Thủ tục khởi kiện yêu cầu cấp dưỡng tiền nuôi con sau ly hôn được tiến hành khi vợ, chồng không thể thỏa thuận được với nhau về mức cấp dưỡng, phương thức cấp dưỡng, hoặc bên cấp dưỡng trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng. Để nắm rõ thông tin chi tiết về thủ tục này, mời bạn đọc theo dõi nội dung tư vấn dưới bài viết.

>>> Xem thêm: Tư Vấn Về Cấp Dưỡng Con Khi Ly Hôn
Mục Lục
Quy định của pháp luật về cấp dưỡng tiền nuôi con sau ly hôn
Quyền yêu cầu cấp dưỡng
Căn cứ theo khoản 2 Điều 82, khoản 1 Điều 83, Điều 110 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định về quyền và nghĩa vụ cấp dưỡng như sau:
- Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con;
- Cha, mẹ trực tiếp nuôi con có quyền yêu cầu người không trực tiếp nuôi con thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng;
- Cha, mẹ có trách nhiệm cấp dưỡng cho con chưa thành niên, con đã thành niên không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình trong trường hợp không sống chung với con hoặc sống chung với con nhưng vi phạm nghĩa vụ nuôi dưỡng con.
Như vậy, cấp dưỡng là nghĩa vụ của cha, mẹ, do đó không phân biệt người trực tiếp nuôi con có khả năng kinh tế hay không, người không trực tiếp nuôi con vẫn phải có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con.
Tại mục 11 Nghị quyết 02/2000/NQ-HĐTP ban hành ngày 23 tháng 12 năm 2000 quy định trong trường hợp người trực tiếp nuôi con không yêu cầu người không trực tiếp nuôi con cấp dưỡng thì Toà án sẽ giải thích cho họ hiểu rằng việc yêu cầu cấp dưỡng nuôi con là quyền lợi của con, đảm bảo cho việc chăm sóc, giáo dục con.
Nếu xét thấy việc họ không yêu cầu cấp dưỡng là tự nguyện, họ có đầy đủ khả năng, điều kiện nuôi dưỡng con thì Toà án không buộc bên kia phải cấp dưỡng nuôi con.
Mức cấp dưỡng

Căn cứ theo Điều 116 Luật hôn nhân gia đình 2014, mức cấp dưỡng dựa vào các yếu tố sau:
- Mức cấp dưỡng do người có nghĩa vụ cấp dưỡng và người được cấp dưỡng hoặc người giám hộ của người đó thỏa thuận;
- Mức cấp dưỡng dựa vào căn cứ vào thu nhập, khả năng thực tế của người có nghĩa vụ cấp dưỡng và nhu cầu thiết yếu của người được cấp dưỡng;
- Trường hợp không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết;
- Khi có lý do chính đáng, mức cấp dưỡng có thể thay đổi;
- Việc thay đổi mức cấp dưỡng do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết.
Căn cứ vào Điểm b Mục 11, Nghị quyết 02/2000/NQ-HĐTP quy định tiền cấp dưỡng nuôi con bao gồm những chi phí tối thiểu cho việc nuôi dưỡng và học hành của con và do các bên thoả thuận.
Trong trường hợp các bên không thoả thuận được thì tuỳ vào từng trường hợp cụ thể, vào khả năng của mỗi bên mà quyết định mức cấp dưỡng nuôi con cho hợp lý.
Phương thức cấp dưỡng
- Căn cứ theo Điều 117 Luật hôn nhân gia đình 2014, Việc cấp dưỡng có thể được thực hiện định kỳ hàng tháng, hàng quý, nửa năm, hàng năm hoặc một lần.
- Các bên có thể thỏa thuận thay đổi phương thức cấp dưỡng, tạm ngừng cấp dưỡng trong trường hợp người có nghĩa vụ cấp dưỡng lâm vào tình trạng khó khăn về kinh tế mà không có khả năng thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết.
Kiện đòi trợ cấp nuôi con

Căn cứ tại Khoản 2 Điều 107 Luật hôn nhân gia đình 2014, trong trường hợp người có nghĩa vụ nuôi dưỡng trốn tránh nghĩa vụ thì theo “yêu cầu” của cá nhân, cơ quan, tổ chức được quy định tại Điều 119 của Luật này, Tòa án sẽ áp dụng biện pháp cưỡng chế yêu cầu thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng.
Trường hợp vợ chồng ly hôn tại Tòa án và các bên không yêu cầu giải quyết vấn đề cấp dưỡng, tuy nhiên sau khi ly hôn lại không thỏa thuận được nên khởi kiện yêu cầu Tòa án phân xử lại việc trợ cấp nuôi con thì thủ tục khởi kiện được tiến hành theo Bộ luật tố tụng dân sự 2015 tại Chương XII, cụ thể:
Bước 1: Vợ , chồng nộp hồ sơ khởi kiện đến Tòa án
Hồ sơ khởi kiện gồm:
- Đơn khởi kiện về việc cấp dưỡng;
- Chứng minh thư nhân dân, hộ khẩu gia đình (có chứng thực hoặc công chứng);
- Bản án, quyết định ly hôn;
- Chứng cứ chứng minh thu nhập của vợ, chồng;
- Bản sao có chứng thực giấy khai sinh của con.
Bước 2: Tòa án nhận và thụ lý đơn khởi kiện
Bước 3: Tòa án tiến hành giải quyết
Thủ tục thay đổi mức cấp dưỡng nuôi con sau ly hôn
Căn cứ tại Khoản 2 Điều 116 Luật hôn nhân gia đình 2014, trường hợp bên cấp dưỡng gặp khó khăn trong cuộc sống, nợ khó, thu nhập không ổn định thì có quyền yêu cầu thay đổi mức cấp dưỡng. Nếu như bên còn lại không đồng ý thì có thể làm đơn đến Tòa án để yêu cầu thay đối mức cấp dưỡng. Thủ tục khởi kiện được tiến hành theo quy định tại chương XII Bộ luật tố tụng dân sự 2015, cụ thể:
Bước 1: Nộp hồ sơ đến Tòa án có thẩm quyền, hồ sơ gồm:
- Đơn yêu cầu thay đổi mức cấp dưỡng nuôi con;
- Bản án, quyết định ly hôn;
- Chứng minh thư nhân dân, hộ khẩu gia đình (có chứng thực hoặc công chứng);
- Chứng cứ chứng minh thu nhập của vợ, chồng.
Bước 2: Tòa án nhận và thụ lý đơn khởi kiện
Bước 3: Tòa án tiến hành giải quyết
Trên đây là toàn bộ nội dung tư vấn liên quan đến thủ tục khởi kiện yêu cầu cấp dưỡng tiền nuôi con sau ly hôn. Nếu độc giả có thắc mắc liên quan đến quy trình trên, vui lòng liên hệ hotline 1900 63 63 87 để được luật sư tư vấn hôn nhân giải đáp chi tiết.
*Lưu ý: Nội dung tư vấn trên đây chỉ mang tính tham khảo. Tùy từng thời điểm và đối tượng khác nhau mà nội dung tư vấn trên có thể sẽ không còn phù hợp. Mọi thắc mắc, góp ý xin vui lòng liên hệ về email: chuyentuvanluat@gmail.com.