Luật Đất Đai

Thủ tục khởi kiện khi thu hồi đất mà không thông báo cho dân ?

Khi có căn cứ cho rằng quyết định hành chính, hành vi hành chính là trái với pháp luật, xâm phạm trực tiếp tiếp đến quyền và lợi ích của mình thì có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết. Do đó, nếu khiếu nại đến cơ quan hành chính nhà nước đã ra quyết định hành chính, thực hiện hành vi hành chính không được giải quyết hoặc không đồng ý với việc giải quyết khiếu nại đó thì cá nhân, cơ quan, tổ chức có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết vụ án hành chính để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình.

Thu hồi đất của dân mà không thông báo trước là đúng hay sai
Thu hồi đất của dân mà không thông báo trước là đúng hay sai?

Chủ thể khởi kiện

Đương sự trong vụ án hành chính bao gồm người khởi kiện, người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

  • Người khởi kiện: là cơ quan, tổ chức, cá nhân khởi kiện vụ án hành chính đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính, quyết định kỷ luật buộc thôi việc, quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh; danh sách cử tri bầu cử đại biểu Quốc hội, danh sách cử tri bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân, danh sách cử tri trưng cầu ý dân (sau đây gọi chung là danh sách cử tri).
  • Người bị kiện: là cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyết định hành chính, hành vi hành chính, quyết định kỷ luật buộc thôi việc, quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh, danh sách cử tri bị khởi kiện.
  • Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan: là cơ quan, tổ chức, cá nhân tuy không khởi kiện, không bị kiện, nhưng việc giải quyết vụ án hành chính có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của họ nên họ tự mình hoặc đương sự khác đề nghị và được Tòa án nhân dân (sau đây gọi là Tòa án) chấp nhận hoặc được Tòa án đưa vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

Đối tượng khởi kiện hành chính

Quyết định hành chính bị kiện

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 3 Luật tố tụng hành chính 2015:

  • Quyết định hành chínhlà văn bản do cơ quan hành chính nhà nước, cơ quan, tổ chức được giao thực hiện quản lý hành chính nhà nước ban hành hoặc người có thẩm quyền trong cơ quan, tổ chức đó ban hành quyết định về vấn đề cụ thể trong hoạt động quản lý hành chính được áp dụng một lần đối với một hoặc một số đối tượng cụ thể.
  • Nhưng không phải tất cả các quyết định hành chính đều là đối tượng khởi kiện khi có đơn khởi kiện nộp tòa án. Trở thành đối tượng khởi kiện khi thỏa mãn điều kiện quy định tại Khoản 2 Điều 3 Luật tố tụng hành chính 2015 là làm phát sinh, thay đổi, hạn chế, chấm dứt quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân hoặc có nội dung làm phát sinh nghĩa vụ, ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Hành vi hành chính bị kiện

 Tại Khoản 3 Điều 3 Luật tố tụng hành chính 2015 quy định:

  • Là hành vi của cơ quan hành chính nhà nước hoặc của người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước hoặc cơ quan, tổ chức được giao thực hiện quản lý hành chính nhà nước thực hiện hoặc không thực hiện nhiệm vụ, công vụ theo quy định của pháp luật.

Cũng giống như quyết định hành chính bị kiện thì hành vi hành chính bị kiện khi hành vi đó làm ảnh hưởng đến việc thực hiện quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Các đối tượng khởi kiện khác

Trường hợp có liên quan đến các vấn đề như bầu cử đại biểu Quốc hội hoặc đại biểu Hội đồng nhân dân, kỷ luật công chức hay quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh. Đây cũng được coi là một trong các đối tượng KHỞI KIỆN theo quy định tại Luật Tố tụng hành chính.

Tòa án nào có thẩm quyền giải quyết ?

Theo quy định tại Điều 31 Luật tố tụng hành chính 2015 Thẩm quyền của Tòa án cấp huyện:

  • Khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan hành chính nhà nước từ cấp huyện trở xuống trên cùng phạm vi địa giới hành chính với Tòa án hoặc của người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước đó, trừ quyết định hành chính, hành vi hành chính của Ủy ban nhân dân cấp huyện, Chủ tịch UBND cấp huyện.
  • Khiếu kiện quyết định kỷ luật buộc thôi việc của người đứng đầu cơ quan, tổ chức từ cấp huyện trở xuống trên cùng phạm vi địa giới hành chính với Tòa án đối với công chức thuộc thẩm quyền quản lý của cơ quan, tổ chức đó.
  • Khiếu kiện danh sách cử tri của cơ quan lập danh sách cử tri trên cùng phạm vi địa giới hành chính với Tòa án.

Thẩm quyền của Tòa án nhân dân cấp tỉnh được quy định tại Điều 32 Luật tố tụng hành chính 2015, theo đó:

  • Khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan nhà nước cấp tỉnh trên cùng phạm vi địa giới hành chính với Tòa án và của người có thẩm quyền trong cơ quan nhà nước đó.
  • Khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính của Ủy ban nhân dân cấp huyện, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện trên cùng phạm vi địa giới hành chính với Tòa án.

Như vậy, tùy theo trường hợp UBND huyện hay UBND tỉnh PHÊ DUYỆT thu hồi đất mà việc khiếu kiện liên quan đến thu hồi đất sẽ do Tòa án cấp huyện hoặc cấp tỉnh giải quyết.

Trình tự, thủ tục khởi kiện như thế nào? Và thủ tục giải quyết ra sao ?

Trình tự, thủ tục khi thu hồi đất mà không thông báo cho dân
Trình tự, thủ tục khi thu hồi đất mà không thông báo cho dân.

Thứ nhất, xác định những khiếu kiện thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án theo quy định của Điều 31 Luật tố tụng hành chính 2015

Thứ hai, xác định quyền khởi kiện vụ án hành chính:

Người khởi kiện phải có năng lực pháp luật tố tụng hành chính và năng lực hành vi tố tụng hành chính.

  • Tức là phải có khả năng có các quyền, nghĩa vụ trong tố tụng hành chính do pháp luật quy định.
  • Còn năng lực hành vi tố tụng hành chính là khả năng tự mình thực hiện quyền, nghĩa vụ tố tụng hành chính hoặc ủy quyền cho người đại diện tham gia tố tụng hành chính.
  • Đương sự là người từ đủ 18 tuổi trở lên có đầy đủ năng lực hành vi tố tụng hành chính, trừ người mất năng lực hành vi dân sự hoặc pháp luật có quy định khác.
  • Nếu là người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự thì thông qua người đại diện theo pháp luật. Là cơ quan, tổ chức thực hiện quyền, nghĩa vụ tố tụng hành chính thông qua người đại diện theo pháp luật.

Thứ ba, nộp đơn khởi kiện

Sau khi đã làm đơn khởi kiện, người khởi kiện có thể gửi đơn khởi kiện đến Tòa án có thẩm quyền để tòa án xem xét giải quyết vụ án bằng một trong những cách sau:

  • Nộp trực tiếp đến Tòa án;
  • Gửi qua dịch vụ bưu chính;
  • Gửi trực tuyến qua cổng thông tin điện tử của Tòa án (nếu có).

Thứ tư, thụ lý vụ án:

Sau khi nhận đơn khởi kiện và tài liệu, chứng cứ kèm theo, nếu xét thấy thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án thì Thẩm phán phải thông báo cho người khởi kiện biết để họ nộp tiền tạm ứng án phí; trường hợp người khởi kiện được miễn nộp tiền tạm ứng án phí hoặc không phải nộp tiền tạm ứng án phí thì thông báo cho người khởi kiện biết về việc thụ lý vụ án.

  • Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được thông báo nộp tiền tạm ứng án phí, người khởi kiện phải nộp tiền tạm ứng án phí và nộp biên lai cho Tòa án.
  • Thẩm phán thụ lý vụ án vào ngày người khởi kiện nộp biên lai thu tiền tạm ứng án phí. Trường hợp người khởi kiện được miễn nộp tiền tạm ứng án phí hoặc không phải nộp tiền tạm ứng án phí thì ngày thụ lý vụ án là ngày Thẩm phán thông báo cho người khởi kiện biết việc thụ lý. Việc thụ lý vụ án phải được ghi vào sổ thụ lý.

Thứ năm, chuẩn bị xét xử:Thời hạn chuẩn bị xét xử các vụ án, trừ vụ án xét xử theo thủ tục rút gọn, vụ án có yếu tố nước ngoài và vụ án khiếu kiện về danh sách cử tri được quy định như sau:

  • 04 tháng kể từ ngày thụ lý vụ án đối với trường hợp quy định tại điểm a khoản 2 Điều 116 của Luật tố tụng hành chính 2015
  • 02 tháng kể từ ngày thụ lý vụ án đối với trường hợp quy định tại điểm b khoản 2 Điều 116 của Luật tố tụng hành chính 2015
  • Đối với vụ án phức tạp hoặc có trở ngại khách quan thì Chánh án Tòa án có thể quyết định gia hạn thời hạn chuẩn bị xét xử một lần, nhưng không quá 02 tháng đối với trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này và không quá 01 tháng đối với trường hợp quy định tại khoản 2 Điều
  • Trường hợp có quyết định tạm đình chỉ việc giải quyết vụ án thì thời hạn chuẩn bị xét xử được tính lại kể từ ngày quyết định tiếp tục giải quyết vụ án của Tòa án có hiệu lực pháp luật.

Thứ sau, thời hạn mở phiên tòa sơ thẩm

  • Trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày có quyết định đưa vụ án ra xét xử, Tòa án phải mở phiên tòa;
  • Trường hợp có lý do chính đáng thì thời hạn mở phiên tòa có thể kéo dài nhưng không quá 30 ngày.

Nếu dân thắng kiện thì có đòi được đất không ?

Theo quy định tại điều 311 Luật tố tụng hành chính 2015:

  • Trường hợp bản án, quyết định của Tòa án tuyên bố hành vi không thực hiện nhiệm vụ, công vụ là trái pháp luật thì người phải thi hành án phải thực hiện nhiệm vụ, công vụ theo quy định của pháp luật kể từ ngày nhận được bản án, quyết định của Tòa án;

Theo quy định này thì người dân sẽ không đòi lại được đất. Bởi vì đối tượng khiếu kiện là hành vi không ban hành Thông báo về việc thu hồi quyền sử dụng đất nên sau khi bản án có hiệu lực, cơ quan có thẩm quyền bắt buộc phải Thông báo cho người dân biết những thông tin về việc thu hồi đất bằng văn bản như: Quyết định thu hồi đất, Quyết định bồi thường, hỗ trợ suất tái định cư,….
theo đúng trình tự thủ tục thu hồi đất.

Trên đây là toàn bộ bài tư vấn liên quan đến việc thu hồi đất nhưng không được thông báo. Nếu bạn còn có thắc mắc nào chưa hiểu và muốn giải đáp, xin liên hệ Luật sư Phan Mạnh Thăng qua hotline 1900.63.63.87, để được tư sự tư vấn tốt nhất.

4.9 (19 bình chọn)

Bài viết được Tham vấn bởi Luật sư: Võ Tấn Lộc - Tác giả: Vũ Thị Hải Yến
Tham vấn bởi Luật sư: Võ Tấn Lộc - Tác giả: Vũ Thị Hải Yến

Tác giả: Chuyên Viên Pháp Lý - Vũ Thị Hải Yến

Lĩnh vực tư vấn: hành chính, dân sự, đất đai, di chúc, thừa kế.

Trình độ đào tạo: Trường Đại học Luật

Số năm kinh nghiệm thực tế: 2 năm

Tổng số bài viết: 982 bài viết