Xem xét thẩm định tại chỗ là một biện pháp thu thập chứng cứ quan trọng trong vụ án tranh chấp nhà đất, là căn cứ để Tòa án giải quyết vụ việc dân sự một cách tối ưu nhất, đảm bảo quyền lợi cho các bên. Vậy quy trình, thủ tục thực hiện như thế nào, mời quý bạn đọc theo dõi thông tin tư vấn dưới bài viết sau.
Trường hợp nào phải xem xét, thẩm định tại chỗ
Căn cứ theo Điều 101 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015, theo yêu cầu của đương sự hoặc khi xét thấy cần thiết, Thẩm phán tiến hành việc xem xét, thẩm định tại chỗ.
Mục đích của việc xem xét, thẩm định tại chỗ trong vụ án tranh chấp đất đai giúp cơ quan chức năng xác minh được chính xác nguồn gốc tạo lập, quá trình sử dung và tình trạng đất đang tranh chấp để tiến hành giải quyết vụ việc một cách nhanh chóng, triệt để.
Mục Lục
Hướng dẫn viết đơn yêu cầu xem xét thẩm định tại chỗ
Mẫu đơn yêu cầu xem xét thẩm định tại chỗ gồm những nội dung sau:
- Thông tin người làm đơn (Họ tên, số CMND, hộ khẩu thường trú, tạm trú);
- Tên cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp (ghi rõ tên Tòa án nơi thụ lý);
- Ghi rõ tên gọi, địa điểm, địa chỉ hoặc các thông tin cụ thể về tài sản tranh chấp, tài sản khác có liên quan đến tranh chấp cần xem xét, thẩm định tại chỗ;
- Nêu lý do yêu cầu;
- Chữ ký (ký và ghi rõ họ tên) của người làm đơn.
Nghĩa vụ nộp phí xem xét thẩm định tại chỗ
Căn cứ theo quy định tại Điều 156 BLTTDS 2015, người yêu cầu Tòa án xem xét, thẩm định tại chỗ phải nộp tiền tạm ứng chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ theo yêu cầu của Tòa án.
Căn cứ theo Điều 157 BLTTDS 2015, trường hợp các bên không có thỏa thuận khác hoặc pháp luật không có quy định khác thì nghĩa vụ chịu chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ được xác định như sau:
- Đương sự phải chịu chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ nếu yêu cầu của họ không được Tòa án chấp nhận.
- Trường hợp yêu cầu Tòa án chia tài sản chung thì mỗi người được chia tài sản phải chịu phần chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ theo tỷ lệ giá trị phần tài sản mà họ được chia..
- Trường hợp đình chỉ giải quyết vụ án thì nguyên đơn phải chịu chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ.
- Trường hợp đình chỉ giải quyết việc xét xử phúc thẩm người kháng cáo theo thủ tục phúc thẩm phải chịu chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ.
- Đối với các trường hợp đình chỉ giải quyết vụ án khác theo quy định của Bộ luật này thì người yêu cầu xem xét, thẩm định phải chịu chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ.
Thành phần thực hiện xem xét thẩm định tại chỗ
Căn cứ theo quy định tại Điều 101 BLTTDS 2015, thành phần thực hiện xem xét, thẩm định tại chỗ gồm:
- Thẩm phán;
- Đại diện Ủy ban nhân dân cấp xã;
- Công an xã, phường, thị trấn;
- Cơ quan, tổ chức nơi có đối tượng cần xem xét.
Kết quả xem xét thẩm định tại chỗ
Căn cứ theo Khoản 2 Điều 101 BLTTDS 2015, kết quả xem xét thẩm định tại chỗ được lập thành biên bản, trong đó ghi rõ kết quả xem xét, thẩm định, mô tả rõ hiện trường, có chữ ký của người xem xét, thẩm định và chữ ký hoặc điểm chỉ của đương sự nếu họ có mặt, của đại diện Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc Công an xã, phường, thị trấn hoặc cơ quan, tổ chức nơi có đối tượng được xem xét, thẩm định và những người khác được mời tham gia việc xem xét, thẩm định.
Giá trị làm chứng cứ của kết quả xem xét thẩm định tại chỗ
Căn cứ theo Khoản 6 Điều 94 BLTTDS 2015, biên bản ghi kết quả thẩm định tại chỗ (tiến hành theo đúng thủ tục luật định) được xem là nguồn chứng cứ có giá trị quan trọng trong việc giải quyết vụ án, được dùng làm căn cứ để xác định các tình tiết khách quan của vụ án cũng như xác định yêu cầu hay sự phản đối của đương sự là có căn cứ và hợp pháp.
Trên đây là toàn bộ nội dung liên quan đến thủ tục thực hiện xem xét, thẩm định tại chỗ trong vụ án tranh chấp nhà đất. Nếu bạn đọc có thắc mắc liên quan đến quá trình thực hiện thủ tục trên, vui lòng liên hệ hotline 1900 63 63 87 để được Luật sư giải quyết tranh chấp đất đai tư vấn chi tiết. Xin cảm ơn./.