Luật Lao Động

Bị thôi việc khi chưa hết hạn hợp đồng phải làm như thế nào?

Nếu một nhân viên bị thôi việc khi chưa hết hạn hợp đồng lao động, có thể có một số quy định pháp lý và quyền lợi áp dụng trong trường hợp này. Hiện nay rất nhiều doanh nghiệp lấy lý do chung là làm ăn thua lỗ, khó khăn nên cắt giảm lao động đẩy người lao động vào tình thế thất nghiệp.Dưới đây là một số thông tin chung, tuy nhiên, quyền lợi và quy định cụ thể có thể khác nhau tùy theo quy định pháp luật địa phương và điều khoản trong hợp đồng lao động.

Quy định về quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của công ty

Trường hợp được đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động

Căn cứ theo Điều 36 Bộ luật Lao động 2019 thì người sử dụng lao động (sau đây gọi là NSDLĐ) có quyền đơn phương chấm dứt Hợp đồng lao động (sau đây gọi là HĐLĐ) trong trường hợp sau đây:

  • Người lao động thường xuyên không hoàn thành công việc theo hợp đồng lao động được xác định theo tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành công việc trong quy chế của người sử dụng lao động;
  • Người lao động bị ốm đau, tai nạn đã điều trị 12 tháng liên tục đối với người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn hoặc đã điều trị 06 tháng liên tục đối với người làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn từ 12 tháng đến 36 tháng hoặc quá nửa thời hạn hợp đồng lao động đối với người làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn dưới 12 tháng mà khả năng lao động chưa hồi phục;

Khi sức khỏe của người lao động bình phục thì người sử dụng lao động xem xét để tiếp tục giao kết hợp đồng lao động với người lao động;

  • Do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh nguy hiểm, địch họa hoặc di dời, thu hẹp sản xuất, kinh doanh theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền mà người sử dụng lao động đã tìm mọi biện pháp khắc phục nhưng vẫn buộc phải giảm chỗ làm việc;
  • Người lao động không có mặt tại nơi làm việc sau thời hạn quy định tại Điều 31 của Bộ luật này;
  • Người lao động đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định tại Điều 169 của Bộ luật này, trừ trường hợp có thỏa thuận khác;
  • Người lao động tự ý bỏ việc mà không có lý do chính đáng từ 05 ngày làm việc liên tục trở lên;
  • Người lao động cung cấp không trung thực thông tin theo quy định tại khoản 2 Điều 16 của Bộ luật này khi giao kết hợp đồng lao động làm ảnh hưởng đến việc tuyển dụng người lao động.

Đồng thời, Khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động người sử dụng lao động phải báo cho người lao động biết trước:

  • Ít nhất 45 ngày đối với hợp đồng lao động không xác định thời hạn;
  • Ít nhất 30 ngày đối với hợp đồng lao động xác định thời hạn;
  • Ít nhất 03 ngày làm việc đối với hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn dưới 12 tháng và đối với trường hợp người lao động bị ốm đau, tai nạn đã điều trị 12 tháng liên tục đối với người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn hoặc đã điều trị 06 tháng liên tục đối với người làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn từ 12 tháng đến 36 tháng hoặc quá nửa thời hạn hợp đồng lao động đối với người làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn dưới 12 tháng mà khả năng lao động chưa hồi phục.
Công ty cho nghỉ việc khi chưa hết Hợp đồng

Trường hợp không được đơn phương chấm dứt hợp đồng 

Tại Điều 37 Bộ luật lao động 2019 quy định các trường hợp sau:

  • Người lao động ốm đau hoặc bị tai nạn, bệnh nghề nghiệp đang điều trị, điều dưỡng theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền, trừ trường hợp quy định tại điểm b khoản 1 Điều 36 của Bộ luật này.
  • Người lao động đang nghỉ hằng năm, nghỉ việc riêng và trường hợp nghỉ khác được người sử dụng lao động đồng ý.
  • Người lao động nữ mang thai; người lao động đang nghỉ thai sản hoặc nuôi con dưới 12 tháng tuổi.

Hệ quả khi người sử dụng lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng trái luật

Hệ quả pháp lý đối với người sử dụng lao động đơn phương trái luật được quy định tại Điều 41 Bộ luật lao động 2019 như sau:

  • Phải nhận người lao động trở lại làm việc theo hợp đồng lao động đã giao kết; phải trả tiền lương, đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp trong những ngày người lao động không được làm việc và phải trả thêm cho người lao động một khoản tiền ít nhất bằng 02 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động.

Sau khi được nhận lại làm việc, người lao động hoàn trả cho người sử dụng lao động các khoản tiền trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm nếu đã nhận của người sử dụng lao động.

Trường hợp không còn vị trí, công việc đã giao kết trong hợp đồng lao động mà người lao động vẫn muốn làm việc thì hai bên thỏa thuận để sửa đổi, bổ sung hợp đồng lao động.

Trường hợp vi phạm quy định về thời hạn báo trước quy định tại khoản 2 Điều 36 của Bộ luật này thì phải trả một khoản tiền tương ứng với tiền lương theo hợp đồng lao động trong những ngày không báo trước.

  • Trường hợp người lao động không muốn tiếp tục làm việc thì ngoài khoản tiền phải trả quy định tại khoản 1 Điều này người sử dụng lao động phải trả trợ cấp thôi việc theo quy định tại Điều 46 của Bộ luật này để chấm dứt hợp đồng lao động.
  • Trường hợp người sử dụng lao động không muốn nhận lại người lao động và người lao động đồng ý thì ngoài khoản tiền người sử dụng lao động phải trả theo quy định tại khoản 1 Điều này và trợ cấp thôi việc theo quy định tại Điều 46 của Bộ luật này, hai bên thỏa thuận khoản tiền bồi thường thêm cho người lao động nhưng ít nhất bằng 02 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động để chấm dứt hợp đồng lao động.

Người lao động không đồng ý khi bị thôi việc thì nên làm gì?

Nếu như người lao động cảm thấy bị cho thôi việc một cách vô lý và trái với quy định pháp luật, thì người lao động có thể:

  • Khiếu nại với người sử dụng lao động, đề nghị hủy quyết định sa thải hoặc thông báo đơn phương chấm dứt hợp đồng;
  • Nộp đơn khiếu nại lên Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội.
  • Khởi kiện ra Tòa án cấp huyện nơi có trụ sở của người sử dụng lao động để yêu cầu Tòa án giải quyết.

Căn cứ: Nghị định 24/2018/NĐ-CP về giải quyết khiếu nại tố cáo trong lĩnh vực lao động và Bộ luật Lao động 2019 

>>>Xem thêm: Thủ Tục Hòa Giải Trong Tranh Chấp Lao Động ?

Giải quyết tranh chấp khi bị cho thôi việc trái pháp luật

Nghĩa vụ của Doanh Nghiệp khi cho người lao động nghỉ việc

Điều 48 Bộ luật Lao động 2019 quy định trong thời hạn 14 ngày làm việc kể từ ngày chấm dứt HĐLĐ, hai bên có trách nhiệm thanh toán đầy đủ các khoản tiền có liên quan đến quyền lợi của mỗi bên, trừ trường hợp có thể kéo dài nhưng không được quá 30 ngày.

Bên cạnh đó, NSDLĐ có trách nhiệm sau đây:

  • Hoàn thành thủ tục xác nhận thời gian đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp và trả lại cùng với bản chính giấy tờ khác nếu NSDLĐ đã giữ của NLĐ;
  • Cung cấp bản sao các tài liệu liên quan đến quá trình làm việc của NLĐ nếu NLĐ có yêu cầu. Chi phí sao, gửi tài liệu do NSDLĐ trả.
  • Chi trả trợ cấp thôi việc theo các trường hợp quy định tại Điều 46 Bộ luật Lao động năm 2019.

Nếu doanh nghiệp chấm dứt HĐLĐ của NLĐ mà không có lý do hợp pháp hoặc không đúng thời gian báo trước, việc chấm dứt đó là trái luật. Căn cứ theo Điều 41 Bộ luật Lao động 2019 thì doanh nghiệp sẽ phải nhận người lao động trở lại làm việc theo hợp đồng lao động đã giao kết; phải trả tiền lương, đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp trong những ngày người lao động không được làm việc và phải trả thêm cho người lao động một khoản tiền ít nhất bằng 02 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động.

Quyền lợi mà người lao động được hưởng

  • Được nhận sổ lao động, được hưởng quyền lợi về bảo hiểm xã hội theo quy định.
  • Được thanh toán các quyền lợi doanh nghiệp còn nợ và các quyền lợi vật chất khác quy định tại thoả ước lao động tập thể (nếu có).
  • Được nhận trở lại làm việc theo HĐLĐ đã giao kết và được trả tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế trong những ngày không được làm việc cộng với ít nhất 02 tháng tiền lương theo HĐLĐ.
  • Trường hợp bạn không muốn tiếp tục làm việc, thì ngoài khoản tiền bồi thường quy định nêu trên công ty phải trả trợ cấp thôi việc (mỗi năm làm việc nhận 1 tháng lương).
  • Trường hợp công ty không muốn nhận lại bạn và bạn đồng ý, thì ngoài khoản tiền bồi thường quy định nêu trên và trợ cấp thôi việc, hai bên thỏa thuận khoản tiền bồi thường thêm nhưng ít nhất phải bằng 02 tháng tiền lương theo HĐLĐ để chấm dứt HĐLĐ.
  • Trường hợp không còn vị trí, công việc đã giao kết trong HĐLĐ mà bạn vẫn muốn làm việc thì ngoài khoản tiền bồi thường quy định tại nêu trên, hai bên thương lượng để sửa đổi, bổ sung HĐLĐ.
  • Trường hợp vi phạm quy định về thời hạn báo trước thì công ty phải bồi thường cho bạn một khoản tiền tương ứng với tiền lương của bạn trong những ngày không báo trước. 

Thủ tục khởi kiện tranh chấp lao động ki bị cho nghỉ việc

Căn cứ theo các quy định tại chương XII BLTTDS 2015, trình tự giải quyết tranh chấp hợp đồng lao động tại Tòa án được tiến hành như sau:

Bước 1: Nộp đơn khởi kiện tại Tòa án có thẩm quyền

Kèm theo đơn khởi kiện là các tài liệu, chứng cứ sau:

  • Hợp đồng lao động, phụ lục hợp đồng;
  • Biên bản hòa giải không thành;
  • Tài liệu chứng minh các bên trong tranh chấp đã yêu cầu hòa giải nhưng Hội đồng hòa giải lao động cơ sở không tiến hành hòa giải trong thời hạn luật định;
  • Thông báo chấm dứt hợp đồng lao động, mẫu đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật;
  • Quyết định kỷ luật sa thải, biên bản họp kỷ luật đối với tranh chấp về kỷ luật sa thải;
  • Bản cam kết giữa hai bên về thời gian làm việc bắt buộc cho doanh nghiệp sau khi học; bảng tổng hợp chi phí đào tạo đối với tranh chấp về bồi thường phí đào tạo.

Bước 2: Tòa án nhận và thụ lý đơn khởi kiện

Bước 3: Thủ tục hòa giải và chuẩn bị xét xử

Bước 4: Nếu không đồng ý với quyết định của Tòa án, bên khởi kiện có thể tiến hành khiếu nại

>>Xem thêm: Trình tự giải quyết tranh chấp hợp đồng lao động tại Tòa án

Luật sư tư vấn giải quyết khi bị công ty cho nghỉ việc chưa hết hợp đồng

  • Tư vấn các vấn đề phát sinh tranh chấp lao động cá nhân (thủ tục khởi kiện, thủ tục hòa giải lao động, trình tự thủ tục xử lý kỷ luật lao động, bồi thường thiệt hại…);
  • Luật sư đưa ra lời tư vấn, hướng xử lý vấn đề nhằm giúp khách hàng tháo gỡ những vướng mắc về thủ tục về tranh chấp lao động cá nhân tại Tòa án;
  • Soạn thảo đơn khởi kiện, đơn yêu cầu, chuẩn bị hồ sơ liên quan đến thủ tục khởi kiện;
  • Trực tiếp tham gia với tư cách đại diện theo ủy quyền cho khách hàng nhằm giải quyết, liên hệ và làm việc với cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
  • Tư vấn, hỗ trợ pháp lý với đội ngũ các luật sư, chuyên gia pháp lý giàu kinh nghiệm, giải đáp mọi vướng mắc, đáp ứng được những mong muốn mà khách hàng yêu cầu theo quy định của pháp luật.

Trên đây là bài viết về những quy định của pháp luật về việc công ty cho nghỉ việc khi chưa hết hợp đồng lao động, đặc biệt là những hậu quả pháp lý mà công ty phải chịu. Nếu quý khách còn có thắc mắc liên quan đến bài viết hoặc cần hỗ trợ tư vấn luật lao động, hãy liên hệ với chúng tôi qua HOTLINE 1900.63.63.87 để được hỗ trợ và tư vấn.

>>Bài viết liên quan giải quyết tranh chấp lao động có thể bạn quan tâm:

4.43 (19 bình chọn)

Bài viết được Nguyễn Văn Đệ - Luật sư kiểm duyệt: Nguyễn Trần Phương
Nguyễn Văn Đệ - Luật sư kiểm duyệt: Nguyễn Trần Phương

Tác giả: Chuyên Viên Pháp Lý

Lĩnh vực tư vấn: Lao Động, Hôn Nhân Gia Đình, Dân Sự, Thừa Kế

Trình độ đào tạo: Đại Học Luật

Số năm kinh nghiệm thực tế: 3

Tổng số bài viết: 834 bài viết