Luật Hành Chính

Thời hạn ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính

Thời hạn ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính quy định khoảng thời gian để các cơ quan có thẩm quyền đưa ra quyết định về mức xử phạt đối với hành vi vi phạm hành chính. Việc ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính cần đảm bảo tuân thủ quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, các vấn đề về các trường hợp bị xử lý, thủ tục xử phạt sẽ được sẽ được giải đáp bởi Chuyên tư vấn luật trong bài viết dưới đây.

Thời hạn xử phạt vi phạm hành chínhThời hạn xử phạt vi phạm hành chính

Các trường hợp bị xử lý vi phạm hành chính

Vi phạm hành chính là hành vi có lỗi do cá nhân, tổ chức thực hiện vi phạm quy định pháp luật về quản lý nhà nước mà không phải là tội phạm thì bị xử phạt vi phạm hành chính. Theo Điểm d Khoản 1 Điều 3 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012, sửa đổi, bổ sung 2020 quy định: Chỉ xử phạt vi phạm hành chính khi có hành vi vi phạm hành chính do pháp luật quy định. Điều này có nghĩa các cá nhân, tổ chức chỉ bị xử phạt hành chính khi thực hiện các hành vi mà pháp luật đã quy định đó là hành vi vi phạm hành chính, nhằm đưa ra các biện pháp ngăn chặn và xử lý kịp thời đối với các hành vi đó.

Đối với các cá nhân, tổ chức bị xử phạt hành chính, theo Khoản 1 Điều 3 Nghị định 118/2021/NĐ-CP Quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành luật xử lý vi phạm hành chính, các đối tượng bị xử lý vi phạm hành chính theo Khoản 1 Điều 5 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012, sửa đổi, bổ sung 2020 gồm:

  • Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi bị xử phạt vi phạm hành chính về vi phạm hành chính do cố ý; người từ đủ 16 tuổi trở lên bị xử phạt vi phạm hành chính về mọi vi phạm hành chính.
  • Người thuộc lực lượng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân vi phạm hành chính thì bị xử lý như đối với công dân khác; trường hợp cần áp dụng hình thức phạt tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn liên quan đến quốc phòng, an ninh thì người xử phạt đề nghị cơ quan, đơn vị Quân đội nhân dân, Công an nhân dân có thẩm quyền xử lý;
  • Tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính về mọi vi phạm hành chính do mình gây ra;
  • Cá nhân, tổ chức nước ngoài vi phạm hành chính trong phạm vi lãnh thổ, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam; trên tàu bay mang quốc tịch Việt Nam, tàu biển mang cờ quốc tịch Việt Nam thì bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật Việt Nam, trừ trường hợp điều ước quốc tế mà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác.

Như vậy, đối tượng bị xử phạt vi phạm hành chính cũng là những đối tượng bị xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật xử lý vi phạm hành chính.

>>> Xem thêm: Yêu cầu hủy quyết định xử phạt hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường

Thủ tục xử phạt hành vi vi phạm hành chính

Xử phạt vi phạm hành chính không lập biên bản

Trước khi xử phạt vi phạm hành chính, cơ quan có thẩm quyền phải thực hiện áp dụng buộc chấm dứt hành vi vi phạm hành chính được quy định tại Điều 55 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012. Việc buộc chấm dứt được thực hiện bằng lời nói, còi, hiệu lệnh, văn bản hoặc hình thức khác theo quy định của pháp luật.

Theo Điều 56, Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012, việc xử phạt vi phạm hành chính không lập biên bản được thực hiện như sau:

  • Được áp dụng trong trường hợp xử phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền đến 250.000 đồng đối với cá nhân, 500.000 đồng đối với tổ chức. Người có thẩm quyền xử phạt phải ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính tại chỗ.
  • Quyết định xử phạt vi phạm hành chính tại chỗ phải ghi rõ ngày, tháng, năm ra quyết định; họ, tên, địa chỉ của cá nhân vi phạm hoặc tên, địa chỉ của tổ chức vi phạm; hành vi vi phạm; địa điểm xảy ra vi phạm; chứng cứ và tình tiết liên quan đến việc giải quyết vi phạm; họ, tên, chức vụ của người ra quyết định xử phạt; điều, khoản của văn bản pháp luật được áp dụng. Trường hợp phạt tiền thì trong quyết định phải ghi rõ mức tiền phạt.

Như vậy, thủ tục xử phạt vi phạm hành chính không lập biên bản được áp dụng cho hình thức phạt cảnh cáo và phạt tiền tại chỗ. Quyết định xử phạt tại chỗ ghi rõ thông tin người vi phạm, hành vi vi phạm, quyết định xử phạt, người có thẩm quyền ra quyết định xử phạt và điều khoản áp dụng.

Xử phạt hành chính tại chỗXử phạt hành chính tại chỗ

Xử phạt vi phạm hành chính lập biên bản

Theo Điều 57 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012, việc xử phạt vi phạm hành chính lập biên bản được áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính của cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính không thuộc trường hợp quy định tại đoạn 1 khoản 1 Điều 56 của Luật xử lý vi phạm hành chính 2012. Đối với những trường hợp hành vi vi phạm được phát hiện nhờ sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật, nghiệp vụ thì phải lập biên bản.

Việc xử phạt vi phạm hành chính lập biên bản được thực hiện như sau:

Bước 1: Lập hồ sơ xử phạt

Khoản 1, 2 và 3 Điều 58 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012, sửa đổi, bổ sung 2020 quy định: Sau khi phát hiện hành vi vi phạm, người có thẩm quyền xử phạt phải lập hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính. Hồ sơ bao gồm biên bản vi phạm hành chính, quyết định xử phạt hành chính, các tài liệu, giấy tờ có liên quan và phải được đánh bút lục.

Biên bản xử phạt vi phạm hành chính bao gồm:

  • Thời gian, địa điểm lập biên bản;
  • Thông tin về người lập biên bản, cá nhân, tổ chức vi phạm và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan;
  • Thời gian, địa điểm xảy ra vi phạm; mô tả vụ việc, hành vi vi phạm;
  • Lời khai của người vi phạm hoặc đại diện tổ chức vi phạm, người chứng kiến, người bị thiệt hại hoặc đại diện tổ chức bị thiệt hại;
  • Biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính;
  • Quyền và thời hạn giải trình.

Biên bản phải được lập tại nơi xảy ra hành vi vi phạm hoặc tại trụ sở cơ quan có thẩm quyền lập biên bản hoặc địa điểm khác và nêu rõ lý do.

Bước 2:  Ký và gửi biên bản

Biên bản phải được lập thành ít nhất 02 bản, người lập biên bản và người vi phạm hoặc đại diện tổ chức vi phạm ký vào biên bản. Biên bản được gửi 01 bản cho cá nhân, tổ chức vi phạm và chuyển biên bản cho cơ quan có thẩm quyền xử phạt nếu người lập biên bản không có thẩm quyền xử phạt theo Khoản 4, 5 Điều 58  Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012, sửa đổi, bổ sung 2020

Trường hợp cần xác minh tình tiết vụ việc, giá trị tang vật, phương tiện vi phạm, cơ quan có thẩm quyền có thể xem xét các tình tiết liên quan và lập văn bản xác minh theo quy định tại Điều 59 và Điều 60 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012, sửa đổi bổ sung 2020.

Bước 3: Giải trình

Theo Điều 61 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012, sửa đổi, bổ sung 2020, cá nhân, tổ chức bị xử phạt hình chính tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề, đình chỉ hoạt động có thời hạn hoặc mức phạt tiền tối đa từ 15.000.000 đồng trở lên đối với cá nhân, 30.000.000 đồng trở lên đối với tổ chức có thể làm đơn giải trình đối với người có thẩm quyền xử phạt bằng hình thức giải trình bằng văn bản hoặc giải trình trực tiếp thông qua phiên giải trình.

Bước 4: Chuyển hồ sơ vụ vi phạm có dấu hiệu tội phạm để truy cứu trách nhiệm hình sự

Theo quy định tại Điều 62 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012, sửa đổi bổ sung 2020, nếu hành vi vi phạm có dấu hiệu tội phạm, người có thẩm quyền xử phạt phải chuyển ngay hồ sơ cho cơ quan tiến hành giải quyết tố tụng hình sự và tạm đình chỉ thi hành quyết định xử phạt nếu đã ra quyết định xử phạt hành chính để tiến hành xem xét. Trường hợp không khởi tố vụ án thì cơ quan tiến hành tố tụng trả hồ sơ cho người có thẩm quyền xử phạt. Trường hợp khởi tố hình sự thì phải hủy bỏ quyết định xử phạt hành chính và chuyển toàn bộ tài liệu, hồ sơ cho cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng hình sự.

>>> Xem thêm: Thủ tục tịch thu tang vật vi phạm hành chính

Thời hạn ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính

Thời hạn ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính được quy định tại Điều 66 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012, sửa đổi, bổ sung 2020 như sau:

  • Đối với vụ việc không thuộc trường hợp giải trình; không xác minh các tình tiết liên quan tại Điều 59 và Điều 61 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012, sửa đổi bổ sung 2020 thì thời hạn ra quyết định xử phạt là 07 ngày làm việc kể từ ngày lập biên bản vi phạm hành chính. Trường hợp vụ việc phải chuyển hồ sơ đến người có thẩm quyền xử phạt thì thời hạn ra quyết định xử phạt là 10 ngày làm việc kể từ ngày lập biên bản vi phạm hành chính, trừ trường hợp quy định tại Khoản 3 Điều 63 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012, sửa đổi bổ sung 2020.
  • Đối với vụ việc mà cá nhân, tổ chức vi phạm có yêu cầu giải trình hoặc phải xác minh các tình tiết có liên quan theo quy định tại Điều 59 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012, sửa đổi bổ sung 2020 thì thời hạn ra quyết định là 01 tháng kể từ ngày lập biên bản vi phạm hành chính.
  • Trường hợp vụ việc có yêu cầu giải trình hoặc phải xác minh tình tiết liên quan mà có tính chất đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, cần thời gian để thu thập tài liệu chứng cứ thì thời hạn ra quyết định xử phạt là 02 tháng kể từ ngày lập biên bản vi phạm hành chính.

Người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính nếu có lỗi để quá thời hạn ra quyết định xử phạt sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, theo quy định tại Điểm c Khoản 1 Điều 65 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012, sửa đổi, bổ sung 2020 về trường hợp không ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính: Hết thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính quy định tại Điều 6 hoặc hết thời hạn ra quyết định xử phạt quy định tại khoản 3 Điều 63 hoặc khoản 1 Điều 66 của Luật này;

Như vậy, trong trường hợp hết thời hạn ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính mà cơ quan có thẩm quyền không ra quyết định xử phạt thì sẽ không được xử phạt vi phạm hành chính đối với các cá nhân, tổ chức vi phạm. Đây là một điểm cần lưu ý đối với cơ quan ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính.

Thời hạn xử phạt vi phạm hành chínhThời hạn xử phạt vi phạm hành chính

>>> Xem thêm: Hướng dẫn doanh nghiệp khiếu nại quyết định xử phạt vi phạm hành chính

Luật sư tư vấn về thẩm quyền ra quyết định xử phạt

Việc xử phạt vi phạm hành chính cần tuân thủ trình tự thủ tục và thời hạn ra quyết định theo theo quy định pháp luật. Ngoài ra, thẩm quyền ra quyết định xử phạt cũng là một vấn đề cần lưu ý. Để hiểu rõ hơn về quy định này, Luật sư sẽ tư vấn cho quý khách hàng một số vấn đề về thẩm quyền ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính như sau:

  • Những cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính;
  • Người có quyền lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính;
  • Cơ quan nhà nước có thẩm quyền ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong các trường hợp vi phạm cụ thể;
  • Hướng dẫn nộp đơn giải trình, yêu cầu xác minh đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết;
  • Trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền ra quyết định xử phạt khi không ra quyết định xử phạt đúng thời hạn;
  • Hướng xử lý khi phát hiện việc xử phạt vi phạm hành chính được thực hiện sai thẩm quyền.

Quyết định xử phạt vi phạm hành chính nhằm đảm bảo kỷ luật, kỷ cương của các cơ quan hành chính nhà nước. Bài viết trên đây của chúng tôi thông tin đến quý độc giả  những quy định pháp lý liên quan đến thời hạn ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính. Nếu quý khách hàng có những thắc mắc cần giải đáp, vui lòng liên hệ hotline 1900.63.63.87 hoặc Chuyên tư vấn luật để được hỗ trợ một cách nhanh chóng nhất.

4.7 (19 bình chọn)

Bài viết được Tham vấn bởi Luật sư: Võ Tấn Lộc - Tác giả: Vũ Thị Hải Yến
Tham vấn bởi Luật sư: Võ Tấn Lộc - Tác giả: Vũ Thị Hải Yến

Tác giả: Chuyên Viên Pháp Lý - Vũ Thị Hải Yến

Lĩnh vực tư vấn: hành chính, dân sự, đất đai, di chúc, thừa kế.

Trình độ đào tạo: Trường Đại học Luật

Số năm kinh nghiệm thực tế: 2 năm

Tổng số bài viết: 900 bài viết