Luật Doanh Nghiệp

Thủ tục thay đổi trọng tài viên theo quy định mới nhất

Thủ tục thay đổi trọng tài viên theo quy định mới nhất là điều mà được nhiều người quan tâm. Vậy thủ tục để thay đổi trọng tài viên được quy định như thế nào? Trường hợp nào không phải thay đổi trọng tài viên và việc thay đổi trọng tài viên thuộc thẩm quyền của ai? Vấn đề này sẽ được nói rõ ở bài tư vấn dưới đây.

Thủ tục thay đổi trọng tài viên

 Trọng tài viên theo quy định của pháp luật

Căn cứ Khoản 5 Điều 3 Luật Trọng tài thương mại 2010 quy định: Trọng tài viên là người được các bên lựa chọn hoặc được Trung tâm trọng tài hoặc Tòa án chỉ định để giải quyết tranh chấp theo quy định của Luật Trọng tài thương mại.

Căn cứ theo Điều 20 Luật Trọng tài thương mại 2010 có quy định về tiêu chuẩn Trọng tài viên như sau:

Những người có đủ các tiêu chuẩn sau đây có thể làm Trọng tài viên:

  • Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ theo quy định của Bộ luật dân sự;
  • Có trình độ đại học và đã qua thực tế công tác theo ngành đã học từ 5 năm trở lên;
  • Trong trường hợp đặc biệt, chuyên gia có trình độ chuyên môn cao và có nhiều kinh nghiệm thực tiễn, tuy không đáp ứng được yêu cầu nêu tại điểm b khoản này, cũng có thể được chọn làm Trọng tài viên.

Những người có đủ tiêu chuẩn quy định tại khoản 1 Điều này nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây không được làm Trọng tài viên:

  • Người đang là Thẩm phán, Kiểm sát viên, Điều tra viên, Chấp hành viên, công chức thuộc Toà án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân, Cơ quan điều tra, Cơ quan thi hành án;
  • Người đang là bị can, bị cáo, người đang chấp hành án hình sự hoặc đã chấp hành xong bản án nhưng chưa được xóa án tích.

Trung tâm trọng tài có thể quy định thêm các tiêu chuẩn cao hơn tiêu chuẩn quy định tại khoản 1 Điều này đối với Trọng tài viên của tổ chức mình.

Như vậy, Trọng tài viên phải có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, phải có trình độ đại học và đã thực tế công tác theo ngành đã học từ 5 năm trở lên hoặc là những chuyên gia có trình độ chuyên môn cao, có nhiều kinh nghiệm thực tiễn. Không được đang là Thẩm phán, Kiểm sát viên, Điều tra viên, Chấp hành viên, công chức thuộc Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân, Cơ quan điều tra, Cơ quan thi hành án hoặc đang là bị can, bị cáo, người đang chấp hành bản án hình sự hoặc đã chấp hành xong bản án nhưng chưa được xóa án tích. Ngoài ra, Trung tâm trọng tài có thể quy định thêm các tiêu chuẩn cao hơn tiêu chuẩn quy định tại khoản 1 Điều này đối với Trọng tài viên của tổ chức mình.

Trọng tài viên

Trình tự thủ tục thay đổi trọng tài viên

Trường hợp thay đổi trọng tài viên

Căn cứ Điều 42 Luật Trọng tài thương mại 2010 có quy định Trọng tài viên phải từ chối giải quyết tranh chấp hoặc các bên có quyền yêu cầu thay đổi Trọng tài viên giải quyết tranh chấp trong các trường hợp

  • Trọng tài viên là người thân thích hoặc là người đại diện của một bên
  • Trọng tài viên có lợi ích liên quan trong vụ tranh chấp
  • Có căn cứ rõ ràng cho thấy Trọng tài viên không vô tư, khách quan
  • Đã là hòa giải viên, người đại diện, luật sư của bất cứ bên nào trước khi đưa vụ tranh chấp đó ra giải quyết tại trọng tài, trừ trường hợp được các bên chấp thuận bằng văn bản

Thẩm quyền thay đổi trọng tài viên

Theo khoản 3 và khoản 4 Điều 42 Luật Trọng Tài Thương mại 2010 thì thẩm quyền thay đổi trọng tài viên được quy định như sau:

Đối với vụ tranh chấp được giải quyết tại Trung tâm trọng tài, nếu Hội đồng trọng tài chưa được thành lập, việc thay đổi Trọng tài viên do Chủ tịch Trung tâm trọng tài quyết định. Nếu Hội đồng trọng tài đã được thành lập, việc thay đổi Trọng tài viên do các thành viên còn lại của Hội đồng trọng tài quyết định. Trong trường hợp các thành viên còn lại của Hội đồng trọng tài không quyết định được hoặc nếu các Trọng tài viên hay Trọng tài viên duy nhất từ chối giải quyết tranh chấp, Chủ tịch Trung tâm trọng tài quyết định về việc thay đổi Trọng tài viên.

Đối với vụ tranh chấp do Hội đồng trọng tài vụ việc giải quyết, việc thay đổi Trọng tài viên sẽ do các thành viên còn lại của Hội đồng trọng tài quyết định. Trong trường hợp các thành viên còn lại của Hội đồng trọng tài không quyết định được hoặc nếu các Trọng tài viên hay Trọng tài viên duy nhất từ chối giải quyết tranh chấp, thì trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được yêu cầu của một hoặc các Trọng tài viên nói trên, của một hoặc các bên tranh chấp, Chánh án Toà án có thẩm quyền phân công một Thẩm phán quyết định về việc thay đổi Trọng tài viên.

Từ các quy định trên có thể xác định thẩm quyền thay đổi trọng tài viên như sau:

Thẩm quyền thay đổi Trọng tài viên nếu vụ tranh chấp tại trung tâm trọng tài:

  • Nếu hội đồng trọng tài chưa được thành lập, việc thay đổi Trọng tài viên sẽ do Chủ tịch của Trung tâm trọng tài quyết định.
  • Nếu hội đồng trọng tài đã được thành lập, việc thay đổi Trọng tài viên sẽ do các thành viên còn lại của Hội đồng trọng tài quyết định.
  • Trường hợp các thành viên còn lại của Hội đồng trọng tài không quyết định được hoặc Trọng tài viên hoặc Trọng tài viên duy nhất từ chối giải quyết vụ tranh chấp thì Chủ tịch Trung tâm trọng tài quyết định việc thay đổi Trọng tài viên

Thẩm quyền thay đổi Trọng tài viên nếu vụ tranh chấp do Hội đồng trọng tài vụ việc giải quyết:

  • Việc đổi Trọng tài viên sẽ do các thành viên còn lại của Hội đồng trọng tài quyết định
  • Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được yêu cầu của Trọng tài viên hoặc của một trong hai bên thì Chánh án Tòa án có thẩm quyền phân công một Thẩm phán quyết định về việc thay đổi Trọng tài viên trong trường hợp: Trong trường hợp các thành viên còn lại của Hội đồng trọng tài không quyết định được; Các Trọng tài viên hoặc Trọng tài viên duy nhất từ chối giải quyết tranh chấp

Thủ tục để thay đổi

Thay đổi Trọng tài viên trọng tài vụ việc quy định tại khoản 4 Điều 42 Luật Trọng tài thương mại 2010 được hướng dẫn bởi Điều 9 Nghị quyết 01/2014/NQ-HĐTP do Hội đồng Thẩm phán Tòa án Nhân dân tối cao ban hành ngày 20/03/2014:

Tòa án chỉ thụ lý và giải quyết việc thay đổi Trọng tài viên trọng tài vụ việc trong những trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 42 Luật TTTM 2010 . Người có yêu cầu thay đổi Trọng tài viên phải làm đơn yêu cầu bằng văn bản, trong đó nêu rõ trường hợp và lý do thay đổi Trọng tài viên.

  • Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được đơn yêu cầu, Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền phân công một Thẩm phán thực hiện việc thay đổi Trọng tài viên. Tòa án có thẩm quyền thông báo ngay cho Hội đồng trọng tài, các Trọng tài viên của Hội đồng trọng tài vụ việc, các bên tranh chấp về việc thụ lý đơn yêu cầu và Thẩm phán được phân công giải quyết.
  • Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày được phân công, Thẩm phán xét đơn yêu cầu thay đổi Trọng tài viên mà không phải mở phiên họp để xét đơn yêu cầu, không phải triệu tập các bên tranh chấp.
  • Khi xét đơn yêu cầu, Thẩm phán căn cứ vào quy định tại Điều 20, Điều 21 và khoản 6 Điều 42 Luật TTTM, danh sách Trọng tài viên của các tổ chức trọng tài hoạt động tại Việt Nam quy định tại điểm c khoản 1 Điều 15 Luật TTTM, khoản 4 Điều 2 và Điều 19 Nghị định số 63/2011/NĐ-CP ngày 28 tháng 7 năm 2011 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều Luật TTTM và các tài liệu kèm theo để xem xét, quyết định Trọng tài viên có thuộc trường hợp bị thay đổi hay không. Trường hợp yêu cầu thay đổi Trọng tài viên là có căn cứ, thì tùy từng trường hợp cụ thể mà Thẩm phán căn cứ quy định tương ứng để quyết định việc thay đổi Trọng tài viên. Trường hợp không chấp nhận yêu cầu thay đổi Trọng tài viên, thì Thẩm phán phải ra quyết định bằng văn bản, trong đó nêu rõ lý do của việc không chấp nhận yêu cầu thay đổi. Quyết định thay đổi Trọng tài viên được thực hiện theo Mẫu số 02 ban hành kèm theo Nghị quyết này.
  • Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày ra quyết định, Tòa án gửi quyết định cho các bên, Hội đồng trọng tài, Trọng tài viên, Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp.

Quyết định của Chủ tịch Trung tâm trọng tài hoặc của Toà án trong trường hợp quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều 42, Luật Trọng tài thương mại 2010  là quyết định cuối cùng.

Trong trường hợp Trọng tài viên vì sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan mà không thể tiếp tục tham gia giải quyết tranh chấp hoặc bị thay đổi thì việc chọn, chỉ định Trọng tài viên thay thế được thực hiện theo trình tự, thủ tục quy định của Luật Trọng tài thương mại 2010

Sau khi tham khảo ý kiến của các bên, Hội đồng trọng tài mới được thành lập có thể xem xét lại những vấn đề đã được đưa ra tại các phiên họp giải quyết tranh chấp của Hội đồng trọng tài trước đó.

Căn cứ pháp lý: Điều 42 Luật TTTM 2010 và Điều 9 Nghị quyết 01/2014/NQ-HĐTP do Hội đồng Thẩm phán Tòa án Nhân dân tối cao ban hành ngày 20/03/2014

Khiếu nại quyết định của hội đồng trọng tài

Theo quy định tại Điều 44, Luật Trọng tài thương mại 2010 quy định về việc Khiếu nại và giải quyết khiếu nại quyết định của Hội đồng trọng tài về việc không có thỏa thuận trọng tài, thỏa thuận trọng tài vô hiệu, thỏa thuận trọng tài không thể thực hiện được, thẩm quyền của Hội đồng trọng tài như sau:

Trong trường hợp không đồng ý với quyết định của Hội đồng trọng tài quy định tại Điều 43 của Luật Trọng tài thương mại 2010 , trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được quyết định của Hội đồng trọng tài, các bên có quyền gửi đơn yêu cầu Toà án có thẩm quyền xem xét lại quyết định của Hội đồng trọng tài. Bên khiếu nại phải đồng thời thông báo việc khiếu nại cho Hội đồng trọng tài.

Đơn khiếu nại phải có những nội dung chủ yếu sau đây:

  • Ngày, tháng, năm làm đơn khiếu nại;
  • Tên và địa chỉ của bên khiếu nại;
  • Nội dung yêu cầu.

Đơn khiếu nại phải kèm theo bản sao đơn khởi kiện, thoả thuận trọng tài, quyết định của Hội đồng trọng tài. Trường hợp giấy tờ kèm theo bằng tiếng nước ngoài thì phải dịch ra tiếng Việt và được chứng thực hợp lệ.

Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đơn khiếu nại, Chánh án Toà án có thẩm quyền phân công một Thẩm phán xem xét, giải quyết đơn khiếu nại. Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày được phân công, Thẩm phán phải xem xét, quyết định. Quyết định của Toà án là cuối cùng.

Trong khi Tòa án giải quyết đơn khiếu nại, Hội đồng trọng tài vẫn có thể tiếp tục giải quyết tranh chấp.

Trong trường hợp Toà án quyết định vụ tranh chấp không thuộc thẩm quyền của Hội đồng trọng tài, không có thỏa thuận trọng tài, thỏa thuận trọng tài vô hiệu hoặc thỏa thuận trọng tài không thể thực hiện được, Hội đồng trọng tài ra quyết định đình chỉ giải quyết tranh chấp. Nếu không có thoả thuận khác, các bên có quyền khởi kiện vụ tranh chấp ra Toà án. Thời hiệu khởi kiện ra Toà án được xác định theo quy định của pháp luật. Thời gian từ ngày nguyên đơn khởi kiện tại Trọng tài đến ngày Toà án ra quyết định thụ lý giải quyết vụ tranh chấp không tính vào thời hiệu khởi kiện.

Xem thêm:  Pháp luật về hội đồng trọng tài

 Luật sư tư vấn thủ tục thay đổi trọng tài viên

Luật sư tư vấn thủ tục thay đổi trọng tài viên

  • Hỗ trợ khách hàng yêu cầu thay đổi trọng tài viên
  • Tư vấn về thời hạn gửi đơn yêu cầu thay đổi trọng tài viên
  • Luật sư tư vấn về các thủ tục thay đổi trọng tài viên

Trên đây là nội dung tư vấn của công ty chúng tôi về Thủ tục thay đổi Trọng tài viên. Trường hợp trong nội dung tư vấn có điều gì gây nhầm lẫn, chưa rõ ràng hoặc thông tin nêu trong nội dung tư vấn khiến quý khách chưa hiểu hết vấn đề hoặc có sự vướng ngại, thắc mắc, chúng tôi rất mong nhận được ý kiến phản hồi của quý khách hàng thông qua hotline 1900 63 63 87.

4.6 (12 bình chọn)

Bài viết được Trương Quốc Dũng - Luật sư kiểm duyệt: Trần Tiến Lực
Trương Quốc Dũng - Luật sư kiểm duyệt: Trần Tiến Lực

Tác giả: Chuyên Viên Pháp Lý

Lĩnh vực tư vấn: Hợp Đồng, Xây Dựng, Sở Hữu Trí Tuệ, Doanh Nghiệp

Trình độ đào tạo: Đại Học Luật

Số năm kinh nghiệm thực tế: 3

Tổng số bài viết: 727 bài viết