Tranh chấp đất đai hiện nay diễn ra thường xuyên và có nhiều chuyển biến phức tạp. Các chủ thể giữ quyền sử dụng đất thường có xu hướng tìm cách bán tháo đất đang tranh chấp để tạo sự khó khăn trong việc thi hành án sau này. Có rất nhiều người theo đuổi vụ kiện nhiều năm và đã thắng kiện, tuy nhiên vì đất tranh chấp đã bị bán nên phải mất một khoảng thời gian dài mà vẫn chưa thể thi hành án và nhận lại đất. Vậy, có cách nào để ngăn chặn việc bán đất tranh chấp hay không? Bài viết này sẽ giải đáp thắc mắc trên của quý bạn đọc.
Mục Lục
Ngăn chặn bằng cách nộp đơn ngăn chặn đăng ký biến động
Khi phát hiện đất đang được giao dịch là đất đang có tranh chấp, theo quy định tại Điều 11a của Thông tư 24/2014/TT-BTNMT (bổ sung bởi điểm đ khoản 11 Điều 7 Thông tư 33/2017/TT-BTNMT) thì cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai gửi văn bản thông báo về về việc mảnh đất đang được giải quyết tranh chấp hiện đang được tiến hành giao dịch và chủ thể đã nộp hồ sơ xin cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất (sau đây gọi tắt là Giấy chứng nhận) lên cho cơ quan đã tiếp nhận, xử lý hồ sơ xin cấp Giấy chứng nhận đó phải xem xét lại hồ sơ đăng ký.
Khi cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận xác nhận rằng đất đang làm hồ sơ xin cấp Giấy chứng nhận là đất đang có tranh chấp thì trong thời gian không quá 03 ngày làm việc từ ngày nhận hồ sơ, cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận phải có văn bản từ chối cấp Giấy chứng nhận và nêu rõ lý do. Theo đó, việc bán đất có tranh chấp sẽ được ngăn chặn.
Ngăn chặn bằng cách yêu cầu Tòa áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời
Ngoài việc nộp đơn yêu cầu đến cơ quan đăng kí đất đai, ta còn có thể nộp đơn khởi kiện đến Tòa án có thẩm quyền yêu cầu tuyên giao dịch liên quan đến đất có tranh chấp là giao dịch vô hiệu. Thêm vào đó, để bảo đảm cho quyền, lợi ích hợp pháp của mình, người khởi kiện có thể yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời nhằm tránh việc người bị kiện thực hiện giao dịch nhằm chuyển quyền sử dụng của đất đang tranh chấp. Mục đích yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời là nhằm bảo toàn tình trạng hiện có tránh gây thiệt hại không thể khắc phục được, bảo đảm cho việc giải quyết vụ án và thi hành án.
Biện pháp khẩn cấp tạm thời được áp dụng trong trường hợp này là biện pháp cấm chuyển dịch quyền về tài sản đối với tài sản đang tranh chấp được quy định tại khoản 7 Điều 114 và Điều 121 Bộ luật Tố tụng dân sự hiện hành. Biện pháp này được áp dụng khi trong quá trình giải quyết vụ án có căn cứ cho thấy người đang chiếm hữu hoặc giữ tài sản đang tranh chấp có hành vi chuyển dịch quyền về tài sản đối với tài sản đang tranh chấp cho người khác.
Thủ tục áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời được quy định như thế nào?
Theo quy định tại Điều 133 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 thì để áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời trên, người có yêu cầu phải làm đơn gửi đến Tòa án có thẩm quyền.
Đơn yêu cầu áp dụng cần có những nội dung sau đây:
- Ngày, tháng, năm làm đơn;
- Tên, địa chỉ; số điện thoại, fax, địa chỉ thư điện tử (nếu có) của người yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời;
- Tên, địa chỉ; số điện thoại, fax, địa chỉ thư điện tử (nếu có) của người bị yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời;
- Tóm tắt nội dung tranh chấp hoặc hành vi xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của mình;
- Lý do cần phải áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời;
- Biện pháp khẩn cấp tạm thời cần được áp dụng và các yêu cầu cụ thể.
Khi làm đơn yêu cầu cũng phải đồng thời cung cấp những chứng cứ để chứng minh cho thấy sự cần thiết áp dụng biện pháp trên.
Ngoài ra, khi yêu cầu áp dụng biện pháp trên thì người yêu cầu phải nộp cho Tòa án chứng từ bảo lãnh được bảo đảm bằng tài sản của ngân hàng hoặc tổ chức tín dụng khác hoặc của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác hoặc gửi một khoản tiền, kim khí quý, đá quý hoặc giấy tờ có giá do Tòa án ấn định nhưng phải tương đương với tổn thất hoặc thiệt hại có thể phát sinh do hậu quả của việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời không đúng để bảo vệ lợi ích của người bị áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời. Mục đích của việc bảo đảm này là để ngăn ngừa sự lạm dụng quyền yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời từ phía người có quyền yêu cầu (theo khoản 1 Điều 136 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015).
Trong trường hợp khẩn cấp, cần phải bảo vệ ngay chứng cứ, ngăn chặn hậu quả nghiêm trọng có thể xảy ra thì căn cứ khoản 1 Điều 136 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, thời hạn thực hiện biện pháp bảo đảm quy định tại khoản này không được quá 48 giờ, kể từ thời điểm nộp đơn yêu cầu. Trong những trường hợp khác thì thời hạn sẽ là 03 ngày, kể từ ngày nộp đơn.
Tóm lại, khi phát hiện đất đang được giao dịch là đất có tranh chấp, để bảo vệ quyền, lợi ích của mình, chủ thể có thể gửi đơn thông báo đến Cơ quan đăng ký, cấp Giấy chứng nhận hoặc có thể khởi kiện ra Tòa án, đồng thời yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời để ngăn chặn việc chuyển quyền với tài sản đang tranh chấp.
Trên đây là toàn bộ bài viết tư vấn pháp luật về tranh chấp đất đai với chủ đề “Cách ngăn chặn việc bán đất tranh chấp”. Trường hợp quý khách hàng còn thắc mắc bất kì vấn đề gì liên quan đến bài viết hoặc đang cần hỗ trợ pháp lý, hãy liên hệ ngay qua hotline 1900 63 63 87 để được tư vấn tận tình và chu đáo.