Luật Hôn Nhân Gia Đình

Quy định pháp luật về thỏa thuận tài sản tiền hôn nhân

Thỏa thuận tài sản tiền hôn nhân là một văn bản pháp lý được ký kết bởi hai cá nhân trước khi kết hôn. Thỏa thuận này nêu rõ tài sản, khoản nợ và quyền tài chính của họ sẽ được phân chia như thế nào trong trường hợp ly hôn hoặc qua đời. Nó được thiết kế để bảo vệ lợi ích của cả hai bên và có thể giúp tránh những xung đột và bất ổn tiềm ẩn trong tương lai. Bài viết dưới đây sẽ thông tin cụ thể đến quý độc giả về nội dung này.

Quy định pháp luật về thỏa thuận tài sản tiền hôn nhân

Có hay không được thỏa thuận tài sản tiền hôn nhân?

Điều 47 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 vẫn có quy định: “Trong trường hợp hai bên kết hôn lựa chọn chế độ tài sản theo thỏa thuận thì thỏa thuận này phải được lập trước khi kết hôn, bằng hình thức văn bản có công chứng hoặc chứng thực. Chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận được xác lập kể từ ngày đăng ký kết hôn”.

Có thể thấy, Luật Hôn nhân và gia đình 2014 cho phép các bên thỏa thuận về tài sản trước hôn nhân. ​Khi có văn bản này, các bên sẽ giảm thiểu những tranh chấp, cãi vã về việc sử dụng tài sản chungtài sản riêng vào từng mục đích. Thỏa thuận này không chỉ thuận lợi trong việc dễ dàng hơn trong việc phân định tài sản trong hôn nhân mà kể cả sau ly hôn, quy định về thỏa thuận ly hôn cũng khiến cho quá trình ly hôn diễn ra dễ dàng hơn. Tòa án sẽ căn cứ vào bản thỏa thuận để xác định xem đâu là tài sản chung và đâu là tài sản riêng để chia theo quy định pháp luật.

>>>Xem thêm: Thủ tục chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân của vợ chồng

Thỏa thuận xác lập chế độ tài sản của vợ chồng phát sinh hiệu lực

Căn cứ theo Điều 117 Bộ luật Dân sự 2015 thì điều kiện đầu tiên để thỏa thuận chế độ tài sản của vợ chồng có hiệu lực là:

  • Chủ thể có năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự phù hợp với giao dịch dân sự được xác lập;
  • Chủ thể tham gia giao dịch dân sự hoàn toàn tự nguyện;
  • Mục đích và nội dung của giao dịch dân sự không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội;

Bên cạnh đó, việc lựa chọn chế độ tài sản theo thỏa thuận của vợ và chồng còn phải đảm bảo các điều kiện về hình thức và nội dung. Cụ thể;

Điều kiện về hình thức

Thỏa thuận xác lập chế độ tài sản của vợ chồng tồn tại dưới nhiều tên gọi khác nhau, bao gồm: hợp đồng tiền hôn nhân, hôn ước hay thỏa thuận trước hôn nhân,… Dù tồn tại dưới tên gọi nào thì chế độ tài sản theo thỏa thuận chỉ có hiệu lực và được áp dụng khi thỏa thuận này được xác lập trước khi kết hôn dưới hình thức văn bản được công chứng hoặc chứng thực (Điều 47 Luật Hôn nhân và gia đình 2014). Thời điểm chế độ tài sản theo thỏa thuận của vợ chồng được xác lập là kể từ ngày đăng ký kết hôn.

Điều kiện về nội dung

Điều 48 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 có quy định khá chi tiết về những nội dung cơ bản phải được nêu trong thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng, bao gồm:

  • Những tài sản nào được xác định là tài sản chung và tài sản riêng;
  • Quyền và nghĩa vụ của mỗi người đối với tài sản sản để bảo đảm nhu cầu thiết yếu của gia đình;
  • Điều kiện, thủ tục và nguyên tắc phân chia tài sản khi chấm dứt chế độ tài sản;
  • Và những nội dung liên quan khác tùy theo thỏa thuận của vợ và chồng.

Nguyên tắc áp dụng chế độ tài sản theo thỏa thuận

Khi áp dụng chế độ tài sản theo thỏa thuận, các bên sẽ phải dựa vào các điều khoản trong bản thỏa thuận đó để giải quyết các vấn đề có liên quan đến tài sản. Tuy nhiên, khi thực hiện tài sản theo thỏa thuận mà phát sinh những vấn đề chưa được vợ chồng thỏa thuận hoặc thỏa thuận không rõ ràng thì sẽ áp dụng quy định của pháp luật hôn nhân gia đình và quy định tương ứng của chế độ tài sản theo luật định để giải quyết (khoản 2 Điều 48 Luật Hôn nhân và gia đình 2014). Theo đó, khoản 1 Điều 6 Thông tư liên tịch số 01/2016/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP cũng có quy định như sau:

  • Thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng có thể bị Tòa án tuyên bố vô hiệu toàn bộ hoặc vô hiệu một phần.
  • Trường hợp thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng bị Tòa án tuyên bố vô hiệu toàn bộ thì chế độ tài sản của vợ chồng theo luật định được áp dụng.
  • Trường hợp thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng bị tuyên bố vô hiệu một phần thì các nội dung không bị vô hiệu vẫn được áp dụng; đối với phần nội dung bị vô hiệu thì các quy định tương ứng về chế độ tài sản của vợ chồng theo luật định được áp dụng.

nguyên tắc áp dụng

Nguyên tắc áp dụng chế độ tài sản theo thỏa thuận

Sửa đổi, bổ sung chế độ tài sản thỏa thuận

Điều 49 Luật Hôn nhân và gia đình, Điều 17 Nghị định 126/2014/NĐ-CP có quy định trong trường hợp chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận được áp dụng thì trong thời kỳ hôn nhân, vợ chồng có quyền thỏa thuận sửa đổi, bổ sung một phần hoặc toàn bộ nội dung của chế độ tài sản đó hoặc áp dụng chế độ tài sản theo luật định. Thỏa thuận sửa đổi, bổ sung nội dung của chế độ tài sản của vợ chồng phải được công chứng hoặc chứng thực theo quy định của pháp luật. Như vậy, về hình thức, việc sửa đổi, bổ sung thỏa thuận cũng như việc xác lập mới nội dung thỏa thuận phải tuân thủ theo quy định tại Điều 47 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014.

Do đó, khi sửa đổi, bổ sung cũng phải tuân theo những hình thức chặt chẽ, phải được lập thành văn bản và phải được công chứng, chứng thực theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình.

Về hậu quả pháp lý (Điều 18 Nghị định 126/2014/NĐ-CP):

  • Việc sửa đổi, bổ sung nội dung chế độ tài sản của vợ chồng thông qua việc sửa đổi một phần hoặc toàn bộ nội dung đã thỏa thuận  không làm chấm dứt chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận mà chỉ làm thay đổi một số nội dung theo thỏa thuận của vợ chồng trước đó.
  • Thỏa thuận sửa đổi, bổ sung nội dung của chế độ tài sản của vợ chồng có hiệu lực từ ngày được công chứng hoặc chứng thực. Vợ, chồng có nghĩa vụ cung cấp cho người thứ ba biết về những thông tin liên quan.
  • Bên cạnh đó, để tránh tình trạng vợ, chồng sửa đổi, bổ sung nội dung của thỏa thuận chế độ tài sản của vợ chồng nhằm trốn tránh việc thực hiện nghĩa vụ dân sự, sau khi thỏa thuận chế độ tài sản của vợ chồng được sửa đổi, bổ sung thì các quyền, nghĩa vụ về tài sản phát sinh trước khi việc sửa đổi bổ sung được thực hiện thì vẫn có giá trị pháp lý, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác. Như vậy việc sửa đổi, bổ sung chỉ làm thay đổi các quyền và nghĩa vụ của vợ, chồng đối với tài sản của vợ, chồng theo thỏa thuận mà không làm thay đổi các quyền và nghĩa vụ về tài sản của vợ, chồng đối với bên thứ ba có liên quan.

>>>Xem thêm: Tranh chấp về chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân

Thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng vô hiệu

Trường hợp thỏa thuận về  tài sản của vợ chồng bị Tòa án tuyên bố vô hiệu (Điều 50 Luật Hôn nhân và gia đình 2014) như sau:

  • Không tuân thủ điều kiện có hiệu lực của giao dịch được quy định tại Bộ luật dân sự và các luật khác có liên quan;
  • Vi phạm nguyên tắc chung về chế độ tài sản của vợ chồng
  • Vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng trong việc đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình
  • Vi phạm giao dịch liên quan đến nhà là nơi ở duy nhất của vợ chồng
  • Vi phạm giao dịch với người thứ ba ngay tình liên quan đến tài khoản ngân hàng, tài khoản chứng khoán và động sản khác mà theo quy định của pháp luật không phải đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng.
  • Nội dung của thỏa thuận vi phạm nghiêm trọng quyền được cấp dưỡng, quyền được thừa kế và quyền, lợi ích hợp pháp khác của cha, mẹ, con và thành viên khác của gia đình.

Trình tự, thủ tục giải quyết yêu cầu Tòa án tuyên bố thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng bị vô hiệu được thực hiện theo quy định của pháp luật (Điều 5 Thông tư liên tịch 01/2016/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP).

>>>Xem thêm: Thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng bị vô hiệu khi nào?

Những điều cần lưu ý khi áp dụng chế độ tài sản theo thỏa thuận

Thứ nhất, xác định quyền sở hữu đối với tài sản. Vợ chồng cần xác định rõ tài sản nào là tài sản riêng của mỗi bên, tài sản nào là tài sản chung của vợ chồng để xác định quyền và nghĩa vụ của mỗi người đối với tài sản đó. Vợ và chồng có thể thỏa thuận phương pháp xác định tài sản theo một trong những phương án sau:

  • Tài sản giữa vợ và chồng bao gồm tài sản chung và tài sản riêng của vợ chồng;
  • Giữa vợ và chồng không có tài sản riêng của vợ chồng mà tất cả tài sản do vợ, chồng có được trước khi kết hôn hoặc trong thời kỳ hôn nhân đều thuộc tài sản chung;
  • Giữa vợ và chồng không có tài sản chung mà tất cả tài sản do vợ chồng có được trước khi kết hôn và trong thời kỳ hôn nhân đều thuộc sở hữu riêng của người có được tài sản đó, hoặc;
  • Xác định theo thỏa thuận khác của vợ chồng.

Trong trường hợp vợ và chồng thỏa thuận các tài sản chung và riêng theo phương án liệt kê thì cần lưu ý rằng nếu trong thỏa thuận không có đề cập đến quyền tài sản đối với đối tượng sở hữu trí tuệ; tài sản mà vợ, chồng xác lập quyền sở hữu riêng theo bản án, quyết định của Tòa án hoặc cơ quan có thẩm quyền khác hoặc khoản trợ cấp, ưu đãi mà vợ, chồng được nhận theo quy định của pháp luật về ưu đãi người có công với cách mạng; quyền tài sản khác gắn liền với nhân thân của vợ, chồng thì những tài sản này sẽ được xác định là tài sản riêng của vợ chồng.

Thứ hai, nội dung của thỏa thuận vợ chồng về tài sản cần đáp ứng các nguyên tắc chung về chế độ tài sản của vợ chồng, cụ thể:

  • Vợ, chồng bình đẳng với nhau về quyền , nghĩa vụ trong việc tạo lập, chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung, không phân biệt giữa lao động trong gia đình và lao động có thu nhập;
  • Vợ, chồng có nghĩa vụ bảo đảm điều kiện để đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình;
  • Việc thực hiện quyền, nghĩa vụ về tài sản của vợ chồng mà xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của vợ, chồng, gia đình và của người khác thì phải bồi thường;

Thứ ba, đối với tài sản là nhà ở duy nhất của vợ và chồng thì việc xác lập, thực hiện, chấm dứt các giao dịch liên quan đến loại tài sản này cần phải có sự thỏa thuận của vợ và chồng. Trong trường hợp nhà ở duy nhất này là tài sản riêng của vợ hoặc chồng thì người có quyền sở hữu tài sản này có quyền thực hiện các giao dịch liên quan đến tài sản nhưng phải đảm bảo chỗ ở cho người còn lại.

Luật sư tư vấn lập hợp đồng trước hôn nhân và tài sản

  • Tư vấn về việc kết hôn, giúp Quý khách hàng giải đáp thắc mắc pháp lý liên quan đến vấn đề tài sản hôn nhân.
  • Soạn thảo thỏa thuận tài sản trước hôn nhân cho khách hàng.
  • Đại diện cho Quý khách hàng nộp hồ sơ tại Tòa án cấp có thẩm quyền theo quy định pháp luật.
  • Cùng khách hàng tham gia các buổi thỏa thuận tài sản.
  • Đại diện cho khách hàng tham gia tranh tụng.
  • Những công việc pháp lý có liên quan khác.

luật sư tư vấn Luật sư tư vấn pháp luật về thỏa thuận tài sản tiền hôn nhân

Mục đích chính của thỏa thuận tài sản trước hôn nhân là cung cấp sự rõ ràng và minh bạch về tình hình tài chính của mỗi người trước khi bước vào hôn nhân. Nó có thể giúp giải quyết các mối quan tâm tài chính khác nhau, chẳng hạn như thừa kế, quyền sở hữu doanh nghiệp và các khoản nợ hiện có. Tuy nhiên, điều cần lưu ý là các thỏa thuận này phải công bằng và không thiên vị một bên nào. Nếu bạn đọc còn bất kỳ vấn đề thắc mắc hoặc chưa rõ liên quan đến vấn đề này cần được tư vấn, vui lòng liên hệ theo hotline: 1900.63.63.87 để được luật sư tư vấn luật hôn nhân gia đình tư vấn chi tiết. Xin cảm ơn.

>>>Bài viết có thể bạn quan tâm:

4.8 (14 bình chọn)

Bài viết được Nguyễn Văn Đệ - Luật sư kiểm duyệt: Nguyễn Trần Phương
Nguyễn Văn Đệ - Luật sư kiểm duyệt: Nguyễn Trần Phương

Tác giả: Chuyên Viên Pháp Lý

Lĩnh vực tư vấn: Lao Động, Hôn Nhân Gia Đình, Dân Sự, Thừa Kế

Trình độ đào tạo: Đại Học Luật

Số năm kinh nghiệm thực tế: 3

Tổng số bài viết: 755 bài viết