Luật Đất Đai

Thủ tục trích lục giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và nhà ở?

Thủ tục trích lục giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và nhà ở là thủ tục yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp bản sao từ giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ban đầu. Bản sao được cấp từ sổ gốc giá trị sử dụng thay cho bản chính trong các giao dịch, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. Thông qua bài viết dưới đây, Chuyên tư vấn luật  sẽ làm rõ vấn đề về việc ai có quyền trích lục giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và xin trích lục ở cơ quan có thẩm quyền nào.

Thủ tục trích lục giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và nhà ởThủ tục trích lục giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và nhà ở

Người có quyền thực hiện thủ tục trích lục thông tin giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và nhà ở

Căn cứ theo Điều 16 Nghị định 23/2015/NĐ-CP quy định về các cá nhân, tổ chức có quyền yêu cầu cấp bản sao từ sổ gốc bao gồm:

  • Cá nhân, tổ chức được cấp bản chính.
  • Người đại diện theo pháp luật, người đại diện theo ủy quyền của cá nhân, tổ chức được cấp bản chính.
  • Cha, mẹ, con; vợ, chồng; anh, chị, em ruột; người thừa kế khác của người được cấp bản chính trong trường hợp người đó đã chết.

Và theo quy định tại Điều 13 Thông tư 34/2014/TT-BTNMT do Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành ngày 30 tháng 6 năm 2014 thì những trường hợp không cung cấp dữ liệu bao gồm:

  • Văn bản, phiếu yêu cầu cung cấp dữ liệu mà nội dung không rõ ràng, cụ thể; yêu cầu cung cấp dữ liệu thuộc phạm vi bí mật nhà nước không đúng quy định.
  • Văn bản yêu cầu không có chữ ký của người có thẩm quyền và đóng dấu xác nhận đối với tổ chức; phiếu yêu cầu không có chữ ký, tên và địa chỉ cụ thể của cá nhân yêu cầu cung cấp dữ liệu.
  • Mục đích sử dụng dữ liệu không phù hợp theo quy định của pháp luật.
  • Không thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định.

Việc xin trích lục thông tin giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và nhà ở về bản chất là yêu cầu cơ quan có thẩm quyền cấp bản sao từ sổ gốc. Tuy nhiên, dữ liệu từ giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thuộc hệ thống thông tin đất đai nên cũng phải tuân thủ theo Luật Đất đai và các văn bản pháp luật liên quan. Vì vậy, các cá nhân, tổ chức được quy định tại Điều 16 Nghị định 23/2015/NĐ-CP và không thuộc các trường hợp đề cập tại Điều 13 Thông tư 34/2014/TT-BTNMT của Bộ Tài nguyên và Môi trường thì có quyền thực hiện thủ tục trích lục thông tin giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và nhà ở.

Trích lục thông tin về quyền sử dụng đất và nhà ở tại cơ quan thẩm quyền nào?

Cơ quan cung cấp dữ liệu đất đai quy định tại Điều 15 Thông tư 34/2014/TT-BTNMT do Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành ngày 30 tháng 6 năm 2014 bao gồm:

  • Cơ quan cung cấp dữ liệu đất đai ở Trung ương là Trung tâm Dữ liệu và Thông tin đất đai thuộc Tổng cục Quản lý đất đai, Bộ Tài nguyên và Môi trường.
  • Cơ quan cung cấp dữ liệu đất đai ở địa phương là Văn phòng đăng ký đất đai.
  • Đối với địa phương chưa xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai, Văn phòng đăng ký đất đai, Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm cung cấp dữ liệu đất đai từ hồ sơ địa chính theo phân cấp quản lý hồ sơ địa chính.

Như vậy, người dân có quyền yêu cầu Văn phòng đăng ký đất đai, Ủy ban nhân dân cấp xã, đối với địa phương chưa xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai, thực hiện trích lục thông tin về quyền sử dụng đất và nhà ở.

Thủ tục trích lục dữ liệu đất đai

Thành phần hồ sơ

Theo quy định tại khoản 1 Điều 17 Nghị định 23/2015/NĐ-CP, người yêu cầu cấp bản sao từ sổ gốc, trong trường hợp này là trích lục giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và nhà ở, phải:

  • Xuất trình bản chính hoặc bản sao có chứng thực Giấy chứng minh nhân dân hoặc Hộ chiếu còn giá trị sử dụng để người tiếp nhận hồ sơ kiểm tra.
  • Xuất trình giấy tờ chứng minh quan hệ với người được cấp bản chính trong trường hợp người yêu cầu cấp bản sao từ sổ gốc là các cá nhân, tổ chức theo quy định tại Khoản 2 và Khoản 3 Điều 16 của Nghị định này.

Bên cạnh đó, theo quy định tại khoản 1 Điều 11 Thông tư 34/2014/TT-BTNMT do Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành ngày 30 tháng 6 năm 2014, tổ chức, cá nhân có nhu cầu khai thác dữ liệu đất đai nộp phiếu yêu cầu hoặc gửi văn bản yêu cầu cho các cơ quan cung cấp dữ liệu đất đai theo Mẫu số 01/PYC được ban hành kèm theo Thông tư này.

Như vậy, trong hồ sơ xin trích lục dữ liệu đất đai, cụ thể là trích lục giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và nhà ở, phải có phiếu yêu cầu hoặc gửi văn bản yêu cầu cho các cơ quan cung cấp dữ liệu đất đai theo mẫu. Bên cạnh đó, người yêu cầu xin trích lục phải xuất trình bản chính hoặc bản sao có chứng thực Giấy chứng minh nhân dân hoặc Hộ chiếu còn giá trị sử dụng hoặc các giấy tờ chứng minh quan hệ với người được cấp bản chính.

>>> Xem thêm: Thủ tục trích lục hồ sơ địa chính theo vụ việc dân sự

Hồ sơ xin trích lụcHồ sơ xin trích lục

Trình tự giải quyết

Theo đó, yêu cầu thực hiện thủ tục trích lục đất đai được giải quyết theo trình tự sau:

Bước 1: Tổ chức, cá nhân có nhu cầu khai thác dữ liệu đất đai nộp phiếu yêu cầu hoặc gửi văn bản yêu cầu cho các cơ quan cung cấp dữ liệu đất đai;

  • Nộp trực tiếp tại cơ quan cung cấp dữ liệu đất đai;
  • Gửi qua đường công văn, fax, bưu điện;
  • Gửi qua thư điện tử hoặc qua cổng thông tin đất đai.

Bước 2: Cơ quan cung cấp dữ liệu đất đai tiếp nhận, xử lý và thông báo nghĩa vụ tài chính (trường hợp phải thực hiện nghĩa vụ tài chính) cho tổ chức, cá nhân. Trường hợp từ chối cung cấp dữ liệu thì phải nêu rõ lý do và trả lời cho tổ chức, cá nhân biết;

Bước 3:Sau khi tổ chức, cá nhân thực hiện xong nghĩa vụ tài chính (nếu có), cơ quan cung cấp dữ liệu đất đai thực hiện cung cấp dữ liệu đất đai theo yêu cầu.

Bước 4:Thời hạn trong trường hợp nhận được yêu cầu trước 15 giờ là ngay trong ngày; trường hợp nhận được yêu cầu sau 15 giờ thì cung cấp dữ liệu đất đai được thực hiện vào ngày làm việc tiếp theo.

Cơ sở pháp lý: Điều 12 Thông tư 34/2014/TT-BTNMT và khoản 4 Điều 17 Nghị định 23/2015/NĐ-CP

Mẫu đơn xin trích lục giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và nhà ở

Mẫu yêu cầu cung cấp dữ liệu đất đaiMẫu yêu cầu cung cấp dữ liệu đất đai

Các tổ chức, cá nhân có nhu cầu khai thác dữ liệu đất đai có thể nộp phiếu yêu cầu hoặc gửi văn bản theo Mẫu số 01/PYC được ban hành kèm theo Thông tư 34/2014/TT-BTNMT do Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành ngày 30 tháng 6 năm 2014, theo quy định tại khoản 1 Điều 11 Thông tư này. Còn việc trích lục theo thủ tục cấp bản sao từ sổ gốc quy định tại Điều 17 Nghị định 23/2015/NĐ-CP hoặc chứng thực bản sao từ bản chính theo Điều 20 Nghị định 23/2015/NĐ-CP thì lại không yêu cầu đơn xin trích lục Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và nhà ở.

Như vậy, dựa trên các văn bản pháp luật đã ban hành, hiện vẫn chưa có quy định cụ thể nào dành riêng cho mẫu đơn yêu cầu trích lục Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và nhà ở.

Bạn có thể tham khảo theo Mẫu số 01/PYC được ban hành kèm theo Thông tư 34/2014/TT-BTNMT do Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành ngày 30 tháng 6 năm 2014.

Luật sư tư vấn thủ tục trích lục giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và nhà ở

  • Tư vấn, hỗ trợ soạn thảo mẫu đơn xin trích lục giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và nhà ở;
  • Tư vấn, hỗ trợ lập hồ sơ xin trích lục dữ liệu đất đai;
  • Tư vấn, hỗ trợ trong quá trình thực hiện thủ tục trích lục thông tin giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và nhà ở.
  • Tư vấn, hỗ trợ soạn thảo các vấn đề liên quan đến Luật Đất đai;
  • Cung cấp các dịch vụ pháp lý khác có liên quan đến quyền sử dụng đất và nhà ở.

Trích lục giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và nhà ở có giá trị pháp lý tương đương với bản gốc trong giao dịch, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. Các vấn đề về người có thẩm quyền cấp trích lục, người có quyền thực hiện thủ tục trích lục giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và nhà ở đã được Chuyên tư vấn luật làm rõ ở bài viết trên. Nếu có bất kỳ thắc mắc hoặc có cần sự hỗ trợ thêm trong lĩnh vực đất đai thì hãy liên hệ theo số Hotline 1900.63.63.87 để nhận được sự tư vấn chi tiết và hiệu quả nhất.

4.7 (14 bình chọn)

Bài viết được Tham vấn bởi Luật sư: Võ Tấn Lộc - Tác giả: Vũ Thị Hải Yến
Tham vấn bởi Luật sư: Võ Tấn Lộc - Tác giả: Vũ Thị Hải Yến

Tác giả: Chuyên Viên Pháp Lý - Vũ Thị Hải Yến

Lĩnh vực tư vấn: hành chính, dân sự, đất đai, di chúc, thừa kế.

Trình độ đào tạo: Trường Đại học Luật

Số năm kinh nghiệm thực tế: 2 năm

Tổng số bài viết: 899 bài viết