Luật Hình Sự

Căn Cứ Nào Để Xác Định Người Dưới 18 Tuổi?

Vài năm trở lại đây, dư luận xã hội thi thoảng lại ngỡ người khi nghe tin về một vụ án giết người tàn bạo, dã man gắn với tội phạm chưa thành niên hoặc người chưa thành niên  là người bị hại trong các vụ án xâm hại tình dục khiến nhiều người bàng hoàng, sửng sốt. Người chưa thành niên là người dưới mười tám tuổi, thường nhận được nhiều sự quan tâm hơn từ xã hội, vì đó là những đối tượng dễ bị tổn thương, chưa phát triển hoàn toàn đầy đủ về thể chất và tâm sinh lý. Do đó, pháp luật cần có những chế định riêng dành cho người dưới 18 tuổi để bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của họ.Vậy, căn cứ nào để xác định người dưới 18 tuổi?

Làm cách nào xác định người đủ 18 tuổi
Làm cách nào xác định người đủ 18 tuổi

Tầm quan trọng của việc xác định tuổi 18

Người từ đủ 18 tuổi trở lên là người đã thành niên, có đầy đủ quyền lợi và nghĩa vụ của một công dân, phải chịu trách nhiệm về những hành động của mình. 

Về trách nhiệm hình sự: tại Điều 12 Bộ luật Hình sự 2015 quy định người từ đủ 14 tuổi trở lên, nhưng chưa đủ 16 tuổi chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội giết người, tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác, tội hiếp dâm, tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi, tội cưỡng dâm người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi, tội cướp tài sản, tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản; về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng ; người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm về mọi tội phạm. Tuy nhiên, người chưa đủ 18 tuổi được hưởng chính sách giảm nhẹ theo quy định tại Chương XII Bộ luật Hình sự năm 2015. Bởi vì, người chưa thành niên đang còn trong giai đoạn phát triển cả về trí lực, thể lực, chưa có nhân sinh quan và thế giới quan về cuộc sống xã hội như người đã trưởng thành.

Về trách nhiệm dân sự: Đối với cá nhân, để tham gia vào các quan hệ xã hội nói chung và quan hệ dân sự nói riêng, cá nhân phải có năng lực chủ thể. Năng lực chủ thể được cấu thành bởi năng lực pháp luật (mọi cá nhân đều có năng lực pháp luật dân sự như nhau, có từ khi người đó sinh ra và chấm dứt khi người đó chết) và năng lực hành vi. Theo quy định tại Điều 20 của Bộ luật Dân sự 2015 thì người thành niên là người từ đủ mười tám tuổi trở lên và có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, trừ trường hợp mất năng lực hành vi dân sự và bị hạn chế năng lực hành vi dân sự. Vì vậy, người từ đủ 18 tuổi trở lên được tự do xác lập, thực hiện giao dịch dân sự .

Về độ tuổi lao động: theo quy định tại khoản 1 Điều 3 Bộ luật Lao động 2012 thì người lao động là người từ đủ 15 tuổi trở lên, nhưng cũng có những quy định riêng đối với người lao động dưới 18 tuổi. Người sử dụng lao động chỉ được sử dụng người lao động dưới 18 tuổi vào những công việc phù hợp với sức khoẻ để bảo đảm sự phát triển thể lực, trí lực, nhân cách và có trách nhiệm quan tâm chăm sóc người lao động chưa thành niên về các mặt lao động, tiền lương, sức khoẻ, học tập trong quá trình lao động. Người lao động từ đủ 18 tuổi trở lên làm việc mà không bị hạn chế.

Quy định của pháp luật về việc xác định người đủ 18 tuổi
Quy định của pháp luật về việc xác định người đủ 18 tuổi

Về độ tuổi được kết hôn: theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 8 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 thì điều kiện độ tuổi kết hôn là nam từ đủ 20 tuổi trở lên, nữ từ đủ 18 tuổi trở lên thì quan hệ hôn nhân đó mới được pháp luật bảo vệ.

Văn bản pháp luật quy định việc xác định người dưới 18 tuổi

Việc xác định người dưới 18 tuổi hết sức quan trọng, ảnh hưởng rất lớn đến quyền lợi và nghĩa vụ của họ. Cho nên, pháp luật nước ta có những chế định riêng đối với nhóm đối tượng này trong từng lĩnh vực cụ thể.

Gần đây nhất,  vào ngày 21 tháng 12 năm 2018, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã ban hành Thông tư liên tịch số 06/2018/TTLT-VKSNDTC-TANDTC-BCA-BTP-BLĐTBXH về phối hợp thực hiện quy định của BLTTHS về thủ tục tố tụng đối với người dưới 18 tuổi.

Thông tư liên tịch này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 05 tháng 02 năm 2019, thay thế Thông tư liên tịch số 01/2011/TTLT-VKSTC-TANDTC-BCA-BTP-BLĐTBXH ngày 12/7/2011 của Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Tư pháp, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội hướng dẫn thi hành một số quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự đối với người tham gia tố tụng là người chưa thành niên.

Căn cứ nào để xác định người dưới 18 tuổi?

Tại Điều 6 Thông tư liên tịch số 06/2018/TTLT-VKSNDTC-TANDTC-BCA-BTP-BLĐTBXH quy định việc xác định tuổi của người bị buộc tội, người bị hại dưới 18 tuổi căn cứ vào một trong các giấy tờ, tài liệu sau:

  • Giấy chứng sinh;
  • Giấy khai sinh;
  • Chứng minh nhân dân;
  • Thẻ căn cước công dân;
  • Sổ hộ khẩu;
  • Hộ chiếu.

Trong trường hợp các giấy tờ, tài liệu nêu trên có mâu thuẫn, không rõ ràng hoặc không có giấy tờ, tài liệu này thì cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải phối hợp với gia đình, người đại diện, người thân thích, nhà trường, Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh hoặc tổ chức, cá nhân khác có liên quan nơi người dưới 18 tuổi học tập, lao động, sinh hoạt trong việc hỏi, lấy lời khai, xác minh làm rõ mâu thuẫn hoặc tìm các giấy tờ, tài liệu khác có giá trị chứng minh về tuổi của người đó.

Trường hợp đã áp dụng các biện pháp hợp pháp nhưng chỉ xác định được khoảng thời gian tháng, quý, nửa đầu hoặc nửa cuối của năm hoặc năm sinh thì tùy từng trường hợp cụ thể cần căn cứ khoản 2 Điều 417 Bộ luật tố tụng hình sự để xác định tuổi của họ:

  • Trường hợp xác định được tháng nhưng không xác định được ngày thì lấy ngày cuối cùng của tháng đó làm ngày sinh.
  • Trường hợp xác định được quý nhưng không xác định được ngày, tháng thì lấy ngày cuối cùng của tháng cuối cùng trong quý đó làm ngày, tháng sinh.
  • Trường hợp xác định được nửa của năm nhưng không xác định được ngày, tháng thì lấy ngày cuối cùng của tháng cuối cùng trong nửa năm đó làm ngày, tháng sinh.
  • Trường hợp xác định được năm nhưng không xác định được ngày, tháng thì lấy ngày cuối cùng của tháng cuối cùng trong năm đó làm ngày, tháng sinh.

Trường hợp kết quả giám định tuổi chỉ xác định được khoảng độ tuổi của người bị buộc tội, người bị hại thì cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng lấy tuổi thấp nhất trong khoảng độ tuổi đã xác định được để xác định tuổi của họ.

Trên đây là bài viết về vấn đề “Căn cứ nào để xác định người dưới 18 tuổi?

>>>Xem thêm: Thế Nào Được Gọi Là Dâm ô? Mức Độ Nào Sẽ Bị Xử Lý Hình Sự?

Hãy liên hệ với Luật sư của chúng tôi nếu bạn đang có thắc mắc và cần giải quyết các vấn đề về pháp luật: Chuyên Tư Vấn Luật. Hotline: 1900 63 63 87.

*Lưu ý: Nội dung tư vấn trên đây chỉ mang tính tham khảo. Tùy từng thời điểm và đối tượng khác nhau mà nội dung tư vấn trên có thể sẽ không còn phù hợp. Mọi thắc mắc, góp ý xin vui lòng liên hệ về email: chuyentuvanluat@gmail.com.

4.6 (11 bình chọn)

Bài viết được thực hiện bởi Lê Minh Phúc - Chuyên Viên Pháp Lý

Chức vụ: Chuyên viên pháp lý

Lĩnh vực tư vấn: Thừa Kế, Dân Sự, Đất Đai

Trình độ đào tạo: Đại học Luật

Số năm kinh nghiệm thực tế: 3 năm

Tổng số bài viết: 497 bài viết