Luật Hành Chính

Thủ tục thẩm định, định giá tài sản trong tố tụng hành chính

Thẩm định tài sản, định giá tài sản là cơ sở để Tòa án xác định giá trị tài sản tranh chấp trong vụ án hành chính. Vậy thủ tục thẩm định giá tài sản và định giá tài sản sẽ được tiến hành như thế nào, bài viết dưới đây sẽ giải đáp thắc mắc của Quý bạn đọc về Thủ tục thẩm định, định giá tài sản trong tố tụng hành chính, kính mời các bạn cùng theo dõi.

Thẩm định, định giá tài sản trong tố tụng hành chính

Thủ tục thẩm định giá tài sản trong tố tụng hành chính

Cơ quan có thẩm quyền thẩm định giá tài sản

Kết quả thẩm định giá tài sản là một trong những nguồn chứng cứ trong tố tụng hành chính. Thẩm định giá trong trường hợp cần xác định giá trị bằng tiền của các loại tài sản phù hợp với giá trị thị trường tại một địa điểm, thời điểm nhất định, phục vụ cho mục đích nhất định theo tiêu chuẩn thẩm định giá. Quyền tự quyết của đương sự trong thủ tục thẩm định giá được quy định tại khoản 2 Điều 91 Luật Tố tụng hành chính 2015, thể hiện ở việc các đương sự có quyền thỏa thuận lựa chọn tổ chức thẩm định giá tiến hành thẩm định giá tài sản và cung cấp kết quả thẩm định giá cho Tòa án. Việc thẩm định giá tài sản được thực hiện theo quy định của pháp luật về thẩm định giá tài sản. Theo đó, Luật giá 2012 và Nghị định 89/2013/NĐ-CP hướng dẫn Luật giá về thẩm định giá quy định các cơ quan sau đây có thẩm quyền thẩm định giá:

  • Doanh nghiệp thẩm định giá: là doanh nghiệp được thành lập và hoạt động theo quy định của Luật doanh nghiệp và được Bộ Tài chính cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá theo quy định của pháp luật.
  • Tổ chức nghề nghiệp về thẩm định giá: là tổ chức xã hội – nghề nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật trên cơ sở tham gia tự nguyện của các thẩm định viên về giá, doanh nghiệp thẩm định giá và các tổ chức, cá nhân khác có liên quan trong lĩnh vực thẩm định giá.

Như vậy, đương sự có quyền lựa chọn doanh nghiệp thẩm định giá hoặc tổ chức nghề nghiệp về thẩm định giá để tiến hành thẩm định giá tài sản.

Trình tự, thủ tục thẩm định giá tài sản

Theo quy định tại Điều 30 Luật giá 2012 và Thông tư 28/2015/TT-BTC về Tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam số 05, 06 và 07 do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành thì quy trình thẩm định giá tài sản gồm các bước sau:

Bước 1: Xác định tổng quát về tài sản cần thẩm định giá và xác định giá trị thị trường hoặc phi thị trường làm cơ sở thẩm định giá

  • Xác định các đặc điểm cơ bản về pháp lý, về kinh tế – kỹ thuật của tài sản cần thẩm định giá tại thời điểm thẩm định giá;
  • Xác định đối tượng sử dụng kết quả thẩm định giá;
  • Xác định mục đích thẩm định giá và thời điểm thẩm định giá;
  • Xác định cơ sở giá trị của thẩm định giá;
  • Xác định giả thiết và giả thiết đặc biệt.

Bước 2: Lập kế hoạch thẩm định giá Việc lập kế hoạch thẩm định giá nhằm xác định rõ phạm vi, nội dung công việc, tiến độ thực hiện từng nội dung công việc và tiến độ thực hiện của toàn bộ cuộc thẩm định giá. Nội dung kế hoạch bao gồm:

  • Xác định mục tiêu, yêu cầu, phạm vi và nội dung công việc;
  • Xác định phương thức, cách thức tiến hành thẩm định giá;
  • Xác định dữ liệu cần thiết cho cuộc thẩm định giá, các tài liệu cần thu thập về thị trường, tài sản thẩm định giá, tài sản so sánh;
  • Xác định và phát triển các nguồn tài liệu, đảm bảo nguồn tài liệu đáng tin cậy và phải được kiểm chứng;
  • Xây dựng tiến độ thực hiện, xác định trình tự thu thập và phân tích dữ liệu, thời hạn cho phép của trình tự phải thực hiện;
  • Xác định việc tổ chức thực hiện, phân bổ nguồn lực.

Bước 3: Khảo sát thực tế, thu thập thông tin Khảo sát thực tế Đối với từng loại tài sản cụ thể thẩm định viên cần xác định các yếu tố ảnh hưởng đến giá trị của tài sản thẩm định giá và tiến hành thu thập các thông tin phù hợp với các yếu tố đó, phù hợp với cách tiếp cận và phương pháp thẩm định giá lựa chọn. Tùy từng loại tài sản: máy móc thiết bị dây chuyền sản xuất, bất động sản, doanh nghiệp, dự án, tài sản vô hình sẽ có những thông tin thu thập khác nhau. Ngoài ra, thẩm định viên phải thu thập các thông tin như các thông tin liên quan đến tính pháp lý của tài sản; các thông tin liên quan đến chi phí, giá bán, lãi suất, chính sách thuế, thu nhập, các điều kiện giao dịch của tài sản thẩm định giá và tài sản so sánh, các thông tin về yếu tố cung – cầu, lực lượng tham gia thị trường, sở thích và động thái người mua – người bán tiềm năng, tình hình lạm phát, các chỉ số giá đối với nhóm tài sản cụ thể (nếu có). Thu thập thông tin Các nguồn thông tin thu thập, phục vụ cho quá trình thẩm định giá bao gồm: thông tin do khách hàng cung cấp; thông tin từ kết quả khảo sát thực tế; thông tin từ các giao dịch mua bán tài sản trên thị trường. Thẩm định viên có trách nhiệm kiểm chứng thông tin để bảo đảm độ tin cậy, chính xác trước khi đưa vào phân tích thông tin, áp dụng các cách tiếp cận và phương pháp thẩm định giá. Bước 4: Phân tích thông tin Phân tích thông tin là quá trình phân tích toàn bộ các thông tin thu thập được liên quan đến tài sản thẩm định giá và các tài sản so sánh để đánh giá tác động của các yếu tố đến kết quả thẩm định giá cuối cùng. Quá trình phân tích thông tin bao gồm:

  • Phân tích thông tin từ khảo sát thực tế tại hiện trường của tài sản;
  • Phân tích những thông tin về thị trường của tài sản thẩm định giá: cung- cầu; sự thay đổi của chính sách, pháp luật; sự phát triển của khoa học, công nghệ và các yếu tố khác;
  • Phân tích về việc sử dụng tài sản tốt nhất và có hiệu quả nhất.

Bước 5: Xác định giá trị tài sản thẩm định giá Căn cứ các cách tiếp cận thẩm định giá quy định tại các Tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam do Bộ Tài chính ban hành, thẩm định viên phân tích và lựa chọn các phương pháp thẩm định giá phù hợp với mục đích thẩm định giá, cơ sở giá trị của tài sản, mức độ sẵn có của các dữ liệu, thông tin để áp dụng các phương pháp thẩm định giá và phù hợp với các quy định của pháp luật liên quan. Thẩm định viên cần nêu rõ trong báo cáo thẩm định phương pháp thẩm định giá nào được sử dụng làm căn cứ chủ yếu, phương pháp thẩm định giá nào được sử dụng để kiểm tra chéo, từ đó đi đến kết luận cuối cùng về giá trị thẩm định.

  • Áp dụng phương pháp so sánh khi có nhiều số liệu từ các giao dịch (tối thiểu 03 giao dịch) của các tài sản so sánh trên thị trường gần thời điểm thẩm định giá.
  • Không có đủ thông tin để áp dụng 02 (hai) phương pháp thẩm định giá trở lên và đưa ra căn cứ thực tế chứng minh cho việc không thể khắc phục được những hạn chế về thông tin này.

Bước 6: Lập báo cáo kết quả thẩm định giá, chứng thư thẩm định giá và gửi cho khách hàng, các bên liên quan

  • Báo cáo kết quả thẩm định giá và chứng thư thẩm định giá được lập theo quy định tại Tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam số 06 – Báo cáo kết quả thẩm định giá, chứng thư thẩm định giá và hồ sơ thẩm định giá.
  • Xác định thời hạn có hiệu lực của kết quả thẩm định giá: bất động sản, máy móc thiết bị, dây chuyền sản xuất, phương tiện vận tải, giá trị doanh nghiệp,… thì thời hạn có hiệu lực của kết quả thẩm định giá được xác định trên cơ sở đặc điểm pháp lý, kinh tế – kỹ thuật của tài sản thẩm định giá; biến động về pháp lý, thị trường liên quan đến tài sản thẩm định giá và mục đích thẩm định giá nhưng tối đa không quá 06 tháng kể từ thời điểm chứng thư thẩm định giá có hiệu lực.
                                              Quy trình thẩm định giá

Thủ tục định giá tài sản trong tố tụng hành chính

Quyết định định giá tài sản và thành lập Hội đồng định giá

Định giá tài sản là việc ấn định, quyết định cuối cùng về giá cả của một tài sản. Thông thường, việc định giá tài sản được tiến hành trong những trường hợp khác nhau, như trước khi thanh lí tài sản, bán đấu giá tài sản,… Trong tố tụng hành chính, kết quả định giá tài sản cũng là một trong những nguồn chứng cứ. Việc định giá đúng tài sản có thể xem là một trong những căn cứ để giải quyết chính xác về vụ án. Theo khoản 9 Điều 91 Luật Tố tụng hành chính 2015, quyền tự quyết của đương sự trong thủ tục định giá tài sản được thể hiện ở việc Tòa án ra quyết định định giá tài sản và thành lập Hội đồng định giá dựa trên yêu cầu của một hoặc các bên đương sự. Ngoài ra, trong trường hợp các đương sự đưa ra giá tài sản khác nhau, không thỏa thuận được giá tài sản, không thỏa thuận lựa chọn tổ chức thẩm định giá tài sản hoặc người khởi kiện thỏa thuận với tổ chức thẩm định giá để thẩm định giá tài sản theo mức giá cao/thấp hơn so với giá thị trường nơi có tài sản định giá tại thời điểm định giá hoặc có căn cứ cho thấy tổ chức thẩm định giá có vi phạm pháp luật khi thẩm định giá thì Tòa án cũng sẽ căn cứ để quyết định định giá tài sản.

Trình tự, thủ tục thành lập Hội đồng định giá

Cũng theo Điều 91 Luật Tố tụng hành chính 2015, tại khoản 4 quy định trình tự, thủ tục thành lập Hội đồng định giá được thực hiện như sau:

  • Thành phần Hội đồng định giá

Hội đồng định giá do Tòa án thành lập gồm Chủ tịch Hội đồng định giá là đại diện cơ quan tài chính và thành viên là đại diện các cơ quan chuyên môn có liên quan. Người đã tiến hành tố tụng trong vụ án đó, người quy định tại Điều 45 của Luật Tố tụng hành chính không được tham gia Hội đồng định giá. Hội đồng định giá chỉ tiến hành định giá khi có mặt đầy đủ các thành viên của Hội đồng. Trường hợp cần thiết, đại diện Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có tài sản định giá được mời chứng kiến việc định giá. Quyền quyết định về giá đối với tài sản định giá thuộc Hội đồng định giá.

  • Nhiệm vụ của Hội đồng định giá

Cơ quan tài chính và các cơ quan chuyên môn có liên quan có trách nhiệm cử người tham gia Hội đồng định giá và tạo điều kiện để họ làm nhiệm vụ. Người được cử làm thành viên Hội đồng định giá có trách nhiệm tham gia đầy đủ vào việc định giá. Trường hợp cơ quan tài chính, các cơ quan chuyên môn không cử người tham gia Hội đồng định giá thì Tòa án yêu cầu cơ quan quản lý có thẩm quyền trực tiếp chỉ đạo cơ quan tài chính, cơ quan chuyên môn thực hiện yêu cầu của Tòa án. Người được cử tham gia Hội đồng định giá không tham gia mà không có lý do chính đáng thì Tòa án yêu cầu lãnh đạo cơ quan đã cử người tham gia Hội đồng định giá xem xét trách nhiệm, cử người khác thay thế và thông báo cho Tòa án biết để tiếp tục tiến hành định giá.

  • Quyết định của Hội đồng định giá

Quyết định của Hội đồng định giá phải được quá nửa tổng số thành viên biểu quyết tán thành. Việc định giá phải được lập thành biên bản, trong đó ghi rõ ý kiến của từng thành viên, của đương sự nếu họ tham dự. Các thành viên Hội đồng định giá, đương sự, người chứng kiến ký tên vào biên bản.

                                                         Quy trình định giá tài sản

Quyền yêu cầu định giá, thẩm định giá lại của đương sự

Khoản 5 Điều 91 Luật Tố tụng hành chính 2015 quy định việc định giá lại tài sản được thực hiện trong trường hợp có căn cứ cho rằng kết quả định giá lần đầu không chính xác hoặc không phù hợp với giá thị trường nơi có tài sản định giá tại thời điểm giải quyết vụ án hành chính. Như vậy đương sự có quyền yêu cầu định giá, thẩm định giá lại nếu có căn cứ như trên. Khi đó, đương sự cần nộp Đơn yêu cầu định giá/thẩm định giá lại tài sản. Đơn gồm các nội dung chủ yếu sau:

  • Tòa án nhân dân tiếp nhận đơn: là Tòa án nhân dân quận/ huyện/ tỉnh nơi đang xét xử, giải quyết vụ án;
  • Thông tin người yêu cầu: họ và tên, ngày tháng năm sinh, số CMND, hộ khẩu thường trú, số điện thoại, tư cách tố tụng trong vụ án;
  • Nội dung yêu cầu;
  • Lý do yêu cầu;
  • Các chứng cứ chứng minh cho yêu cầu.

Sau đó Tòa án sẽ xem xét nếu đơn của đương sự hợp lệ và có căn cứ thì sẽ quyết định về việc định giá, thẩm định giá lại tài sản.

Thông tin liên hệ Luật sư

Để tìm hiểu thông tin về chúng tôi, đánh giá chúng tôi có thể đáp ứng được các yêu cầu của Quý khách hàng hay không. Xin đừng ngần ngại liên hệ với chúng tôi qua các hình thức sau:

  1. Trụ sở công ty: Tầng 14 Tòa nhà HM Tower, 412 Nguyễn Thị Minh Khai, Phường 5, Quận 3, Tp. Hồ Chí Minh.
  2. Văn phòng kho: 277/45 Xô Viết Nghệ Tĩnh, Phường 15, Quận Bình Thạnh, Tp. Hồ Chí Minh.

Trên đây là tư vấn về Trách nhiệm liên đới của bên bán trong hợp đồng mua bán quyền đòi nợ. Quý bạn đọc có bất kỳ thắc mắc nào liên quan đến vấn đề này cần tư vấn pháp luật Hành chính vui lòng liên hệ với chúng tôi qua hotline 1900.63.63.87 để được Tư Vấn Pháp Luật Hành Chính nhanh nhất và kịp thời. Xin cảm ơn!

4.6 (19 bình chọn)

Bài viết được Tham vấn bởi Luật sư: Võ Tấn Lộc - Tác giả: Vũ Thị Hải Yến
Tham vấn bởi Luật sư: Võ Tấn Lộc - Tác giả: Vũ Thị Hải Yến

Tác giả: Chuyên Viên Pháp Lý - Vũ Thị Hải Yến

Lĩnh vực tư vấn: hành chính, dân sự, đất đai, di chúc, thừa kế.

Trình độ đào tạo: Trường Đại học Luật

Số năm kinh nghiệm thực tế: 2 năm

Tổng số bài viết: 923 bài viết