Tư vấn giải quyết lấn chiếm đất công là vấn đề pháp lý được rất nhiều người dân quan tâm. Bởi, nhiều người vẫn chưa biết thế nào là ĐẤT CÔNG? Những hành vi nào được xem là lấn chiếm đất công theo quy định của pháp luật? Nếu vi phạm sẽ bị xử phạt như thế nào? Quy trình xử lý hành vi này ra sao? Để hiểu rõ những vấn đề pháp lý này mời bạn đọc cùng tham khảo bài viết sau của Chuyên Tư Vấn Luật.
Xử lý hành vi lấn chiếm đất công
Mục Lục
Lấn chiếm đất công
Thế nào là đất công?
Hiện nay, không có quy định nào về khái niệm đất công.
Nhưng có thể hiểu, về bản chất thì đây đều là đất do nhà nước quản lý, nhưng thực tế khác nhau rất nhiều về mục đích sử dụng. Đất công cộng là đất chỉ sử dụng vào mục đích công cộng như đường, công viên, vỉa hè, sông suối…Còn đất công có nghĩa rộng hơn, ngoài các mục đích là đất công cộng nó còn bao gồm tất cả các mục đích khác như đất xây dựng các công trình nhà nước, đất quốc phòng, đất an ninh, nghĩa trang, đất chưa sử dụng, các quỹ đất được nhà nước xác lập quản lý bằng văn bản…
Hành vi được xem là lấn chiếm đất công
- Lấn đất là việc người sử dụng đất chuyển dịch mốc giới hoặc ranh giới thửa đất để mở rộng diện tích đất sử dụng mà không được cơ quan quản lý nhà nước về đất đai cho phép hoặc không được người sử dụng hợp pháp diện tích đất bị lấn đó cho phép.
- Chiếm đất là việc sử dụng đất thuộc một trong các trường hợp sau:
- Tự ý sử dụng đất mà không được cơ quan quản lý nhà nước về đất đai cho phép.
- Tự ý sử dụng đất thuộc quyền sử dụng hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác mà không được tổ chức, cá nhân đó cho phép.
- Sử dụng đất được Nhà nước giao, cho thuê đất đã hết thời hạn sử dụng mà không được Nhà nước gia hạn sử dụng (trừ trường hợp hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp sử dụng đất nông nghiệp).
(khoản 1, 2 Điều 3 Nghị định 91/2019/NĐ-CP )
Lấn chiếm đất công là sự dịch chuyển, thay đổi ranh giới, mốc giới của thửa đất trên thực tế so với biên bản bàn giao đất ban đầu nhận được từ UBND xã, với mục đích để mở rộng diện tích đất thực tế.
>>> Xem thêm: Hàng xóm lấn chiếm đất xử lý như thế nào?
Xử lý hành vi lấn chiếm đất công
Hình thức xử lý hành vi
- Hình thức xử phạt chính bao gồm:
- Cảnh cáo;
- Phạt tiền.
- Hình thức xử phạt bổ sung bao gồm:
- Buộc thực hiện thủ tục hành chính về đất đai;
- Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu của chỉ giới sử dụng đất, mốc địa giới hành chính như trước khi vi phạm;
- Buộc cung cấp hoặc cung cấp lại thông tin, giấy tờ, tài liệu theo yêu cầu cơ quan, người có thẩm quyền thanh tra, kiểm tra, giải quyết tranh chấp đất đai.
CSPL: Điều 5 Nghị định 91/2019/NĐ-CP
Mức phạt tiền đối với hành vi lấn chiếm
Theo quy định tại Điều 14 Nghị định 91/2019/NĐ-CP thì tùy từng loại đất và diện tích lấn chiếm mà người có hành vi lấn chiếm đất phải chịu phạt từ 2.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng đối với cá nhân.
>>> Xem thêm: Thủ tục khởi kiện đòi lại đất được xác định là đất công ích
Quy trình xử lý hành vi lấn chiếm đất công
- Quyết định xử phạt vi phạm hành chính không lập biên bản phải được giao cho cá nhân, tổ chức bị xử phạt 01 bản.
- Trường hợp người chưa thành niên bị xử phạt cảnh cáo thì quyết định xử phạt còn được gửi cho cha mẹ hoặc người giám hộ của người đó.
- Cá nhân, tổ chức vi phạm nộp tiền phạt tại chỗ cho người có thẩm quyền xử phạt.
- Người thu tiền phạt có trách nhiệm giao chứng từ thu tiền phạt cho cá nhân, tổ chức nộp tiền phạt và phải nộp tiền phạt trực tiếp tại Kho bạc Nhà nước hoặc nộp vào tài khoản của Kho bạc Nhà nước trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ ngày thu tiền phạt.
- Trường hợp cá nhân, tổ chức vi phạm không có khả năng nộp tiền phạt tại chỗ thì nộp tại Kho bạc Nhà nước hoặc nộp vào tài khoản của Kho bạc Nhà nước ghi trong quyết định xử.
- Cá nhân, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính phải chấp hành quyết định xử phạt trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận quyết định xử phạt vi phạm hành chính;
- Nếu quyết định xử phạt vi phạm hành chính có ghi thời hạn thi hành nhiều hơn 10 ngày thì thực hiện theo thời hạn đó.
- Trường hợp cá nhân, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính không tự nguyện chấp hành quyết định xử phạt theo quy định thì cơ quan có thẩm quyền có thể áp dụng cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt hành chính.
CSPL: Điều 69 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012 (sửa đổi bổ sung 2020)
Trên đây là nội dung tư vấn của chúng tôi về vấn đề Xử lý hành vi lấn chiếm đất công. Nếu có bất kỳ vướng mắc, khó khăn về vấn đề này hoặc cần Tư vấn luật đất đai vui lòng liên hệ Tổng đài: 1900.63.63.87 để được Luật sư của chúng tôi tư vấn cụ thể. Rất mong nhận được sự hợp tác!
UBND xã có thửa đất công tiếp giáp với đường Quốc lộ 32. Hiện tại hộ dân tiếp giáp đã đổ đống đá trên thửa đất đó còn nhân dân cụm nơi có đất thì dựng lồng sắt đựng đồ thờ cúng sau khi hạ giải ngôi điếm thờ của xóm. Nay UBND xã muốn giải tỏa mặt bằng cho thửa đất này thì phải căn cứ vào đâu? (thửa đất này nằm cũng thuộc hành lang đường QL 32)
Chào bạn Hiền Trần! Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đến cho chúng tôi. Đối với vấn đề của bạn, Chuyentuvanluat.com xin được tư vấn như sau:
Căn cứ theo quy định tại Điều 132 Luật Đất đai 2013:
1. Căn cứ vào quỹ đất, đặc điểm và nhu cầu của địa phương, mỗi xã, phường, thị trấn được lập quỹ đất nông nghiệp sử dụng vào mục đích công ích không quá 5% tổng diện tích đất trồng cây hàng năm, đất trồng cây lâu năm, đất nuôi trồng thủy sản để phục vụ cho các nhu cầu công ích của địa phương.
Đất nông nghiệp do tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trả lại hoặc tặng cho quyền sử dụng cho Nhà nước, đất khai hoang, đất nông nghiệp thu hồi là nguồn để hình thành hoặc bổ sung cho quỹ đất nông nghiệp sử dụng vào mục đích công ích của xã, phường, thị trấn.
Đối với những nơi đã để lại quỹ đất nông nghiệp sử dụng vào mục đích công ích vượt quá 5% thì diện tích ngoài mức 5% được sử dụng để xây dựng hoặc bồi thường khi sử dụng đất khác để xây dựng các công trình công cộng của địa phương; giao cho hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản tại địa phương chưa được giao đất hoặc thiếu đất sản xuất.
2. Quỹ đất nông nghiệp sử dụng vào mục đích công ích của xã, phường, thị trấn để sử dụng vào các mục đích sau đây:
a) Xây dựng các công trình công cộng của xã, phường, thị trấn bao gồm công trình văn hóa, thể dục thể thao, vui chơi, giải trí công cộng, y tế, giáo dục, chợ, nghĩa trang, nghĩa địa và các công trình công cộng khác theo quy định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh;
b) Bồi thường cho người có đất được sử dụng để xây dựng các công trình công cộng quy định tại điểm a khoản này;
c) Xây dựng nhà tình nghĩa, nhà tình thương.
3. Đối với diện tích đất chưa sử dụng vào các mục đích quy định tại khoản 2 Điều này thì Ủy ban nhân dân cấp xã cho hộ gia đình, cá nhân tại địa phương thuê để sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản theo hình thức đấu giá để cho thuê. Thời hạn sử dụng đất đối với mỗi lần thuê không quá 05 năm.
Tiền thu được từ việc cho thuê đất thuộc quỹ đất nông nghiệp sử dụng vào mục đích công ích phải nộp vào ngân sách nhà nước do Ủy ban nhân dân cấp xã quản lý và chỉ được dùng cho nhu cầu công ích của xã, phường, thị trấn theo quy định của pháp luật.
4. Quỹ đất nông nghiệp sử dụng vào mục đích công ích của xã, phường, thị trấn do Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất quản lý, sử dụng theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
Như vậy, đất công ích được giao cho UBND xã, phường quản lý theo quyết định giao đất của UBND tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương. Căn cứ vào quyết định giao đất và quyền của người sử dụng đất để giải tỏa mặt bằng cho thửa đất.
Trên đây là toàn bộ nội dung tư vấn của chúng tôi. Trường hợp bạn cần được hỗ trợ thêm bất cứ thông tin pháp lý gì, hãy liên hệ hotline 0908.748.368 để được tư vấn miễn phí hoặc liên hệ trực tiếp trụ sở tại tầng 1, 50/6 TRường Sơn, phường 2, Tân Bình hoặc văn phòng giao dịch tại Căn hộ Office Tel 3.34, Tầng 3, Lô OT – X2, tòa nhà Sunrise City North, 27 Nguyễn Hữu Thọ, phường Tân Hưng, quận 7, TP.HCM.
Xin cảm ơn./.
Luật sư cho e hỏi là kế bên nhà e có 1 miếng đất trên 1000m vuông là của nhà nước cho gia đình ông hàng xóm thuê để nuôi cá , năm 2013 nhà nước lấy lại đất và sang lấp mặt bằng và để trống như vậy ko có làm gì, thì gia đình ông này mới lập hàng rào và che chắn xung quanh hết miếng đất, cất nhà tạm ở ,nuôi gia cầm,trồng cây cối um tùm cho đến nay,nhìu lần có phản ánh UBNN phường, nhưng UBNN cho mấy ông đất đai xuống nói 1, 2 câu xong lại về ko giải quyết. E ở TPHCM, bây giờ e muốn thưa gia đình họ thì phải làm sao luật sư,cảm ơn
Chào bạn Phúc, cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đến cho chúng tôi. Đối với vấn đề của bạn, Chuyentuvanluat.com xin được tư vấn như sau:
Điều 205. Giải quyết tố cáo về đất đai
1. Cá nhân có quyền tố cáo vi phạm pháp luật về quản lý và sử dụng đất đai.
2. Việc giải quyết tố cáo vi phạm pháp luật về quản lý và sử dụng đất đai thực hiện theo quy định của pháp luật về tố cáo.
Thời gian quy định trong Luật Tố cáo năm 2018 như sau:
Về xử lý ban đầu thông tin tố cáo: Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận được tố cáo, cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm vào sổ, phân loại, xử lý ban đầu thông tin tố cáo, kiểm tra, xác minh thông tin về người tố cáo và điều kiện thụ lý tố cáo; trường hợp phải kiểm tra, xác minh tại nhiều địa điểm hoặc phải ủy quyền cho cơ quan, tổ chức có thẩm quyền kiểm tra, xác minh thì thời hạn này có thể kéo dài hơn nhưng không quá 10 ngày làm việc (Khoản 1 Điều 24). Trường hợp tố cáo không thuộc thẩm quyền giải quyết của mình thì trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đơn tố cáo, phải chuyển đến cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết và thông báo cho người tố cáo (Khoản 2 Điều 24).
Trên đây là toàn bộ nội dung tư vấn sơ bộ của chúng tôi dựa trên thông tin bạn đã cung cấp. Để cụ thể, chi tiết và thực hiện được tốt, bạn nên sắp xếp thời gian đến trực tiếp để nghe luật sư trao đổi, giải thích, hướng dẫn qua địa chỉ: CÔNG TY LUẬT LONG PHAN PMT
– Trụ sở chính: 50/6 Trường Sơn, phường 2, quận Tân Bình, Tp.HCM
– Cơ sở 02: Căn hộ Officetel 3.34, Tầng 3, Lô OT-X2, toà nhà Sunrise City North, 27 Nguyễn Hữu Thọ, phường Tân Hưng, quận 7, Tp.HCM.
Hotline: 1900.63.63.87
Trân trọng!