Trong trường hợp đất của cá nhân sử dụng đã được Nhà nước giao cho người khác quản lý, sử dụng, giao cho hợp tác xã hoặc khi cá nhân đã thực hiện các giao dịch chuyển quyển cho người khác như: chuyển nhượng, tặng cho, giao quản lý… Sau một thời gian không quản lý, sử dụng, đến một ngày nọ, người chủ cũ đòi lại đất thì có được không? Quy định của pháp luật giải quyết trong trường hợp này như thế nào? Cùng Chuyên Tư Vấn Luật tìm hiểu thêm nhé
Giải quyết khi chũ cũ đòi lại đất
Mục Lục
Đất được Nhà nước giao theo chính sách có đòi lại được không?
Theo quy định trong các văn bản Luật Đất đai qua các thời kỳ, Nhà nước luôn không thừa nhận việc đòi lại đất đã được giao theo quy định của Nhà nước cho người khác sử dụng trong quá trình thực hiện chính sách đất đai của Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam và Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Giải quyết khi chủ cũ đòi lại đất như thế nào?
Để giải quyết trường hợp chủ cũ đòi lại đất, trước hết phải xem xét đất đang tranh chấp ai là người đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc có các giấy tờ khác quy định tại Điều 100 Luật Đất đai 2013 và Điều 18 Nghị định 43/2014/NĐ-CP hoặc nếu không bên nào có các loại giấy tờ trên thì dựa vào các chứng cứ trong quá trình sử dụng đất của hai bên như ai là người kê khai, đứng tên trong sổ địa chính, quá trình sử dụng ổn định, liên tục của họ… đối với các trường hợp đã được sử dụng đất trong giai đoạn trước.
Thêm vào đó, cần xem xét các quy định của pháp luật dân sự, đất đai để giải quyết khi các bên phát sinh tranh chấp xuất phát từ các giao dịch, hợp đồng như: chuyển nhượng, tặng cho, ủy quyền quản lý, thế chấp…
Giải quyết khi chủ cũ đòi lại đất đã được đưa vào tập đoàn sản xuất, hợp tác xã mà sau đó đã bị giải thể
Theo quy định tại điểm 2.4 khoản 2 Mục II Nghị quyết 02/2004/NQ-HĐTP, đối với trường hợp này, căn cứ vào quy định tại Điều 1 của Luật Đất đai 1987, khoản 2 Điều 2 của Luật Đất đai 1993 và khoản 2 Điều 10 Luật Đất đai 2003 cần phân biệt như sau:
Một là, Chủ cũ hoặc người thừa kế của người đó không có quyền đòi lại quyền sử dụng đất nếu đất đó đã được giao cho người khác sử dụng và họ đã được UBND cấp có thẩm quyền cấp GCNQSDĐ theo Luật Đất đai 1987, Luật Đất đai 1993, Luật Đất đai 2003 hoặc có một trong các loại giấy tờ quy định tại các khoản 1, 2 và 5 Điều 50 của Luật Đất đai 2003, trừ trường hợp có căn cứ chứng minh người đang sử dụng đất đó có hành vi gian dối, lừa đảo… để được giao quyền sử dụng đất.
Đòi lại đất đã được đưa vào tập đoàn sản xuất, hợp tác xã mà sau đó bị giải thể
Hai là, Chủ cũ hoặc người thừa kế của người đó có quyền đòi lại quyền sử dụng đất hoặc giá trị quyền sử dụng đất khi có đầy đủ các điều kiện sau đây:
- Đất không bị Nhà nước quản lý trong quá trình thực hiện chính sách đất đai của Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hoà, Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam và Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;
- Chủ cũ có một trong các loại giấy tờ quy định tại các khoản 1, 2 và 5 Điều 50 của Luật Đất đai 2003;
- Người đang sử dụng đất không có GCNQSDĐ theo Luật Đất đai 1987, Luật Đất đai 1993, Luật Đất đai 2003 và cũng không có một trong các loại giấy tờ quy định tại các khoản 1, 2 và 5 Điều 50 của Luật Đất đai 2003 vì lý do người đó sử dụng đất là ở nhờ, mượn, thuê, lấn, chiếm đất hoặc bằng các giao dịch dân sự khác trái pháp luật, trái đạo đức xã hội.
Thủ tục giải quyết tranh chấp khi chủ cũ đòi lại đất
Thủ tục giải quyết tranh chấp khi chủ cũ đòi lại đất được thực hiện theo thủ tục thông thường, đó là:
Môt là, thủ tục hòa giải
Các bên tự hòa giải với nhau, nếu không hòa giải được thì nộp đơn yêu cầu UBND cấp xã tổ chức hòa giải. Nếu hòa giải tại UBND cấp xã không thành thì theo quy định tại Điều 203 Luật Đất đai 2013, tranh chấp được giải quyết theo thủ tục hành chính hoặc thủ tục tố tụng như sau:
Hai là, Thủ tục hành chính tại UBND cấp có thẩm quyền
Thủ tục hành chính được áp dụng trong trường hợp tranh chấp đất đai mà đương sự không có Giấy chứng nhận hoặc không có một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật Đất đai 2013. Khi đó, các bên sẽ có quyền lựa chọn 1 trong 2 hình thức: nộp đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp đất đai tại UBND cấp có thẩm quyền hoặc khởi kiện ra Tòa án. Và các bên lựa chọn hình thức nộp đơn yêu cầu giải quyết tại UBND cấp có thẩm quyền.
Theo quy định tại khoản 3 Điều 203 Luật Đất đai 2013, thẩm quyền giải quyết tranh chấp tại UBND thuộc về:
- Chủ tịch UBND cấp huyện. Nếu không đồng ý với kết quả thì có quyền khiếu nại đến Chủ tịch UBND cấp tỉnh hoặc khởi kiện theo thủ tục hành chính ra Tòa án để yêu cầu giải quyết.
- Chủ tịch UBND cấp tỉnh đối với tranh chấp có người Việt Nam định cư ở nước ngoài. Nếu không đồng ý với kết quả thì có quyền khiếu nại đến Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường hoặc khởi kiện theo thủ tục hành chính ra Tòa án có thẩm quyền để yêu cầu giải quyết.
Ba là, Thủ tục tố tụng tại Tòa án
Thủ tục tố tụng được áp dụng trong 2 trường hợp:
Thứ nhất, đối với tranh chấp đất đai mà đương sự có Giấy chứng nhận hoặc có một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật đất đai 2013 và tranh chấp về tài sản gắn liền với đất;
Thứ hai, đối với tranh chấp đất đai mà đương sự không có Giấy chứng nhận hoặc không có một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật Đất đai 2013 thì các bên có quyền lựa chọn 1 trong 2 hình thức: nộp đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp đất đai tại UBND cấp có thẩm quyền hoặc khởi kiện ra Tòa án. Và các bên lựa chọn hình thức khởi kiện ra Tòa án.
Cá nhân nộp đơn khởi kiện tại Tòa án nhân dân cấp huyện nơi có đất để yêu cầu giải quyết tranh chấp. Trình tự, thủ tục giải quyết tại Tòa án tuân theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự 2015.
Trên đây là toàn bộ nội dung tư vấn liên quan đến vấn đề “chủ cũ đòi lại đất”. Trong trường hợp quý khách còn bất kỳ thắc mắc nào cần giải đáp hoặc cần tư vấn thêm khi rơi vào trường hợp này, vui lòng liên hệ trực tiếp với Chuyên Tư Vấn Luật qua Hotline 1900 63 63 87 để được tư vấn chi tiết.