Trong quá trình hoạt động kinh doanh, việc xảy ra tranh chấp ở các doanh nghiệp là điều không thể tránh khỏi. Những mâu thuẫn này gây ảnh hưởng tới chiến lược và cả sự tồn tại của doanh nghiệp, đòi hỏi phải được xử lý hợp lý. Để giải quyết các tranh chấp đó cần phải lựa chọn phương thức giải quyết tranh chấp và tiến hành theo trình tự như thế nào? Dưới đây là bài viết về việc trình tự giải quyết tranh chấp thương mại.
Mục Lục
Lựa chọn phương thức giải quyết tranh chấp thương mại
Theo quy định tại Điều 317 Luật Thương mại 2005 có 4 phương thức giải quyết tranh chấp thương mại
Một là, thương lượng.
Là phương thức giải quyết đầu tiên trong quá trình giải quyết tranh chấp, các bên cùng thỏa thuận, tháo gỡ bất đồng phát sinh để loại bỏ tranh chấp. Mang tính tự giác và không bị ràng buộc bởi các thủ tục pháp lý.
Hai là, hòa giải.
Các bên tiến hành thảo luận, thỏa thuận để tìm ra ý kiến chung, giải quyết tranh chấp với sự hỗ trợ của bên thứ ba là hòa giải viên.
Phương thức thương lượng và hòa giải đều không chịu sự điều chỉnh của pháp luật mà dựa trên thiện chí của các bên, với thủ tục đơn giản, ít tốn kém, uy tín và bí mật kinh doanh được giữ kín, khả năng thành công cao nên được các chủ thể ưu tiên lựa chọn.
Ba là, giải quyết bằng trọng tài.
Thông qua hoạt động của trọng tài viên nhằm chấm dứt xung đột bằng việc đưa ra phán quyết buộc các bên tranh chấp phải thực hiện.
Phương thức này đảm bảo bí mật và uy tín cho các bên, nhưng đòi hỏi chi phí cao, nhiều thủ tục.
Bốn là, giải quyết tại tòa án.
Thông qua hoạt động của cơ quan tài phán nhà nước, nhân danh quyền lực nhà nước để đưa ra phán quyết buộc các bên có nghĩa vụ thi hành.
Khi các biện pháp thương lượng kia không đem lại kết quả, các chủ thể mới lựa chọn đến Tòa án, bởi quy trình giải quyết tranh chấp phức tạp, thiếu linh hoạt.
Trình tự giải quyết tranh chấp thương mại
Khi phát sinh tranh chấp, sau khi đã lựa chọn phương thức giải quyết phù hợp, có thể là do thỏa thuận trong hợp đồng hoặc là thỏa thuận hoặc sự đơn phương lựa chọn sau khi tranh chấp đã xảy ra, dưới đây là trình tự giải quyết tranh chấp thương mại:
- Thương lượng
Trước khi đi kiện khi phát sinh tranh chấp, các bên đưa ra trao đổi bàn bạc các biện pháp để đi đến thống nhất chung cho việc giải quyết tranh chấp. Có thể trực tiếp hoặc thông qua đại diện gặp nhau đàm phán để giải quyết những vấn đề phát sinh. Nếu các bên đạt được sự thoả thuận thì coi như giải quyết được tranh chấp.
- Hòa giải
Nghị định số 22/2017/NĐ-CP quy định cụ thể về trình tự giải quyết tranh chấp bằng hòa giải thương mại.
Các bên tự thỏa thuận trình tự hòa giải, nếu không thỏa thuận thì hòa giải viên thực hiện theo trình tự phù hợp với vụ việc, nguyện vọng, được các bên đồng ý.
- Trọng tài
Theo quy định tại Luật Trọng tài thương mại 2010, khi giải quyết tranh chấp bằng trọng tài các bên thực hiện theo trình tự sau
Bước 1: Nộp đơn khởi kiện
Tại Trung tâm trọng tài, nguyên đơn phải làm đơn khởi kiện gửi đến Trung tâm trọng tài. Giải quyết bằng Trọng tài vụ việc, nguyên đơn phải làm đơn khởi kiện và gửi cho bị đơn. Kèm theo đơn phải có thỏa thuận trọng tài, bản chính hoặc bản sao các tài liệu liên quan.
Bước 2: Bị đơn nộp bản tự bảo vệ
Theo Điều 35 Luật TTTM 2010, Đối với vụ tranh chấp được giải quyết tại Trung tâm trọng tài, bị đơn phải gửi cho Trung tâm trọng tài bản tự bảo vệ.
Đối với tranh chấp giải quyết bằng Trọng tài vụ việc, bị đơn phải gửi cho nguyên đơn và Trọng tài viên bản tự bảo vệ, tên và địa chỉ của người chọn làm Trọng tài viên.
Bước 3: Thành lập hội đồng trọng tài
Theo Điều 39 Luật TTTM 2010, thành phần Hội đồng trọng tài gồm một hoặc nhiều Trọng tài viên theo sự thỏa thuận của các bên.
Bước 4: Hòa giải
Theo Điều 58 Luật TTTM 2010, Hội đồng trọng tài hòa giải để các bên thỏa thuận với nhau về việc giải quyết tranh chấp. Sau đó lập biên bản hoà giải thành có chữ ký của các bên và xác nhận của các Trọng tài viên. Rồi ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các bên.
Bước 5: Tổ chức phiên họp giải quyết tranh chấp
Theo Điều 55 Luật TTTM 2010, phiên họp được tiến hành không công khai, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.
Bước 6: Hội đồng trọng tài ra phán quyết
Biểu quyết theo nguyên tắc đa số, nếu không đạt được đa số thì phán quyết trọng tài được lập theo ý kiến của Chủ tịch Hội đồng trọng tài theo Điều 60 Luật TTTM 2010.
- Tòa án
Đầu tiên, bên khởi kiện soạn đơn khởi kiện, đơn này phải có đầy đủ các nội dung theo luật định, gửi đến Tòa án nhân dân có thẩm quyền.
Chuẩn bị tài liệu, chứng cứ chứng minh cho yêu cầu là có căn cứ và hợp pháp
Tòa án chỉ tham gia vào quá trình thu thập, cung cấp chứng cứ khi các bên không thể tự thu thập được và có đơn yêu cầu.
Trong thời hạn 8 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đơn khởi kiện, Tòa án phải ra một trong các quyết định sau: Yêu cầu sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện; Chuyển đơn khởi kiện cho Tòa án có thẩm quyền; Trả lại đơn khởi kiện; Tiến hành thủ tục thụ lý vụ án.
Ý nghĩa của việc giải quyết tranh chấp thương mại
Giải quyết tranh chấp thương mại kịp thời và hiệu quả hạn chế các tranh chấp có thể xảy ra bằng cách đặt ra các chế định và chế tài tạo thành một “sân chơi” lành mạnh và công bằng. Khi tranh chấp xảy ra phải có các thủ tục, biện pháp để giải quyết, nếu không giải quyết kịp thời thì hậu quả sẽ kéo dài và thiệt hại rất lớn. Điều đó không những làm thiệt hại, kìm hãm phát triển nền kinh tế, các chủ thể sau tranh chấp có thể “quay lưng” lại với nhau đố kỵ và không tin tưởng lẫn nhau.
Giải quyết kịp thời tranh chấp còn có ý nghĩa quan trọng trong việc quản lý xã hội bằng pháp luật, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiêp, tạo niềm tin, thực hiện công bằng và bình đẳng cho các doanh nghiệp.
Mỗi phương thức giải quyết tranh chấp thì có trình tự giải quyết khác nhau. Trên đây là bài viết về “Trình tự giải quyết tranh chấp thương mại”, nếu quý khách còn bất kỳ vướng mắc nào hoặc cần hỗ trợ giải quyết tranh chấp, hãy liên hệ ngay với chúng tôi qua hotline 1900 63 63 87 để được hỗ trợ kịp thời!