phẩm mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả, không trả tiền nhuận bút, thù lao, quyền lợi vật chất khác theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 25 của Luật này.
- Cho thuê tác phẩm mà không trả tiền nhuận bút, thù lao và quyền lợi vật chất khác cho tác giả hoặc chủ sở hữu quyền tác giả.
- Nhân bản, sản xuất bản sao, phân phối, trưng bày hoặc truyền đạt tác phẩm đến công chúng qua mạng truyền thông và các phương tiện kỹ thuật số mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả.
- Xuất bản tác phẩm mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả.
- Cố ý hủy bỏ hoặc làm vô hiệu các biện pháp kỹ thuật do chủ sở hữu quyền tác giả thực hiện để bảo vệ quyền tác giả đối với tác phẩm của mình.
- Cố ý xóa, thay đổi thông tin quản lý quyền dưới hình thức điện tử có trong tác phẩm.
- Sản xuất, lắp ráp, biến đổi, phân phối, nhập khẩu, xuất khẩu, bán hoặc cho thuê thiết bị khi biết hoặc có cơ sở để biết thiết bị đó làm vô hiệu các biện pháp kỹ thuật do chủ sở hữu quyền tác giả thực hiện để bảo vệ quyền tác giả đối với tác phẩm của mình.
- Làm và bán tác phẩm mà chữ ký của tác giả bị giả mạo.
- Xuất khẩu, nhập khẩu, phân phối bản sao tác phẩm mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả.
Xử lý hành vi xâm phạm ra sao?
Theo đó, chế tài xử lý đối với các hành vi xâm phạm được quy định cụ thể. Ngoài việc tác giả tự bảo vệ quyền tác giả thì theo quy định tại Điều 199 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 thì các biện pháp xử lý hành vi xâm phạm quyền tác giả gồm:
- Tổ chức, cá nhân có hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của tổ chức, cá nhân khác thì tùy theo tính chất, mức độ xâm phạm, có thể bị xử lý bằng biện pháp dân sự, hành chính hoặc hình sự.
- Trong trường hợp cần thiết, cơ quan nhà nước có thẩm quyền có thể áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, biện pháp kiểm soát hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu liên quan đến sở hữu trí tuệ, biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử phạt hành chính theo quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
Quy trình xử lý
Giai đoạn 1: Chuẩn bị hồ sơ
Hồ sơ yêu cầu xử lý hành vi xâm phạm quyền tác giả bao gồm:
Thứ nhất: Đơn yêu cầu xử lý xâm phạm.
Thứ hai: Tài liệu, chứng cứ, hiện vật, kèm theo đơn yêu cầu xử lý xâm phạm.
Giai đoạn 2: Trình tự xử lý hành vi xâm phạm
- Bước 1: Nộp đơn yêu cầu xử lý xâm phạm cho cơ quan có thẩm quyền xử lý xâm phạm
Cơ quan có thẩm quyền xử lý hành vi xâm phạm quyền tác giả được quy định tại Điều 200 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 bao gồm: Tòa án, Thanh tra, Quản lý thị trường, Hải quan, Công an, Ủy ban nhân dân các cấp có thẩm quyền xử lý hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.
- Bước 2: Tiếp nhận đơn
Khi nhận được đơn yêu cầu xử lý xâm phạm, nếu thấy yêu cầu xử lý xâm phạm thuộc thẩm quyền giải quyết của mình thì cơ quan có thẩm quyền tiến hành thụ lý đơn và giải quyết. Nếu thấy thẩm quyền thuộc cơ quan khác, thì cơ quan nhận đơn hướng dẫn để người nộp đơn thực hiện việc nộp đơn tại cơ quan có thẩm quyền hoặc chuyển đơn cho cơ quan có thẩm quyền giải quyết trong thời hạn mười ngày kể từ ngày nhận đơn.
Trong trường hợp đơn yêu cầu xử lý xâm phạm chưa đủ tài liệu, chứng cứ, hiện vật cần thiết, thì cơ quan xử lý xâm phạm yêu cầu người nộp đơn bổ sung tài liệu, chứng cứ và ấn định thời hạn hợp lý nhưng không quá ba mươi ngày để người yêu cầu xử lý xâm phạm bổ sung tài liệu, chứng cứ cần thiết.
Trong trường hợp có tranh chấp, khiếu nại về chủ thể quyền, khả năng bảo hộ, phạm vi bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, cơ quan đã nhận đơn yêu cầu xử lý xâm phạm hướng dẫn người nộp đơn tiến hành thủ tục yêu cầu giải quyết tranh chấp, khiếu nại tại cơ quan có thẩm quyền trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày phát sinh tranh chấp.
- Bước 3: Cơ quan có thẩm quyền ra quyết định xử lý hành vi vi phạm đồng thời áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời (nếu có) nếu xác định có hành vi xâm phạm quyền tác giả.
Hành vi xâm phạm quyền tác giả có thể bị xử lý dân sự, hình sự, hành chính tùy theo mức độ và tính chất xâm phạm. Vì vậy, Quý khách hàng có bất kì nội dung nào còn thắc mắc hoặc cần hỗ trợ pháp lý, vui lòng liên hệ với Luật sư Sở hữu trí tuệ của chúng tôi qua hotline: 1900636387 để được tư vấn, hỗ trợ kịp thời. Xin cảm ơn.