Luật Doanh Nghiệp

Khởi Kiện Giải Quyết Tranh Chấp Thương Mại Bằng Trọng Tài

Hiện nay, trình tự thủ tục khi giải quyết tranh chấp bằng trọng tài được quy định cụ thể tại Luật Trọng tài thương mại Việt Nam 2010 (LTTTM 2010). Khi đã có đủ các điều kiện để giải quyết tranh chấp bằng trọng tài thương mại thì các bên thực hiện các bước theo trình tự tố tụng trọng tài. Trừ trường hợp luật chuyên ngành có quy định khác, thời hiệu khởi kiện theo thủ tục trọng tài là 02 năm, kể từ thời điểm quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm.

Viêc khởi kiện giải quyết tranh chấp thương mại bằng trọng tài
Tổng quan về khởi kiện giải quyết tranh chấp thương mại bằng trọng tài

>>> Xem thêm: Hoạt Động Của Trọng Tài Thương Mại Nước Ngoài Ở Việt Nam

Thủ tục giải quyết tranh chấp lần lượt trải qua những bước sau:

Bước 1: Nộp đơn khởi kiện và các tài liệu kèm theo

Trường hợp giải quyết tranh chấp tại Trung tâm trọng tài, nguyên đơn phải làm đơn khởi kiện gửi đến Trung tâm trọng tài. Trường hợp vụ tranh chấp được giải quyết bằng Trọng tài vụ việc, nguyên đơn phải làm đơn khởi kiện và gửi cho bị đơn.

Đơn khởi kiện gồm có các nội dung sau đây:

  • Ngày, tháng, năm làm đơn khởi kiện;
  • Tên, địa chỉ của các bên; tên, địa chỉ của người làm chứng, nếu có;
  • Tóm tắt nội dung vụ tranh chấp;
  • Cơ sở và chứng cứ khởi kiện, nếu có;
  • Các yêu cầu cụ thể của nguyên đơn và giá trị vụ tranh chấp;
  • Tên, địa chỉ người được nguyên đơn chọn làm Trọng tài viên hoặc đề nghị chỉ định Trọng tài viên.

Kèm theo đơn khởi kiện, phải có thỏa thuận trọng tài, bản chính hoặc bản sao các tài liệu có liên quan.

Việc nộp đơn khởi kiện của nguyên đơn là cơ sở để tính thời điểm bắt đầu tố tụng trọng tài:

  • Trường hợp tranh chấp được giải quyết tại Trung tâm trọng tài, nếu các bên không có thỏa thuận khác, thì thời điểm bắt đầu tố tụng trọng tài được tính từ khi Trung tâm trọng tài nhận được đơn khởi kiện của nguyên đơn.
  • Trường hợp tranh chấp được giải quyết bằng Trọng tài vụ việc, nếu các bên không có thoả thuận khác, thì thời điểm bắt đầu tố tụng trọng tài được tính từ khi bị đơn nhận được đơn khởi kiện của nguyên đơn.

Lưu ý: Xác định thẩm quyền giải quyết tranh chấp

Trọng tài có thẩm quyền giải quyết các tranh chấp phát sinh từ hoạt động thương mại, tranh chấp phát sinh giữa các bên trong đó có ít nhất một bên có hoạt động thương mại, tranh chấp khác giữa các bên mà pháp luật quy định được giải quyết bằng trọng tài.

Cách thức để khởi kiện giải quyết tranh chấp thương mại bằng trọng tài
Trình tự khởi kiện giải quyết tranh chấp thương mại bằng trọng tài

Tòa án vẫn có thẩm quyền giải quyết đối với các tranh chấp có thỏa thuận trọng tài thuộc các trường hợp:

  • Có quyết định của Tòa án hủy phán quyết trọng tài hoặc quyết định của hội đồng trọng tài về việc công nhận sự thỏa thuận của các bên;
  • Có quyết định đình chỉ giải quyết tranh chấp của hội đồng trọng tài hoặc trung tâm trọng tài;
  • Tranh chấp thuộc trường hợp thỏa thuận trọng tài không thực hiện được.

Bước 2: Bị đơn nộp bản tự bảo vệ (Theo Điều 35 Luật TTTM 2010)

Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được đơn khởi kiện, các tài liệu kèm theo và chứng từ nộp tạm ứng phí trọng tài, Trung tâm trọng tài phải gửi cho bị đơn bản sao đơn khởi kiện của nguyên đơn và những tài liệu. Đối với vụ tranh chấp được giải quyết tại Trung tâm trọng tài, nếu các bên không có thoả thuận khác hoặc quy tắc tố tụng của Trung tâm trọng tài không có quy định khác, thì trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được đơn khởi kiện và các tài liệu kèm theo, bị đơn phải gửi cho Trung tâm trọng tài bản tự bảo vệ. Theo yêu cầu của một bên hoặc các bên, thời hạn này có thể được Trung tâm trọng tài gia hạn căn cứ vào tình tiết cụ thể của vụ việc.

Đối với vụ tranh chấp được giải quyết bằng Trọng tài vụ việc, nếu các bên không có thoả thuận khác, thì trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được đơn khởi kiện của nguyên đơn và các tài liệu kèm theo, bị đơn phải gửi cho nguyên đơn và Trọng tài viên bản tự bảo vệ, tên và địa chỉ của người mà mình chọn làm Trọng tài viên.

Trường hợp bị đơn cho rằng vụ tranh chấp không thuộc thẩm quyền của Trọng tài, không có thoả thuận trọng tài, thoả thuận trọng tài vô hiệu hoặc thỏa thuận trọng tài không thể thực hiện được thì phải nêu rõ điều đó trong bản tự bảo vệ.

Bước 3: Thành lập hội đồng trọng tài

Thành phần Hội đồng trọng tài có thể bao gồm một hoặc nhiều Trọng tài viên theo sự thỏa thuận của các bên. Trường hợp các bên không có thoả thuận về số lượng Trọng tài viên thì Hội đồng trọng tài bao gồm ba Trọng tài viên.

Thành lập hội đồng trọng tài
Quy định về thành lập hội đồng trọng tài

Bước 4: Hòa giải (Theo Điều 58 Luật TTTM 2010)

Hội đồng trọng tài tiến hành hòa giải để các bên thỏa thuận với nhau về việc giải quyết tranh chấp. Khi các bên thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết trong vụ tranh chấp thì Hội đồng trọng tài lập biên bản hoà giải thành có chữ ký của các bên và xác nhận của các Trọng tài viên. Hội đồng trọng tài ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các bên. Quyết định này là chung thẩm và có giá trị như phán quyết trọng tài.

Bước 5: Tổ chức phiên họp giải quyết tranh chấp (Theo Điều 55 Luật TTTM 2010)

Phiên họp giải quyết tranh chấp được tiến hành không công khai, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác. Các bên có thể trực tiếp hoặc uỷ quyền cho người đại diện tham dự phiên họp giải quyết tranh chấp; có quyền mời người làm chứng, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

Trong trường hợp có sự đồng ý của các bên, Hội đồng trọng tài có thể cho phép những người khác tham dự phiên họp giải quyết tranh chấp. Trình tự, thủ tục tiến hành phiên họp giải quyết tranh chấp do quy tắc tố tụng trọng tài của Trung tâm trọng tài quy định; đối với Trọng tài vụ việc do các bên thỏa thuận.

Bước 6: Hội đồng trọng tài ra phán quyết

Hội đồng trọng tài ra phán quyết trọng tài bằng cách biểu quyết theo nguyên tắc đa số.

Trường hợp biểu quyết không đạt được đa số thì phán quyết trọng tài được lập theo ý kiến của Chủ tịch Hội đồng trọng tài. (Theo Điều 60 Luật TTTM 2010)

Trên đây là toàn bộ nội dung tư vấn liên quan đến vấn đề “Khởi Kiện Giải Quyết Tranh Chấp Thương Mại Bằng Trọng Tài”. Trong trường hợp Quý khách cần tư vấn về thủ tục khởi kiện hoặc đang vướng phải tranh chấp, hãy liên hệ ngay với chúng tôi qua hotline 1900 63 63 87 để được hỗ trợ kịp thời.

*Lưu ý: Nội dung tư vấn trên đây chỉ mang tính tham khảo. Tùy từng thời điểm và đối tượng khác nhau mà nội dung tư vấn trên có thể sẽ không còn phù hợp. Mọi thắc mắc, góp ý xin vui lòng liên hệ về email: chuyentuvanluat@gmail.com.

4.5 (11 bình chọn)

Bài viết được thực hiện bởi Thạc Sĩ Luật Sư Võ Mộng Thu

Chức vụ: Luật Sư Thành Viên

Lĩnh vực tư vấn: Lao Động, Hành Chính, Hôn Nhân Gia Đình, Dân Sự

Trình độ đào tạo: Thạc sỹ Luật, MBA

Số năm kinh nghiệm thực tế: 09 năm

Tổng số bài viết: 632 bài viết

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.