Luật Xây Dựng

Khiếu nại về việc chậm giải quyết hồ sơ xin cấp giấy phép xây dựng

Khiếu nại về việc chậm giải quyết hồ sơ xin cấp giấy phép xây dựng được thực hiện khi người nộp hồ sơ xin cấp giấy phép có căn cứ là cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép chậm giải quyết hồ sơ xin cấp giấy phép xây dựng. Để hiểu rõ hơn về quy trình, hồ sơ, thủ tục giải quyết khiếu nại về việc chậm giải quyết hồ sơ xin cấp giấy phép xây dựng, bài viết sau đây của Chuyên tư vấn Luật sẽ thông tin cụ thể đến quý bạn đọc về vấn đề này.

Chậm giải quyết hồ sơ xin cấp giấy phép xây dựngChậm giải quyết hồ sơ xin cấp giấy phép xây dựng

Thẩm quyền giải quyết hồ sơ xin giấy phép xây dựng

Theo khoản 17 Điều 3 Luật Xây dựng năm 2014, giấy phép xây dựng là văn bản pháp lý do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp cho chủ đầu tư để xây dựng mới, sửa chữa, cải tạo, di dời công trình.

Như vậy, giấy phép xây dựng đóng vai trò như là một loại giấy tờ chứng minh cho việc các cá nhân, tổ chức được quyền xây dựng mới, sửa chữa, cải tạo, di dời công trình xây dựng theo đúng quy định của pháp luật.

Căn cứ theo Điều 103 Luật Xây dựng năm 2014 (sửa đổi, bổ sung năm 2020), thẩm quyền giải quyết hồ sơ xin cấp giấy phép xây dựng được quy định cụ thể như sau:

  • Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cấp giấy phép xây dựng đối với công trình thuộc đối tượng có yêu cầu phải cấp giấy phép xây dựng trên địa bàn tỉnh, trừ công trình thuộc thẩm quyền cấp giấy phép của Ủy ban nhân dân cấp huyện. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phân cấp, ủy quyền cho Sở Xây dựng, Ban quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế, Ủy ban nhân dân cấp huyện cấp giấy phép xây dựng thuộc chức năng và phạm vi quản lý của cơ quan này.
  • Ủy ban nhân dân cấp huyện cấp giấy phép xây dựng đối với công trình cấp III, cấp IV và nhà ở riêng lẻ trên địa bàn do mình quản lý.

Như vậy theo quy định của pháp luật hiện hành, thẩm quyền giải quyết hồ sơ và cấp giấy phép xây dựng thuộc về Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và Ủy ban nhân dân cấp huyện.

Thời hạn trả kết quả giải quyết hồ sơ xin cấp giấy phép

Thời hạn trả kết quả giải quyết hồ sơ xin cấp phép xây dựng sẽ được tính từ ngày cơ quan có thẩm quyền nhận được hồ sơ hợp lệ. Căn cứ theo điểm e khoản 1 Điều 102 Luật Xây dựng năm 2014 (sửa đổi, bổ sung năm 2020), thời hạn trả kết quả giải quyết hồ sơ xin cấp giấy phép xây dựng được quy định cụ thể như sau:

  • Kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng phải xem xét hồ sơ để cấp giấy phép trong thời gian 20 ngày đối với trường hợp cấp giấy phép xây dựng công trình, bao gồm cả giấy phép xây dựng có thời hạn, giấy phép xây dựng điều chỉnh, giấy phép di dời và trong thời gian 15 ngày đối với nhà ở riêng lẻ.
  • Trường hợp đến thời hạn cấp giấy phép nhưng cần phải xem xét thêm thì cơ quan cấp giấy phép xây dựng phải thông báo bằng văn bản cho chủ đầu tư biết lý do, đồng thời báo cáo cấp có thẩm quyền quản lý trực tiếp xem xét và chỉ đạo thực hiện, nhưng không được quá 10 ngày kể từ ngày hết hạn theo quy định tại khoản này.
  • Thời gian cấp giấy phép xây dựng đối với công trình quảng cáo được thực hiện theo quy định của pháp luật về quảng cáo.

Như vậy, nhìn chung thời hạn trả kết quả giải quyết hồ sơ xin cấp phép xây dựng có thể kéo dài từ 15 đến 30 ngày kể từ ngày cơ quan có thẩm quyền nhận đủ hồ sơ hợp lệ tùy theo từng trường hợp.

>>> Xem thêm: Mẫu đơn đề nghị điều chỉnh Giấy phép xây dựng mới nhất

Thủ tục khiếu nại khi chậm trả kết quả xin giấy phép xây dựng

Chủ thể bị khiếu nại

Trong trường hợp quá thời hạn giải quyết hồ sơ theo quy định của pháp luật mà chưa được trả kết quả xin giấy phép xây dựng, người nộp hồ sơ xin cấp phép xây dựng có quyền khiếu nại về hành vi chậm trả kết quả xin giấy phép xây dựng đến cơ quan, người có thẩm quyền giải quyết.

Căn cứ theo khoản 5 Điều 2, khoản 1 Điều 7 Luật Khiếu nại 2011, chủ thể bị khiếu nại là cơ quan nhà nước, người có hành vi chậm trả kết quả xin giấy phép xây dựng, xâm phạm trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khiếu nại.

Như vậy, theo Điều 103 Luật Xây dựng năm 2014 (sửa đổi, bổ sung năm 2020), chủ thể bị khiếu nại ở đây là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và Ủy ban nhân dân cấp huyện. Cụ thể:

  • Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có thể bị khiếu nại trong trường hợp chậm cấp giấy phép đối với các công trình thuộc đối tượng có yêu cầu phải cấp giấy phép xây dựng trên địa bàn tỉnh; các công trình đã phân cấp, ủy quyền cho Sở Xây dựng, Ban quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế, Ủy ban nhân dân cấp huyện cấp giấy phép xây dựng thuộc chức năng và phạm vi quản lý của cơ quan này.
  • Ủy ban nhân dân cấp huyện có thể bị khiếu nại trong trường hợp chậm cấp giấy phép đối với công trình cấp III, cấp IV và nhà ở riêng lẻ trên địa bàn do mình quản lý.

Bên cạnh đó, trong trường hợp cán bộ, công chức tiếp nhận hồ sơ, giải quyết hồ sơ chậm giải quyết hồ sơ xin cấp phép xây dựng theo thời hạn pháp luật quy định thì người nộp hồ sơ có quyền khiếu nại trực tiếp cán bộ, công chức đó theo khoản 1 Điều 7 Luật Khiếu nại 2011 để bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình.

Hồ sơ cần chuẩn bị

Khi thực hiện việc khiếu nại về hành vi chậm giải quyết hồ sơ xin cấp phép xây dựng, người khiếu nại cần phải chuẩn bị một bộ hồ sơ đầy đủ theo quy định của pháp luật. Tùy vào trường hợp là đang thực hiện thủ tục khiếu nại lần 1 hay khiếu nại lần 2 mà thành phần hồ sơ khiếu nại sẽ khác nhau.

Căn cứ theo Điều 34, Luật Khiếu nại 2011 quy định việc giải quyết khiếu nại phải được lập thành hồ sơ. Hồ sơ giải quyết khiếu nại bao gồm:

  • Đơn khiếu nại hoặc bản ghi lời khiếu nại;
  • Tài liệu, chứng cứ do các bên cung cấp;
  • Biên bản kiểm tra, xác minh, kết luận, kết quả giám định (nếu có);
  • Biên bản tổ chức đối thoại (nếu có);
  • Quyết định giải quyết khiếu nại;
  • các tài liệu khác có liên quan.

Tại Điều 43, Luật Khiếu nại 2011 quy định về hồ sơ giải quyết khiếu nại lần hai như sau: Việc giải quyết khiếu nại lần hai phải được lập thành hồ sơ theo quy định tại Điều 34 của Luật này, kèm theo ý kiến bằng văn bản của Hội đồng tư vấn (nếu có).

Theo khoản 2, Điều 8, Luật Khiếu nại 2011 thì trường hợp khiếu nại được thực hiện bằng đơn thì trong đơn khiếu nại phải ghi rõ ngày, tháng, năm khiếu nại; tên, địa chỉ của người khiếu nại; tên, địa chỉ của cơ quan, tổ chức, cá nhân bị khiếu nại; nội dung, lý do khiếu nại, tài liệu liên quan đến nội dung khiếu nại và yêu cầu giải quyết của người khiếu nại. Đơn khiếu nại phải do người khiếu nại ký tên hoặc điểm chỉ.

Căn cứ theo khoản 1, Điều 3, Nghị định 124/2020/NĐ – CP Hình thức khiếu nại được thực hiện theo quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 8 của Luật Khiếu nại. Đơn khiếu nại được thực hiện theo Mẫu số 01 ban hành kèm theo Nghị định này.

Như vậy, mặc dù hiện nay thành phần hồ sơ người khiếu nại cần chuẩn bị không có quy định cụ thể chi tiết. Tuy nhiên, căn cứ theo các quy định trên thì có thể hiểu hồ sơ khiếu nại lần 1 cần chuẩn bị bao gồm các tài liệu, văn bản sau:

  • Đơn khiếu nại theo mẫu số 01 ban hành kèm theo Nghị định 124/2020/NĐ-CP về hướng dẫn thi hành Luật Khiếu nại 2011;
  • Kèm theo đơn khiếu nại là các tài liệu, chứng cứ chứng minh cho việc chậm giải quyết hồ sơ xin cấp phép xây dựng như hồ sơ đề nghị cấp phép xây dựng, biên nhận hồ sơ xin cấp phép,…

Hồ sơ khiếu nại lần 2 cần chuẩn bị bao gồm các tài liệu, văn bản sau:

  • Đơn khiếu nại theo mẫu số 01 ban hành kèm theo Nghị định 124/2020/NĐ-CP về hướng dẫn thi hành Luật Khiếu nại 2011;
  • Các tài liệu, chứng cứ chứng minh cho việc chậm giải quyết hồ sơ xin cấp phép xây dựng như hồ sơ đề nghị cấp phép xây dựng, biên nhận hồ sơ xin cấp phép,…
  • Quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu (nếu có).

Cơ sở pháp lý: khoản 1 Điều 8, khoản 1 Điều 33 Luật Khiếu nại 2011, Nghị định 124/2020/NĐ-CP về hướng dẫn thi hành Luật Khiếu nại 2011

Hồ sơ khiếu nại đất đaiHồ sơ khiếu nại đất đai

Trình tự, thủ tục khiếu nại

Khi có khiếu nại về hành vi chậm giải quyết hồ sơ xin cấp phép xây dựng, trình tự, thủ tục khiếu nại được quy định cụ thể như sau:

Khiếu nại lần đầu

Bước 1: Nộp đơn khiếu nại hoặc khiếu nại trực tiếp

Người khiếu nại nộp đơn hoặc khiếu nại trực tiếp kèm theo các tài liệu, chứng cứ chứng minh cho việc chậm giải quyết hồ sơ xin cấp phép xây dựng đến cơ quan, người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại.

Bước 2: Thụ lý đơn khiếu nại và thông báo việc thụ lý

  • Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được khiếu nại thuộc thẩm quyền giải quyết, người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu phải thụ lý giải quyết; thông báo bằng văn bản cho người khiếu nại, cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền chuyển khiếu nại đến và cơ quan thanh tra nhà nước cùng cấp biết, trường hợp không thụ lý giải quyết thì phải nêu rõ lý do.
  • Thời hạn giải quyết khiếu nại lần đầu không quá 30 ngày, kể từ ngày thụ lý; đối với vụ việc phức tạp thì thời hạn giải quyết có thể kéo dài hơn nhưng không quá 45 ngày, kể từ ngày thụ lý. Ở vùng sâu, vùng xa đi lại khó khăn thì thời hạn giải quyết khiếu nại không quá 45 ngày, kể từ ngày thụ lý; đối với vụ việc phức tạp thì thời hạn giải quyết có thể kéo dài hơn nhưng không quá 60 ngày, kể từ ngày thụ lý.

Bước 3: Người có thẩm quyền giải quyết xác minh nội dung khiếu nại

  • Trong thời hạn giải quyết khiếu nại lần đầu theo quy định, người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại tự mình hoặc giao cơ quan thanh tra nhà nước cùng cấp hoặc cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân thuộc quyền quản lý của mình kiểm tra, xác minh lại nội dung khiếu nại.
  • Người có thẩm quyền giải quyết thực hiện báo cáo kết quả xác minh.

Bước 4: Tổ chức đối thoại

  • Nếu yêu cầu của người khiếu nại và kết quả xác minh nội dung khiếu nại còn khác nhau thì người giải quyết khiếu nại tổ chức đối thoại với người khiếu nại, người bị khiếu nại, người có quyền và nghĩa vụ liên quan, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan để làm rõ nội dung khiếu nại, yêu cầu của người khiếu nại và hướng giải quyết khiếu nại;
  • Người giải quyết khiếu nại có trách nhiệm thông báo bằng văn bản với người khiếu nại, người bị khiếu nại, người có quyền và nghĩa vụ liên quan, cơ quan, tổ chức có liên quan biết thời gian, địa điểm, nội dung việc đối thoại.
  • Việc đối thoại sẽ được lập thành biên bản và được lưu vào hồ sơ vụ việc khiếu nại. Kết quả đối thoại là một trong các căn cứ để giải quyết khiếu nại.

Bước 5: Ra quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu

  • Căn cứ vào quy định của pháp luật, kết quả xác minh nội dung khiếu nại, kết quả đối thoại (nếu có), người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại ra quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu.
  • Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày có quyết định giải quyết khiếu nại, quyết định giải quyết khiếu nại sẽ được gửi cho người khiếu nại, thủ trưởng cấp trên trực tiếp của người giải quyết khiếu nại hoặc người có thẩm quyền, người có quyền, nghĩa vụ liên quan, cơ quan, tổ chức, cá nhân đã chuyển khiếu nại đến và cơ quan thanh tra nhà nước cùng cấp.

Cơ sở pháp lý: Điều 27, Điều 29, Điều 30, Điều 31, Điều 32 Luật Khiếu nại 2011.

>>> Xem thêm: Thủ tục giải quyết khiếu nại hành chính lần đầu

Khiếu nại lần hai

Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày hết thời hạn giải quyết khiếu nại lần đầu mà khiếu nại lần đầu không được giải quyết hoặc kể từ ngày nhận được quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu mà người khiếu nại không đồng ý thì có quyền khiếu nại đến người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần hai. Trình tự, thủ tục khiếu nại lần hai cụ thể như sau:

Bước 1: Nộp đơn khiếu nại lần hai

Người khiếu nại gửi đơn khiếu nại lần hai kèm theo quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu (nếu có), các tài liệu, chứng cứ có liên quan cho người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần hai.

Bước 2: Thụ lý đơn khiếu nại và thông báo việc thụ lý

  • Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được khiếu nại thuộc thẩm quyền giải quyết, người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu phải thụ lý giải quyết; thông báo bằng văn bản cho người khiếu nại, cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền chuyển khiếu nại đến và cơ quan thanh tra nhà nước cùng cấp biết, trường hợp không thụ lý giải quyết thì phải nêu rõ lý do.
  • Đối với vụ việc khiếu nại phức tạp, nếu thấy cần thiết, người giải quyết khiếu nại lần hai thành lập Hội đồng tư vấn để tham khảo ý kiến giải quyết khiếu nại
  • Thời hạn giải quyết khiếu nại lần hai không quá 45 ngày, kể từ ngày thụ lý; đối với vụ việc phức tạp thì thời hạn giải quyết khiếu nại có thể kéo dài hơn nhưng không quá 60 ngày, kể từ ngày thụ lý. Ở vùng sâu, vùng xa đi lại khó khăn thì thời hạn giải quyết khiếu nại không quá 60 ngày, kể từ ngày thụ lý; đối với vụ việc phức tạp thì thời hạn giải quyết khiếu nại có thể kéo dài hơn, nhưng không quá 70 ngày, kể từ ngày thụ lý.

Bước 3: Người có thẩm quyền giải quyết xác minh nội dung khiếu nại lần hai

Việc thực hiện xác minh nội dung khiếu nại lần hai được thực hiện như quy định về xác minh nội dung khiếu nại lần đầu.

Bước 4: Tổ chức đối thoại lần hai

  • Người giải quyết khiếu nại tiến hành đối thoại với người khiếu nại, người bị khiếu nại, người có quyền và nghĩa vụ liên quan, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan để làm rõ nội dung khiếu nại, yêu cầu của người khiếu nại, hướng giải quyết khiếu nại.
  • Việc tổ chức đối thoại lần hai thực hiện theo quy định về tổ chức đối thoại trong khiếu nại lần đầu.

Bước 5: Ra quyết định giải quyết khiếu nại lần hai

  • Căn cứ vào quy định của pháp luật, kết quả xác minh nội dung khiếu nại, kết quả đối thoại, người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại ra quyết định giải quyết khiếu nại lần hai.
  • Trong thời hạn 07 ngày, kể từ ngày có quyết định giải quyết khiếu nại, người giải quyết khiếu nại lần hai phải gửi quyết định giải quyết khiếu nại cho người khiếu nại, người bị khiếu nại, người giải quyết khiếu nại lần đầu, người có quyền, nghĩa vụ liên quan, cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền chuyển khiếu nại đến.

Cơ sở pháp lý: Điều 33, Điều 36, Điều 37, Điều 38, Điều 39, Điều 40, Điều 41 Luật Khiếu nại 2011.

>>> Xem thêm: Thủ tục giải quyết khiếu nại hành chính lần hai

Bên cạnh đó, trong trường hợp người khiếu nại không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại hoặc hết thời hạn giải quyết khiếu nại mà khiếu nại không được giải quyết thì căn cứ theo Điều 33, Điều 42 Luật Khiếu nại 2011, người khiếu nại có quyền khởi kiện vụ án hành chính theo quy định của Luật Tố tụng Hành chính 2015.

Luật sư tư vấn, soạn thảo đơn khiếu nại khi chậm giải quyết hồ sơ xin cấp giấy phép xây dựng

Việc hồ sơ xin cấp phép xây dựng bị chậm giải quyết sẽ làm gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích của người nộp hồ sơ. Để giải quyết vấn đề này, dịch vụ luật sư của Chuyên tư vấn Luật sẽ cung cấp dịch vụ tư vấn, soạn thảo đơn khiếu nại khi chậm giải quyết hồ sơ xin cấp phép xây dựng với những nội dung như sau:

Tư vấn về khiếu nại khi chậm giải quyết hồ sơ xin cấp phép xây dựng:

  • Tư vấn về các trường hợp phải xin cấp giấy phép xây dựng;
  • Tư vấn về trình tự, thủ tục khiếu nại và giải quyết khiếu nại về việc chậm giải quyết hồ sơ xin cấp giấy phép xây dựng;
  • Tư vấn về soạn thảo đơn khiếu nại về việc chậm giải quyết hồ sơ xin cấp giấy phép xây dựng;
  • Tư vấn về hồ sơ khiếu nại chậm giải quyết hồ sơ xin cấp giấy phép xây dựng;
  • Tư vấn về các vấn đề pháp lý phát sinh trong quá trình giải quyết khiếu nại khi chậm giải quyết hồ sơ xin cấp phép xây dựng.

Soạn thảo đơn khiếu nại khi chậm giải quyết hồ sơ xin cấp giấy phép xây dựng:

  • Soạn thảo đơn khiếu nại theo quy định của pháp luật;
  • Hướng dẫn và chuẩn bị hồ sơ khiếu nại, gửi đơn khiếu nại đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết đơn khiếu nại;
  • Thay mặt khách hàng nhận kết quả và trả kết quả về việc giải quyết đơn khiếu nại chậm giải quyết hồ sơ xin cấp giấy phép xây dựng;
  • Giải quyết các vấn đề pháp lý phát sinh trong quá trình giải quyết khiếu nại khi chậm giải quyết hồ sơ xin cấp phép xây dựng theo yêu cầu của khách hàng.

Tư vấn về việc khiếu nạiTư vấn về việc khiếu nại

Khi bị chậm giải quyết hồ sơ xin cấp phép xây dựng, người nộp hồ sơ có quyền khiếu nại để bảo vệ quyền lợi của mình theo trình tự, thủ tục như đã đề cập trong bài viết trên. Nếu có bất kỳ thắc mắc nào liên quan nội dung bài viết hoặc có nhu cầu sử dụng dịch vụ luật sư tư vấn về khiếu nại khi chậm giải quyết hồ sơ xin cấp giấy phép của Chuyên tư vấn Luật, vui lòng liên hệ luật sư tư vấn luật xây dựng qua hotline 1900.63.63.87 để được tư vấn chuyên sâu.

4.91 (13 bình chọn)

Bài viết được Trương Quốc Dũng - Luật sư kiểm duyệt: Trần Tiến Lực
Trương Quốc Dũng - Luật sư kiểm duyệt: Trần Tiến Lực

Tác giả: Chuyên Viên Pháp Lý

Lĩnh vực tư vấn: Hợp Đồng, Xây Dựng, Sở Hữu Trí Tuệ, Doanh Nghiệp

Trình độ đào tạo: Đại Học Luật

Số năm kinh nghiệm thực tế: 3

Tổng số bài viết: 728 bài viết