Luật Hành Chính

Quy định về thay đổi, bổ sung, rút kháng cáo trong vụ án hành chính

Quy định về thay đổi, bổ sung, rút kháng cáo trong vụ án hành chính là một nội dung quan trọng được pháp luật quy định trong Luật Tố tụng Hành chính. Các quy định giúp người kháng cáo có thể đảm bảo được quyền lợi của mình trong quá trình giải quyết vụ án hành chính. Dưới đây, Chuyên Tư Vấn Luật sẽ cung cấp cho quý độc giả các thông tin pháp lý liên quan đến các quy định về thay đổi, bổ sung, rút kháng cáo trong vụ án hành chính.

Các quy định về thay đổi, bổ sung, rút kháng cáoCác quy định về thay đổi, bổ sung, rút kháng cáo

Quy định của Luật Tố tụng Hành chính về quyền thay đổi, bổ sung, rút kháng cáo

Chủ thể thực hiện

Dựa vào các quy định tại Khoản 1, Khoản 2, Khoản 3 Điều 218 Luật Tố tụng Hành chính 2015 quy định:

  • Trường hợp chưa hết thời hạn kháng cáo theo quy định tại Điều 206 của Luật này thì người đã kháng cáo có quyền thay đổi, bổ sung kháng cáo mà không bị giới hạn bởi phạm vi kháng cáo ban đầu.
  • Trước khi bắt đầu phiên tòa hoặc tại phiên tòa phúc thẩm, người kháng cáo có quyền thay đổi, bổ sung kháng cáo, Viện kiểm sát ra quyết định kháng nghị có quyền thay đổi, bổ sung kháng nghị, nhưng không được vượt quá phạm vi kháng cáo, kháng nghị ban đầu, nếu thời hạn kháng cáo, kháng nghị đã hết.
  • Trước khi bắt đầu phiên tòa hoặc tại phiên tòa phúc thẩm, người kháng cáo có quyền rút kháng cáo, Viện kiểm sát ra quyết định kháng nghị hoặc Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp có quyền rút kháng nghị.

Tòa án cấp phúc thẩm đình chỉ xét xử phúc thẩm đối với phần của vụ án mà người kháng cáo đã rút kháng cáo hoặc Viện kiểm sát đã rút kháng nghị.

Việc đình chỉ xét xử phúc thẩm trước khi mở phiên tòa do Thẩm phán Chủ tọa phiên tòa quyết định, tại phiên tòa do Hội đồng xét xử quyết định.

Từ các quy định trên, có thể dễ dàng nhận thấy chủ thể thực hiện quyền thay đổi, bổ sung, rút kháng cáo là người đã kháng cáo.

Trong đó người đã kháng cáo có thể là:

  • Đương sự trong vụ án hành chính (người khởi kiện, người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan);
  • Người đại diện hợp pháp của các đương sự (người đại diện theo pháp luật, đại diện theo ủy quyền).

Thời điểm thực hiện

Các quy định tại Khoản 1, Khoản 2, Khoản 3 Điều 218 Luật Tố tụng Hành chính 2015 cũng quy định về thời điểm các chủ thể kháng cáo có thể thực hiện quyền thay đổi, bổ sung, rút kháng cáo của mình như sau:

Đối với quyền thay đổi, bổ sung kháng cáo:

  • Trường hợp thứ nhất, chưa hết thời hạn kháng cáo theo quy định tại Điều 206 Luật Tố tụng Hành chính 2015, người đã kháng cáo có quyền thay đổi, bổ sung kháng cáo mà không bị giới hạn bởi phạm vi kháng cáo ban đầu. (Theo Điều 206 Luật Tố tụng Hành chính 2015, quy định thời hạn kháng cáo một cách chung nhất đối với bản án sơ thẩm là 15 ngày kể từ ngày tuyên án, đối với quyết định sơ thẩm là 7 ngày kể từ ngày nhận được quyết định đó. Khi còn thời hạn kháng cáo, việc thay đổi, bổ sung kháng cáo cần phải được ghi nhận, tôn trọng và bảo đảm.)
  • Trường hợp thứ hai, trước khi bắt đầu phiên tòa hoặc tại phiên tòa phúc thẩm, người kháng cáo có quyền thay đổi, bổ sung kháng cáo nhưng không được vượt quá phạm vi kháng cáo ban đầu nếu thời hạn kháng cáo đã hết.

Như vậy, thời điểm có thể thực hiện quyền thay đổi, bổ sung kháng cáo có thể được thực hiện ở 03 thời điểm:

  • Khi chưa hết thời hạn kháng cáo;
  • Trước khi bắt đầu phiên tòa phúc thẩm;
  • Tại phiên tòa phúc thẩm.

Đối với quyền rút kháng cáo:

Trước khi bắt đầu phiên tòa hoặc tại phiên tòa phúc thẩm, người kháng cáo có quyền rút kháng cáo, Viện kiểm sát ra quyết định kháng nghị hoặc Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp có quyền rút kháng nghị.

Tòa án cấp phúc thẩm đình chỉ xét xử phúc thẩm đối với phần của vụ án mà người kháng cáo đã rút kháng cáo hoặc Viện kiểm sát đã rút kháng nghị.

Việc đình chỉ xét xử phúc thẩm trước khi mở phiên tòa do Thẩm phán Chủ tọa phiên tòa quyết định, tại phiên tòa do Hội đồng xét xử quyết định.

Suy ra, thời điểm rút kháng cáo chỉ được thực hiện ở 02 thời điểm:

  • Trước khi bắt đầu phiên tòa phúc thẩm;
  • Tại phiên tòa phúc thẩm.

Việc có sự quy định về thời điểm khác nhau xuất phát từ việc tính chất và hậu quả của việc thay đổi, bổ sung kháng cáo với rút kháng cáo là khác nhau.

Thủ tục thực hiện

Căn cứ Khoản 4 Điều 218 Luật Tố tụng Hành chính 2015, việc thay đổi, bổ sung, rút kháng cáo phải được thực hiện theo trình tự, thủ tục nhất định.

  • Thời điểm trước khi mở phiên toà phúc thẩm, việc thay đổi, bổ sung, rút kháng cáo phải được lập thành văn bản và phải được gửi cho toà án cấp phúc thẩm.
  • Toà án cấp phúc thẩm phải thông báo cho các đương sự về việc thay đổi, bổ sung kháng cáo, thông báo cho viện kiểm sát cùng cấp biết về việc thay đổi, bổ sung kháng cáo của đương sự.
  • Tại phiên toà, việc thay đổi, bổ sung kháng cáo phải được ghi vào biên bản phiên tòa.

Mục đích của quy định trên là nhằm bảo đảm cho các đương sự trong vụ án, viện kiểm sát cùng cấp nắm bắt được thông tin về các nội dung kháng cáo có bổ sung, thay đổi để họ có sự chủ động, chuẩn bị kỹ lưỡng các tài liệu, chứng cứ, lập luận, lí lẽ khi tham gia tranh tụng tại phiên toà, nâng cao chất lượng của xét xử.

Thu tuc thuc hien thay doi bo sung rut khang caoThủ tục thực hiện thay đổi, bổ sung, rút kháng cáo

Hệ quả của việc thay đổi, bổ sung, rút kháng cáo trong vụ án hành chính

Hệ quả của việc rút kháng cáo

Việc rút kháng cáo được chia thành 02 loại:

  • Rút một phần kháng cáo (Quy định và diễn giải tại các Khoản 3 Điều 218 và Khoản 3 Điều 229 Luật Tố tụng Hành chính 2015.)
  • Rút toàn bộ kháng cáo. (Diễn giải và thuộc phạm vi điều chỉnh tại Điểm c Khoản 1 và Khoản 2 Điều 229 Luật Tố tụng Hành chính 2015.)

Đối với mỗi hành vi rút kháng cáo khác nhau sẽ có những hệ quả khác nhau được quy định cụ thể như sau:

  • Trường hợp người kháng cáo rút một phần kháng cáo: Đối với các nội dung kháng cáo được rút thì sẽ bị đình chỉ giải quyết. Đối với các nội dung kháng cáo không rút thì sẽ vẫn được xem xét giải quyết.
  • Trường hợp người kháng cáo rút toàn bộ kháng cáo: Trong trường hợp này, toà án sẽ đình chỉ xét xử toàn bộ các kháng cáo đã rút theo ý chí định đoạt của người kháng cáo.

Lưu ý: Nếu vụ án vừa có các kháng cáo, vừa có sự kháng nghị của Viện kiểm sát mà người kháng cáo rút toàn bộ kháng cáo thì tòa án chỉ đình chỉ xét xử phúc thẩm phần kháng cáo bị rút trong bản án phúc thẩm mà không ra quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm toàn bộ vụ án. Bởi vì lúc này toà án vẫn phải tiếp tục giải quyết các kháng cáo khác và cả kháng nghị của viện kiểm sát.

>>> Đọc thêm: Thủ tục giải quyết kháng cáo quá hạn trong vụ án hành chính

Hệ quả của việc thay đổi, bổ sung kháng cáo

Theo quy định tại Điều 218 Luật tố tụng hành chính thì việc thay đổi, bổ sung kháng cáo có các hệ quả sau:

  • Trường hợp chưa hết thời hạn kháng cáo thì người đã kháng cáo có quyền thay đổi, bổ sung kháng cáo mà không bị giới hạn bởi phạm vi kháng cáo ban đầu.
  • Trước khi bắt đầu phiên tòa hoặc tại phiên tòa phúc thẩm, người kháng cáo có quyền thay đổi, bổ sung kháng cáo nhưng không được vượt quá phạm vi kháng cáo. Trong trường hợp vượt quá phạm vi kháng cáo ban đầu hoặc vượt quá yêu cầu khởi kiện thì việc sửa đổi, bổ sung yêu cầu kháng cáo sẽ không có hiệu lực và Hội đồng xét xử sẽ căn cứ vào nội dung kháng cáo ban đầu để làm cơ sở giải quyết.

Thay đổi, bổ sung, rút kháng cáo trong Tố tụng hành chínhThay đổi, bổ sung, rút kháng cáo trong Tố tụng hành chính

Tư vấn về pháp lý của việc thay đổi, bổ sung, rút kháng cáo

Dịch vụ Luật sư tư vấn hành chính của Chuyên Tư Vấn Luật cung cấp các dịch vụ tư vấn về thay đổi, bổ sung, rút kháng cáo nói riêng và lĩnh vực hành chính nói chung về các vấn đề như sau:

  • Tư vấn các nội dung pháp lý liên quan đến việc thay đổi, bổ sung, rút kháng cáo;
  • Tư vấn, giúp khách hàng hiểu rõ hơn lợi ích, hệ quả của việc thay đổi, bổ sung, rút kháng cáo;
  • Hỗ trợ khách hàng trong việc thay đổi, bổ sung nội dung kháng cáo;
  • Tư vấn căn cứ pháp lý để thực hiện các quyền và nghĩa vụ của khách hàng;
  • Đại diện khách hàng thực hiện các công việc thay đổi, bổ sung, rút kháng cáo trong quá trình tham gia tố tụng;
  • Nghiên cứu hồ sơ vụ việc, đối chiếu và đưa ra phương án giải quyết tốt nhất.

Việc thay đổi, bổ sung, rút kháng cáo là một nội dung được quy định khá phức tạp trong luật. Việc có một luật sư giỏi hỗ trợ trong quá trình thay đổi, bổ sung, rút kháng cáo là một lợi thế rất lớn của chủ thể tham gia.

>>> Đọc thêm: Thủ tục nhờ Luật sư hỗ trợ trong việc thi hành bản án hành chính

Với việc các vụ án hành chính ngày xảy ra càng nhiều, việc nắm rõ các quy định về việc thay đổi, bổ sung, rút kháng cáo trong vụ án hành chính sẽ giúp cho bản thân phần nào cảm thấy yên tâm nếu chẳng may chính mình bị vướng vào những vụ án đó. Chuyên Tư Vấn Luật đã cung cấp cho quý bạn đọc các nội dung liên quan trên. Nếu có bất kỳ thắc mắc hay nhu cầu sử dụng Dịch vụ Luật sư của chúng tôi, vui lòng liên hệ hotline 1900.63.63.87 để được hỗ trợ một cách tốt nhất.

4.6 (11 bình chọn)

Bài viết được Tham vấn bởi Luật sư: Võ Tấn Lộc - Tác giả: Vũ Thị Hải Yến
Tham vấn bởi Luật sư: Võ Tấn Lộc - Tác giả: Vũ Thị Hải Yến

Tác giả: Chuyên Viên Pháp Lý - Vũ Thị Hải Yến

Lĩnh vực tư vấn: hành chính, dân sự, đất đai, di chúc, thừa kế.

Trình độ đào tạo: Trường Đại học Luật

Số năm kinh nghiệm thực tế: 2 năm

Tổng số bài viết: 900 bài viết