Luật Xây Dựng

Khiếu nại trong quá trình thực hiện hợp đồng xây dựng

Khiếu nại trong quá trình thực hiện hợp đồng xây dựng xảy ra khi một bên không tuân thủ thực hiện hợp đồng. Bên nhận thầu hoặc bên giao thầu không thực hiện đúng quyền và nghĩa vụ sẽ là căn cứ để bên còn lại khiếu nại. Thủ tục khiếu nại và giải quyết trong quá trình thực hiện hợp đồng xây dựng được thực hiện riêng theo quy định chuyên ngành. Các quy định về khiếu nại trong quá trình thực hiện hợp đồng xây dựng sẽ được cung cấp và giải thích trong bài viết dưới đây.Khiếu nại khi thực hiện hợp đồng xây dựng

Khiếu nại khi thực hiện hợp đồng xây dựng

Quy định khiếu nại trong hợp đồng xây dựng 

Căn cứ khiếu nại

Theo khoản 1 Điều 44 Nghị định số 37/2015/NĐ-CP, khiếu nại trong quá trình thực hiện hợp đồng xây dựng được hiểu: Khi một bên phát hiện bên kia thực hiện không đúng hoặc không thực hiện nghĩa vụ theo đúng hợp đồng thì có quyền yêu cầu bên kia thực hiện đúng nội dung hợp đồng đã ký. Khi đó, bên phát hiện có quyền khiếu nại bên kia về nội dung này.

Khoản 2 Điều 44 Nghị định này quy định khi một bên khiếu nại bên kia thì phải đưa ra các căn cứ, dẫn chứng cụ thể để làm sáng tỏ những nội dung khiếu nại. 

Như vậy, căn cứ để khiếu nại trong quá trình thực hiện hợp đồng xây dựng là khi:

  • Phát hiện bên kia thực hiện không đúng hoặc không thực hiện nghĩa vụ theo đúng hợp đồng;
  • Đưa ra được các căn cứ, dẫn chứng cụ thể làm sáng tỏ những nội dung khiếu nại.

Thời hạn khiếu nại

Theo khoản 3 Điều 44 Nghị định số 37/2015/NĐ-CP: Trong vòng năm mươi sáu (56) ngày kể từ khi nảy sinh vấn đề một bên thực hiện hợp đồng không phù hợp với các thỏa thuận đã ký, bên phát hiện phải thông báo ngay cho bên kia về những nội dung đó và khiếu nại về các nội dung này. Ngoài khoảng thời gian này nếu không bên nào có khiếu nại thì các bên phải thực hiện theo đúng những thỏa thuận đã ký.

 Như vậy, thời hạn khiếu nại là trong vòng 56 ngày kể từ khi nảy sinh vấn đề một bên thực hiện hợp đồng không phù hợp với các thỏa thuận đã ký. Việc các bên nắm rõ thời hạn khiếu nại sẽ đảm bảo việc thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình theo hợp đồng đã ký. 

Trách nhiệm của bên khiếu nại

Bên khiếu nại là bên phát hiện bên kia thực hiện không đúng hoặc không thực hiện nghĩa vụ, khi đó theo quy định của Điều 44 Nghị định 37/2015/NĐ-CP, bên khiếu nại có trách nghiệm sau:

  • Phải đưa ra các căn cứ, dẫn chứng cụ thể để làm sáng tỏ những nội dung khiếu nại theo quy định tại Khoản 1, Điều này. Đây là yêu cầu đối với bên khiếu nại nhằm đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho bên bị khiếu nại, tránh trường hợp lợi dụng việc khiếu nại.
  • Trong vòng (56) ngày kể từ khi nảy sinh vấn đề một bên thực hiện hợp đồng không phù hợp với các thỏa thuận đã ký. Bên khiếu nại phải thông báo cho bên kia về những nội dung đó và khiếu nại về các nội dung này theo quy định tại Khoản 3, Điều này.
  • Phải gửi khiếu nại đến đúng địa chỉ giao dịch hoặc địa chỉ trao đổi thông tin mà các bên đã thỏa thuận trong hợp đồng theo quy định tại Khoản 5, Điều này.

Trách nhiệm của bên khiếu nại

Trách nhiệm của bên khiếu nại

Trách nhiệm của bên bị khiếu nại

Trong quá trình thực hiện hợp đồng xây dựng, nếu phát sinh việc một bên thực hiện không đúng hoặc không thực hiện nghĩa vụ theo hợp đồng thì có thể phát sinh việc bên đó bị khiếu nại. Theo quy định tại Khoản 4 Điều 44 Nghị định 37/2015/NĐ-CP thì trách nhiệm của bên bị khiếu nại như sau:

  • Trong vòng (28) ngày kể từ ngày nhận được khiếu nại, bên nhận được khiếu nại phải đưa ra những căn cứ, dẫn chứng về những nội dung cho rằng việc khiếu nại của bên kia là không phù hợp với hợp đồng đã ký.
  • Nếu những căn cứ dẫn chứng đó không không thuyết phục, hợp lý thì bên bị khiếu nại phải chấp thuận với những khiếu nại của bên kia.
  • Nếu sau (28) ngày kể từ ngày nhận được khiếu nại mà không có ý kiến. Bên bị khiếu nại phải thực hiện những nội dung bên khiếu nại đưa ra, nếu sau (28) ngày kể từ ngày nhận được khiếu nại mà không có ý kiến gì.

Quy trình khiếu nại trong quá trình thực hiện hợp đồng xây dựng 

Theo khoản 3, khoản 4 và khoản 5 Điều 44 Nghị định số 37/2015/NĐ-CP quy định như sau:

  • Trong vòng năm mươi sáu (56) ngày kể từ khi nảy sinh vấn đề một bên thực hiện hợp đồng không phù hợp với các thỏa thuận đã ký, bên phát hiện phải thông báo ngay cho bên kia về những nội dung đó và khiếu nại về các nội dung này. Ngoài khoảng thời gian này nếu không bên nào có khiếu nại thì các bên phải thực hiện theo đúng những thỏa thuận đã ký.
  • Trong vòng hai mươi tám (28) ngày kể từ ngày nhận được khiếu nại, bên nhận được khiếu nại phải đưa ra những căn cứ, dẫn chứng về những nội dung cho rằng việc khiếu nại của bên kia là không phù hợp với hợp đồng đã ký, nếu những căn cứ và dẫn chứng không thuyết phục, không hợp lý thì phải chấp thuận với những khiếu nại của bên kia. Ngoài khoảng thời gian này nếu bên nhận được khiếu nại không có ý kiến thì coi như đã chấp thuận với những nội dung khiếu nại do bên kia đưa ra.
  • Các khiếu nại của mỗi bên phải được gửi đến đúng địa chỉ giao dịch hoặc địa chỉ trao đổi thông tin mà các bên đã thỏa thuận trong hợp đồng.

Như vậy quy trình khiếu nại trong quá trình thực hiện hợp đồng xây dựng được thực hiện từng bước như sau:

Bên thực hiện khiếu nại:

  • Bên phát hiện phải thông báo ngay cho bên thực hiện hợp đồng không phù hợp với các thỏa thuận đã ký về những nội dung đó và khiếu nại về các nội dung này.
  • Ngoài khoảng thời gian trong vòng 56 ngày kể từ khi nảy sinh vấn đề một bên thực hiện hợp đồng không phù hợp với các thỏa thuận đã ký, nếu không bên nào có khiếu nại thì các bên phải thực hiện theo đúng những thỏa thuận đã ký.

Bên bị khiếu nại:

  • Kể từ ngày nhận được khiếu nại, bên nhận được khiếu nại phải đưa ra những căn cứ, dẫn chứng về những nội dung cho rằng việc khiếu nại của bên kia là không phù hợp với hợp đồng đã ký; 
  • Nếu những căn cứ và dẫn chứng không thuyết phục, không hợp lý thì phải chấp thuận với những khiếu nại của bên kia; 
  • Trong thời hạn 28 ngày từ khi nhận khiếu nại, nếu không có ý kiến thì coi như đã chấp thuận với những nội dung khiếu nại đã đưa ra.

Ngoài ra, các khiếu nại phải được gửi đến đúng địa chỉ giao dịch hoặc địa chỉ trao đổi thông tin đã thỏa thuận trong hợp đồng

Khiếu nại không được giải quyết thì sẽ được giải quyết như thế nào ?

Các giải quyết khi không được giải quyết khiếu nại

Các giải quyết khi không được giải quyết khiếu nại

Theo căn cứ tại Khoản 5 Điều 44 Nghị định 37/2015/NĐ-CP, các khiếu nại không được giải quyết bởi các bên sẽ được giải quyết theo thủ tục giải quyết tranh chấp hợp đồng xây dựng.

Theo đó, khiếu nại sẽ được giải quyết bằng giải quyết tranh chấp hợp đồng xây dựng tuân thủ các nguyên tắc và trình tự giải quyết tranh chấp hợp đồng xây dựng tại Khoản 8, Điều 146 Luật ây dựng 2014

  • Tôn trọng các thỏa thuận hợp đồng và các cam kết trong quá trình thực hiện hợp đồng, bảo đảm bình đẳng và hợp tác;
  • Các bên hợp đồng có trách nhiệm tự thương lượng giải quyết tranh chấp. Trường hợp các bên hợp đồng không tự thương lượng được thì tranh chấp được giải quyết thông qua hòa giải, trọng tài thương mại hoặc tòa án theo quy định của pháp luật.”

Giải quyết tranh chấp hợp đồng xây dựng

Thương lượng

Theo khoản 1 Điều 45 Nghị định số 37/2015/NĐ-CP khi giải quyết các tranh chấp trong quá trình thực hiện hợp đồng xây dựng, các bên phải tuân thủ nguyên tắc và trình tự giải quyết tranh chấp hợp đồng xây dựng được quy định tại Khoản 8 Điều 146 Luật Xây dựng số 50/2014/QH13.

Cụ thể, tại Khoản 8 Điều 146 Luật Xây dựng 2014 quy định về nguyên tắc và trình tự giải quyết tranh chấp hợp đồng xây dựng như sau:

  • Tôn trọng các thỏa thuận hợp đồng và các cam kết trong quá trình thực hiện hợp đồng, bảo đảm bình đẳng và hợp tác;
  • Các bên hợp đồng có trách nhiệm tự thương lượng giải quyết tranh chấp. Trường hợp các bên hợp đồng không tự thương lượng được thì tranh chấp được giải quyết thông qua hòa giải, trọng tài thương mại hoặc tòa án theo quy định của pháp luật. 

Như vậy, các bên có trách nhiệm tự thương lượng với nhau để giải quyết tranh chấp. Trường hợp không tự thương lượng được, các bên  giải quyết tranh chấp thông qua hòa giải, trọng tài thương mại hoặc tòa án theo quy định của pháp luật.

Hòa giải 

Theo khoản 2 Điều 45 Nghị định số 37/2015/NĐ-CP: trường hợp các bên tham gia hợp đồng có thỏa thuận giải quyết tranh chấp hợp đồng thông qua hòa giải được thực hiện bởi cơ quan, tổ chức hoặc một, một số cá nhân chuyên gia (gọi chung là ban xử lý tranh chấp).  

Về Ban xử lý tranh chấp, theo điểm a khoản 2 Điều 45 Nghị định số 37/2015/NĐ-CP:

  • Ban xử lý tranh chấp có thể được nêu trong hợp đồng tại thời điểm ký kết hoặc thiết lập sau khi có tranh chấp xảy ra;
  • Số lượng thành viên ban xử lý tranh chấp do các bên tự thỏa thuận; 
  • Thành viên ban xử lý tranh chấp phải là người có trình độ chuyên môn phù hợp với nội dung tranh chấp, kinh nghiệm trong vấn đề giải quyết tranh chấp hợp đồng và hiểu biết về các quy định pháp luật liên quan đến hợp đồng xây dựng.

Về thời hạn phản đối kết luận hòa giải, theo điểm b khoản 2 Điều 45 Nghị định số 37/2015/NĐ-CP:

  • Trong thời hạn hai mươi tám (28) ngày kể từ ngày các bên nhận được kết luận hòa giải của ban xử lý tranh chấp, nếu một bên không đồng ý kết luận hòa giải của ban xử lý tranh chấp thì có quyền phản đối và các tranh chấp này sẽ được giải quyết tại Trọng tài hoặc Tòa án theo quy định của pháp luật; 
  • Trường hợp quá thời hạn nêu trên không bên nào phản đối kết luận hòa giải thì coi như các bên đã thống nhất với kết luận hòa giải. Khi đó, các bên phải thực hiện theo kết luận hòa giải.

Về chi phí hòa giải, theo điểm c khoản 2 Điều 45 Nghị định số 37/2015/NĐ-CP: chi phí cho ban xử lý tranh chấp được tính trong giá hợp đồng xây dựng và do mỗi bên hợp đồng chịu một nửa, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.

Trọng tài thương mại 

Theo khoản 1 Điều 5 Luật Trọng tài thương mại 2010, điều kiện tranh chấp được giải quyết bằng Trọng tài nếu:

  • Các bên có thoả thuận trọng tài. 
  • Thỏa thuận trọng tài có thể được lập trước hoặc sau khi xảy ra tranh chấp.

Và theo quy định tại khoản 1 Điều 30 Luật Trọng tài thương mại 2010, trường hợp giải quyết tranh chấp tại Trung tâm trọng tài, nguyên đơn phải làm đơn khởi kiện gửi đến Trung tâm trọng tài. Trường hợp vụ tranh chấp được giải quyết bằng Trọng tài vụ việc, nguyên đơn phải làm đơn khởi kiện và gửi cho bị đơn

Như vậy, nếu hai bên có thỏa thuận trọng tài và có đơn khởi kiện đến Trung tâm trọng tài, tranh chấp hợp đồng xây dựng có thể giải quyết bằng Trọng tài thương mại.

Ngoài ra, Điều 38 Luật Trọng tài thương mại 2010 có quy định: Kể từ thời điểm bắt đầu tố tụng trọng tài, các bên vẫn có quyền tự mình thương lượng, thỏa thuận chấm dứt việc giải quyết tranh chấp. Trong trường hợp các bên tự thỏa thuận được với nhau chấm dứt việc giải quyết tranh chấp thì có quyền yêu cầu Chủ tịch Trung tâm trọng tài ra quyết định đình chỉ giải quyết tranh chấp.

Tòa án 

Tại Điều 30 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, những tranh chấp về kinh doanh, thương mại thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án bao gồm tranh chấp phát sinh trong hoạt động kinh doanh, thương mại giữa cá nhân, tổ chức có đăng ký kinh doanh với nhau và đều có mục đích lợi nhuận.

Theo Điều 186 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015: cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền tự mình hoặc thông qua người đại diện hợp pháp khởi kiện vụ án (sau đây gọi chung là người khởi kiện) tại Tòa án có thẩm quyền để yêu cầu bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. 

Như vậy, tranh chấp hợp đồng xây dựng cũng thuộc thẩm quyền của Tòa án và các bên tranh chấp có quyền khởi kiện theo quy định của pháp luật. 

>>> Xem thêm: Giải quyết tranh chấp hợp đồng xây dựng

Luật sư tư vấn khiếu nại trong quá trình thực hiện hợp đồng xây dựng

Luật sư cung cấp các dịch vụ hỗ trợ sau:

  • Tư vấn về quy định khiếu nại trong quá trình thực hiện hợp đồng xây dựng;
  • Tư vấn, hỗ trợ soạn thảo đơn khiếu nại;
  • Tư vấn, hỗ trợ tổng hợp hồ sơ khiếu nại trong quá trình thực hiện hợp đồng xây dựng;
  • Đại diện theo ủy quyền để thực hiện các thủ tục tố tụng có liên quan;
  • Cung cấp các dịch vụ pháp lý có liên quan.
  • Tư vấn giải quyết các tranh chấp phát sinh trong quá trình thực hiện hợp đồng xây dựng,
  • Tư vấn về các điều kiện ký kết, đàm phán hợp đồng xây dựng;
  • Đại diện khách hàng soạn thảo, liên hệ với các cơ quan nhà nước giải quyết các tranh chấp hợp đồng xây dựng;
  • Luật sư tham gia tranh tụng tại phiên tòa với tư cách là người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp.

Để khiếu nại trong quá trình thực hiện hợp đồng xây dựng thì bên khiếu nại phải đưa ra các căn cứ, dẫn chứng cụ thể làm sáng tỏ những nội dung khiếu nại. Bên cạnh đó, để giải quyết tranh chấp hợp đồng xây dựng, các bên có thể thương lượng, hòa giải hoặc khởi kiện lên Trung tâm trọng tài hoặc Tòa án. Hãy liên hệ qua hotline:1900.63.63.87 để được tư vấn chuyên luật xây dựng nhanh chóng và hiệu quả.

>>Bài viết liên quan có thể bạn quan tâm về hợp đồng xây dựng:

4.5 (17 bình chọn)

Bài viết được Trương Quốc Dũng - Luật sư kiểm duyệt: Trần Tiến Lực
Trương Quốc Dũng - Luật sư kiểm duyệt: Trần Tiến Lực

Tác giả: Chuyên Viên Pháp Lý

Lĩnh vực tư vấn: Hợp Đồng, Xây Dựng, Sở Hữu Trí Tuệ, Doanh Nghiệp

Trình độ đào tạo: Đại Học Luật

Số năm kinh nghiệm thực tế: 3

Tổng số bài viết: 728 bài viết