Rủi ro là những mất mát, hư hỏng xảy ra do lỗi chủ quan của con người hoặc do các hiện tượng khách quan gây nên (do thời tiết, do tai nạn bất ngờ, do tính chất của hàng hóa,…) mà không bên nào trong hợp đồng mong muốn. Vậy, quy định liên quan đến xác định rủi ro trong quá trình vận chuyển hàng hóa khi soạn thảo hợp đồng và các chi phí liên quan được quy định như thế nào? Bài viết trên sẽ hỗ trợ cho bạn đọc các thông tin liên quan.
Rủi ro trong quá trình vận chuyển hàng hóa khi soạn thảo hợp đồng
>>>Xem thêm: Tư vấn xử lý khi bên bán giao hàng hóa kém chất lượng
Mục Lục
Các rủi ro trong quá trình vận chuyển hàng hóa
Xác định trách nhiệm chịu tổn thất khi có rủi ro
Tùy trường hợp tổn thất khi có rủi ro trong quá trình vận chuyển khác nhau do các bên thỏa thuận hoặc các quy định của pháp luật mà chủ thể chịu trách nhiệm tổn nhất khi có rủi ro sẽ được quyết định. Căn cứ theo Điều 441 Bộ luật Dân sự 2015 (BLDS 2015) thì trách nhiệm chịu trách nhiệm của chủ thể được quy định như sau:
- Bên bán chịu rủi ro đối với tài sản trước khi tài sản được giao cho bên mua, bên mua chịu rủi ro đối với tài sản kể từ thời điểm nhận tài sản, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.
- Đối với hợp đồng mua bán tài sản mà pháp luật quy định tài sản đó phải đăng ký quyền sở hữu thì bên bán chịu rủi ro cho đến khi hoàn thành thủ tục đăng ký, bên mua chịu rủi ro kể từ thời điểm hoàn thành thủ tục đăng ký, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
Theo đó, căn cứ tại các Điều 57, 58, 59, 60 của Luật thương mại 2005 (LTM 2005) thì trừ trường hợp có thỏa thuận khác, thì chủ thể chịu trách nhiệm chịu tổn thất khi có rủi ro sẽ được chuyển từ bên bán sáng sang bên mua mà xác định trách nhiệm chịu tổn thất của chủ thể trong các trường hợp chuyển giao rủi ro nhất định.
Xác định chi phí và bên chi trả trong quá trình vận chuyển
Căn cứ theo Điều 442 BLDS 2015, quy định:
- Chi phí vận chuyển và chi phí liên quan đến việc chuyển quyền sở hữu do các bên thỏa thuận, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
- Trường hợp các bên không có thỏa thuận hoặc thỏa thuận không rõ ràng thì chi phí vận chuyển và chi phí liên quan đến việc chuyển quyền sở hữu được xác định theo chi phí đã được công bố, quy định của cơ quan có thẩm quyền hoặc theo tiêu chuẩn ngành nghề.
- Trường hợp không có căn cứ xác định theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này thì chi phí vận chuyển và chi phí liên quan đến việc chuyển quyền sở hữu được xác định theo tiêu chuẩn thông thường hoặc theo tiêu chuẩn riêng phù hợp với mục đích giao kết hợp đồng.
- Trường hợp các bên không có thỏa thuận và pháp luật không quy định về chi phí vận chuyển và chi phí liên quan đến việc chuyển quyền sở hữu thì bên bán phải chịu chi phí vận chuyển đến địa điểm giao tài sản và chi phí liên quan đến việc chuyển quyền sở hữu.
Bảo hiểm và bên thứ ba (đơn vị vận tải, kho bãi…) trong quá trình vận chuyển
- Khi tham gia quá trình vận chuyển hàng hóa hay mối quan hệ vận chuyển thì các bên tham gia hợp đồng mua bán lập thêm hợp đồng vận chuyển với bên vận chuyển nhằm bảo đảm hoạt động cung ứng dịch vụ vận chuyển của các bên tham gia hợp đồng cũng như xác định quyền lợi và nghĩa vụ của các bên.
- Ngoài ra, các bên tham gia quan hệ vận chuyển còn có thể mua bảo hiểm hàng hóa theo hợp đồng bảo hiểm tự nguyện, trừ đơn vị vận chuyển chuyên nghiệp phải bắt buộc mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự ở mức tối thiểu bao gồm: hàng hóa, người vận chuyển và phương tiện vận chuyển.
- Dựa theo sự thỏa thuận hợp đồng của các bên mà xác định trách nhiệm chịu tổn thất khi có rủi ro trong quá trình vận chuyển một cách thống nhất, kịp thời, hợp tình và hợp lý. Trường hợp không thỏa thuận được thì các bên giải quyết theo quy định của pháp luật.
Chuyển giao rủi ro trong hợp đồng
>>>Xem thêm: Tư vấn quản lý rủi ro trong doanh nghiệp do bị ảnh hưởng bởi Covid
Trở ngại khách quan và bất khả kháng
Căn cứ theo BLDS 2015 quy định:
- Sự kiện bất khả kháng là sự kiện xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép.
- Trở ngại khách quan là những trở ngại do hoàn cảnh khách quan tác động làm cho người có quyền, nghĩa vụ dân sự không thể biết về việc quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm hoặc không thể thực hiện được quyền, nghĩa vụ dân sự của mình;
Theo đó, quy định tại LTM 2005 thì trường hợp sự kiện bất khả kháng sẽ được miễn trách nhiệm và việc thực hiện kéo dài thời hạn, từ chối thực hiện hợp đồng trong trường hợp bất khả kháng cũng được thực hiện theo Điều 296 LTM 2005. Như vậy, khi soạn thảo hợp đồng, các bên cần có thỏa thuận rõ ràng về các trường hợp bất khả kháng, trở ngại khách quan để đảm bảo quyền lợi của mình.
Cơ chế chuyển giao rủi ro trong quá trình vận chuyển hàng hóa
Căn cứ theo quy định của LTM 2005, việc xác định chuyển rủi ro trong quá trình vận chuyển hàng hóa được thực hiện khác nhau tùy theo từng trường hợp nếu như không có sự thỏa thuận của hai bên trong hợp đồng như sau:
Trong trường hợp có địa điểm giao hàng xác định
- Việc chuyển rủi ro về mất mát hoặc hư hỏng hàng hóa được chuyển cho bên mua khi hàng hoá đã được giao cho bên mua hoặc người được bên mua uỷ quyền đã nhận hàng tại địa điểm đó, kể cả trong trường hợp bên bán được uỷ quyền giữ lại các chứng từ xác lập quyền sở hữu đối với hàng hoá.
Như vậy, trong trường hợp này, thời điểm chuyển rủi ro sẽ là thời điểm bên giao hàng giao được hàng cho bên mua hoặc người được bên mua ủy quyền đã nhận được hàng. Còn trước đó thì bất cứ tổn thất nào bên bán sẽ phải chịu trách nhiệm
Trong trường hợp không có địa điểm giao hàng xác định
- Việc chuyển rủi ro về mất mát hoặc hư hỏng hàng hóa được chuyển cho bên mua khi hàng hóa đã được giao cho người vận chuyển đầu tiên
Trường hợp này rủi ro sẽ được chuyển sang bên mua từ thời điểm người vận chuyển đầu tiên được bên bán giao hàng. Sau khi người vận chuyển đầu tiên nhận hàng, nếu hàng hóa có xảy ra mất mát, hư hỏng thì bên mua sẽ phải chịu trách nhiệm
Trong trường hợp giao hàng cho người nhận hàng để giao mà không phải là người vận chuyển
Rủi ro về mất mát hoặc hư hỏng hàng hóa được chuyển cho bên mua thuộc một trong các trường hợp sau đây:
- Khi bên mua nhận được chứng từ sở hữu hàng hoá;
- Khi người nhận hàng để giao xác nhận quyền chiếm hữu hàng hoá của bên mua.
Trong trường hợp mua bán hàng hóa đang trên đường vận chuyển
- Việc chuyển rủi ro về mất mát hoặc hư hỏng hàng hóa được chuyển cho bên mua kể từ thời điểm giao kết hợp đồng.
Mua bán hàng hóa đang trên đường vận chuyển được hiểu là đối tượng của hợp đồng là hàng hóa đang được vận chuyển thì bên mua mua lô hàng của bên bán. Trong trường hợp này, rủi ro và quyền sở hữu được chuyển cho bên mua từ thời điểm giao kết hợp đồng.
Các trường hợp khác
- Việc chuyển rủi ro về mất mát hoặc hư hỏng hàng hóa không nằm trong các trường hợp trên thì được chuyển cho bên mua kể từ thời điểm hàng hóa thuộc quyền định đoạt của bên mua và bên mua vi phạm hợp đồng do không nhận hàng;
- Rủi ro về mất mát hoặc hư hỏng hàng hóa không được chuyển cho bên mua, nếu hàng hoá không được xác định rõ ràng bằng ký mã hiệu, chứng từ vận tải, không được thông báo cho bên mua hoặc không được xác định bằng bất kỳ cách thức nào khác.
Luật sư Chuyên tư vấn luật
Trên đây là toàn bộ nội dung tư vấn liên quan đến “Xác định rủi ro trong quá trình vận chuyển hàng hóa khi soạn thảo hợp đồng”. Nếu bạn còn các vướng mắc nào khác, vui lòng liên hệ TƯ VẤN LUẬT HỢP ĐỒNG để tham khảo một các chi tiết và kịp thời. Theo đó, bạn còn có thể liên hệ qua HOTLINE 1900.63.63.87 để được luật sư hợp đồng tư vấn và hỗ trợ. Xin cảm ơn!