Thủ tục yêu cầu Tòa án giám định chữ ký trên hợp đồng thế chấp là việc yêu cầu kiểm tra tính chân thật của chữ ký trong hợp đồng thế chấp nhằm phục vụ cho quá trình giải quyết tranh chấp trong tố tụng dân sự. Tuy nhiên, trong quá trình tham gia tố tụng, nhiều người vẫn còn thắc mắc về quyền yêu cầu trưng cầu giám định chữ ký cũng như hồ sơ và trình tự thực hiện thủ tục này. Hãy để Chuyên tư vấn luật sẽ giải đáp các vấn đề của bạn trong bài viết dưới đây.
Thủ tục yêu cầu giám định chữ ký trên hợp đồng
Mục Lục
Quyền trưng cầu giám định của đương sự trong tố tụng dân sự
Căn cứ theo khoản 1 Điều 102 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015 , đương sự có quyền yêu cầu Tòa án trưng cầu giám định hoặc tự mình yêu cầu giám định sau khi đã đề nghị Tòa án trưng cầu giám định nhưng Tòa án từ chối yêu cầu của đương sự. Quyền tự yêu cầu giám định được thực hiện trước khi Tòa án ra quyết định đưa vụ án ra xét xử theo thủ tục sơ thẩm, quyết định mở phiên họp giải quyết việc dân sự.
Theo đó, đương sự có thể thực hiện quyền trưng cầu giám định của mình như sau:
- Yêu cầu Tòa án trưng cầu giám định;
- Tự mình yêu cầu giám định trong trường hợp Tòa án từ chối đề nghị yêu cầu giám định;
- Quyền tự yêu cầu giám định chỉ được thực hiện trước khi có quyết định đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm hoặc quyết định giải quyết việc dân sự.
Như vậy, đương sự thực hiện quyền trưng cầu giám định bằng cách yêu cầu Tòa án hoặc tự yêu cầu giám định khi bị từ chối yêu cầu. Trong trường hợp tự yêu cầu giám định thì đương sự chỉ có thể thực hiện quyền này trước khi có quyết định xét xử sơ thẩm hoặc quyết định giải quyết việc dân sự.
Thực hiện giám định chữ ký trên hợp đồng thế chấp trong trường hợp nào?
Tại khoản 2 Điều 102 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015 có quy định: Theo yêu cầu của đương sự hoặc khi xét thấy cần thiết, Thẩm phán ra quyết định trưng cầu giám định. Theo đó, quyết định trưng cầu giám định được đưa ra trong trường hợp:
- Theo yêu cầu của đương sự;
- Khi Tòa án xét thấy cần thiết.
Như vậy, quyết định giám định chữ ký trên hợp đồng thế chấp sẽ được thực hiện theo yêu cầu của đương sự hoặc khi Tòa án cho rằng việc giám định là cần thiết cho quá trình xét xử vụ án.
Trình tự, thủ tục giám định chữ ký trên hợp đồng thế chấp
Hồ sơ yêu cầu giám định
Theo khoản 1 Điều 26 Luật Giám định tư pháp 2012 quy định về yêu cầu giám định tư pháp trong vụ việc dân sự, vụ án hành chính, vụ án hình sự, nếu cần giám định chữ kỹ trên hợp đồng thế chấp, người yêu cầu giám định phải gửi các tài liệu sau trong hồ sơ yêu cầu giám định:
- Văn bản yêu cầu giám định kèm theo đối tượng giám định (Bản gốc hợp đồng thế chấp có chữ ký cần giám định);
- Các tài liệu, đồ vật có liên quan (nếu có);
- Bản sao giấy tờ chứng minh mình là đương sự trong vụ việc dân sự, vụ án hành chính, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án hình sự hoặc người đại diện hợp pháp của họ đến cá nhân, tổ chức thực hiện giám định.
Trong đó, văn bản yêu cầu giám định tư pháp, theo khoản 2 Điều 26 Luật Giám định tư pháp 2012, phải có các nội dung sau đây:
- Tên tổ chức hoặc họ, tên người yêu cầu giám định;
- Nội dung yêu cầu giám định;
- Tên và đặc điểm của đối tượng giám định;
- Tên tài liệu có liên quan hoặc mẫu so sánh gửi kèm theo (nếu có);
- Ngày, tháng, năm yêu cầu giám định và thời hạn trả kết luận giám định;
- Chữ ký, họ, tên người yêu cầu giám định.
Cơ quan thực hiện việc giám định chữ ký
Theo khoản 4 Điều 2 Luật Giám định tư pháp 2012, cá nhân, tổ chức giám định tư pháp bao gồm giám định viên tư pháp, người giám định tư pháp theo vụ việc, tổ chức giám định tư pháp công lập, tổ chức giám định tư pháp ngoài công lập và tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc.
Tại Điều 9, Điều 10, Điều 11 Nghị định 85/2013/NĐ-CP, được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 157/2020/NĐ-CP, các tổ chức giám định tư pháp công lập có chức năng thực hiện giám định chữ ký bao gồm:
- Viện khoa học hình sự thuộc Bộ Công an;
- Phòng Kỹ thuật hình sự thuộc Công an cấp tỉnh;
- Phòng Giám định kỹ thuật hình sự thuộc Bộ Quốc phòng.
Bên cạnh đó, văn phòng giám định tư pháp cũng có thể thực hiện việc giám định chữ ký.
Như vậy, các tổ chức giám định tư pháp công lập như Viện khoa học hình sự thuộc Bộ Công an; Phòng Kỹ thuật hình sự thuộc Công an cấp tỉnh; Phòng Giám định kỹ thuật hình sự thuộc Bộ Quốc phòng hoặc văn phòng giám định tư pháp có thể thực hiện việc giám định chữ ký trên hợp đồng thế chấp.
Thời hạn giám định chữ ký trên hợp đồng thế chấp
Theo khoản 2, khoản 3 Điều 26a Luật giám định tư pháp 2012 (sửa đổi, bổ sung 2020), thời hạn giám định tư pháp được quy định như sau:
- Thời hạn giám định tư pháp đối với các trường hợp bắt buộc phải trưng cầu giám định tư pháp được thực hiện theo quy định của pháp luật về tố tụng hình sự;
- Đối với các trường hợp không bắt buộc, thời hạn giám định tư pháp tối đa là 03 tháng. Trường hợp vụ việc giám định có tính chất phức tạp hoặc khối lượng công việc lớn thì thời hạn giám định tối đa là 04 tháng.
- Bộ, cơ quan ngang bộ quản lý chuyên môn về lĩnh vực giám định tư pháp căn cứ vào thời hạn giám định tối đa và tính chất chuyên môn của lĩnh vực giám định quy định thời hạn giám định tư pháp cho từng loại việc cụ thể. Thời hạn giám định tư pháp có thể được gia hạn theo quyết định của cơ quan trưng cầu giám định nhưng không quá một phần hai thời hạn giám định tối đa đối với loại việc đó.
Người trưng cầu giám định có thể thống nhất về thời hạn giám định với cá nhân, tổ chức được trưng cầu giám định trước khi trưng cầu giám định tư pháp nhưng không được vượt quá thời hạn theo quy định.
Như vậy, việc giám định chữ ký trên hợp đồng thế chấp có thời hạn tối đa là 03 tháng. Thời hạn tối đa có thể thay đổi thành 04 tháng trong trường hợp có tính chất phức tạp.
Thời hạn giám định chữ ký
Chi phí giám định chữ ký
Căn cứ theo Điều 36 Luật giám định tư pháp 2012 (sửa đổi, bổ sung 2020), chi phí giám định tư pháp sẽ được chi trả bởi:
- Người trưng cầu giám định, người yêu cầu giám định;
- Kinh phí thanh toán chi phí giám định tư pháp mà cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng có trách nhiệm chi trả được bảo đảm từ ngân sách nhà nước theo dự toán hằng năm của cơ quan đó để thực hiện nhiệm vụ giám định tư pháp.
Theo khoản 1 Điều 9 Pháp lệnh số 02/2012/UBTVQH13 do Ủy ban thường vụ Quốc hội ban hành ngày 28 tháng 03 năm 2012, căn cứ tính chất của đối tượng và nội dung giám định cụ thể, chi phí giám định bao gồm một hoặc một số chi phí sau đây:
- Chi phí tiền lương và các khoản thù lao cho người thực hiện giám định;
- Chi phí vật tư tiêu hao;
- Chi phí sử dụng dịch vụ;
- Chi phí khấu hao máy móc, phương tiện, thiết bị;
- Các chi phí khác theo quy định của pháp luật.
Như vậy, nghĩa vụ thanh toán chi phí giám định chữ ký sẽ thuộc về người trưng cầu, người yêu cầu giám định. Và ngoài chi phí thù lao cho người giám định thì chi phí giám định có thể bao gồm các chi phí khác theo quy định của pháp luật.
>>> Xem thêm: Thủ tục giám định chữ ký, chữ viết trong vụ án dân sự
Tư vấn thủ tục yêu cầu Tòa án giám định chữ ký trên hợp đồng thế chấp
Tại Chuyên tư vấn luật, luật sư cung cấp các dịch vụ hỗ trợ như sau:
- Tư vấn các vấn đề, thủ tục về giám định chữ ký theo quy định pháp luật;
- Tư vấn, hỗ trợ soạn thảo văn bản yêu cầu giám định;
- Tư vấn, soạn thảo và hỗ trợ chuẩn bị các tài liệu có liên quan về thủ tục giám định;
- Tư vấn về các chi phí phải trả khi đương sự tự yêu cầu giám định;
- Đại diện khách hàng thực hiện các thủ tục tố tụng khác.
Tư vấn thủ tục yêu cầu giám định
Như vậy, đương sự có quyền yêu cầu Tòa án trưng cầu giám định chữ ký trên hợp đồng thế chấp hoặc tự mình yêu cầu giám định sau khi bị Tòa án từ chối đề nghị yêu cầu giám định. Các vấn đề về trình tự và hồ sơ yêu cầu giám định chữ ký trên hợp đồng thế chấp cũng đã được giải đáp trong bài viết trên của Chuyên tư vấn luật. Nếu còn có thắc mắc hoặc có nhu cầu được giúp đỡ trong việc soạn thảo hợp đồng thì vui lòng liên hệ theo số Hotline 1900.63.63.87 để được Chuyên tư vấn luật hỗ trợ.