Luật Xây Dựng

Xây nhà không có giấy phép có bị phạt không ?

Nhiều người hỏi rằng xây nhà không giấy phép có bị phạt không? Mức phạt sẽ như thế nào? Việc xuất hiện thắc mắc trên là bởi vì tình trạng xây nhà không giấy phép xây dựng diễn ra ngày càng nhiều, chủ yếu tại các vùng nông thôn. Chính vì người dân không biết các quy định về xin giấy phép, hoặc dù biết nhưng thủ tục rườm rà, phức tạp nên không làm. Tuy nhiên, không phải mọi trường hợp xây nhà không có giấy phép xây dựng đều bị xử phạt vi phạm hành chính theo pháp luật.

Xây dựng nhà không giấy phép bị xử lý như thế nào?
Xây dựng nhà không giấy phép bị xử lý như thế nào?

Xây nhà không có giấy phép xây dựng là gì ?

Theo khoản 17 Điều 3 Luật xây dựng 2014, giấy phép xây dựng (GPXD) là văn bản pháp lý do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp cho chủ đầu tư để xây dựng mới, sửa chữa, cải tạo, di dời công trình.

Vậy, xây nhà không có giấy phép xây dựng nghĩa là việc cá nhân, tổ chức đang tiến hành hoặc đã tiến hành xây dựng nhà mà không đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền để xin phép (xin cấp giấy phép xây dựng).

Việc xây dựng nhà không có giấy phép xây dựng, xem xét trong hai trường hợp sau:

  • Thứ nhất, không có giấy phép xây dựng trong khi đang tiến hành hoạt động xây dựng nhà nhưng chưa kết thúc, hoàn công;
  • Thứ hai, không có giấy phép xây dựng sau khi việc xây dựng nhà đã hoàn thành.

Mức phạt đối với việc xây nhà không phép

Căn cứ vào Điều 15 Nghị định số 139/2017/NĐ-CP về việc xử lý vi phạm quy định về trật tự xây dựng, mức phạt đối với hành vi xây nhà không có giấy phép xây dựng được quy định như sau:

1. Phạt tiền

Đối với hành vi tổ chức thi công xây dựng công trình không có giấy phép xây dựng mà theo quy định phải có giấy phép xây dựng như sau:

Mức xử phạt khi xây dựng nhà mà không có giấy phép
Mức xử phạt khi xây dựng nhà mà không có giấy phép
  • Một là, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với xây dựng nhà ở riêng lẻ trong khu bảo tồn, khu di tích lịch sử – văn hóa hoặc xây dựng công trình khác không thuộc các trường hợp xây nhà riêng lẻ tại đô thị;
  • Hai là, phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với xây dựng nhà ở riêng lẻ tại đô thị;
  • Ba là, phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với xây dựng công trình có yêu cầu phải lập báo cáo kinh tế – kỹ thuật đầu tư xây dựng hoặc lập dự án đầu tư xây dựng.

2. Buộc phá dỡ công trình

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 118 Luật xây dựng 2014, người vi phạm còn bị buộc phá dỡ công trình xây dựng không có giấy phép đối với công trình theo quy định phải có giấy phép.

Có phải mọi trường hợp xây nhà không phép đều bị xử phạt ?

Căn cứ theo Điều 89 Luật Xây dựng 2014, trước khi khởi công xây dựng công trình, chủ đầu tư phải có giấy phép xây dựng do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp, trừ trường hợp công trình được miễn giấy phép xây dựng.

Khoản 2 Điều 89 Luật Xây dựng 2014 có quy định về các công trình được miễn giấy phép xây dựng như sau:

  • Công trình bí mật nhà nước, công trình xây dựng theo lệnh khẩn cấp và công trình nằm trên địa bàn của hai đơn vị hành chính cấp tỉnh trở lên;
  • Công trình thuộc dự án đầu tư xây dựng được Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp quyết định đầu tư;
  • Công trình xây dựng tạm phục vụ thi công xây dựng công trình chính;
  • Công trình xây dựng theo tuyến ngoài đô thị nhưng phù hợp với quy hoạch xây dựng đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt hoặc đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận về hướng tuyến công trình;
  • Công trình xây dựng thuộc dự án khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao có quy hoạch chi tiết 1/500 đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt và được thẩm định thiết kế xây dựng theo quy định của Luật này;
  • Nhà ở thuộc dự án phát triển đô thị, dự án phát triển nhà ở có quy mô dưới 7 tầng và tổng diện tích sàn dưới 500 m2 có quy hoạch chi tiết 1/500 đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt;
  • Công trình sửa chữa, cải tạo, lắp đặt thiết bị bên trong công trình không làm thay đổi kết cấu chịu lực, không làm thay đổi công năng sử dụng, không làm ảnh hưởng tới môi trường, an toàn công trình;
  • Công trình sửa chữa, cải tạo làm thay đổi kiến trúc mặt ngoài không tiếp giáp với đường trong đô thị có yêu cầu về quản lý kiến trúc;
  • Công trình hạ tầng kỹ thuật ở nông thôn chỉ yêu cầu lập Báo cáo kinh tế – kỹ thuật đầu tư xây dựng và ở khu vực chưa có quy hoạch chi tiết xây dựng điểm dân cư nông thôn được duyệt;
  • Công trình xây dựng ở nông thôn thuộc khu vực chưa có quy hoạch phát triển đô thị và quy hoạch chi tiết xây dựng được duyệt; nhà ở riêng lẻ ở nông thôn, trừ nhà ở riêng lẻ xây dựng trong khu bảo tồn, khu di tích lịch sử – văn hóa;
  • Chủ đầu tư xây dựng công trình được miễn giấy phép xây dựng theo quy định tại các điểm b, d, đ và i khoản trên có trách nhiệm thông báo thời điểm khởi công xây dựng kèm theo hồ sơ thiết kế xây dựng đến cơ quan quản lý xây dựng tại địa phương để theo dõi, lưu hồ sơ.

Nếu công trình xây dựng thuộc trường hợp được miễn giấy phép xây dựng thì đương nhiên không bị xử phạt hành chính.

Thẩm quyền xử phạt hành vi xây nhà không phép

Theo Chương VI Nghị định số 139/2017/NĐ-CP, hành vi xây nhà không có giấy phép xây dựng bị xử lý và lập biên bản bởi các chủ thể sau:

  • Thanh tra viên xây dựng;
  • Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành;
  • Chánh thanh tra Sở Xây dựng;
  • Chánh thanh tra Bộ Xây dựng;
  • Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã;
  • Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện;
  • Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

Ngoài ra, khoản 2, 3, 4 Điều 69 Nghị đinh số 139/2017/NĐ-CP còn quy định thêm các chủ thể có thẩm quyền kiểm tra, phát hiện hành vi vi phạm để hỗ trợ trong việc xử phạt hành chính như sau:

  • Công chức, viên chức thuộc Ủy ban nhân dân các cấp được giao nhiệm vụ kiểm tra, phát hiện vi phạm hành chính trong những lĩnh vực xây dựng.
  • Công chức, viên chức, thanh tra viên thuộc cơ quan thanh tra nhà nước ngành Xây dựng được phân công thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, thanh tra chuyên ngành độc lập hoặc thanh tra theo đoàn thanh tra.
  • Công chức, viên chức được phân công thực hiện nhiệm vụ kiểm tra trong từng lĩnh vực quản lý nhà nước về: Hoạt động đầu tư xây dựng.

>>>Xem thêm: Xây nhà tạm có phải xin giấy phép không?

Trên đây là bài viết tư vấn liên quan đến vấn đề xử phạt hành chính đối với việc xây nhà không có giấy phép xây dựng. Trường hợp quý khách có nhu cầu cần được tư vấn hoặc hỗ trợ pháp lý, hãy liên hệ ngay đến Luật sư Phan Mạnh Thăng qua hotline 1900 63 63 87 để được hỗ trợ tận tình.

4.73 (11 bình chọn)

Bài viết được Trương Quốc Dũng - Luật sư kiểm duyệt: Trần Tiến Lực
Trương Quốc Dũng - Luật sư kiểm duyệt: Trần Tiến Lực

Tác giả: Chuyên Viên Pháp Lý

Lĩnh vực tư vấn: Hợp Đồng, Xây Dựng, Sở Hữu Trí Tuệ, Doanh Nghiệp

Trình độ đào tạo: Đại Học Luật

Số năm kinh nghiệm thực tế: 3

Tổng số bài viết: 781 bài viết

2 thoughts on “Xây nhà không có giấy phép có bị phạt không ?

  1. Avatar
    Long says:

    Thưa luật sư, tôi có mãnh đất ở vĩnh ngọc nha trang, tôi xây dựng nhà ở nhưng chưa có giấy phép xây dựng, xin cho tôi hỏi vậy mức phat là bao nhiêu thưa luật sư

    • Avatar
      Triệu Hiếu Khánh says:

      Chào bạn Long, cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi về chuyentuvanluat.com
      Theo khoản 5 Điều 15 Nghị định 139/2017/NĐ-CP, Phạt tiền đối với hành vi tổ chức thi công xây dựng công trình không có giấy phép xây dựng mà theo quy định phải có giấy phép xây dựng như sau:
      “5. Phạt tiền đối với hành vi tổ chức thi công xây dựng công trình không có giấy phép xây dựng mà theo quy định phải có giấy phép xây dựng như sau:

      a) Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với xây dựng nhà ở riêng lẻ trong khu bảo tồn, khu di tích lịch sử – văn hóa hoặc xây dựng công trình khác không thuộc các trường hợp quy định tại điểm b, điểm c khoản này;

      b) Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với xây dựng nhà ở riêng lẻ tại đô thị;

      c) Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với xây dựng công trình có yêu cầu phải lập báo cáo kinh tế – kỹ thuật đầu tư xây dựng hoặc lập dự án đầu tư xây dựng”.

      Theo thông tin bạn cung cấp, bạn đã xây dựng nhà ở không phép tại xã Vĩnh Ngọc thuộc TP. Nha Trang, thuộc trường hợp tại điểm a khoản 5 Điều này: “xây dựng các công trình khác không thuộc các trường hợp tại điểm b,c”. Do đó, mức phạt áp dụng đối với bạn là từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng.

      Trân trọng.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *