Luật Hình Sự

Thủ tục định giá tài sản trong vụ án hình sự

Thủ tục định giá tài sản trong vụ án hình sự là vấn đề được độc giả quan tâm khi tài sản là căn cứ quan trọng trong việc xác định tội danh hoặc yêu cầu bồi thường trong quá trình tố tụng. Để giải quyết vấn đề trên, Luật sư của Chuyên Tư Vấn Luật sẽ gửi đến Quý độc giả bài viết về nguyên tắc, căn cứ,  xác định giá trị, trình tự, thủ tục thẩm định của hội đồng định giá và các quy định pháp luật khác liên quan đến vấn Thủ tục định giá tài sản trong vụ án hình sự.

Định giá tài sảnĐịnh giá tài sản

Định giá tài sản trong pháp luật tố tụng hình sự

Định giá tài sản được hiểu là việc xác định mức giá cụ thể cho từng loại tài sản phù hợp với thị trường tại một địa điểm, thời điểm nhất định.

Theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự, khi cần xác định giá của tài sản để giải quyết vụ án hình sự, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng ra văn bản yêu cầu định giá tài sản.

Bên cạnh đó, ta có thể thấy rằng, định giá tài sản trong tố tụng hình sự là một phần hết sức quan trọng liên quan đến một số loại tội phạm được quy định cụ thể trong bộ luật hình sự. Nó là căn cứ quan trọng trong việc xác định tội danh chính xác, đúng quy định pháp luật. Mặt khác, định giá tài sản cũng là căn cứ để giải quyết các vấn đề dân sự trong vụ án hình sự. Qua đó, người bị hại có thể có căn cứ chính xác để đưa ra yêu cầu bồi thường.

Cơ sở pháp lý: Điều 215 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015.

Nguyên tắc định giá tài sản trong tố tụng hình sự

Theo quy định tại Điều 4 Nghị định 30/2018/NĐ- CP, việc định giá tài sản trong tố tụng hình sự phải thỏa mãn các yêu cầu sau:

  • Phù hợp với giá thị trường của tài sản cần định giá hoặc tài sản tương tự với tài sản cần định giá tại thời điểm và nơi tài sản được yêu cầu định giá.
  • Đồng thời, việc định giá trên phải đảm bảo tính trung thực, khách quan, công khai, kịp thời.

Trình tự, thủ tục định giá tài sản trong tố tụng hình sự

Căn cứ định giá

Căn cứ định giáCăn cứ định giá

Đối với tài sản không phải là hàng cấm, việc định giá tài sản dựa trên ít nhất các căn cứ sau:

  • Giá phổ biến trên thị trường của tài sản tại thời điểm và nơi tài sản bị xâm phạm. Giá phổ biến trên thị trường là giá mua, bán theo thỏa thuận đối với tài sản cùng loại hoặc tương đương và là mức giá có số lần xuất hiện nhiều nhất trên thị trường trong thời gian, địa điểm tài sản bị xâm phạm.
  • Giá do các cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định đã được áp dụng tại địa phương nơi tài sản bị xâm phạm và tại thời điểm tài sản bị xâm phạm.
  • Giá của tài sản cần định giá được xác định trong tài liệu hồ sơ hợp pháp về loại tài sản đó của chủ sở hữu tài sản (nếu có).
  • Giá trị thực tế của tài sản cần định giá: Đối với tài sản mới: Hội đồng định giá tài sản xác định giá tài sản theo tài sản cùng loại hoặc tài sản tương đương và còn mới 100%. Đối với tài sản đã qua sử dụng: Hội đồng định giá tài sản phải kiểm định, đánh giá chất lượng còn lại của tài sản, hàng hóa sau khi đã tính phần hao mòn đã qua sử dụng để xác định giá trị còn lại của tài sản đó.
  • Các căn cứ khác về giá trị của tài sản cần định giá là những căn cứ xác định giá trị thị trường của tài sản cần định giá như những thông tin, dữ liệu về mặt kỹ thuật và về mặt pháp lý của tài sản …

Đối với tài sản là hàng cấm, việc định giá tài sản phải dựa trên ít nhất một trong các căn cứ theo thứ tự ưu tiên sau:

  • Giá mua bán thu thập được trên thị trường không chính thức tại thời điểm và tại nơi tài sản là hàng cấm được yêu cầu định giá hoặc tại địa phương khác;
  • Giá ghi trên hợp đồng hoặc hóa đơn mua bán hoặc tờ khai nhập khẩu hàng cấm (nếu có);
  • Giá do doanh nghiệp thẩm định giá cung cấp;
  • Giá thị trường trong khu vực hoặc thế giới của hàng cấm do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền thông báo hoặc cung cấp thông tin;
  • Giá niêm yết, giá ghi trên hợp đồng hoặc hóa đơn mua bán hoặc tờ khai nhập khẩu của tài sản tương tự được phép kinh doanh, lưu hành, sử dụng tại Việt Nam;
  • Giá thị trường trong khu vực và thế giới của tài sản tương tự được phép kinh doanh, lưu hành, sử dụng tại các thị trường này;
  • Các căn cứ khác giúp xác định giá trị của tài sản cần định giá do cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng hình sự cung cấp và chịu trách nhiệm về tính chính xác, tin cậy của các căn cứ này.

Lưu ý, các mức giá từ các nguồn thông tin được xác định tại thời điểm và tại nơi tài sản được yêu cầu định giá. Trường hợp thu thập nguồn thông tin về mức giá tài sản tại thời điểm khác hoặc ở địa phương khác thì mức giá đó cần được điều chỉnh phù hợp về thời điểm và nơi tài sản được yêu cầu định giá.

Cơ sở pháp lý: Điều 15 Nghị định 30/2018/NĐ-CP được hướng dẫn bởi Điều 8 Thông tư 30/2020/TT-BTC có hiệu lực thi hành từ ngày 01/6/2020

Phương pháp định giá

Khi thực hiện định giá tài sản trong tố tụng hình sự, hội đồng định giá căn cứ vào loại tài sản; thông tin và đặc điểm của tài sản; tình hình khảo sát giá, thu thập thông tin liên quan đến tài sản cần định giá… để tiến hành định giá tài sản.

Bên cạnh đó, pháp luật tố tụng hình sự cũng quy định phương pháp định giá tài sản như sau:

  • Tài sản chưa qua sử dụng: Hội đồng định giá xác định giá của tài sản theo giá của tài sản giống hệt còn mới hoặc tài sản tương tự còn mới (nếu không có tài sản giống hệt);
  • Tài sản đã qua sử dụng: Hội đồng định giá xác định giá của tài sản trên cơ sở xác định giá trị thực tế của tài sản;
  • Tài sản bị hủy hoại, hư hỏng một phần; tài sản bị hủy hoại, hư hỏng toàn bộ nhưng vẫn có khả năng khôi phục lại tình trạng của tài sản trước khi bị hủy hoại, hư hỏng: Trường hợp cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng yêu cầu xác định giá trị thiệt hại của tài sản bị hủy hoại, hư hỏng một phần hoặc toàn bộ, Hội đồng định giá xác định giá trên cơ sở chi phí khôi phục lại tình trạng ban đầu của tài sản trước khi bị hủy hoại, hư hỏng một phần hoặc toàn bộ;
  • Tài sản bị mất, thất lạc; tài sản bị hủy hoại, hư hỏng toàn bộ và không có khả năng khôi phục lại tình trạng của tài sản trước khi bị hủy hoại, hư hỏng: Hội đồng định giá xác định giá của tài sản theo hồ sơ của tài sản trên cơ sở các thông tin, tài liệu thu thập được về tài sản cần định giá;
  • Tài sản là hàng giả: Hội đồng định giá xác định giá tài sản theo giá của hàng thật hoặc giá của tài sản tương tự theo quy định của Bộ luật Hình sự;
  • Tài sản không mua bán phổ biến trên thị trường; tài sản là kim khí quý, đá quý, di vật, cổ vật hoặc vật có giá trị văn hóa, tôn giáo, khảo cổ, kiến trúc, lịch sử: Hội đồng định giá xác định giá tài sản dựa trên kết quả giám định, ý kiến đánh giá của cơ quan có thẩm quyền và chuyên gia về lĩnh vực này hoặc giá trị ghi trong hồ sơ, tài liệu của tài sản.

Cơ sở pháp lý: Điều 17 Nghị định 30/2018/NĐ – CP.

Trình tự, thủ tục định giá

Thứ nhất, về văn bản yêu cầu định giá:

Theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự, văn bản yêu cầu định giá tài sản phải có các nội dung sau:

  • Tên cơ quan yêu cầu định giá; họ tên người có thẩm quyền yêu cầu định giá;
  • Tên Hội đồng định giá tài sản được yêu cầu;
  • Thông tin và đặc điểm của tài sản cần định giá;
  • Tên tài liệu, hồ sơ có liên quan (nếu có);
  • Nội dung yêu cầu định giá tài sản;
  • Ngày, tháng, năm yêu cầu định giá tài sản, thời hạn trả kết luận định giá tài sản.

Thứ hai, về trình tự, thủ tục định giá tài sản:

  • Trong thời hạn 24 giờ kể từ khi ra văn bản yêu cầu định giá tài sản, cơ quan yêu cầu định giá phải giao hoặc gửi văn bản yêu cầu định giá tài sản, hồ sơ, đối tượng yêu cầu định giá tài sản cho Hội đồng định giá tài sản được yêu cầu; gửi văn bản yêu cầu định giá tài sản cho Viện kiểm sát có thẩm quyền thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra.
  • Cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng ra văn bản yêu cầu định giá tài sản có trách nhiệm tổ chức cho Hội đồng định giá khảo sát trực tiếp tài sản hoặc mẫu tài sản cần định giá.
  • Hội đồng định giá mở phiên họp định giá tài sản, sau đó đưa ra kết luận định giá tài sản.
  • Trong thời hạn 24 giờ kể từ khi ra kết luận định giá tài sản, Hội đồng định giá tài sản phải gửi kết luận cho cơ quan yêu cầu định giá tài sản, người yêu cầu định giá tài sản.
    Trong thời hạn 24 giờ kể từ khi nhận được kết luận định giá tài sản, cơ quan đã yêu cầu, người yêu cầu định giá tài sản phải gửi kết luận định giá tài sản cho Viện kiểm sát thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra.

Cơ sở pháp lý: Điều 14, Điều 16, Điều 18, 19 Nghị định 30/2018/NĐ-CP, Điều 215, Điều 221 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015.

Luật sư hình sự tư vấn định giá tài sản

Luật sư tư vấnLuật sư tư vấn

  • Tư vấn quy định pháp luật trong quá trình giám định tài sản trong tố tụng hình sự theo quy định của pháp luật.
  • Tư vấn thực hiện các thủ tục, quy trình định giá tài sản.
  • Luật sư đại diện giải quyết với cơ quan công an.
  • Luật sư đại diện trực tiếp tham gia tranh tụng tại Tòa án để bảo vệ quyền lợi ích của thân chủ trong các vụ án dân sự.
  • Tư vấn thu thập các tài liệu chứng cứ có lợi cho khách hàng.
  • Tham gia vào quá trình thương lượng bồi thường thiệt hại, đưa ra hướng giải quyết có lợi nhất cho khách hàng.

Tóm lại, định giá tài sản trong vụ án hình sự là việc cơ quan có thẩm quyền xác định giá là việc xác định mức giá cho tài sản. Bên cạnh đó, nguyên tắc, căn cứ, phương pháp, thủ tục thực hiện định giá tài sản trong vụ án hình sự cũng được trình bày cụ thể trong bài viết. Trường hợp Quý bạn đọc còn thắc mắc và cần được hỗ trợ pháp luật hình sự hoặc sử dụng dịch vụ luật sư của chúng tôi vui lòng liên hệ 1900.63.63.87 để được hỗ trợ nhanh chóng và kịp thời.

4.5 (12 bình chọn)

Bài viết được Tham vấn bởi Luật sư: Võ Tấn Lộc - Tác giả: Vũ Thị Hải Yến
Tham vấn bởi Luật sư: Võ Tấn Lộc - Tác giả: Vũ Thị Hải Yến

Tác giả: Chuyên Viên Pháp Lý - Vũ Thị Hải Yến

Lĩnh vực tư vấn: hành chính, dân sự, đất đai, di chúc, thừa kế.

Trình độ đào tạo: Trường Đại học Luật

Số năm kinh nghiệm thực tế: 2 năm

Tổng số bài viết: 899 bài viết