Giải quyết tranh chấp hợp đồng tín dụng. Tranh chấp hợp đồng tín dụng thường xuyên xảy ra do nhu cầu vay vốn để kinh doanh của người dân ngày càng lớn. Khi tranh chấp xảy ra thì các bên sẽ yêu cầu Tòa án thụ lý giải quyết. Bài viết sau tư vấn các vấn đề liên quan đến giải quyết tranh chấp hợp đồng tín dụng.
Giải quyết tranh chấp hợp đồng tín dụng
Mục Lục
Hợp đồng tín dụng là gì?
Theo Điều 463 Bộ luật Dân sự 2015 thì hợp đồng vay tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho vay giao tài sản cho bên vay; khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi nếu có thoả thuận hoặc pháp luật có quy định.
Bản chất hợp đồng tín dụng là một dạng cụ thể của hợp đồng vay tài sản. Tuy nhiên, chỉ gọi là hợp đồng tín dụng trong trường hợp bên cho vay là các tổ chức tín dụng (Khái niệm tổ chức tín dụng được quy định tại khoản 1 Điều 4 Luật Các Tổ chức Tín dụng 2010).
Hợp đồng tín dụng phải có nội dung về điều kiện vay, mục đích sử dụng vốn vay, phương thức cho vay, số vốn vay, lãi suất, thời hạn cho vay, hình thức bảo đảm, giá trị tài sản bảo đảm, phương thức trả nợ và những cam kết khác được các bên thoả thuận.
Phân loại hợp đồng tín dụng bao gồm:
- Căn cứ vào thời hạn cho vay: hợp đồng tín dụng ngắn hạn, hợp đồng tín dụng trung hạn, hơp đồng tín dụng dài hạn.
- Căn cứ vào đối tượng tín dụng cho vay: hợp đồng tín dụng vốn cố định, hợp đồng tín dụng vốn lưu động.
- Căn cứ vào mức độ tín nhiệm các tổ chức tín dụng: hợp đồng tín dụng không cần bảo đảm, hợp đồng tín dụng có đảm bảo.
Mối liên hệ giữa hợp đồng tín dụng và hợp đồng thế chấp tài sản:
Đối với hợp đồng tín dụng có tài sản thế chấp thì luôn phải gắn hợp đồng tín dụng vì chỉ khi hợp đồng thế chấp được ký kết và đăng ký giao dịch bảo đảm thành công thì Ngân hàng mới ký hợp đồng tín dụng cho vay tiền. Về cơ bản hợp đồng thế chấp thường ghi thông tin việc thế chấp này là để đảm bảo nghĩa vụ tài chính của bên vay tại Ngân hàng, cũng có trường hợp Ngân hàng và người có tài sản thế chấp thỏa thuận với nhau về thời gian thực hiện việc thế chấp sao cho phù hợp với kế hoạch sử dụng vốn vay của các bên.
Quá trình giải quyết tranh chấp hợp đồng tín dụng
Tranh chấp hợp đồng tín dụng là những mâu thuẫn, bất đồng phát sinh từ quyền và nghĩa vụ trong hợp đồng tín dụng giữa các bên cho vay là tổ chức tín dụng và bên vay. Đó là những tranh chấp về việc giải ngân, nợ lãi, lãi xuất, xử lý tài sản thế chấp.
Quy trình giải quyết tranh chấp hợp đồng tín dụng
Có nhiều dạng tranh chấp hợp đồng tín dụng như tranh chấp về hành vi vi phạm nghĩa vụ của một hoặc các bên trong hợp đồng; tranh chấp về việc thực hiện biện pháp bảo đảm đối với hợp đồng tín dụng có bảo đảm bằng tài sản; tranh chấp về chủ thể xác lập, thực hiện hợp đồng; tranh chấp về định giá, xử lý tài sản bảo đảm đối với những hợp đồng tín dụng có bảo đảm bằng tài sản và tranh chấp về pháp luật giải quyết tranh chấp hợp đồng tín dụng.
Pháp luật hiện hành quy định các phương thức giải quyết cụ thể như: Thương lượng, hòa giải, trọng tài và tòa án. Trong đó, phương thức giải quyết tranh chấp hợp đồng tín dụng tại Tòa án là phương thức phổ biến được các bên lựa chọn để giải quyết tranh chấp.
Căn cứ Điều 35 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015 (BLTTDS), thẩm quyền của Tòa án Nhân dân (TAND) các cấp được xác định như sau:
- TAND cấp huyện có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những tranh chấp phát sinh từ hợp đồng tín dụng không có yếu tố nước ngoài (đương sự hoặc tài sản ở nước ngoài, hay cần ủy thác tư pháp ra nước ngoài.
- TAND cấp tỉnh có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những tranh chấp phát sinh từ hợp đồng tín dụng có yếu tố nước ngoài.
Thủ tục giải quyết tranh chấp hợp đồng tín dụng bằng phương thức Tòa án thực hiện theo trình tự tố tụng quy định tại BLTTDS, bao gồm 2 cấp xét xử là: sơ thẩm và phúc thẩm.
>>> Tham khảo thêm về: Tranh chấp hợp đồng vay tiêu dùng
Hệ quả pháp lý phát sinh khi giải quyết tranh chấp hợp đồng tín dụng
Trong hợp đồng tín dụng, bên cho vay chỉ có thể đòi tiền người vay sau một thời gian nhất định nên thường dẫn đến rủi ro, chẳng hạn người vay không thanh toán hoặc thanh toán không đúng hạn như đã thỏa thuận trong hợp đồng. Vì những lý do này mà đa số những hợp đồng tín dụng được các tổ chức tín dụng soạn sẵn những quy định về các điều khoản giải quyết khi tranh chấp hợp đồng tín dụng xảy ra.
Hệ quả pháp lý khi phát sinh giải quyết tranh chấp
Việc xử lý vi phạm trong thời gian hiệu lực hợp đồng tín dụng khi một bên phát hiện bên kia vi phạm hợp đồng thì thông báo bằng văn bản cho bên kia yêu cầu khắc phục vi phạm đó. Hết thời hạn ghi trong thông báo mà bên vi phạm không khắc phục thì bên yêu cầu được quyền áp dụng biện pháp cần thiết để đảm bảo quyền lợi hợp pháp của mình. Trong trường hợp có tranh chấp xảy ra các bên có giải quyết bằng thương lượng bình đẳng giữa hai bên. Trường hợp không thương lượng được thì có thể đưa ra Tòa án có thẩm quyền giải quyết. Phán quyết của Tòa án có hiệu lực bắt buộc đối với các bên theo quy định pháp luật hiện hành.
Đối với hợp đồng tín dụng có thế chấp tài sản thì theo quy định tại Điều 5 Nghị quyết 42/2017/QH14 tổ chức tín dụng có quyền xử lý nợ xấu, tài sản đảm bảo nợ xấu công khai, minh bạch, theo quy định của pháp luật; giá bán phù hợp với giá trị trường, có thể cao hơn hoặc thấp hơn nợ gốc của khoản nợ. Và theo Điều 7 Nghị quyết 42/2017/QH14 Tổ chức tín dụng có quyền được thu giữ tài sản bảo đảm nếu bên bảo đảm, bên giữ tài sản không giao tài sản bảo đảm cho tổ chức tín dụng, chi nhành ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu để xử lý.
Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu thực hiện công khai thông tin về thời gian, địa điểm thu giữ tài sản bảo đảm, tài sản bảo đảm thu giữ chậm nhất 15 ngày trước ngày tiến hành thu giữ tài sản bảo đảm.
Trên đây là toàn bộ nội dung tư vấn liên quan đến vấn đề giải quyết tranh chấp hợp đồng tín dụng. Trường hợp quý khách hàng phát sinh bất kì thắc mắc nào hoặc cần tư vấn pháp lý, xin vui lòng liên hệ ngay Chuyên Tư Vấn Luật qua hotline 1900 63 63 87 để được tư vấn chi tiết.