Luật Doanh Nghiệp

Các nguyên tắc giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài thương mại

Nguyên tắc giải quyết tranh chấp bằng trng tài được quy định nhằm đảm bảo việc giải quyết tranh chấp được tiến hành theo quy trình và đảm bảo đúng quyền lợi hợp pháp của các bên. Mỗi nguyên tắc đều mang một ý nghĩa nhất định và có ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả giải quyết tranh chấp. Bài viết này sẽ cung cấp cho bạn đọc nội dung về nguyên tắc, thẩm quyền và thủ tục giải quyết tranh chấp bằng trọng tài.

Nguyên tắc giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài
Các nguyên tắc giải quyết tranh chấp bằng trọng tài

Thẩm quyền giải quyết các tranh chấp bằng trọng tài

Các tranh chấp thuộc thẩm quyền giải quyết của Trọng tài được quy định tại Điều 2 Luật Trọng tài thương mại 2010 bao gồm:

  • Tranh chấp giữa các bên phát sinh từ hoạt động thương mại;
  • Tranh chấp phát sinh giữa các bên trong đó ít nhất một bên có hoạt động thương mại;

  • Tranh chấp khác giữa các bên mà pháp luật quy định được giải quyết bằng Trọng tài.

Theo đó, chỉ có các tranh chấp trên mới có thể được giải quyết bằng tố tụng trọng tài.

Những nguyên tắc giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài

Tôn trọng thỏa thuận các bên

Căn cứ quy định tại khoản 1 Điều 4 Luật Trọng tài thương mại 2010 thì trọng tài viên phải tôn trọng thỏa thuận của các bên nếu thỏa thuận đó không vi phạm điều cấm và trái đạo đức xã hội. 

Một trong những ưu điểm của việc giải quyết tranh chấp theo thủ tục trọng tài là các bên có tranh chấp được đảm bảo tối đa quyền tự do định đoạt trên nhiều phương diện trong quá trình giải quyết. Các bên tranh chấp có quyền thỏa thuận với nhau về nhiều vấn đề liên quan đến thủ tục giải quyết mà trọng tài viên phải tôn trọng.

Theo quy định tại Điều 68 Luật trọng tài thương mại 2010, việc trọng tài tiến hành thủ tục tố tụng trọng tài không phù hợp với thỏa thuận của các bên có thể dẫn đến hậu quả phán quyết trọng tài bị tòa án hủy phán quyết trọng tài theo yêu cầu hủy của một bên. Tuy nhiên, trọng tài sẽ không chịu sự ràng buộc bởi thỏa thuận của các bên trong trường hợp thỏa thuận đó vi phạm điều cấm của pháp luật hoặc trái đạo đức xã hội.

Quy định này thể hiện nguyên tắc tôn trọng thỏa thuận của các bên tranh chấp, là nguyên tắc chi phối hành vi tố tụng của trọng tài trong toàn bộ quá trình tố tụng trọng tài:

  1. Thứ nhất, trọng tài chỉ được giải quyết tranh chấp trong phạm vi thỏa thuận trọng tài và yêu cầu của các bên không vượt quá phạm vi thỏa thuận trọng tài đó.
  2. Thứ hai, các bên có quyền tự thương lượng giải quyết tranh chấp. Trong trường hợp các bên thương lượng được với nhau và yêu cầu Trọng tài đình chỉ việc giải quyết tranh chấp thì Trọng tài phải ra quyết định đình chỉ giải quyết tranh chấp.
  3. Thứ ba, hội đồng trọng tài có nghĩa vụ tiến hành hòa giải để các bên thỏa thuận với nhau về việc giải quyết tranh chấp theo yêu cầu của các bên. Theo quy định tại Điều 58 Luật trọng tài thương mại 2010, khi các bên thỏa thuận được với nhau thì Hội đồng trọng tài phải ra quyết định công nhận hòa giải thành.
  4. Thứ tư, trọng tài phải tôn trọng thỏa thuận của các bên về địa điểm giải quyết tranh chấp, địa điểm giải quyết tranh chấp, địa điểm tiến hành phiên họp và thời hạn tố tụng, trừ trường hợp quy tắc tố tụng của Trung tâm Trọng tài quy định khác.
tôn trọng thỏa thuận của các bên khi không vi phạm điều cấm
Tôn trọng thoả thuận của các bên khi không vi phạm điều cấm

>>Xem thêm: Chọn trọng tài thương mại hay tòa án làm cơ quan tài phán khi doanh nghiệp có tranh chấp?

Độc lập, khách quan, vô tư và tuân theo quy định của pháp luật

Căn cứ quy định tại khoản 2 Điều 4 Luật Trọng tài thương mại 2010 quy định trọng tài viên phải độc lập, khách quan, vô tư và tuân theo quy định của pháp luật.

Nguyên tắc này xuất phát từ chức năng của Trọng tài là cơ quan giải quyết tranh chấp với phán quyết có giá trị như bản án và trong chừng mực đó phải đáp ứng các yêu cầu về tư cách. Mặt khác nguyên tắc này cũng đảm bảo các trọng tài viên tuân thủ được quy tắc đạo đức nghề nghiệp của mình.

Nguyên tắc này còn đòi hỏi bản thân Trọng tài viên phải từ chối tranh chấp trong trường hợp mình là người thân thích hoặc là người đại diện của một bên có lợi ích liên quan trong vụ tranh chấp hoặc đã là hòa giải viên, người đại diện, luật sư của bất cứ bên nào trước khi đưa vụ tranh chấp đó ra giải quyết tại Trọng tài, việc không thực hiện nghĩa vụ từ chối giải quyết tranh chấp trong các trường hợp nêu trên có thể dẫn đến hậu quả phán quyết trọng tài bị Tòa án hủy theo yêu cầu của một bên do thành phần của Hội đồng trọng tài trái với quy định của Luật này, trừ trường hợp được các bên chấp thuận bằng văn bản.

Việc Trọng tài viên không đáp ứng các điều kiện hoặc không tuân thủ các nghĩa vụ theo nguyên tắc này cũng còn là căn cứ để một bên yêu cầu thay đổi Trọng tài viên đó.

Bình đẳng về quyền và nghĩa vụ

Căn cứ quy định tại khoản 3 Điều 4 Luật Trọng tài thương mại 2010 thì các bên tranh chấp đều bình đẳng về quyền và nghĩa vụ. Hội đồng trọng tài có trách nhiệm tạo điều kiện để họ thực hiện các quyền và nghĩa vụ của mình.

Hội đồng trọng tài có trách nhiệm tạo điều kiện để họ thực hiện các quyền và nghĩa vụ của mình. Theo quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều 68 Luật trọng tài thương mại 2010, việc trọng tài không tạo điều kiện hoặc thậm chí không để các bên thực hiện quyền được trình bày trước Trọng tài có thể dẫn đến hậu quả phán quyết trọng tài không phù hợp với quy định của Luật trọng tài thương mại 2010.

Tiến hành không công khai

Khoản 4 Điều 4 Luật Trọng tài thương mại 2010 thì việc giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài được tiến hành không công khai, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác. 

Nguyên tắc này đáp ứng yêu cầu giữ bí mật các thông tin được coi là nhạy cảm của thương nhân xuất phát từ đặc thù của hoạt động thương mại. Việc giải quyết tranh chấp không công khai có thể giúp giảm thiểu khả năng bí mật kinh doanh bị tiết lộ ra ngoài khi thực hiện các quyền và nghĩa vụ tố tụng. Mặt khác việc xét xử không công khai cũng có thể giảm thiểu các tác động bất lợi phát sinh từ việc tranh chấp đến uy tín của thương nhân. Đây là yếu tố mà trong thực tiễn thường được các bên cân nhắc khi thỏa thuận giải quyết tranh chấp bằng trọng tài.

Nguyên tắc giải quyết tranh chấp không công khai không chỉ đòi hỏi phiên họp giải quyết tranh chấp được tiến hành không công khai và Hội đồng trọng tài chỉ được cho phép người khác tham dự phiên họp trong trường hợp được sự đồng ý của các bên mà còn đòi hỏi Trọng tài viên phải giữ bí mật nội dung vụ tranh chấp mà mình giải quyết, trừ trường hợp phải cung cấp thông tin cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.

giải quyết tranh chấp bằng trọng tài công khai minh bạch
Giải quyết tranh chấp không công khai

Phán quyết trọng tài là chung thẩm

Khoản 5 Điều 4 Luật Trọng tài thương mại 2010 quy định phán quyết trọng tài là chung thẩm.

Điều đó có nghĩa là phán quyết trọng tài không thể bị kháng cáo để xét xử lại bởi bất kỳ một Trọng tài hay Tòa án nào khác. Quy định này không chỉ bao hàm “ phán quyết trọng tài là quyết định của Hội đồng trọng tài giải quyết toàn bộ nội dung vụ tranh chấp và chấm dứt tố tụng trọng tài ” mà còn cả quyết định của Hội đồng trọng tài về việc công nhận sự thỏa thuận của các bên trong quá trình tiến hành tố tụng trọng tài.

Phán quyết trọng tài là chung thẩm, không được xét xử lại, bởi vậy các bên tranh chấp chỉ có thể loại bỏ phán quyết trọng tài trong một số ít trường hợp bằng cách yêu cầu hủy phán quyết trọng tài. Tính chất chung thẩm của phán quyết trọng tài là nguyên tắc luật định, nên các bên tranh chấp không cần thỏa thuận điều đó.

Thủ tục tố tụng trọng tài thương mại

  • Bước 1: Xác định còn thời hiệu khởi kiện

Thời hiệu khởi kiện là 02 năm, từ thời điểm quyền lợi hợp pháp bị xâm phạm, ngoại trừ trường hợp luật chuyên ngành quy định khác.

  • Bước 2: Nguyên đơn nộp đơn khởi kiện, Trung tâm Trọng tài xem xét thẩm quyền, thụ lý đơn khởi kiện và gửi thông báo, đơn kiện, tài liệu liên quan cho bị đơn.
  • Bước 3: Bị đơn nộp cho Trung tâm Trọng tài Bản tự bảo vệ và đơn kiện lại (nếu có).
  • Bước 4: Thành lập Hội đồng trọng tài
  • Bước 5: Hội đồng trọng tài tiến hành nghiên cứu hồ sơ, xác minh sự việc, thu thập chứng cứ và các công việc khác theo thẩm quyền.
  • Bước 6: Tiến hành hòa giải

Hội đồng Trọng tài triệu tập các bên đến phiên họp giải quyết tranh chấp và tiến hành hòa giải theo yêu cầu. Nếu hòa giải thành lập biên bản và ra quyết định công nhận hòa giải thành.

  • Bước 7: Công bố Phán quyết Trọng tài.

Trường hợp không hòa giải hoặc không hòa giải thành, Hội đồng trọng tài ra Phán quyết trọng tài và gửi đến Trung tâm ngay sau ngày lập. Trung tâm gửi Phán quyết trọng tài đến các bên.

Cơ sở pháp lý: Điều 30, Điều 32, Điều 33, Điều 35, Điều 36, Điều 40, Điều 45, Điều 46, Điều 47, Điều 55, Điều 58, Điều 61 Luật Trọng tài thương mại 2010.

>> Xem thêm: Giải quyết tranh chấp bằng trọng tài thương mại

Luật sư hướng dẫn giải quyết tranh chấp bằng trọng tài

  • Luật sư đại diện theo ủy quyền trong các vụ tranh chấp tại Trọng tài theo phạm vi nội dung văn bản ủy quyền;
  • Luật sư đại diện theo ủy quyền giải quyết tranh chấp thương lượng, hòa giải và đàm phán Trọng tài ;
  • Luật sư đại diện theo ủy quyền có thẩm quyền từ giai đoạn hòa giải đàm phán, tham gia xét xử;
  • Hướng dẫn soạn thảo phương án bản bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp;
  • Tham gia phiên họp giải quyết tranh chấp.
  • Trình bày yêu cầu, đưa ra tài liệu, chứng cứ làm cơ sở pháp lý cho việc yêu cầu.
  • Tiến hành tranh luận tại phiên họp để làm sáng tỏ sự thật khách quan của vụ tranh chấp, đưa ra quan điểm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp;
  • Yêu cầu, soạn đơn huỷ phán quyết trọng tài;
  • Đăng ký phán quyết trọng tài vụ việc;
  • Yêu cầu thi hành phán quyết trọng tài.

Khi giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài thì việc xác định nguyên tắc tố tụng sẽ giúp các bên biết được các quyền và nghĩa vụ các bên, xem xét quá trình giải quyết tranh chấp được chính xác và đúng quy định. Trọng tài viên và Hội đồng trọng tài phải thực hiện đúng các nguyên tắc này khi giải quyết tranh chấp. Nếu cần tư vấn hãy liên hệ luật sư doanh nghiệp qua hotline 1900.63.63.87 để được tư vấn chi tiết. 

4.9 (11 bình chọn)

Bài viết được Trương Quốc Dũng - Luật sư kiểm duyệt: Trần Tiến Lực
Trương Quốc Dũng - Luật sư kiểm duyệt: Trần Tiến Lực

Tác giả: Chuyên Viên Pháp Lý

Lĩnh vực tư vấn: Hợp Đồng, Xây Dựng, Sở Hữu Trí Tuệ, Doanh Nghiệp

Trình độ đào tạo: Đại Học Luật

Số năm kinh nghiệm thực tế: 3

Tổng số bài viết: 792 bài viết

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *