Luật Doanh Nghiệp

Thủ Tục Chuyển Đổi Hộ Kinh Doanh Thành Doanh Nghiệp

Hiện nay, do sự phát triển của thị trường và nhu cầu sản xuất kinh doanh mà rất nhiều hộ kinh doanh muốn chuyển đổi lên thành các doanh nghiệp để có thể đáp ứng nhu cầu của thị trường. Tuy nhiên, không phải ai cũng nắm được các quy định của pháp luật về thủ tục chuyển đổi này để thực hiện nhanh chóng. Do đó, trong bài viết này, chúng tôi sẽ hướng dẫn các cá nhân về thủ tục chuyển đổi hộ kinh doanh thành doanh nghiệp.

Thủ tục chuyển đổi hộ kinh doanh thành doanh nghiệp
Thủ tục chuyển đổi hộ kinh doanh thành doanh nghiệp

Khái quát về hộ kinh doanh

Theo quy định tại khoản 1 Điều 79 Nghị định 01/2021/NĐ-CP, Hộ kinh doanh do một cá nhân hoặc một nhóm người gồm các cá nhân là công dân Việt Nam đủ 18 tuổi, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, hoặc một hộ gia đình làm chủ, chỉ được đăng ký kinh doanh tại một địa điểm, sử dụng dưới mười lao động và chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình đối với hoạt động kinh doanh.

Mặc dù hộ kinh doanh được thành lập dễ dàng, chi phí thấp và không phải kê khai hay nộp các loại thuế thu nhập. Tuy nhiên, để đáp ứng nhu cầu sản xuất kinh doanh của hộ nhưng lại vướng phải các hạn chế sau:

  • Hạn chế phạm vi quyền hoạt động kinh doanh;
  • Chỉ được hoạt động tại nơi đăng ký quận/ huyện mà không được mở chi nhánh, văn phòng đại diện tại địa phương khác;
  • Khó hỗ trợ vay vốn ngân hàng để mở rộng hoạt động kinh doanh;
  • Chỉ được sử dụng dưới 10 lao động.

Chính vì những hạn chế trên mà hiện nay, rất nhiều hộ kinh doanh muốn chuyển đổi lên thành doanh nghiệp.

Ưu điểm của doanh nghiệp

  • Tự do kinh doanh mọi ngành nghề mà luật không cấm;
  • Tự do mở rộng phạm vi hoạt động kinh doanh trên toàn quốc;
  • Không giới hạn số thành viên/ cổ đông cùng góp vốn tham gia thành lập;
  • Được điều chỉnh mức vốn điều lệ phù hợp với hoạt động sản xuất kinh doanh;
  • Dễ dàng hợp tác với các doanh nghiệp trong và ngoài nước;
  • Được hỗ trợ vay vốn doanh nghiệp để mở rộng hoạt động sản xuất;
  • Không giới hạn số lượng lao động làm việc tại doanh nghiệp.

 

Ưu điểm của doanh nghiệp so với hộ kinh doanh
Ưu điểm của doanh nghiệp so với hộ kinh doanh

Thủ tục chuyển đổi

Hộ kinh doanh muốn chuyển đổi thành doanh nghiệp thì trước tiên phải chấm dứt hoạt động kinh doanh, sau đó, thực hiện các thủ tục thành lập doanh nghiệp với loại hình mong muốn. Theo đó, trình tự thực hiện như sau:

Thứ nhất, Thủ tục chấm dứt hoạt động hộ kinh doanh

Theo quy định tại Điều 92 Nghị định 01/2021/NĐ-CP, hộ kinh doanh muốn chấm dứt hoạt động, hộ kinh doanh chuẩn bị 01 bộ hồ sơ gồm:

  • Thông báo chấm dứt hoạt động của hộ kinh doanh;
  • Bản chính Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh;
  • Xác nhận thanh toán đủ các khoản nợ (bao gồm nợ thuế và các nghĩa vụ tài chính chưa thực hiện) của Chi cục thuế tại nơi Hộ kinh doanh đặt trụ sở;
  • Bản sao CMND/CCCD của người đi làm thủ tục.

Sau đó, gửi hồ sơ đến UBND cấp huyện nơi cấp giấy phép.

Phòng Tài chính – kế hoạch thuộc UBND cấp huyện kiểm tra hồ sơ, nếu hồ sơ hợp lệ thì trong thời hạn 05 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, ra Thông báo chấm dứt hoạt động của hộ kinh doanh.

Thứ hai, Thủ tục thành lập doanh nghiệp

Bước 1. Chuẩn bị hồ sơ

Tùy theo loại hình doanh nghiệp muốn chuyển đổi mà hồ sơ chuẩn bị sẽ khác nhau, đó là:

Một là, thành lập doanh nghiệp tư nhân

Thành phần hồ sơ gồm (Điều 21 Nghị định 01/2021/NĐ-CP):

  1. Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp (theo mẫu);
  2. Bản sao CMND/CCCD của chủ doanh nghiệp tư nhân;
  3. Giấy ủy quyền nộp – nhận kết quả hồ sơ (nếu có) và bản sao CMND/CCCD của người được ủy quyền.

Hai là, thành lập công ty TNHH Một thành viên

Thành phần hồ sơ gồm (Điều 24 Nghị định 01/2021/NĐ-CP):

  1. Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp (theo mẫu);
  2. Điều lệ công ty.
  3. Bản sao CMND/CCCD của người đại diện theo ủy quyền đổi với công ty được tổ chức quản lý.
  4. Bản sao CMND/CCCD của chủ sở hữu công ty nếu chủ sở hữu là cá nhân; Bản sao giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, quyết định thành lập, điều lệ hoặc giấy tờ tương đương khác của chủ sở hữu công ty đối với trường hợp chủ sở hữu là tổ chức.
  5. Văn bản ủy quyền của chủ sở hữu cho người được ủy quyền đối với trường hợp chủ sở hữu công ty là tổ chức.
  6. Giấy ủy quyền nộp – nhận kết quả hồ sơ (nếu có) và bản sao CMND/CCCD của người được ủy quyền.

Ba là, thành lập công ty TNHH hai thành viên trở lên

Thành phần hồ sơ (Điều 22, Điều 23 Nghị định 01/2021/NĐ-CP):

  1. Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp (theo mẫu).
  2. Điều lệ công ty.
  3. Danh sách thành viên công ty.
  4. Bản sao CMND/CCCD đối với trường hợp người thành lập doanh nghiệp là cá nhân; Bản sao Quyết định thành lập hoặc Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc giấy tờ tương đương khác, CMND/CCCD của người đại diện theo ủy quyền và văn bản ủy quyền tương ứng đối với trường hợp người thành lập doanh nghiệp là tổ chức.
  5. Giấy ủy quyền nộp – nhận kết quả hồ sơ (nếu có) và CMND/CCCD của người được ủy quyền.

Bốn là, thủ tục thành lập công ty cổ phần

Thành phần hồ sơ (Điều 22, Điều 23 Nghị định 01/2021/NĐ-CP):

  1. Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp (theo mẫu);
  2. Điều lệ công ty;
  3. Danh sách cổ đông sáng lập;
  4. Bản sao CMND/CCCD đối với trường hợp người thành lập doanh nghiệp là cá nhân; Bản sao Quyết định thành lập hoặc Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc giấy tờ tương đương khác, CMND/CCCD của người đại diện theo ủy quyền và văn bản ủy quyền tương ứng đối với trường hợp người thành lập doanh nghiệp là tổ chức.
  5. Giấy ủy quyền nộp – nhận kết quả hồ sơ (nếu có) và CMND/CCCD của người được ủy quyền.

Bước 2. Tiếp nhận, xử lý hồ sơ đăng ký doanh nghiệp

Thành lập doanh nghiệp sau khi đã chấm dứt hoạt động hộ kinh doanh
Thành lập doanh nghiệp sau khi đã chấm dứt hoạt động hộ kinh doanh

Người thành lập doanh nghiệp hoặc doanh nghiệp hoặc người đại diện theo ủy quyền nộp hồ sơ đến Phòng Đăng ký kinh doanh nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính.

Sau khi tiếp nhận hồ sơ đăng ký doanh nghiệp, Phòng Đăng ký kinh doanh trao Giấy biên nhận về việc nhận hồ sơ cho người nộp hồ sơ.

Bước 3. Cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp

Phòng Đăng ký kinh doanh cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, Giấy xác nhận về việc thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ.

Trường hợp hồ sơ chưa hợp lệ hoặc tên doanh nghiệp yêu cầu đăng ký không đúng theo quy định, Phòng Đăng ký kinh doanh phải thông báo rõ nội dung cần sửa đổi, bổ sung bằng văn bản cho người thành lập doanh nghiệp hoặc doanh nghiệp trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ.

Hỗ trợ hộ kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp nhỏ và vừa

Khi hộ kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp nhỏ và vừa thì sẽ nhận được những sự hỗ trợ theo quy định tại Điều 16 Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa 2017. Theo đó, doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi từ hộ kinh doanh được hỗ trợ nếu đáp ứng các điều kiện sau đây:

  • Trước khi thành lập doanh nghiệp, hộ kinh doanh đã đăng ký và hoạt động theo quy định của pháp luật;
  • Hộ kinh doanh có hoạt động sản xuất, kinh doanh liên tục ít nhất là 01 năm tính đến ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần đầu.

Nội dung hỗ trợ bao gồm:

  • Tư vấn, hướng dẫn miễn phí về hồ sơ, thủ tục thành lập doanh nghiệp;

Để được hỗ trợ theo nội dung này, doanh nghiệp cần chuẩn bị 01 bộ hồ sơ nộp tại đơn vị đầu mối được UBND cấp tỉnh giao tư vấn, hướng dẫn. Hồ sơ gồm:

  1. Bản sao Giấy đăng ký kinh doanh của hộ kinh doanh;
  2. Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký mã số thuế; 
  3. Bản sao chứng từ nộp lệ phí môn bài, các loại thuế và khoản nộp ngân sách nhà nước khác (nếu có), tờ khai thuế trong thời hạn 01 năm trước khi chuyển đổi. 
  4. Miễn lệ phí đăng ký doanh nghiệp và phí cung cấp thông tin doanh nghiệp lần đầu; miễn phí thẩm định, phí, lệ phí cấp phép kinh doanh lần đầu đối với ngành, nghề kinh doanh có điều kiện; miễn lệ phí môn bài trong thời hạn 03 năm kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần đầu;
  5. Tư vấn, hướng dẫn miễn phí về các thủ tục hành chính thuế và chế độ kế toán trong thời hạn 03 năm kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần đầu;
  6. Miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp có thời hạn theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp;
  7. Miễn, giảm tiền sử dụng đất có thời hạn theo quy định của pháp luật về đất đai.

Doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi từ hộ kinh doanh kế thừa toàn bộ quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp của hộ kinh doanh theo quy định của pháp luật. Trường hợp công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc công ty cổ phần được thành lập trên cơ sở chuyển đổi từ hộ kinh doanh, chủ hộ kinh doanh phải chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình đối với các khoản nợ chưa thanh toán của hộ kinh doanh, trừ trường hợp có thỏa thuận khác theo quy định của pháp luật.

Trên đây là toàn bộ hướng dẫn liên quan đến “Thủ tục chuyển đổi hộ kinh doanh thành doanh nghiệp”. Nếu quý khách hàng cần tư vấn thêm hoặc không muốn mất thời gian thực hiện, vui lòng liên hệ trực tiếp với Chuyên Tư Vấn Luật qua hotline 1900 63 63 87 để được tư vấn và thay mặt quý khách hàng thực hiện các thủ tục trên.

4.5 (18 bình chọn)

Bài viết được Trương Quốc Dũng - Luật sư kiểm duyệt: Trần Tiến Lực
Trương Quốc Dũng - Luật sư kiểm duyệt: Trần Tiến Lực

Tác giả: Chuyên Viên Pháp Lý

Lĩnh vực tư vấn: Hợp Đồng, Xây Dựng, Sở Hữu Trí Tuệ, Doanh Nghiệp

Trình độ đào tạo: Đại Học Luật

Số năm kinh nghiệm thực tế: 3

Tổng số bài viết: 727 bài viết