Luật Đất Đai

Tranh chấp đất đai giữa cá nhân và nhà nước

Các hành vi tranh chấp đất đai giữa cá nhân và nhà nước luôn diễn ra rất căng thẳng và ngày càng quyết liệt ở hầu hết các tỉnh, thành phố của nước ta. Không chỉ là tranh chấp của các cá nhân riêng lẻ mà có thể là rất nhiều người với nhà nước. Mâu thuẫn phổ biến là người dân bị thu hồi đất không đúng quy định hoặc không được bồi thường, bồi thường không thỏa đáng hay không cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất … Vậy, tranh chấp này là gì và được giải quyết ra sao?

Tranh chấp đất đai giữa cá nhân và nhà nước
Tranh chấp đất đai giữa cá nhân và Nhà nước

>>Xem thêm: Không có hợp đồng, khi có tranh chấp có khởi kiện được không?

Tranh chấp đất đai giữa cá nhân và Nhà nước là gì?

Tranh chấp đất đai giữa cá nhân và Nhà nước hay còn gọi là tranh chấp hành chính trong lĩnh vực đất đai là những tranh chấp xảy ra trong quá trình quản lý nhà nước trong lĩnh vực đất đai. Biểu hiện cụ thể là việc người, cơ quan có thẩm quyền đã ban hành những quyết định hành chính, hành vi hành chính trong lĩnh vực đất đai trái pháp luật làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân dẫn đến họ phải khiếu nại, khởi kiện để yêu cầu giải quyết.

Đất đai là một tài sản có giá trị và nhiều trường hợp là tài sản, nơi cư ngụ duy nhất của người dân, do đó, khi lợi ích bị xâm phạm, họ rất dễ kích động, căng thẳng. Những người, cơ quan có thẩm quyền giải quyết phải khéo léo, mềm dẻo và giải quyết kịp thời, thỏa đáng cho người dân để tránh những hệ quả không đáng có xảy ra, làm mất niềm tin của nhân dân với nhà nước.

Giải quyết tranh chấp đất đai giữa cá nhân và nhà nước

Theo quy định tại Điều 204 Luật Đất đai 2013, người sử dụng đất, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đến sử dụng đất có quyền khiếu nại hoặc khởi kiện quyết định hành chính hoặc hành vi hành chính về quản lý đất đai. Theo quy định trên, có 2 con đường để giải quyết tranh chấp đất đai giữa cá nhân và nhà nước, đó là khiếu nại và khởi kiện.

>>Xem thêm: Thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai tại Ủy ban nhân dân cấp huyện

Giải quyết tranh chấp bằng con đường khiếu nại

Trình tự, thủ tục giải quyết khiếu nại đất đai giữa cá nhân và nhà nước sẽ tuân theo quy định của Luật khiếu nại. Theo quy định tại Điều 7 Luật Khiếu nại 2011, nguyên tắc chung khi thực hiện khiếu nại như sau:

Giải quyeetss tranh chấp đất với nhà nước bằng con đường khiếu nại
Giải quyết tranh chấp đất với nhà nước bằng con đường khiếu nại

Bước 1. Khi có căn cứ cho rằng quyết định hành chính, hành vi hành chính là trái pháp luật, xâm phạm trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của mình thì người khiếu nại khiếu nại lần đầu đến người đã ra quyết định hành chính hoặc cơ quan có người có hành vi hành chính hoặc khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án theo quy định của Luật tố tụng hành chính.

Bước 2. Nếu không đồng ý với quyết định giải quyết lần đầu hoặc quá thời hạn mà không được giải quyết thì khiếu nại lần 2 đến Thủ trưởng cấp trên của người có thẩm quyền giải quyết lần đầu hoặc khởi kiện ra Tòa án.

Bước 3. Nếu không đồng ý với quyết định giải quyết lần 2 hoặc hết thời hạn mà không được giải quyết thì có quyền khởi kiện ra Tòa án.

>>Xem thêm:Tranh chấp thừa kế nhà đất hình thành trong tương lai giải quyết ra sao?

Giải quyết tranh chấp bằng con đường khởi kiện ra Tòa án

Trong trường hợp tranh chấp đất đai giữa cá nhân và nhà nước, nếu cá nhân chọn hình thức khởi kiện ra Tòa án để yêu cầu giải quyết theo thủ tục tố tụng hành chính thì thực hiện như sau:

Giải quyết tranh chấp bằng con đường khởi kiện ra tòa án
Giải quyết tranh chấp bằng con đường khởi kiện ra Tòa án

Cá nhân nộp đơn khởi kiện đến Tòa án nhân dân (TAND) cấp có thẩm quyền yêu cầu giải quyết. Theo quy định tại Điều 30, 31 Luật Tố tụng hành chính 2015, thẩm quyền Tòa án được xác định như sau:

  • TAND cấp huyện sẽ giải quyết Khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính của người, cơ quan hành chính nhà nước từ cấp huyện trở xuống trên cùng phạm vi địa giới hành chính với Tòa án, trừ quyết định hành chính, hành vi hành chính của UBND cấp huyện, Chủ tịch UBND cấp huyện.
  • TAND cấp tỉnh sẽ giải quyết đối với các khiếu kiện còn lại. Thẩm quyền Tòa án cấp tỉnh theo lãnh thổ được xác định như sau:

Một là, Đối với khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính của UBND cấp huyện, Chủ tịch UBND cấp huyện, của cơ quan Nhà nước cấp tỉnh, hay người có thẩm quyền trong cơ quan đó sẽ do TAND cấp tỉnh cùng địa giới hành chính với cơ quan, cá nhân đó giải quyết. Ví dụ: Khiếu kiện quyết định hành chính của UBND Quận 9 sẽ do TAND TP.HCM giải quyết, khiếu kiện quyết định của Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa sẽ do TAND tỉnh Khánh Hòa giải quyết.

Hai là, Đối với khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính của cá nhân, cơ quan cấp trên của cấp tỉnh như: Bộ, Cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc chính phủ… hoặc người trong các cơ quan đó sẽ do Tòa án cấp tỉnh nơi người khởi kiện cư trú, làm việc giải quyết. Ví dụ: Anh A cư trú, làm việc tại Cần Thơ khiếu kiện quyết định của Bộ trưởng Bộ tài nguyên môi trường sẽ do TAND Thành phố Cần Thơ giải quyết.

Lưu ý: Trường hợp người khởi kiện có đơn khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án có thẩm quyền, đồng thời có đơn khiếu nại đến người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại thì Tòa án phải yêu cầu người khởi kiện lựa chọn cơ quan giải quyết và có văn bản thông báo cho Tòa án. Người khởi kiện trong cùng một thời điểm chỉ được chọn 1 hình thức để giải quyết (Khoản 1 Điều 33 Luật Tố tụng hành chính 2015).

Trên đây là toàn bộ nội dung tư vấn pháp luật đất đai liên quan đến vấn đề Tranh chấp đất đai giữa cá nhân và nhà nước. Trường hợp quý khách còn bất kỳ thắc mắc nào hoặc đang vướng phải các tranh chấp như trên, hãy liên hệ trực tiếp với chúng tôi qua Hotline 1900 63 63 87 để được tư vấn.

4.6 (17 bình chọn)

Bài viết được Tham vấn bởi Luật sư: Võ Tấn Lộc - Tác giả: Vũ Thị Hải Yến
Tham vấn bởi Luật sư: Võ Tấn Lộc - Tác giả: Vũ Thị Hải Yến

Tác giả: Chuyên Viên Pháp Lý - Vũ Thị Hải Yến

Lĩnh vực tư vấn: hành chính, dân sự, đất đai, di chúc, thừa kế.

Trình độ đào tạo: Trường Đại học Luật

Số năm kinh nghiệm thực tế: 2 năm

Tổng số bài viết: 894 bài viết