Luật Hôn Nhân Gia Đình

Ly thân là gì? Hậu quả pháp lý của việc ly thân?

Khi vợ hoặc chồng ngoại tình, một số cặp vợ chồng sẽ lựa chọn ly thân để hạn chế tiếp xúc, sau đó cân nhắc đến việc nộp đơn ly hôn lên tòa án. Khi đó Ly thân là gì, hậu quả pháp lý của việc ly thân là những câu hỏi được độc giả quan tâm khi chuẩn bị thỏa thuận ly thân. Để hiểu rõ vấn đề trên, Luật sư của Chuyên Tư Vấn Luật sẽ gửi đến Quý độc giả bài viết về định nghĩa, hậu quả pháp lý, chế độ tài sản cùng những vấn đề pháp luật liên quan đến việc ly thân.

Ly thânLy thân

Ly thân là gì?

Hiện nay, Pháp luật Việt Nam chưa có quy định về vấn đề ly thân. Tuy nhiên, ly thân được hiểu một cách đơn giản là hai vợ chồng sống chung hoặc sống riêng nhưng không có quan hệ vợ chồng.

Pháp luật không thừa nhận việc vợ chồng ly thân, và trong thời gian ly thân, vẫn được coi là thời kỳ hôn nhân của hai người. Vì vậy, nếu cuộc sống hôn nhân của bạn và chồng bạn không hạnh phúc và bạn không muốn tiếp tục sống cùng chồng, tuy nhiên chưa đến mức phải ly hôn thì bạn và chồng bạn có thể ly thân mà không cần thực hiện bất cứ thủ tục nào.

Nhìn chung, hậu quả pháp lý của việc ly thân về bản chất hoàn toàn khác so với hậu quả pháp lý của ly hôn bởi pháp luật hiện nay không thừa nhận vấn đề ly thân.

Chính vì thế, dù không chung sống với nhau trong khoảng thời gian bao lâu thì xét về mặt pháp luật đó vẫn là quan hệ hôn nhân chính thức được pháp luật thừa nhận. Tuy nhiên, nó có thể được xem xét như là cơ sở cho thấy vợ chồng có những mâu thuẫn kéo dài, không thể hàn gắn, không thể tiếp tục chung sống.

Trong thời gian mà vợ chồng không sống chung với nhau, mọi quyền và nghĩa vụ của các bên liên quan đến các vấn đề tài sản chung, con chung,… vẫn phải tuân theo các quy định của pháp luật về hôn nhân gia đình và các quy định khác có liên quan.

Khi đó mà vợ chồng có nhu cầu chia tài sản chung, giải quyết vấn đề người trực tiếp nuôi con chung hay cấp dưỡng cho con thì sẽ được giải quyết theo thỏa thuận của các bên nhưng phải đảm bảo quyền và lợi ích của phụ nữ và trẻ em. Trường hợp hai vợ chồng không tự thỏa thuận được thì có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết.

Ly thân giống và khác gì so với ly hôn

Giống: Ly thân và ly hôn có nhiều điểm tương đồng, về biểu hiện của việc không còn chung sống với nhau, không có đời sống kinh tế chung, không có đời sống tinh thần chung, con cái cũng chia nhau nuôi…

Khác:

Về mặt thủ tục: Do không được pháp luật thừa nhận cũng như không có quy định một cách cụ thể giống như việc như ly hôn nên thủ tục ly thân sẽ do các bên vợ chồng tự thỏa thuận, sắp xếp mà không phải ra Tòa. Trường hợp vợ chồng có nhu cầu phân chia tài sản chung mà trước đó không thể tự thỏa thuận được thì có thể yêu cầu Tòa án giải quyết theo quy định về chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân.

Về mặt nhân thân: Ly thân không được pháp luật quy định, không được tòa án chấp thuận khi giải quyết đơn ly thân; Ly thân không làm chấm dứt quan hệ vợ chồng về mặt pháp lý giống như trường hợp ly hôn mà chỉ chấm dứt quan hệ sống chung của hai vợ chồng như không sống chung hoặc sống chung nhưng không có đời sống kinh tế và không có đời sống tinh thần chung hoặc không giao tiếp với nhau,…

Như vậy, khi vợ chồng không còn muốn tiếp tục chung sống với nhau thì không cần phải viết đơn xin ly thân cũng như thực hiện thủ tục xin ly thân như khi yêu cầu giải quyết ly hôn và quan hệ hôn nhân giữa họ cũng không chấm dứt như khi giải quyết ly hôn.

Quyền và nghĩa vụ pháp lý của vợ chồng khi ly thân

Các quyền, nghĩa vụ đối với người con

Thiếu đi sự yêu thương, chăm sóc của cha mẹ là một mất mát lớn đối với con cái. Cho nên dù không đạt được mục đích của hôn nhân, song cha, mẹ vẫn phải yêu thương, chăm sóc, và tạo điều kiện cho con phát triển toàn diện theo Điều 69 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 như:

  • Thương yêu con, tôn trọng ý kiến của con; chăm lo việc học tập, giáo dục để con phát triển lành mạnh về thể chất, trí tuệ, đạo đức, trở thành người con hiếu thảo của gia đình, công dân có ích cho xã hội.
  • Trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình.
  • Giám hộ hoặc đại diện theo quy định của Bộ luật dân sự cho con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự.

Bên cạnh đó, cha, mẹ không được phân biệt đối xử với con trên cơ sở giới hoặc theo tình trạng hôn nhân của cha mẹ; không được lạm dụng sức lao động của con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động; không được xúi giục, ép buộc con làm việc trái pháp luật, trái đạo đức xã hội.

Khi vợ chồng ly thân thường xác lập thỏa thuận ly thân. Mặc dù vậy nội dung thỏa thuận không được phân biệt đối xử với con cái. Nếu trong thỏa thuận ly hôn có những điều khoản có nội dung trên thì sẽ bị tuyên vô hiệu theo Điều 123 Bộ luật Dân sự 2015 do vi phạm điều cấm của luật, trái đạo đức xã hội.

Cha, mẹ có nghĩa vụ và quyền ngang nhau, cùng nhau chăm sóc, nuôi dưỡng con chưa thành niên theo khoản 1 Điều 71 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014. Khi ly thân, con sẽ về sống với cha hoặc mẹ. Đồng thời, do sự mâu thuẫn trong thời kỳ hôn nhân, nên cha mẹ thường có những hành vi tiêu cực đối với con cái, trong đó có ngăn cản quyền thăm con của người còn lại.

Đối với trường hợp trên, người nào có hành vi cản trở quyền thăm con của người không trực tiếp nuôi con mà không thuộc vào trường hợp cha mẹ bị hạn chế quyền thăm con theo quyết định của tòa án thì có thể bị xử lý theo thủ tục hành chính.

Cụ thể là phạt tiền theo quy định tại Điều 56 Nghị định 144/2021/NĐ-CP. Theo quy định người có hành vi ngăn cản quyền thăm nom, chăm sóc giữa ông, bà và cháu; giữa cha, mẹ và con sẽ bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng.

Xem thêm: Bị ngăn cản quyền thăm con nên làm gì.

Về thu nhập của vợ hoặc chồng

Bởi bản chất của ly thân là chưa chấm dứt quan hệ hôn nhân. Cho nên thu nhập từ tiền công, tiền lương của vợ hoặc chồng đều được coi là tài sản chung theo quy định tại Khoản 1 Điều 33 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014. Cho nên theo quy định tại Điều 37 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014, vợ chồng có quyền sử dụng thu nhập của cả hai để phục vụ cho nhu cầu thiết yếu của gia đình, sinh hoạt của con và các nghĩa vụ tài chính khác của vợ, chồng.

Ngăn cản quyền thăm conNgăn cản quyền thăm con

Trình tự, thủ tục ly hôn theo quy định của pháp luật

Nếu sau quá trình ly thân, cuộc sống hôn nhân của vợ chồng bạn rơi vào tình trạng trầm trọng, đời sống hôn nhân không thể kéo dài, mục đích hôn nhân không đạt được thì bạn và chồng bạn có thể tiến hành thủ tục ly hôn.

Thẩm quyền giải quyết đơn ly hôn theo quy định của pháp luật

Căn cứ vào Khoản 1 Điều 28 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015, ly hôn được xác định là tranh chấp về hôn nhân và gia đình, thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án.

Theo Điều 35 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015 quy định về thẩm quyền của Tòa án Nhân dân cấp huyện có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những tranh chấp về hôn nhân và gia đình quy định tại Điều 28 của Bộ luật này.

Theo Điểm c Khoản 1 Điều 37 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015 thì những tranh chấp, yêu cầu quy định về hôn nhân gia đình quy định theo Khoản 1, 2 Điều 35 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015 mà có đương sự hoặc tài sản ở nước ngoài hoặc cần phải ủy thác tư pháp cho cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài, cho Tòa án, cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài thì thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án Nhân dân cấp tỉnh, trừ trường hợp thuộc thẩm quyền của Tòa án Nhân dân cấp huyện nơi cư trú của công dân Việt Nam (Khoản 4 Điều 35 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015).

Đồng thời, Điều 39 Bộ luật này cũng quy định về thẩm quyền của Tòa án theo lãnh thổ:

Tòa án nơi bị đơn cư trú, làm việc, nếu bị đơn là cá nhân hoặc nơi bị đơn có trụ sở, nếu bị đơn là cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động quy định tại các Điều 26, 28, 30 và 32 của Bộ luật này.

Các đương sự có quyền tự thỏa thuận với nhau bằng văn bản yêu cầu Tòa án nơi cư trú, làm việc của nguyên đơn, nếu nguyên đơn là cá nhân hoặc nơi có trụ sở của nguyên đơn, nếu nguyên đơn là cơ quan, tổ chức giải quyết những tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động quy định tại các Điều 26, 28, 30 và 32 của Bộ luật này.

Từ những căn cứ trên, thẩm quyền giải quyết ly hôn khi vợ hoặc chồng không chịu ký vào đơn có thể là Tòa án Nhân dân cấp huyện nơi bị đơn cư trú trừ hoặc Tòa án Nhân dân cấp tỉnh khi có yếu tố nước ngoài, trừ trường hợp hai vợ chồng có thỏa thuận khác.

Về hồ sơ

Hồ sơ khởi kiện ly hôn bao gồm:

Đơn khởi kiện: Nội dung của đơn khởi kiện phải được đảm bảo nội dung theo Khoản 4 Điều 189 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015. Mẫu đơn khởi kiện theo mẫu số 23 – DS ban hành kèm theo Nghị quyết 01/2017/NQ – HĐTP do Hội đồng Thẩm phán Tòa án Nhân dân tối cao ban hành ngày 13/01/2017.

>>>Xem thêm: Mẫu đơn khởi kiện

Tài liệu chứng cứ kèm theo đơn khởi kiện:

  • Bản kê khai về tài sản đang tranh chấp về yêu cầu giải quyết (Tài sản chung hoặc tài sản riêng) đã được công chứng hợp lệ;
  • Giấy chứng nhận kết hôn (có thể xin trích lục đăng ký kết hôn bản sao tại Ủy ban Nhân dân cấp xã nơi bạn đăng ký kết hôn trong trường hợp bạn không có đăng ký kết hôn bản chính);
  • CMND/CCCD của 2 vợ chồng bản sao chứng thực;
  • Sổ hộ khẩu gia đình phô tô chứng thực;
  • Giấy khai sinh của các con phô tô chứng thực hoặc bản trích lục khai sinh (nếu có con chung);
  • Các giấy tờ khác về tài sản và quyền tài sản.

Cơ sở pháp lý: Khoản 4, 5 Điều 189 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015.

Trình tự, thủ tục ly hôn

Bước 1: Người khởi kiện chuẩn bị hồ sơ khởi kiện, nộp hồ sơ đến Tòa án Nhân dân cấp huyện để yêu cầu giải quyết tranh chấp tài sản sau ly hôn. Tuy nhiên cần lưu ý:

  • Nếu tranh chấp có yếu tố nước ngoài thì nguyên đơn nộp hồ sơ đến Tòa án Nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền giải quyết.

Bước 2: Người khởi kiện nộp tiền tạm ứng án phí theo quy định

Bước 3: Người khởi kiện nộp biên lai tiền tạm ứng án phí, từ đó nếu có đủ cơ sở Tòa án ra thông báo thụ lý và tiến hành thủ tục giải quyết theo yêu cầu khởi kiện.

Cơ sở pháp lý: khoản 1 Điều 35, Điều 37, điểm c khoản 1 Điều 39, Điều 146, 191, 195, 469, 470 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015, Điều 127 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014.

Luật sư tư vấn ly hôn

  • Luật sư tư vấn quy định pháp luật về phân chia tài sản, quyền nuôi con sau ly hôn.
  • Tư thủ tục ly hôn, giải quyết tranh chấp phân chia tài sản theo quy định pháp luật.
  • Tư vấn ly hôn có yếu tố nước ngoài, ly hôn với người nước ngoài.
  • Tư vấn về nguyên tắc phân chia tài sản khi ly hôn đặc biệt là đất đai.
  • Đại diện theo yêu cầu của khách hàng tham gia các giai đoạn tố tụng của vụ án ly hôn.

Luật sư tư vấnLuật sư tư vấn

Trên đây là nội dung tư vấn của Chuyên Tư Vấn Luật thông tin đến quý bạn đọc về Ly thân là gì? Hậu quả pháp lý của việc ly thân cùng với đó là các vấn đề pháp lý liên quan. Nếu trong quá trình tìm hiểu quý bạn đọc có vấn đề còn thắc mắc hoặc có nhu cầu khởi kiện tranh chấp về ly hôn có thể liên hệ dịch vụ Luật sư Hôn nhân gia đình qua số hotline 1900.63.63.87 để nhận tư vấn kịp thời, chi tiết hơn. Xin cảm ơn!

4.9 (13 bình chọn)

Bài viết được Nguyễn Văn Đệ - Luật sư kiểm duyệt: Nguyễn Trần Phương
Nguyễn Văn Đệ - Luật sư kiểm duyệt: Nguyễn Trần Phương

Tác giả: Chuyên Viên Pháp Lý

Lĩnh vực tư vấn: Lao Động, Hôn Nhân Gia Đình, Dân Sự, Thừa Kế

Trình độ đào tạo: Đại Học Luật

Số năm kinh nghiệm thực tế: 3

Tổng số bài viết: 755 bài viết