Trình tự thu thập chứng cứ điện tử được quy trong bộ luật tố tụng hình sự cũng như tố tụng dân sự. Chứng cứ điện tử được xem là một nguồn của chứng cứ, nó đóng vai trò rất quan trọng trong việc đưa ra quyết định của tòa án. Chính vì vậy việc thu thập các chứng cứ điện tử cần phải tiến hành theo trình tự của pháp luật để đảm bảo khách quan và hợp pháp. Dưới đây là những thông tin chi tiết.
Trình tự thực hiện
Mục Lục
Quy định của pháp luật về chứng cứ điện tử
Chứng cứ điện tử là gì ?
Hiện tại chưa có văn bản pháp lý nào quy định về khái niệm của chứng cứ điện tử những dựa vào Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 ta có thể hiểu chứng cứ điện tử là chứng cứ mà được thu thập bằng nguồn của chứng cứ là dữ liệu điện tử.
Cơ sở pháp lý điểm c khoản 1 điều 87 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015
Dữ liệu điện tử là gì ?
Dữ liệu điện tử là ký hiệu, chữ viết, chữ số, hình ảnh, âm thanh hoặc dạng tương tự được tạo ra, lưu trữ, truyền đi hoặc nhận được bởi phương tiện điện tử.
Cơ sở pháp lý điều 99 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015
>>> Xem thêm: Điều kiện để dữ liệu điện tử trở thành chứng cứ trong vụ án dân sự
Phân loại chứng cứ điện tử
Dựa vào cấu tạo chứng cứ điện tử
- Chữ ký điện tử được tạo lập dưới dạng từ, chữ, số, ký hiệu, âm thanh hoặc các hình thức khác bằng phương tiện điện tử, gắn liền hoặc kết hợp một các logic với thông điệp dữ liệu, có khả năng xác nhận người ký thông điệp dữ liệu và xác nhận sự chấp thuận của người đó đối với nội dung thông điệp dữ liệu được ký. Có thể thấy chữ ký điện tử gồm một số dạng cơ bản sau:
- Chữ ký số là một dạng chữ ký điện tử được tạo ra bằng sự biến đổi một thông điệp dữ liệu sử dụng hệ thống mật mã không đối xứng, theo đó, người có được thông điệp dữ liệu ban đầu và khóa công khai của người ký có thể xác định được chính xác.
- Mật mã điện tử là việc sử dụng các mã, để chỉ những người có mục đích sử dụng thông tin mới có thể đọc và xử lý nó nhằm bảo mật thông tin dữ liệu đó
- Ký hiệu điện tử là bất kỳ dấu hiệu, đặc điểm hay âm thanh đặc biệt ở dạng điện tử nhằm bảo mật thông tin dữ liệu đó
- Thông điệp dữ liệu điện tử (Thông điệp điện tử) là dữ liệu điện tử được tạo ra, gửi đi, nhận và lưu trữ bằng phương tiện điện tử từ đơn khởi kiện, tài liệu, chứng cứ, văn bản tố tụng đã được ban hành theo quy định của pháp luật.
- Tài liệu lưu trữ điện tử (tài liệu điện tử) là tài liệu được tạo lập ở dạng thông điệp dữ liệu hình thành trong quá trình hoạt động của cơ quan, tổ chức, cá nhân hoặc được số hóa từ tài liệu trên các vật mang tin khác.
Dựa vào nguồn chứng cứ điện tử
- Chứng cứ điện tử do con người tạo ra là những tài liệu, dữ liệu được tạo ra bởi hành vi của con người và được lưu trữ trong bộ nhớ điện tử như văn bản, bảng biểu, thư điện tử…
- Chứng cứ điện tử do máy tính tự động tạo ra là những tài liệu, dữ liệu được tạo ra từ việc xử lý các dữ liệu đầu vào theo một thuật toán đã được xác định trước bởi chương trình máy tính như lịch trình thanh toán, mẫu thông tin đăng ký trực tuyến, lịch sử giao dịch….
Dựa vào khả năng lưu trữ
- Dữ liệu điện tử truyền thông là các dữ liệu được hình thành bởi các cuộc trò chuyện, tin nhắn văn bản qua điện thoại hay các cuộc trò chuyện, âm thanh và hình ảnh được truyền trực tuyến mà không được lưu giữ lại.
- Dữ liệu điện tử trong hệ thống Thông tin và Truyền thông là các dữ liệu được tạo, gửi, nhận, lưu trữ hoặc xử lý thông điệp dữ liệu điện tử hoặc tài liệu điện tử trên hệ thống máy tính hoặc các thiết bị tương tự mà được lưu giữ lại.
Cơ sở pháp lý Khoản 1 Điều 21 Luật Giao dịch điện tử 2005, Khoản 6 Điều 3 Nghị định 130/2018/NĐ-CP, Khoản 2 Điều 3 Nghị quyết 04/2016/NQ-HĐTP, Khoản 1 Điều 13 Luật Lưu trữ 2011
>>> Xem thêm: Điều kiện để dữ liệu điện tử được xem là chứng cứ khi phát sinh tranh chấp trong doanh nghiệp
Quy định trong Bộ luật Tố tụng Dân sự
Quy định pháp luật về trình tự thu thập chứng cứ điện tử
Theo quy định của bộ luật tố tụng dân sự thì cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền tự mình thu thập tài liệu, chứng cứ bằng những biện pháp theo quy định .Theo quy định này thì việc thu thập chứng cứ điện tử không có trình tự xác định nào, tuy nhiên việc thu thập chứng cứ điện tử phải đảm bảo các yếu tố theo quy định.
Cơ sở pháp lý điểm a khoản 1 điều 97 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015
Quy định trong Bộ luật Tố tụng Hình sự
Việc thu thập chứng cứ trong bộ luật tố tụng hình sự đa phần đều do cơ quan chức năng tiên hành, việc thu thập chứng cứ điện tử được quy định như sau:
- Phương tiện điện tử phải được thu giữ kịp thời, đầy đủ, mô tả đúng thực trạng và niêm phong ngay sau khi thu giữ. Việc niêm phong, mở niêm phong được tiến hành theo quy định của pháp luật.
Trường hợp không thể thu giữ phương tiện lưu trữ dữ liệu điện tử thì cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng sao lưu dữ liệu điện tử đó vào phương tiện điện tử và bảo quản như đối với vật chứng, đồng thời yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan lưu trữ, bảo toàn nguyên vẹn dữ liệu điện tử mà cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng đã sao lưu và cơ quan, tổ chức, cá nhân này phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.
- Khi thu thập, chặn thu, sao lưu dữ liệu điện tử từ phương tiện điện tử, mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc trên đường truyền, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng tiến hành phải lập biên bản và đưa vào hồ sơ vụ án.
- Khi nhận được quyết định trưng cầu giám định của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng thì cá nhân, tổ chức có trách nhiệm thực hiện phục hồi, tìm kiếm, giám định dữ liệu điện tử.
- Việc phục hồi, tìm kiếm, giám định dữ liệu điện tử chỉ được thực hiện trên bản sao; kết quả phục hồi, tìm kiếm, giám định phải chuyển sang dạng có thể đọc, nghe hoặc nhìn được.
- Phương tiện điện tử, dữ liệu điện tử được bảo quản như vật chứng theo quy định của Bộ luật này. Khi xuất trình chứng cứ là dữ liệu điện tử phải kèm theo phương tiện lưu trữ dữ liệu hoặc bản sao dữ liệu điện tử.
Cơ sở pháp lý điều 107 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015
Cơ quan có thẩm quyền thu thập chứng cứ điện tử.
Cơ quan có thẩm quyền
Trong Tố tụng Dân sự:
- Cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền tự mình thu thập tài liệu, chứng cứ bằng những biện pháp theo quy định
- Ngoài ra tòa án có thể thu thập chứng cứ nếu có yêu cầu của đương sự
Cơ sở pháp lý điểm a, e khoản 1 điều 97 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015
Trong Tố tụng Hình sự :
- Cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng có quyền tiến hành hoạt động thu thập chứng cứ theo quy định của Bộ luật này; yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp chứng cứ, tài liệu, đồ vật, dữ liệu điện tử, trình bày những tình tiết làm sáng tỏ vụ án.
- Người bào chữa có quyền gặp người mà mình bào chữa, bị hại, người làm chứng và những người khác biết về vụ án để hỏi, nghe họ trình bày về những vấn đề liên quan đến vụ án; đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp tài liệu, đồ vật, dữ liệu điện tử liên quan đến việc bào chữa.
- Những người tham gia tố tụng khác, cơ quan, tổ chức hoặc bất cứ cá nhân nào đều có thể đưa ra chứng cứ, tài liệu, đồ vật, dữ liệu điện tử và trình bày những vấn đề có liên quan đến vụ án
Cơ sở pháp lý khoản 1,2,3 điều 88 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015
Luật sư tư vấn trình tự thu thập chứng cứ điện tử
- Luật sư tư vấn về trình tự thu thập chứng cứ điện tử
- Luật sư tư vấn quyền lợi và nghĩa vụ của khách hàng khi thu thập chứng cứ điện tử
- Đại diện thân chủ thực hiện thu thập, đánh giá chứng cứ điện tử
- Theo dõi hồ sơ và thực hiện bổ sung chứng cứ theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền
- Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng tại tòa
- Luật sư tư vấn về tính hợp pháp và các vấn đề liên quan đến trình tự thu thập chứng cứ điện tử
Trên đây là những quy định của pháp luật về trình tự thu thập chứng cứ điện tử nhằm cung cấp thông tin cần thiết cho quý khách hàng để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình cũng như hỗ trợ quý khách hàng. Nếu quý khách hàng còn có những thắc mắc những câu hỏi xin liên hệ luật sư của Chuyên Tư Vấn Luật qua hotline 1900.63.63.87 để được tư vấn chuyên sâu.