Luật Hình Sự

Quy trình xử lý đơn thư tố giác tội phạm của cơ quan công an điều tra

Tố giác tội phạm là hành động giúp cho cơ quan có thẩm quyền xác định được tội phạm và khởi tố vụ án hình sự. Quy trình tố giác tội phạm và quy trình xử lý đơn thư tố giác tội phạm của cơ quan công an điều tra phải được thực hiện đúng theo quy định của pháp luật. Bài biết sau đây sẽ cung cấp cho bạn đọc những thông tin pháp lý về vấn đề trên.

Hướng dẫn quy trình tố giác tội phạm

Quy định của pháp luật về tố giác tội phạm hình sự

Tố giác tội phạm là gì?

Theo quy định của luật tố tụng hình sự thì tố giác tội phạm là việc cá nhân phát hiện, tố cáo hành vi có dấu hiệu tội phạm với cơ quan có thẩm quyền, cụ thể:

  • Người bị hại trình báo về hành vi phạm tội liên quan đến họ.
  • Người nhận được thông tin về tội phạm.

Mọi người đều có quyền và nghĩa vụ tố cáo về hành vi vi phạm pháp luật hình sự mà họ biết với cơ quan, tổ chức có thẩm quyền. Có thể bằng miệng hoặc thông qua thư, điện thoại hoặc bằng văn bản…

Quyền và nghĩa vụ của người tố giác tội phạm

Việc bảo vệ người tố cáo là trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền, nhằm bảo vệ người tố giác và khuyến khích người dân đứng ra tố giác tội phạm. Căn cứ Điều 56 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 người tố giác có quyền:

  • Yêu cầu cơ quan có thẩm quyền giữ bí mật việc tố giác;
  • Báo tin về tội phạm;
  • kiến nghị khởi tố;
  • Được bảo vệ tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền và lợi ích hợp pháp khác của họ và người thân thích khi bị đe dọa;
  • Được thông báo kết quả giải quyết tố giác.
  • Yêu cầu giải quyết khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng trong việc tiếp nhận, giải quyết tố giác.

Khi có căn cứ về việc do tố cáo mà quyền lợi của người tố cáo đang hoặc có nguy cơ bị xâm phạm, có quyền yêu cầu người giải quyết tố cáo, cơ quan khác có thẩm quyền áp dụng biện pháp bảo vệ cần thiết.

Trong vụ án nữ sinh giao gà ở Điện Biên, mẹ của nạn nhân mặc dù biết rõ sự việc và đối tượng phạm tội nhưng khi khai báo cho công an đã che giấu đi một phần sự thật, gây cản trở quá trình điều tra của CƠ QUAN CÔNG AN, dẫn đến hậu quả là con gái của bà không được cứu sống.

Như vậy, có thể thấy việc tố cáo tội phạm đóng vai trò rất quan trọng trong hoạt động điều tra, xét xử tội phạm của cơ quan công an. Do đó, phải tuân thủ các nghĩa vụ sau:

  • Phải có mặt theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền giải quyết nguồn tin về tội phạm;
  • Trình bày trung thực về những tình tiết mà mình biết về sự việc.

Người tố giác phải chịu trách nhiệm đối với nội dung tố giác. Nếu cố ý tố giác sai sự thật thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Tội vu khống theo Điều 156 Bộ luật hình sự 2015.

Quy trình tố giác tội phạm

  1. Xác định cơ quan có trách nhiệm tiếp nhận tố giác về tội phạm và kiến nghị khởi tố;
  2. Tiến hành tố giác, báo tin về tội phạm và kiến nghị khởi tố theo các hình thức sau: Trực tiếp đến trình báo, tố giác; hoặc Báo tin qua điện thoại tới cơ quan có thẩm quyền; hoặc Gửi văn bản trực tiếp hoặc gửi qua dịch vụ bưu chính (bưu điện) tới cơ quan có thẩm quyền;
  3. Theo dõi kết quả giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố
  4. Khi hết thời hạn 03 ngày kể từ ngày tố giác mà chưa nhận được thông báo bằng văn bản về việc tiếp nhận, cá nhân có quyền yêu cầu cơ quan tiếp nhận thông báo bằng văn bản về việc tiếp nhận tố giác.
  5. Khi hết thời gian giải quyết tố giác mà chưa nhận được văn bản thông báo kết quả giải quyết, cá nhân có quyền đề nghị cơ quan tiếp nhận thông báo bằng văn bản về kết quả giải quyết.

Các cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận tố giác theo Điều 145 Bộ luật tố tụng hình sự bao gồm:

  • Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố;
  • Cơ quan, tổ chức khác tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm.

Quy trình xử lý đơn thư tố giác tội phạm của cơ quan công an điều tra

Quy trình xử lý đơn thư tố giác tội phạm phải tuân thủ theo nguyên tắc kịp thời, chính xác, khách quan, đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục và thời hạn theo quy định của pháp luật.

Thủ tục tiếp nhận tố giác

Việc tiếp nhận tố cáo được cơ quan có thẩm quyền thực hiện theo quy định tại Điều 146 Bộ luật tố tụng hình sự 2015, như sau:

Công an xã có trách nhiệm lập biên bản tiếp nhận

  1. Nếu cơ quan tiếp nhận tố cáo là Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra có thẩm quyền thì phải lập biên bản tiếp nhận và ghi vào sổ tiếp nhận; có thể ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh việc tiếp nhận.
  2. Nếu phát hiện trường hợp tố giác không thuộc thẩm quyền giải quyết của mình thì cơ quan đã nêu trên có trách nhiệm chuyển ngay tố giác kèm tài liệu liên quan đã tiếp nhận cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền.
  3. Đơn vị tiếp nhận là Công an xã, phường, thị trấn, Đồn Công an có trách nhiệm tiếp lập biên bản tiếp nhận, tiến hành kiểm tra, xác minh sơ bộ và chuyển ngay tố giác về tội phạm kèm theo tài liệu, đồ vật có liên quan cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền.
  4. Trường hợp Các cơ quan, tổ chức khác nhận được tố giác thì chuyển ngay cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền. Trường hợp khẩn cấp thì có thể báo tin trực tiếp qua điện thoại hoặc hình thức khác cho Cơ quan điều tra nhưng sau đó phải thể hiện bằng văn bản.
  5. Trong thời hạn 03 ngày kể từ ngày tiếp nhận tố giác về tội phạm, Cơ quan có thẩm quyền điều tra thông báo bằng văn bản về việc tiếp nhận đó cho Viện kiểm sát cùng cấp hoặc Viện kiểm sát có thẩm quyền.

Quá trình giải quyết đơn tố giác

Theo Điêu 147 Bộ luật tố tụng hình sự 2015, trong thời hạn 20 ngày, Cơ quan công an điều tra phải kiểm tra, xác minh và ra một trong các quyết định:

  • Quyết định khởi tố vụ án hình sự;
  • Quyết định không khởi tố vụ án hình sự;
  •  Quyết định tạm đình chỉ việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố.

Trường hợp vụ việc bị tố giác có nhiều tình tiết phức tạp hoặc phải kiểm tra, xác minh tại nhiều địa điểm thì thời hạn giải quyết tố giác có thể kéo dài nhưng không quá 02 tháng, có thể gia hạn thêm một lần nhưng không quá 02 tháng.

Khi giải quyết tố giác cơ quan công an điều tra có quyền tiến hành các hoạt động:

  • Thu thập thông tin, tài liệu, đồ vật từ cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan để kiểm tra, xác minh nguồn tin;
  • Khám nghiệm hiện trường;
  • Khám nghiệm tử thi;
  • Trưng cầu giám định, yêu cầu định giá tài sản.

Trên đây là bài tư vấn về quy định của pháp luật trong xử lý đơn thư tố giác tội phạm và những vấn đề liên quan. Quý bạn đọc nếu có thắc mắc xin vui long liên hệ Hotline 1900 63 63 87 để được Luật sư tư vấn. Cảm ơn các bạn đã quan tâm theo dõi bài viết.

4.5 (15 bình chọn)

Bài viết được Tham vấn bởi Luật sư: Võ Tấn Lộc - Tác giả: Vũ Thị Hải Yến
Tham vấn bởi Luật sư: Võ Tấn Lộc - Tác giả: Vũ Thị Hải Yến

Tác giả: Chuyên Viên Pháp Lý - Vũ Thị Hải Yến

Lĩnh vực tư vấn: hành chính, dân sự, đất đai, di chúc, thừa kế.

Trình độ đào tạo: Trường Đại học Luật

Số năm kinh nghiệm thực tế: 2 năm

Tổng số bài viết: 898 bài viết