Luật Đất Đai

Người không đủ điều kiện cấp sổ đất thì được bồi thường những gì khi bị thu hồi đất

Người không đủ điều kiện cấp sổ đất thì được bồi thường những gì khi bị thu hồi đất mối quan tâm của nhiều người sử dụng đất nhưng chưa được cấp giấy Giấy chứng nhận. Những người chưa đủ điều kiện cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất có được bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất hay không, mức bồi thường thế nào ? Công ty Luật Long Phan kính mời quý bạn đọc theo dõi bài viết sau để làm rõ.

Không đủ điều kiện cấp sổ đất có được bồi thường khi thu hồi đất?

>>> Xem thêm: Có thể khởi kiện phương án giá đất bồi thường khi bị thu hồi đất không ?  

Người không đủ điều kiện cấp sổ đất có được bồi thường khi thu hồi đất hay không?

Tại khoản 1 Điều 75 Luật Đất đai 2013 quy định điều kiện bồi thường về đất đối với hộ gia đình, cá nhân như sau:

“Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất không phải là đất thuê trả tiền thuê đất hàng năm, có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (sau đây gọi chung là Giấy chứng nhận) hoặc có đủ điều kiện để được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo quy định của Luật này mà chưa được cấp, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 77 của Luật này…”.

Như vậy, trường hợp duy nhất không đủ điều kiện cấp Giấy chứng nhận vẫn được bồi thường về đất là: Đất nông nghiệp đã sử dụng trước ngày 1/7/2004 mà người sử dụng đất là hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp thì được bồi thường đối với diện tích đất thực tế đang sử dụng (theo khoản 2 Điều 77 Luật Đất đai 2013).

Mức bồi thường khi thu hồi đất

Bồi thường về đất

Theo quy định tại khoản 2 Điều 77 Luật Đất đai 2013, diện tích được bồi thường là diện tích đất nông nghiệp thực tế đang sử dụng nhưng không vượt quá hạn mức giao đất nông nghiệp quy định tại Điều 129 Luật Đất đai 2013 về hạn mức giao đất nông nghiệp cụ thể như sau:

1. Đối với đất trồng cây hàng năm, đất nuôi trồng thủy sản, đất làm muối cho mỗi hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp như sau:

  • Không quá 3ha cho mỗi loại đất đối với tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thuộc khu vực Đông Nam Bộ và khu vực đồng bằng sông Cửu Long;
  • Không quá 2ha cho mỗi loại đất đối với tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khác.

2. Đối với đất trồng cây lâu năm cho mỗi hộ gia đình, cá nhân:

  • Không quá 10ha đối với xã, phường, thị trấn ở đồng bằng;
  • Không quá 30ha đối với xã, phường, thị trấn ở trung du, miền núi.

3. Đối với đất rừng phòng hộ và đất rừng sản xuất: hạn mức giao đất cho mỗi hộ gia đình, cá nhân không quá 30ha đối với mỗi loại.

Trường hợp hộ gia đình, cá nhân được giao nhiều loại đất bao gồm đất trồng cây hàng năm, đất nuôi trồng thủy sản, đất làm muối thì tổng hạn mức giao đất không quá 5ha.

Trường hợp hộ gia đình, cá nhân được giao thêm đất trồng cây lâu năm thì hạn mức đất trồng cây lâu năm không quá 5ha đối với xã, phường, thị trấn ở đồng bằng; không quá 25ha đối với xã, phường, thị trấn ở trung du, miền núi.

Trường hợp hộ gia đình, cá nhân được giao thêm đất rừng sản xuất thì hạn mức giao đất rừng sản xuất không quá 25ha.

Hạn mức giao đất nông nghiệp

>>> Xem thêm: Bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi trưng dụng thu hồi đất

Việc bồi thường được thực hiện bằng việc giao đất có cùng mục đích sử dụng với loại đất thu hồi, nếu không có đất để bồi thường thì được bồi thường bằng tiền theo giá đất cụ thể của loại đất thu hồi do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định tại thời điểm quyết định thu hồi đất.

Bồi thường tài sản trên đất (nếu có)

Nhà, công trình xây dựng trên đất

Điều kiện được bồi thường về nhà ở được quy định cụ thể tại khoản 1 Điều 88 Luật Đất đai 2013 quy định nguyên tắc bồi thường thiệt hại về tài sản khi Nhà nước thu hồi đất như sau: Khi Nhà nước thu hồi đất mà chủ sở hữu tài sản hợp pháp gắn liền với đất bị thiệt hại về tài sản thì được bồi thường.

Như vậy, để được bồi thường về nhà ở thì phải đáp về điều kiện người sử dụng nhà ở đó phải là chủ sở hữu tài sản hợp pháp (Ví dụ: Đối với nhà ở thì có Giấy chứng nhận hoặc có các giấy tờ khác chứng minh như giấy phép xây dựng, hợp đồng mua bán,…).

Bồi thường về nhà ở, công trình xây dựng trên đất sẽ thực hiện theo quy định tại điều 89 Luật Đất đai 2013, cụ thể là:

  • Đối với nhà ở, công trình phục vụ sinh hoạt gắn liền với đất của hộ gia đình, cá nhân, người Việt Nam định cư ở nước ngoài khi Nhà nước thu hồi đất phải tháo dỡ toàn bộ hoặc một phần mà phần còn lại không bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật theo quy định của pháp luật thì chủ sở hữu nhà ở, công trình đó được bồi thường bằng giá trị xây dựng mới của nhà ở, công trình có tiêu chuẩn kỹ thuật tương đương.
    Trường hợp phần còn lại của nhà ở, công trình vẫn bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật theo quy định của pháp luật thì bồi thường theo thiệt hại thực tế.
  • Đối với nhà, công trình xây dựng khác gắn liền với đất không thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, khi Nhà nước thu hồi đất mà bị tháo dỡ toàn bộ hoặc một phần mà phần còn lại không bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật theo quy định của pháp luật thì được bồi thường thiệt hại theo quy định của Chính phủ (Điều 9, Nghị định 47/2014/NĐ-CP)
  • Đối với công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội gắn liền với đất đang sử dụng không thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này thì mức bồi thường tính bằng giá trị xây dựng mới của công trình có tiêu chuẩn kỹ thuật tương đương theo quy định của pháp luật chuyên ngành.

Cây trồng, vật nuôi,…và chi phí vận chuyển tài sản (nếu có).

Theo điều 90 Luật Đất đai 2013, khi Nhà nước thu hồi đất mà gây thiệt hại đối với cây trồng thì việc bồi thường thực hiện theo quy định sau đây:

  • Đối với cây hàng năm, mức bồi thường được tính bằng giá trị sản lượng của vụ thu hoạch. Giá trị sản lượng của vụ thu hoạch được tính theo năng suất của vụ cao nhất trong 03 năm trước liền kề của cây trồng chính tại địa phương và giá trung bình tại thời điểm thu hồi đất;
Bồi thường sản lượng thu hoạch cây trồng

>>> Xem thêm: Quy định của Nhà nước về thu hồi đất đai để thực hiện dự án

Đối với cây lâu năm, mức bồi thường được tính bằng giá trị hiện có của vườn cây theo giá ở địa phương tại thời điểm thu hồi đất mà không bao gồm giá trị quyền sử dụng đất;

  • Đối với cây trồng chưa thu hoạch nhưng có thể di chuyển đến địa điểm khác thì được bồi thường chi phí di chuyển và thiệt hại thực tế do phải di chuyển, phải trồng lại;
  • Đối với cây rừng trồng bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước, cây rừng tự nhiên giao cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trồng, quản lý, chăm sóc, bảo vệ thì bồi thường theo giá trị thiệt hại thực tế của vườn cây; tiền bồi thường được phân chia cho người quản lý, chăm sóc, bảo vệ theo quy định của pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng.

Khi Nhà nước thu hồi đất mà gây thiệt hại đối với vật nuôi là thủy sản thì việc bồi thường thực hiện theo quy định sau đây:

  • Đối với vật nuôi là thủy sản mà tại thời điểm thu hồi đất đã đến thời kỳ thu hoạch thì không phải bồi thường;
  • Đối với vật nuôi là thủy sản mà tại thời điểm thu hồi đất chưa đến thời kỳ thu hoạch thì được bồi thường thiệt hại thực tế do phải thu hoạch sớm; trường hợp có thể di chuyển được thì được bồi thường chi phí di chuyển và thiệt hại do di chuyển gây ra; mức bồi thường cụ thể do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định.

Trường hợp phải di chuyển hệ thống máy móc, dây chuyền sản xuất còn được bồi thường đối với thiệt hại khi tháo dỡ, vận chuyển, lắp đặt.

Chính sách hỗ trợ khác khi bị thu hồi đất

Căn cứ vào điều 83 Luật Đất đai 2013 và, các khoản hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất nông nghiệp bao gồm:

  • Hỗ trợ ổn định đời sống và sản xuất

Nếu thuộc đối tượng và đủ điều kiện quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 19 Nghị định 47/2014/ NĐ-CP thì người bị thu hồi đất nông nghiệp được hỗ trợ ổn định đời sống sản xuất theo khoản 3 Điều này. Tuy nhiên, người không đủ điều kiện cấp sổ đất không đủ điều kiện để hưởng chính sách này.

  • Hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm

Khoản 1, Điều 20 Nghị định 47/2014/ NĐ-CP quy định:  Hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp quy định tại các Điểm a, b, c và d Khoản 1 Điều 19 của Nghị định này (trừ trường hợp hộ gia đình, cá nhân là cán bộ, công nhân viên của nông trường quốc doanh, lâm trường quốc doanh đã nghỉ hưu, nghỉ mất sức lao động, thôi việc được hưởng trợ cấp) khi Nhà nước thu hồi đất nông nghiệp mà được bồi thường bằng tiền thì ngoài việc được bồi thường bằng tiền đối với diện tích đất nông nghiệp thu hồi còn được hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm theo quy định sau đây: Hỗ trợ bằng tiền không quá 05 lần giá đất nông nghiệp cùng loại trong bảng giá đất của địa phương đối với toàn bộ diện tích đất nông nghiệp thu hồi; diện tích được hỗ trợ không vượt quá hạn mức giao đất nông nghiệp tại địa phương.

Như vậy, người sử dụng đất thuộc các đối tượng quy định tại Khoản 1, Điều 19 Nghị định này sẽ được hưởng hỗ trợ, luật không quy định người hưởng mức hỗ trợ này phải có Giấy chứng nhận hoặc đủ điều kiện cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

  • Hỗ trợ khác sẽ căn cứ vào tình hình thực tế tại địa phương, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định biện pháp hỗ trợ khác để bảo đảm có chỗ ở, ổn định đời sống, sản xuất và công bằng đối với người có đất thu hồi (Điều 25 Nghị định 47/2014/ NĐ-CP).

Trên đây là tư vấn về Người không đủ điều kiện cấp sổ đất được bồi thường những gì khi thu hồi đất. Quý bạn đọc có bất kỳ thắc mắc nào liên quan đến vấn đề này cần tư vấn pháp luật vui lòng liên hệ với chúng tôi qua hotline 1900.63.63.87 để được Tư vấn Đất đai nhanh nhất và kịp thời. Xin cảm ơn!

4.9 (19 bình chọn)

Bài viết được Tham vấn bởi Luật sư: Võ Tấn Lộc - Tác giả: Vũ Thị Hải Yến
Tham vấn bởi Luật sư: Võ Tấn Lộc - Tác giả: Vũ Thị Hải Yến

Tác giả: Chuyên Viên Pháp Lý - Vũ Thị Hải Yến

Lĩnh vực tư vấn: hành chính, dân sự, đất đai, di chúc, thừa kế.

Trình độ đào tạo: Trường Đại học Luật

Số năm kinh nghiệm thực tế: 2 năm

Tổng số bài viết: 899 bài viết