Luật Đất Đai

Hạn mức diện tích đất ở tại thành phố hồ chí minh là bao nhiêu?

Hạn mức sử dụng đất tại thành phố Hồ Chí Minh cũng như các địa phương khác thì mỗi địa phương tùy theo thực trạng dân cư, kinh tế và điều kiện lãnh thổ mà có sự khác nhau về diện tích tối đa cho từng đối tượng sử dụng đất. Tại Thành phố Hồ Chí Minh có diện tích trong hạn mức sử dụng đất khác nhau cho từng quận địa bàn. Để hiểu rõ hơn hạn mức sử dụng đất tại Hồ Chí Minh hãy theo dõi bài viết sau.

Hạn mức diện tích đất ở tại thành phố hồ chí minhHạn mức đất ở TP.HCM là bao nhiêu

 

Hạn mức diện tích đất ở là gì?

Hạn mức diện tích đất ở có thể được hiểu là diện tích tối đa cho đối tượng sử dụng đất ở được hưởng các quyền lợi hoặc thực hiện các nghĩa vụ theo quy định, nếu vượt hạn mức đã định đó, đối tượng sử dụng đất ở sẽ bị hạn chế quyền lợi hoặc không được áp dụng các chế độ miễn giảm theo quy định của pháp luật.

Việc quy định về hạn mức diện tích đất ở xuất phát từ nguyên nhân nền kinh tế nước ta với ngành nông nghiệp chiếm chủ yếu cho nên đất đai đóng vai trò rất quan trọng đối với sản xuất kinh tế. Thêm vào đó, việc quy định hạn mức diện tích đất mang ý kiến xã hội sâu sắc, tránh tình trạng đầu cơ đất đai, tránh sự tư hữu đất đai trong xã hội. Việc xác định hạn mức diện tích đất ở sẽ giúp đối tượng sử dụng đất ở thực hiện đúng quy định của pháp luật về sử dụng đất ở, đóng thuế sử dụng đất ở, thực hiện công nhận quyền sử dụng đất ở trong hạn mức,…

Hạn mức diện tích đất ở tại Thành phố Hồ Chí Minh là bao nhiêu?

Theo quy định tại khoản 3, 4 Điều 144 Luật Đất đai năm 2013 quy định Nhà nước phải có quy hoạch sử dụng đất để xây dựng nhà ở tại đô thị, có chính sách tạo điều kiện cho những người sống ở đô thị có chỗ ở và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh căn cứ vào quy hoặc sử dụng đất, quy hoạch xây dựng đô thị và quỹ đất của địa phương quy định hạn mức đất ở giao cho mỗi hộ gia đình, cá nhân tự xây dựng nhà ở đối với trường hợp chưa đủ điều kiện để giao đất theo dự án đầu tư xây dựng nhà ở; diện tích đất tối thiểu được tách thửa.

Từ các cơ sở pháp lý trên, việc xác định hạn mức đất ở tại Thành phố Hồ Chí Minh sẽ căn cứ vào Quyết định số 18/2016/QĐ-UBND ban hành ngày 16 tháng 5 năm 2016 về quy định hạn mức đất ở trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh. Cụ thể, khoản 1 Điều 1 Quyết định số 18/2016/QĐ-UBND quy định hạn mức đất ở đối với hộ gia đình, cá nhân như sau:

Làm thế nào để xác định hạn mức đất ở
Làm thế nào để xác định hạn mức đất ở
  • Các quận 1, 3, 4, 5, 6, 8, 10, 11, Gò vấp, Bình Thạnh, Phú Nhuận, Tân Bình, Tân Phú không quá 160m2/hộ.
  • Các quận 2, 7, 9, 12, Bình Tân, Thủ Đức và thị trấn các huyện: Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi, Nhà Bè không quá 200m2/hộ.
  • Khu quy hoạch phát triển đô thị không quá 250m2/hộ.
  • Huyện Cần Giờ và các khu dân cư nông thôn tại các xã của các huyện Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi, Nhà Bè không quá 300m2/hộ.

Đây là quy định chung về hạn mức đất ở đối với hộ gia đình, các nhân tại Thành phố Hồ Chí Minh, là cơ sở cho việc xác định hạn mức đất ở tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Cách xác định hạn mức đất ở tại Thành phố Hồ Chí Minh?

Cách xác định hạn mức đất ở tại Thành phố Hồ Chí Minh phải tuân thủ nguyên tắc theo quy định tại khoản 3 Điều 3 Nghị định số 45/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ. Theo đó, việc xác định diện tích đất trong hạn mức phải đảm bảo nguyên tắc mỗi hộ gia đình (bao gồm cả hộ gia đình hình thành do tách hộ theo quy định của pháp luật), cá nhân chỉ được xác định diện tích đất trong hạn mức giao đất ở hoặc hạn mức công nhận quyền sử dụng đất ở một lần và trong phạm vi một tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Trường hợp hộ gia đình, cá nhân có nhiều thửa đất trong phạm vi một tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thì hộ gia đình, cá nhân đó được cộng dồn diện tích đất của các thửa đất để xác định diện tích đất trong hạn mức giao đất ở hoặc hạn mức công nhận quyền sử dụng đất ở nhưng tổng diện tích đất lựa chọn không vượt quá hạn mức giao đất ở hoặc hạn mức công nhận quyền sử dụng đất ở tại địa phương nơi lựa chọn.

Hộ gia đình, cá nhân chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính trung thực, chính xác của việc kê khai diện tích thửa đất trong hạn mức giao đất ở hoặc hạn mức công nhận đất ở được áp dụng tính thu tiền sử dụng đất; nếu bị phát hiện kê khai gian lận sẽ bị truy thu nộp tiền sử dụng đất theo quy định của pháp luật đất đai và bị xử phạt theo quy định của pháp luật về thuế.

Trường hợp hộ gia đình, cá nhân đồng sở hữu quyền sử dụng đất của 01 thửa đất, diện tích trong hạn mức giao đất ở được xác định như sau:

Cách xác định hạn mức diện tích đất ở
Cách xác định hạn mức diện tích đất ở
  • Trường hợp các hộ gia đình, cá nhân được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép tách thửa đất cho mỗi hộ thì việc xác định diện tích trong hạn mức để tính thu tiền sử dụng đất được tính theo từng thửa đất khi làm thủ tục cấp Giấy chứng nhận và theo nguyên tắc mỗi hộ gia đình, cá nhân được tách thửa chỉ được xác định diện tích đất trong hạn mức giao đất ở hoặc hạn mức công nhận đất ở một lần và trong phạm vi một tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo quy định tại điểm a khoản 3 Điều 3 Nghị định 45/2014/NĐ-CP. Việc tách thửa đất ở được quy định cụ thể tại khoản 1 Điều 5 Quyết định số 60/2017/QĐ-UBND.
  • Trường hợp các hộ gia đình, cá nhân không thực hiện hoặc không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép tách thửa đất thì việc xác định diện tích trong hạn mức giao đất ở được tính theo tiêu chuẩn xác định hạn mức của hộ gia đình hoặc cá nhân được cử là đại diện các đồng sở hữu làm thủ tục cấp Giấy chứng nhận.

Việc xác định hạn mức sử dụng đất có ý nghĩa rất quan trọng để tính thu tiền sử dụng đất ở của hộ gia đình, cá nhân khi được Nhà nước cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, công nhận quyền sử dụng đất. Để bảo vệ tốt nhất quyền lợi của mình, người sử dụng đất ở cần nắm rõ các quy định trên của pháp luật.

Trên đây là nội dung tư vấn pháp luật về đất đai của chúng tôi về vấn đề “Hạn mức diện tích đất ở tại Thành phố Hồ Chí Minh là bao nhiêu?”. Trường hợp Quý khách hàng còn thắc mắc về bất cứ nội dung nào hoặc cần hỗ trợ pháp lý liên quan đến đất đai, vui lòng liên hệ với Luật sư đất đai thông qua hotline 1900 63 63 87 để được giải đáp và hỗ trợ kịp thời, đầy đủ. Xin cảm ơn!

4.9 (10 bình chọn)

Bài viết được Tham vấn bởi Luật sư: Võ Tấn Lộc - Tác giả: Vũ Thị Hải Yến
Tham vấn bởi Luật sư: Võ Tấn Lộc - Tác giả: Vũ Thị Hải Yến

Tác giả: Chuyên Viên Pháp Lý - Vũ Thị Hải Yến

Lĩnh vực tư vấn: hành chính, dân sự, đất đai, di chúc, thừa kế.

Trình độ đào tạo: Trường Đại học Luật

Số năm kinh nghiệm thực tế: 2 năm

Tổng số bài viết: 895 bài viết