Luật Hình Sự

Cơ quan nào có thẩm quyền giải quyết đơn tố giác?

Cơ quan nào có thẩm quyền giải quyết đơn tố giác Đây có lẽ là một câu hỏi được rất nhiều cá nhân, tổ chức quan tâm khi muốn tố giác một hành vi có dấu hiệu tội phạm. Vậy pháp luật tố tụng hình sự Việt Nam hiện hành quy định như thế nào về vấn đề thẩm quyền giải quyết đơn tố giác. Bài viết dưới đây của Chuyên Tư Vấn Luật chúng tôi sẽ giúp quý bạn đọc làm rõ.

Cơ quan có thẩm quyền giải quyết đơn tố giác

Tố giác tội phạm theo quy định của tố tụng hình sự

Tố giác về tội phạm là việc cá nhân phát hiện và tố cáo hành vi có dấu hiệu tội phạm với cơ quan có thẩm quyền. Việc tố giác tội phạm có thể thực hiện bằng lời nói hoặc bằng văn bản. Đây là một nguồn tin về tội phạm.

Cơ sở pháp lý: Khoản 1, 4 Điều 144 Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015.

Tố giác tội phạm là quyền của tổ chức, cá nhân tham gia đấu tranh phòng, chống tội phạm. Đây là một trong những căn cứ để xác định có dấu hiệu tội phạm.

Cơ sở pháp lý: Khoản 2 Điều 5, khoản 1 Điều 143 Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015.

Cá nhân đã tố giác tội phạm có quyền:

  • Yêu cầu cơ quan có thẩm quyền giữ bí mật về việc tố giác, bảo vệ tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, các quyền và lợi ích hợp pháp khác của họ, người thân thích của họ khi bị đe dọa;
  • Được thông báo kết quả giải quyết tố giác;
  • Khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng trong việc tiếp nhận, giải quyết tố giác.

Cơ sở pháp lý: Khoản 1 Điều 56 Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015.

Mẫu đơn tố giác tội phạm

Thẩm quyền giải quyết đơn tố giác thuộc về cơ quan nào?

Thẩm quyền giải quyết đơn tố giác tội phạm thuộc về 3 cơ quan, bao gồm:

Cơ quan điều tra

Cơ quan điều tra có thẩm quyền giải quyết tố giác theo thẩm quyền điều tra của mình. Cụ thể, thẩm quyền điều tra của Cơ quan điều tra bao gồm:

  • Cơ quan điều tra của Công an nhân dân điều tra tất cả các tội phạm, trừ những tội phạm thuộc thẩm quyền điều tra của Cơ quan điều tra trong Quân đội nhân dân và Cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao.
  • Cơ quan điều tra trong Quân đội nhân dân điều tra các tội phạm thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án quân sự.
  • Cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Cơ quan điều tra Viện kiểm sát quân sự trung ương điều tra tội phạm xâm phạm hoạt động tư pháp, tội phạm về tham nhũng, chức vụ quy định tại Chương XXIII và Chương XXIV của Bộ luật hình sự xảy ra trong hoạt động tư pháp mà người phạm tội là cán bộ, công chức thuộc Cơ quan điều tra, Tòa án, Viện kiểm sát, cơ quan thi hành án, người có thẩm quyền tiến hành hoạt động tư pháp.

Cơ sở pháp lý: Điểm a Khoản 3 Điều 145, Khoản 1, 2, 3 Điều 163 Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015.

>>> Xem thêm: Quy trình xử lý đơn thư tố giác tội phạm của cơ quan công an điều tra

Cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra

Cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm theo thẩm quyền điều tra của mình.

Cơ sở pháp lý: Điểm b Khoản 3 Điều 145 Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015.

Thẩm quyền giải quyết tố giác tội phạm

Viện kiểm sát

Viện Kiểm sát giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố trong trường hợp phát hiện Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra có vi phạm pháp luật nghiêm trọng trong hoạt động kiểm tra, xác minh tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố hoặc có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm mà Viện Kiểm sát đã yêu cầu bằng văn bản nhưng không được khắc phục. Như vậy, thẩm quyền giải quyết tố giác tội phạm của Viện kiểm sát chỉ phát sinh khi có vi phạm đã được yêu cầu bằng văn bản nhưng không được khắc phục trong việc giải quyết tố giác bởi Cơ quan điều tra và Cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra.

Cơ sở pháp lý: Điểm c Khoản 3 Điều 145 Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015.

Thời hạn giải quyết đơn tố giác

Sau khi nhận được đơn tố giác, trong thời hạn 20 ngày, Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra phải kiểm tra, xác minh và ra một trong các quyết định:

  • Quyết định khởi tố vụ án hình sự;
  • Quyết định không khởi tố vụ án hình sự;
  • Quyết định tạm đình chỉ việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố.

Nếu vụ việc bị tố giác có nhiều tình tiết phức tạp, phải kiểm tra, xác minh tại nhiều địa điểm thì thời hạn giải quyết tố giác có thể kéo dài nhưng không quá 02 tháng. Sau khi đã kéo dài nhưng vẫn chưa thể kết thúc việc kiểm tra, xác minh thì Viện trưởng Viện Kiểm sát cùng cấp hoặc Viện trưởng Viện Kiểm sát có thẩm quyền có thể gia hạn một lần nhưng không quá 02 tháng. Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra phải có văn bản đề nghị Viện Kiểm sát cùng cấp hoặc Viện Kiểm sát có thẩm quyền gia hạn chậm nhất là 05 ngày trước khi hết thời hạn kiểm tra, xác minh.

Cơ sở pháp lý: Khoản 1, 2 Điều 147 Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015.

>>> Xem thêm: Mẫu đơn tố giác tội phạm

Luật sư tư vấn tố giác tội phạm

Chuyên Tư Vấn Luật chúng tôi với đội ngũ luật sư giỏi, dày dặn kinh nghiệm, cung cấp các dịch vụ tư vấn tố giác tội phạm, cụ thể bao gồm:

  • Tư vấn các quy định về tố giác tội phạm;
  • Tư vấn trình tự, thủ tục tố giác;
  • Tư vấn nội dung làm đơn tố giác tội phạm, làm rõ các yêu cầu giải quyết;
  • Tư vấn việc bổ sung các tài liệu, chứng cứ kèm theo đơn tố giác tội phạm;
  • Hỗ trợ soạn thảo, hoàn thiện hình thức, nội dung đơn tố giác.

Như vậy, pháp luật Việt Nam về tố tụng hình sự đã có những quy định cụ thể về cơ quan có thẩm quyền giải quyết đơn tố giác. Nếu quý bạn đọc vẫn còn thắc mắc hoặc cần TƯ VẤN LUẬT HÌNH SỰ xin vui lòng liên hệ qua hotline 1900.63.63.87 để được hỗ trợ và tư vấn kịp thời. Xin cảm ơn.

4.9 (20 bình chọn)

Bài viết được Tham vấn bởi Luật sư: Võ Tấn Lộc - Tác giả: Vũ Thị Hải Yến
Tham vấn bởi Luật sư: Võ Tấn Lộc - Tác giả: Vũ Thị Hải Yến

Tác giả: Chuyên Viên Pháp Lý - Vũ Thị Hải Yến

Lĩnh vực tư vấn: hành chính, dân sự, đất đai, di chúc, thừa kế.

Trình độ đào tạo: Trường Đại học Luật

Số năm kinh nghiệm thực tế: 2 năm

Tổng số bài viết: 899 bài viết