Luật Hợp Đồng

Chuyển giao rủi ro về địa điểm giao hàng trong hợp đồng mua bán

Chuyển  giao rủi ro về địa điểm giao hàng trong hợp đồng mua bán là vấn đề Quý bạn đọc quan tâm, thắc mắc khi thực hiện thu, mua, thực hiện chuỗi cung, cầu hàng hóa. Để giải quyết vấn đề trên, Luật sư tới từ Chuyên Tư Vấn Luật xin gửi đến bài viết về hợp đồng mua bán hàng hóa, địa điểm, thời điểm chuyển rủi ro và cùng với đó là cách khởi kiện khi xảy ra tranh chấp về chuyển rủi ro về địa điểm giao hàng trong hợp đồng mua bán.

Chuyển giao rủi ro về địa điểm giao hàng trong hợp đồng mua bán

Hợp đồng mua bán hàng hóa là gì?

Các văn bản pháp luật hiện hành ở Việt Nam không định nghĩa về hợp đồng mua bán hàng hóa. Tuy nhiên, Điều 385 Bộ luật Dân sự 2015 có quy định khái niệm về hợp đồng, đó là sự thỏa thuận giữa các bên về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự.

Đồng thời tại Khoản 8 Điều 3 Luật Thương mại 2005 có quy định khái niệm về Mua bán hàng hoá, đó là hoạt động thương mại, theo đó bên bán có nghĩa vụ giao hàng, chuyển quyền sở hữu hàng hóa cho bên mua và nhận thanh toán; bên mua có nghĩa vụ thanh toán cho bên bán, nhận hàng và quyền sở hữu hàng hoá theo thỏa thuận.

Mặc dù pháp luật không quy định cụ thể về hợp đồng mua bán hàng hóa  tuy nhiên chúng ta có thể căn cứ vào các quy định pháp luật trên để đưa ra khái niệm về hợp đồng mua bán hàng hóa trong thương mại như sau:

Hợp đồng mua bán hàng hóa là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên bản có nghĩa vụ giao hàng, chuyển quyền sở hữu hàng hóa cho bên mua và nhận thanh toán; bên mua có nghĩa vụ thanh toán cho bên bán, nhận hàng và quyền sở hữu hàng hóa theo thỏa thuận.

Địa điểm giao hàng trong hợp đồng mua bán theo Luật Thương Mại

Theo pháp luật Thương mại, địa điểm giao hàng trong hợp đồng mua bán hàng hóa được quy định như sau:

Thứ nhất, nếu hợp đồng có thỏa thuận về địa điểm giao hàng, bên bán có nghĩa vụ giao hàng đúng địa điểm đã thoả thuận.

Thứ hai, trường hợp không có thoả thuận về địa điểm giao hàng thì địa điểm giao hàng được xác định như sau:

  • Trường hợp hàng hoá là vật gắn liền với đất đai thì bên bán phải giao hàng tại nơi có hàng hoá đó;
  • Trường hợp trong hợp đồng có quy định về vận chuyển hàng hoá thì bên bán có nghĩa vụ giao hàng cho người vận chuyển đầu tiên;
  • Trường hợp trong hợp đồng không có quy định về vận chuyển hàng hoá, nếu vào thời điểm giao kết hợp đồng, các bên biết được địa điểm kho chứa hàng, địa điểm xếp hàng hoặc nơi sản xuất, chế tạo hàng hoá thì bên bán phải giao hàng tại địa điểm đó;
  • Trong các trường hợp khác, bên bán phải giao hàng tại địa điểm kinh doanh của bên bán, nếu không có địa điểm kinh doanh thì phải giao hàng tại nơi cư trú của bên bán được xác định tại thời điểm giao kết hợp đồng mua bán.

Cơ sở pháp lý: Điều 35 Luật Thương mại 2005.

Xem thêm: Nghĩa vụ chuyển giao rủi ro trong hợp đồng thương mại xác định thế nào?

Thời điểm chuyển rủi ro về địa điểm giao hàng

Chuyển rủi ro khi có địa điểm giao hàng xác định

Nếu bên bán có nghĩa vụ giao hàng cho bên mua tại một địa điểm nhất định thì rủi ro về mất mát hoặc hư hỏng hàng hóa được chuyển cho bên mua khi hàng hoá đã được giao cho bên mua hoặc người được bên mua uỷ quyền đã nhận hàng tại địa điểm đó, kể cả trong trường hợp bên bán được uỷ quyền giữ lại các chứng từ xác lập quyền sở hữu đối với hàng hoá. Trừ trường hợp các bên có thoả thuận khác.

Cơ sở pháp lý: Điều 57 Luật Thương mại 2005.

Chuyển rủi ro trong trường hợp không có địa điểm giao hàng xác định

Nếu hợp đồng có quy định về việc vận chuyển hàng hoá và bên bán không có nghĩa vụ giao hàng tại một địa điểm nhất định thì rủi ro về mất mát hoặc hư hỏng hàng hoá được chuyển cho bên mua khi hàng hoá đã được giao cho người vận chuyển đầu tiên. Trừ trường hợp các bên có thoả thuận khác.

Bên cạnh đó, pháp luật thương mại còn quy định thêm trường hợp chuyển rủi ro khi giao hàng cho người nhận hàng để giao mà không phải là người vận chuyển, khi mua bán hàng hoá đang trên đường vận chuyển và chuyển rủi ro trong các trường hợp khác.

Xem thêm: Thời điểm chuyển rủi ro trong các điều kiện giao hàng của incoterms

Cách giải quyết tranh chấp về địa điểm giao hàng hóa

Thương lượng

Thương lượng

Có thể hiểu hình thức giải quyết tranh chấp thương lượng giữa các bên là hình thức giải quyết tranh chấp thông qua việc các bên tự nguyện bàn bạc, thỏa thuận, tự dàn xếp, tháo gỡ những bất đồng phát sinh để loại bỏ tranh chấp mà không cần có sự trợ giúp hay phán quyết của bất kỳ bên thứ ba nào.

Trong quá trình thực hiện giải quyết tranh chấp bằng hình thức thương lượng hòa giải giữa các bên sẽ không có sự ràng buộc của quy định pháp luật về trình tự, thủ tục giải quyết. Kết quả của quá trình giải quyết tranh chấp sẽ phụ thuộc vào sự thỏa thuận của các bên.

Theo đó, tại Khoản 1 Điều 317 Luật Thương mại 2005 thì thương lượng là một trong các phương thức giải quyết tranh chấp về địa điểm giao hàng trong hợp đồng mua bán.

Hòa giải

  • Hòa giải là hình thức giải quyết tranh chấp giữa các bên do một cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân được các bên thỏa thuận chọn làm trung gian hoà giải.
  • Hòa giải thương mại là phương thức giải quyết tranh chấp thương mại do các bên thỏa thuận và được hòa giải viên thương mại làm trung gian hòa giải hỗ trợ giải quyết tranh chấp theo quy định.

Như vậy, các bên có thể giải quyết tranh chấp bằng hòa giải thương mại nếu có thỏa thuận hòa giải. Các bên có thể thỏa thuận giải quyết tranh chấp bằng hòa giải trước, sau khi xảy ra tranh chấp hoặc tại bất cứ thời điểm nào của quá trình giải quyết tranh chấp.

Nguyên tắc khi giải quyết tranh chấp bằng hòa giải thương mại:

  • Các bên tranh chấp tham gia hòa giải hoàn toàn tự nguyện và bình đẳng về quyền và nghĩa vụ.
  • Các thông tin liên quan đến vụ việc hòa giải phải được giữ bí mật, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận bằng văn bản hoặc pháp luật có quy định khác.
  • Nội dung thỏa thuận hòa giải không vi phạm điều cấm của pháp luật, không trái đạo đức xã hội, không nhằm trốn tránh nghĩa vụ, không xâm phạm quyền của bên thứ ba.

Trình tự, thủ tục tiến hành hòa giải tranh chấp thương mại được quy định tại Điều 14 Nghị định 22/2017/NĐ-CP.

Sau khi tiến hành hòa giải, khi đạt được kết quả hòa giải thành các bên lập văn bản về kết quả hòa giải thành. Văn bản về kết quả hòa giải thành có hiệu lực thi hành đối với các bên theo quy định của pháp luật dân sự. Trường hợp không đạt được kết quả hòa giải thành, các bên có quyền tiếp tục hòa giải hoặc yêu cầu Trọng tài hoặc Tòa án giải quyết tranh chấp theo quy định của pháp luật.

Cơ sở pháp lý: Khoản 1 Điều 3, Điều 4, Điều 6, Điều 14 Nghị định 22/2017/NĐ-CP.

Trọng tài hoặc Tòa án

Khi xảy ra tranh chấp thương mại, nhưng không lựa chọn hai hình thức là thương lượng hoặc hòa giải, Quý bạn đọc có thể lựa chọn giải quyết tranh chấp trên bằng Trọng tài hoặc Tòa án theo quy định tại Khoản 3 Điều 317 Luật Thương mại 2005.

Giải quyết bằng Trọng tài thương mại

Giải quyết bằng Trọng tài thương mại

Trọng tài thương mại là phương thức giải quyết tranh chấp do các bên thỏa thuận và được tiến hành theo quy định của Luật.

Điều kiện được giải quyết bằng Trọng tài thương mại:

  • Tranh chấp được giải quyết bằng Trọng tài nếu các bên có thoả thuận trọng tài. Thỏa thuận trọng tài có thể được lập trước hoặc sau khi xảy ra tranh chấp.
  • Trường hợp một bên tham gia thoả thuận trọng tài là cá nhân chết hoặc mất năng lực hành vi, thoả thuận trọng tài vẫn có hiệu lực đối với người thừa kế hoặc người đại diện theo pháp luật của người đó, trừ trường hợp các bên có thoả thuận khác.
  • Trường hợp một bên tham gia thỏa thuận trọng tài là tổ chức phải chấm dứt hoạt động, bị phá sản, giải thể, hợp nhất, sáp nhập, chia, tách hoặc chuyển đổi hình thức tổ chức, thỏa thuận trọng tài vẫn có hiệu lực đối với tổ chức tiếp nhận quyền và nghĩa vụ của tổ chức đó, trừ trường hợp các bên có thoả thuận khác.

Nguyên tắc giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài thương mại:

  • Trọng tài viên phải tôn trọng thỏa thuận của các bên nếu thỏa thuận đó không vi phạm điều cấm và trái đạo đức xã hội.
  • Trọng tài viên phải độc lập, khách quan, vô tư và tuân theo quy định của pháp luật.
  • Các bên tranh chấp đều bình đẳng về quyền và nghĩa vụ. Hội đồng trọng tài có trách nhiệm tạo điều kiện để họ thực hiện các quyền và nghĩa vụ của mình.
  • Giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài được tiến hành không công khai, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.
  • Phán quyết trọng tài là chung thẩm.

Phán quyết trọng tài được thi hành theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự. Cho nên khi lựa chọn Trọng tài thương mại là cơ quan giải quyết tranh chấp, khi Trọng tài đưa ra phán quyết, các bên phải tự nguyện thi hành phán quyết trên. Trong trường hợp hết thời hạn thi hành phán quyết trọng tài mà bên phải thi hành phán quyết không tự nguyện thi hành và cũng không yêu cầu huỷ phán quyết trọng tài, bên được thi hành phán quyết trọng tài có quyền làm đơn yêu cầu Cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền thi hành phán quyết trọng tài.

CSPL: Khoản 1 Điều 3, Điều 4, Điều 5, Điều 67 Luật Trọng tài thương mại 2010.

Giải quyết bằng Tòa án

Theo quy định tại Điều 30 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015, những tranh chấp thương mại thuộc thẩm quyền của Tòa án:

  • Tranh chấp phát sinh trong hoạt động kinh doanh, thương mại giữa cá nhân, tổ chức có đăng ký kinh doanh với nhau và đều có mục đích lợi nhuận.
  • Tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ giữa cá nhân, tổ chức với nhau và đều có mục đích lợi nhuận.
  • Tranh chấp giữa người chưa phải là thành viên công ty nhưng có giao dịch về chuyển nhượng phần vốn góp với công ty, thành viên công ty.
  • Tranh chấp giữa công ty với các thành viên của công ty; tranh chấp giữa công ty với người quản lý trong công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc thành viên Hội đồng quản trị, giám đốc, tổng giám đốc trong công ty cổ phần, giữa các thành viên của công ty với nhau liên quan đến việc thành lập, hoạt động, giải thể, sáp nhập, hợp nhất, chia, tách, bàn giao tài sản của công ty, chuyển đổi hình thức tổ chức của công ty.
  • Các tranh chấp khác về kinh doanh, thương mại, trừ trường hợp thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan, tổ chức khác theo quy định của pháp luật.

Hồ sơ, trình tự, thủ tục giải quyết được quy định tại Chương XII, XIII, XIV Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015:

Hồ sơ khởi kiện bao gồm:

Đơn khởi kiện: Nội dung của đơn khởi kiện phải được đảm bảo nội dung theo Khoản 4 Điều 189 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015. Mẫu đơn khởi kiện theo mẫu số 23 – DS ban hành kèm theo Nghị quyết 01/2017/NQ – HĐTP ngày 13/01/2017do Hội đồng Thẩm phán Tòa án Nhân dân tối cao ban hành một số biểu mẫu trong tố tụng dân sự.

>>>Xem thêm: Mẫu đơn khởi kiện

Tài liệu chứng cứ kèm theo đơn khởi kiện: Kèm theo đơn khởi kiện phải có tài liệu, chứng cứ chứng minh quyền, lợi ích hợp pháp của người khởi kiện bị xâm phạm.

Cơ sở pháp lý: Khoản 4, 5 Điều 189 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015.

Trình tự, thủ tục giải quyết

Bước 1: Người khởi kiện chuẩn bị hồ sơ khởi kiện, nộp hồ sơ đến Tòa án Nhân dân cấp huyện/cấp tỉnh để yêu cầu giải quyết tranh chấp tài sản sau ly hôn. Tuy nhiên cần lưu ý:

  • Nếu đối tượng tranh chấp ở đây là bất động sản thì nguyên đơn phải nộp hồ sơ khởi kiện ở Tòa án Nhân dân nơi có bất động sản đang tranh chấp.
  • Nếu tranh chấp có yếu tố nước ngoài thì nguyên đơn nộp hồ sơ đến Tòa án Nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền giải quyết.

Bước 2: Người khởi kiện nộp tiền tạm ứng án phí theo quy định

Bước 3: Người khởi kiện nộp biên lai tiền tạm ứng án phí, từ đó Tòa án ra thông báo thụ lý và tiến hành thủ tục giải quyết theo yêu cầu khởi kiện.

Cơ sở pháp lý: Điều 30, Điều 146, 191, 195 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015.

Luật sư tư vấn chuyển rủi ro về địa điểm giao hàng

  • Luật sư tư vấn các quy định về chuyển rủi ro trong hợp đồng thương mại.
  • Luật sư giải thích và áp dụng các quy định này một cách đúng đắn và hợp lý nhất với tình huống thực tiễn.
  • Luật sư bảo vệ khách hàng khi có tranh chấp về nghĩa vụ chuyển rủi ro trong hợp đồng thương mại.
  • Luật sư tư vấn để khách hàng không mắc phải các sai lầm về chuyển rủi ro trong hợp đồng thương mại.

Xem thêm: Những điểm cần lưu ý về chuyển giao rủi ro khi ký kết hợp đồng mua bán hàng hóa

Khi thực hiện hợp đồng mua bán hàng hóa các quy định cần lưu ý là địa điểm, thời điểm chuyển rủi ro trong các trường hợp. Bên cạnh đó, trong trường hợp xảy ra tranh chấp, cách giải quyết cũng đã được Luật sư tới từ Chuyên Tư Vấn Luật đề cập trong bài viết. Nếu quý bạn đọc còn thắc mắc về chuyển rủi ro về địa điểm giao hàng xin vui lòng liên hệ với chúng tôi qua HOTLINE 1900.63.63.87 để được luật sư hợp đồng tư vấn cụ thể và hỗ trợ tốt nhất. Xin cảm ơn!

4.5 (10 bình chọn)

Bài viết được Trương Quốc Dũng - Luật sư kiểm duyệt: Trần Tiến Lực
Trương Quốc Dũng - Luật sư kiểm duyệt: Trần Tiến Lực

Tác giả: Chuyên Viên Pháp Lý

Lĩnh vực tư vấn: Hợp Đồng, Xây Dựng, Sở Hữu Trí Tuệ, Doanh Nghiệp

Trình độ đào tạo: Đại Học Luật

Số năm kinh nghiệm thực tế: 3

Tổng số bài viết: 728 bài viết