Luật Doanh Nghiệp

Giải quyết tranh chấp hợp đồng vận tải hàng hóa

Tranh chấp hợp đồng vận tải hàng hóa là một trong các loại tranh chấp kinh doanh, thương mại có mức độ phổ biến và rủi ro cao, đặc biệt trong các lĩnh vực hàng hải hay mua bán hàng hóa quốc tế. Vận chuyển hàng hóa hiện nay đóng vai trò quan trọng trong việc mở rộng tiếp cận thị trường và đưa hàng hóa đến với người tiêu dùng. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp cho bạn đọc những thông tin pháp lý liên quan đến giải quyết tranh chấp hợp đồng vận tải hàng hóa.

Hợp đồng vận tải hàng hóa

Giải quyết tranh chấp hợp đồng vận tải hàng hóa

Quy định pháp luật về hợp đồng vận tải hàng hóa

Khái niệm hợp đồng vận tải hàng hóa được ghi nhận ở Bộ luật Dân sự 2015 với thuật ngữ Hợp đồng vận chuyển tài sản. Xét về bản chất thì hàng hóa cũng là tài sản nên các thuật ngữ này không có sự mâu thuẫn.

Cụ thể, Điều 530 Bộ luật Dân sự 2015 quy định hợp đồng vận chuyển tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên vận chuyển có nghĩa vụ chuyển tài sản đến địa điểm đã định theo thỏa thuận và giao tài sản đó cho người có quyền nhận, bên thuê vận chuyển có nghĩa vụ trả cước phí vận chuyển.

Theo đó, ta có thể thấy, đối tượng của loại hợp đồng này là hàng hóa không thuộc nhóm các hàng hóa bị cấm kinh doanh hay cấm lưu hành tại thị trường Việt Nam. Hàng hóa bao gồm động sản, kể cả động sản hình thành trong tương lai, những vật gắn liền với đất đai (quy định tại khoản 2 Điều 3 Luật Thương mại 2005).

Bên cạnh đó, hình thức của hợp đồng vận tải hàng hóa khá đa dạng theo Điều 531 Bộ luật Dân sự 2015, các bên có thể giao kết bằng văn bản, bằng lời nói hoặc bằng hành vi cụ thể, Vận đơn hoặc chứng từ vận chuyển khác là bằng chứng của việc giao kết hợp đồng.

CSPL: Điều 530, 531 Bộ luật Dân sự 2015; khoản 2 Điều 3 Luật Thương mại 2005.

Nguyên nhân dẫn đến rủi ro tranh chấp hợp đồng vận tải hàng hóa

Trên thực tế, có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tranh chấp hợp động vận tải hàng hóa, các rủi ro có thể xuất phát từ một bên hay cả hai bên. Có thể kể đến một số lý do khách quan và chủ quan như sau:

Các nguyên nhân khách quan:

  • Các sự kiện bất khả kháng xảy ra mà khi giao kết hợp đồng, các bên không lường trước được như thiên tai, thời tiết, dịch bệnh…
  • Nền kinh tế có sự biến thiên, ảnh hưởng từ mối quan hệ cung-cầu của các bên tác động lớn lên lợi ích mỗi bên có nguy cơ gây ra tranh chấp.
  • Sự khác biệt trong quy định pháp luật của các quốc gia trong trường hợp vận tải hàng hóa có yếu tố nước ngoài, gây ra sự không thống nhất khi thực hiện hợp đồng.

Các nguyên nhân chủ quan:

  • Các bên khi thiết lập hợp đồng quá để ý đến lợi nhuận và bất chấp phá vỡ các nguyên tắc đã thỏa thuận.
  • Đôi bên thiếu sự hiểu biết nhất định về nội dung của hợp đồng, chủ quan khi thỏa thuận các điều khoản, không ghi nhận các điều khoản chịu rủi ro hay nghĩa vụ mà các bên phải chịu khi có tranh chấp xảy ra.
  • Khi giao kết hợp đồng vận tải có yếu tố nước ngoài, các bên thiếu sự tìm hiểu về pháp luật nước bạn, không có sự thỏa thuận về luật áp dụng.

Các tình huống tranh chấp hợp đồng vận chuyển thường gặp

Một số tình huống tranh chấp hợp đồng vận tải hàng hóa thường gặp như:

  • Tranh chấp hợp đồng vận chuyển hàng hóa khi bên thuê vận chuyển không giao hàng hóa không đúng thời hạn. Theo đó, quy định tại Khoản 2 Điều 532 Bộ luật Dân sự 2015, bên thuê vận chuyển giao tài sản không đúng thời hạn, địa điểm đã thỏa thuận thì phải có trách nhiệm thanh toán chi phí chờ đợi và tiền vận chuyển tài sản đến địa điểm đã thỏa thuận cho bên vận chuyển.
  • Tranh chấp hợp đồng vận tải hàng hóa khi bên vận chuyển để mất, hư hỏng hàng hóa. Trường hợp này, bên vận chuyển có nghĩa vụ bồi thường thiệt hại cho bên thuê vận chuyển khi bên vận chuyển làm mất, hư hỏng hàng hóa, trừ khi các bên có thỏa thuận khác (khoản 5 Điều 534 Bộ luật Dân sự 2015).
  • Tranh chấp hợp đồng vận chuyển hàng hóa khi một bên vi phạm nghĩa vụ thanh toán. Cước phí vận chuyển do các bên tự thỏa thuận với nhau. Bên thuê vận chuyển phải thanh toán đủ cước phí sau khi tài sản được chuyển lên phương tiện vận chuyển, nghĩa vụ thanh toán được xem như là một nghĩa vụ cơ bản nhất (Điều 533, khoản 1 Điều 536 Bộ luật Dân sự 2015). Do đó, các bên nên có sự thống nhất về nghĩa vụ thanh toán, nếu cần thiết thì nên có điều khoản phạt vi phạm do chậm thanh toán để bảo đảm nghĩa vụ được thực hiện. (Điều 300 Luật Thương mại 2005).

Tranh chấp hợp đồng vận chuyển hàng hóa

Tranh chấp hợp đồng vận chuyển hàng hóa

Thủ tục giải quyết tranh chấp hợp đồng vận tải

Tranh chấp hợp đồng vận chuyển hàng hóa

Tranh chấp hợp đồng vận chuyển hàng hóa

Thương lượng

Đây là phương thức giải quyết được lựa chọn đầu tiên khi có tranh chấp xảy ra. Phương thức này dễ thực hiện vì các bên chỉ cần trao đổi thông qua văn bản hay lời nói để nhằm mục đích đi đến một thống nhất chung. Đây được xem như là phương pháp giải quyết tranh chấp được khuyến khích sử dụng vì ít tốn kém nhất mà vẫn đảm bảo không có sự can thiệp từ phía bên thứ ba.

Hòa giải

Phương pháp hòa giải thương mại được đánh giá là phương pháp được khá nhiều bên lựa chọn khi muốn giải quyết tranh chấp, vì với lý do thủ tục đơn giản, linh hoạt, tiết kiệm thời gian, chi phí của các bên.

Thủ tục tiến hành hòa giải thương mại được ghi nhận ở Điều 14 Nghị định 22/2017/NĐ-CP về Hòa giải thương mại:

  • Các bên có quyền lựa chọn Quy tắc hòa giải của tổ chức hòa giải thương mại để tiến hành hòa giải hoặc tự thỏa thuận trình tự, thủ tục hòa giải. Hòa giải viên thương mại tiến hành hòa giải theo trình tự, thủ tục phù hợp với tình tiết vụ việc, nguyện vọng và được các bên chấp thuận trong trường hợp các bên không có thỏa thuận.
  • Tranh chấp có thể do một hoặc nhiều hòa giải viên thương mại tiến hành theo thỏa thuận.
  • Tại bất kỳ thời điểm nào trong quá trình hòa giải, hòa giải viên thương mại đều có quyền đưa ra đề xuất nhằm giải quyết tranh chấp.
  • Địa điểm, thời gian hòa giải được thực hiện theo thỏa thuận của các bên hoặc theo lựa chọn của hòa giải viên thương mại trong trường hợp các bên không có thỏa thuận.

Kết quả hòa giải thành được lập thành văn bản, có hiệu lực thi hành đối với các bên theo quy định của pháp luật dân sự. Kết quả hòa giải không thành, các bên có quyền tiếp tục hòa giải hoặc yêu cầu Tòa án hay Trọng tài giải quyết tranh chấp. (khoản 1, 4 Điều 15 Nghị định 22/2017/NĐ-CP)

CSPL: Điều 14, khoản 1, 4 Điều 15 Nghị định 22/2017/NĐ-CP.

Giải quyết tại tòa án

Căn cứ theo Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015, tranh chấp hợp đồng vận tải hàng hóa thuộc loại tranh chấp về kinh doanh, thương mại thuộc thẩm quyền của Tòa án theo Khoản 1 Điều 30 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015.

Thẩm quyền giải quyết theo cấp: đối với tranh chấp về kinh doanh, thương mại giữa cá nhân, tổ chức có đăng ký kinh doanh với nhau và đều có mục đích lợi nhuận sẽ thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân cấp huyện (Điểm b Khoản 1 Điều 35 BLTTDS 2015).

Thẩm quyền giải quyết theo lãnh thổ: căn cứ theo quy định tại Điều 39 BLTTDS 2015 để xác định cụ thể tòa án nơi nào có thẩm quyền giải quyết.

Thủ tục giải quyết tranh chấp tại Tòa án bao gồm:

  • Khởi kiện
  • Thụ lý vụ án
  • Hòa giải và chuẩn bị xét xử
  • Xét xử sơ thẩm
  • Xét xử phúc thẩm
  • Giám đốc thẩm/tái thẩm

CSPL: Khoản 1 Điều 30, Điểm b Khoản 1 Điều 35, Điều 39 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015.

Giải quyết bằng trọng tài thương mại

Quy trình giải quyết tranh chấp bằng trọng tài được quy định cụ thể tại Luật Trọng tài thương mại 2010. Theo đó, quy trình bao gồm các bước sau:

Bước 1: Gửi đơn khởi kiện đến Trung tâm trọng tài.

Nội dung đơn khởi kiện theo quy định tại Khoản 2 Điều 30 Luật Trọng tài thương mại 2010, và kèm phải có thỏa thuận trọng tài, các giấy tờ có liên quan.

Bước 2: Thành lập hội đồng trọng tài

Quy định tại Điều 38 Luật Trọng tài thương mại 2010 cho phép các bên vẫn có quyền tự mình thương lượng, thỏa thuận chấm dứt việc giải quyết tranh chấp. Khi không thỏa thuận được thì một Hội đồng trọng tài được thành lập để giải quyết tranh chấp. Trình tự thành lập trọng tài được quy định tại Điều 40 Luật Trọng tài thương mại 2010.

Bước 3: Phiên họp giải quyết tranh chấp

Theo quy định tại Điều 58 Luật Trọng tài thương mại 2010, khi các bên thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết tranh chấp thì Hội đồng trọng tài lập biên bản hoà giải thành có chữ ký của các bên và xác nhận của các Trọng tài viên. Hội đồng trọng tài ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các bên. Quyết định này là chung thẩm và có giá trị như phán quyết trọng tài.

Bước 4: Ban hành phán quyết trọng tài

Trường hợp không hòa giải thành thì Hội đồng trọng tài sẽ giải quyết tranh chấp. Kết quả giải quyết tranh chấp được thể hiện qua phán quyết của Hội đồng trọng tài. Theo Điều 60 Luật Trọng tài thương mại 2010, Hội đồng trọng tài ra phán quyết bằng cách biểu quyết theo nguyên tắc đa số.

Trường hợp biểu quyết không đạt được đa số thì phán quyết được lập theo ý kiến của Chủ tịch Hội đồng trọng tài. Phán quyết trọng tài là chung thẩm và có hiệu lực kể từ ngày ban hành.

Luật sư giải quyết tranh chấp hợp đồng vận tải hàng hóa

  • Tư vấn, soạn thảo hợp đồng và các văn bản pháp lý liên quan đến vận chuyển hàng hóa.
  • Cập nhật, hỗ trợ Quý khách hàng nắm bắt kịp thời quy định hợp đồng vận tải hàng hóa.
  • Tư vấn pháp luật, đánh giá mâu thuẫn trong quan hệ tranh chấp giữa các bên để đưa ra hướng giải quyết, cân bằng lợi ích, giảm thiểu các chi phí, thời gian và công sức của các bên.
  • Đại diện khách hàng tham gia thương lượng, hòa giải tranh chấp liên quan hợp đồng vận tải hàng hóa.
  • Đại diện theo ủy quyền của khách hàng trong quá trình xét xử tại tòa án, trọng tài.

Trên đây là bài viết cung cấp các thông tin về các vấn đề liên quan đến giải quyết tranh chấp hợp đồng vận tải hàng hóa. Nếu khách hàng muốn biết thêm thông tin thì hãy liên hệ với chúng tôi qua tổng đài 1900.63.63.87 hoặc email: chuyentuvanluat@gmail.com để được Luật sư Doanh Nghiệp của Chuyên Tư Vấn Luật tư vấn cụ thể.

4.91 (11 bình chọn)

Bài viết được Trương Quốc Dũng - Luật sư kiểm duyệt: Trần Tiến Lực
Trương Quốc Dũng - Luật sư kiểm duyệt: Trần Tiến Lực

Tác giả: Chuyên Viên Pháp Lý

Lĩnh vực tư vấn: Hợp Đồng, Xây Dựng, Sở Hữu Trí Tuệ, Doanh Nghiệp

Trình độ đào tạo: Đại Học Luật

Số năm kinh nghiệm thực tế: 3

Tổng số bài viết: 728 bài viết