Luật Hành Chính

Thủ tục đối thoại trong tố tụng hành chính có bắt buộc không?

Thủ tục đối thoại trong tố tụng hành chính có bắt buộc không là thắc mắc thường xuyên gặp phải trong các vụ án hành chính. Đối thoại là hoạt động nói chuyện qua lại trực tiếp giữa hai hay nhiều người nhằm mục đích giải quyết mâu thuẫn, thống nhất các vấn đề phát sinh với nhau. Vậy thủ tục đối thoại trong tố tụng hành chínhbắt buộc phải thực hiện trong quá trình giải quyết vụ án không, được quy định thực hiện quy trình như thế nào, Chuyên Tư Vấn Luật sẽ cung cấp thông tin cho Quý bạn đọc ở bài viết dưới đây.

Thủ tục đối thoại trong vụ án hành chínhThủ tục đối thoại trong vụ án hành chính

Thủ tục đối thoại trong tố tụng hành chính

Căn cứ theo Điều 20 Luật Tố tụng hành chính 2015 (Luật TTHC 2015) quy định về đối thoại trong tố tụng hành chính, Tòa án có trách nhiệm tiến hành đối thoại và tạo điều kiện thuận lợi để các đương sự đối thoại với nhau về việc giải quyết vụ án theo quy định của Luật Tố tụng hành chính.

Căn cứ theo Điều 134 Luật TTHC 2015, nguyên tắc đối thoại được quy định như sau:

Thứ nhất, trong thời hạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm, Tòa án tiến hành đối thoại để các đương sự thống nhất với nhau về việc giải quyết vụ án, trừ những vụ án không tiến hành đối thoại được, vụ án khiếu kiện về danh sách cử tri, vụ án xét xử theo thủ tục rút gọn được quy định tại các điều 135, 198 và 246 của Luật TTHC 2015.

Thứ hai, việc đối thoại phải được tiến hành theo các nguyên tắc sau đây:

  • Bảo đảm công khai, dân chủ, tôn trọng ý kiến của đương sự;
  • Không được ép buộc các đương sự thực hiện việc giải quyết vụ án hành chính trái với ý chí của họ;
  • Nội dung đối thoại, kết quả đối thoại thành giữa các đương sự không trái pháp luật, trái đạo đức xã hội.

Những vụ án hành chính không thể tiến hành đối thoại được

Căn cứ theo Điều 135 Luật TTHC, những vụ án hành chính không tiến hành đối thoại được bao gồm:

  • Người khởi kiện, người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đã được Tòa án triệu tập hợp lệ lần thứ hai mà vẫn cố tình vắng mặt.
  • Đương sự không thể tham gia đối thoại được vì có lý do chính đáng.
  • Các bên đương sự thống nhất đề nghị không tiến hành đối thoại.

Bên cạnh đó, không tổ chức đối thoại trong trường hợp là vụ án khiếu kiện về danh sách cử tri được quy định tại Điều 198 Luật TTHC 2015 và thủ tục xét xử rút gọn quy định tại Điều 246 Luật TTHC 2015 thì không cần phải thực hiện thủ tục đối thoại trong giai đoạn xét xử.

Trường hợp không thể tiến hành đối thoạiTrường hợp không thể tiến hành đối thoại

Có bắt buộc mở phiên đối thoại trong vụ án hành chính không

Thực hiện thủ tục đối thoại là thủ tục tố tụng bắt buộc phải thực hiện khi giải quyết vụ án hành chính.

Luật TTHC 2015 đã bổ sung các quy định về việc Tòa án phải tạo điều kiện thuận lợi để các đương sự đối thoại với nhau, đồng thời quy định cụ thể hơn về nguyên tắc đối thoại, trường hợp vụ án không tiến hành đối thoại được; về thông báo phiên họp đối thoại; thành phần, thủ tục đối thoại; biên bản đối thoại và xử lý kết quả đối thoại theo quy định từ Điều 134 đến Điều 140 Luật TTHC 2015.

Với quy định cụ thể hơn về đối thoại trong Luật TTHC 2015, có thể thấy thủ tục đối thoại là bắt buộc, Tòa án phải thực hiện thủ tục đối thoại để tạo điều kiện cho các đương sự gặp gỡ trao đổi trực tiếp với nhau, qua đó có thể làm rõ được những sai sót, hạn chế nếu có trong công tác quản lý Nhà nước.

Bên cạnh đó, mở phiên đối thoại giúp các đương sự làm rõ quan điểm, làm giảm hoặc giải quyết được mâu thuẫn, xung đột và từ đó người khởi kiện có thể rút một phần hoặc toàn bộ nội dung đơn kiện. Thủ tục đối thoại giúp quá trình giải quyết vụ án hành chính được nhanh chóng, tiết kiệm thời gian, chi phí và công sức của các bên tham gia tố tụng.

Phiên đối thoại trong vụ án hành chínhPhiên đối thoại trong vụ án hành chính

Quy trình mở phiên họp đối thoại theo quy định của pháp luật

Thông báo về phiên họp đối thoại

Thông báo về phiên họp đối thoại giúp cho đương sự, người đại diện và người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ biết được thời gian, địa điểm và nội dung của phiên họp đối thoại để đến tham dự phiên họp. Bên cạnh đó, thông qua việc thông báo sẽ giúp các bên đương sự có thời gian chuẩn bị trước để có thể bảo vệ quyền lợi của mình một cách tốt nhất.

Căn cứ theo Điều 136 Luật TTHC 2015 quy định thông báo về phiên họp đối thoại cùng một điều luật với thông báo phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ, cụ thể như sau:

  • Trước khi tiến hành phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và đối thoại giữa các đương sự, Thẩm phán phải thông báo cho các đương sự, người đại diện hợp pháp của đương sự, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự về thời gian, địa điểm tiến hành phiên họp và nội dung của phiên họp.
  • Trường hợp vụ án hành chính không tiến hành đối thoại được theo quy định tại Điều 135 của Luật TTHC 2015, Thẩm phán tiến hành phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ mà không tiến hành việc đối thoại.

Thủ tục tiến hành phiên họp đối thoại

Căn cứ theo khoản 4 Điều 138 LTTHC 2015, sau khi tiến hành xong việc kiểm tra giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ quy định tại khoản 2 Điều này, Thẩm phán tiến hành thủ tục đối thoại như sau:

  • Thẩm phán phổ biến cho đương sự biết các quy định của pháp luật có liên quan đến việc giải quyết vụ án để các bên liên hệ đến quyền, nghĩa vụ của mình, phân tích hậu quả pháp lý của việc đối thoại để họ tự nguyện thống nhất với nhau về việc giải quyết vụ án;
  • Người khởi kiện trình bày bổ sung về yêu cầu khởi kiện, những căn cứ để bảo vệ yêu cầu khởi kiện và đề xuất quan điểm của người khởi kiện về hướng giải quyết vụ án (nếu có);
  • Người bị kiện trình bày bổ sung ý kiến về yêu cầu của người khởi kiện, những căn cứ ban hành quyết định hành chính, thực hiện hành vi hành chính bị khởi kiện và đề xuất hướng giải quyết vụ án (nếu có);
  • Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án trình bày bổ sung và đề xuất ý kiến giải quyết phần liên quan đến họ (nếu có);
  • Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự hoặc người khác tham gia phiên họp đối thoại (nếu có) phát biểu ý kiến;
  • Tùy từng trường hợp, Thẩm phán yêu cầu đương sự nêu văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hành chính có liên quan để đánh giá tính hợp pháp của quyết định hành chính, hành vi hành chính bị khởi kiện, đồng thời kiểm tra hiệu lực pháp luật của văn bản đó. Thẩm phán có thể phân tích để các đương sự nhận thức đúng về nội dung văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hành chính có liên quan để họ có sự lựa chọn và quyết định việc giải quyết vụ án;
  • Sau khi các đương sự trình bày hết ý kiến của mình, Thẩm phán xác định những vấn đề các bên đã thống nhất, những vấn đề chưa thống nhất và yêu cầu các bên đương sự trình bày bổ sung về những nội dung chưa rõ, chưa thống nhất;
  • Thẩm phán kết luận về những vấn đề các bên đương sự đã thống nhất và những vấn đề chưa thống nhất.

Biên bản ghi nhận nội dung đối thoại

Căn cứ theo khoản 2 Điều 139 Luật TTHC, biên bản đối thoại phải có các nội dung như sau:

  • Ngày, tháng, năm tiến hành phiên họp;
  • Địa điểm tiến hành phiên họp;
  • Thành phần tham gia phiên họp;
  • Ý kiến của các đương sự hoặc người đại diện hợp pháp của đương sự, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự;
  • Nội dung đã được đương sự thống nhất, không thống nhất.

Biên bản phải có đầy đủ chữ ký hoặc điểm chỉ của những người tham gia phiên họp, chữ ký của Thư ký phiên họp ghi biên bản và của Thẩm phán chủ trì phiên họp. Những người tham gia phiên họp có quyền được xem biên bản phiên họp ngay sau khi kết thúc phiên họp, yêu cầu ghi những sửa đổi, bổ sung vào biên bản phiên họp và ký tên hoặc điểm chỉ xác nhận.

Tư vấn trình tự thủ tục xét xử vụ án hành chính của tòa sơ thẩm

Luật sư hành chính tư vấn về trình tự thủ tục xét xử vụ án hành chính của tòa sơ thẩm như sau:

  • Tư vấn về thủ tục khiếu nại, khiếu kiện hành vi hành chính, quyết định hành chính của cơ quan quản lý hành chính khi có căn cứ pháp luật xác định: bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi thu hồi đất…
  • Tư vấn xử lý các nội dung về chế tài hành chính như ngăn chặn, khôi phục hiện trạng, đi cai nghiện bắt buộc, xử phạt hành chính, cưỡng chế…
  • Những vấn đề khác thuộc đối tượng điều chỉnh của pháp luật hành chính.
  • Luật sư chuẩn bị hồ sơ, đơn từ khiếu nại, khởi kiện; liên hệ, làm việc trực tiếp với cơ quan có thẩm quyền; đại diện theo khách hàng thực hiện các thủ tục hành chính theo yêu cầu.
  • Nghiên cứu hồ sơ, thông tin về vụ việc, đối chiếu với hệ thống văn bản pháp luật có liên quan để đưa ra phương án giải quyết tranh chấp hành chính;
  • Đại diện tham gia đối thoại trong các tranh chấp hành chính;
  • Hướng dẫn khách hàng hoặc đại diện theo ủy quyền của khách hàng để thu thập tài liệu chứng cứ, cung cấp thông tin;
  • Tham gia vụ án với tư cách là người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho đương sự
  • Cử đại diện theo ủy quyền thay mặt cho đương sự tham gia tố tụng

Trên đây là các vấn đề pháp lý về thủ tục đối thoại trong vụ án hành chính mà Chúng tôi cung cấp cho các quý bạn đọc. Thông qua bài viết này, Quý bạn đọc sẽ hiểu rõ hơn về quy trình mở một phiên đối thoại trong vụ án hành chính và biết được vụ án của mình có thuộc trường hợp phải đối thoại hay không. Nếu còn bất kỳ thắc mắc hoặc cần tư vấn vui lòng liên hệ Chuyên Tư Vấn Luật qua hotline 1900.63.63.87 để được luật sư lĩnh vực hành chính tư vấn.

4.8 (18 bình chọn)

Bài viết được Tham vấn bởi Luật sư: Võ Tấn Lộc - Tác giả: Vũ Thị Hải Yến
Tham vấn bởi Luật sư: Võ Tấn Lộc - Tác giả: Vũ Thị Hải Yến

Tác giả: Chuyên Viên Pháp Lý - Vũ Thị Hải Yến

Lĩnh vực tư vấn: hành chính, dân sự, đất đai, di chúc, thừa kế.

Trình độ đào tạo: Trường Đại học Luật

Số năm kinh nghiệm thực tế: 2 năm

Tổng số bài viết: 900 bài viết