Luật Lao Động

Mức phạt khi chủ lao động đe dọa, ép buộc phải làm thêm giờ

Mức phạt khi chủ lao động đe dọa, ép buộc phải làm thêm giờ như thế nào theo quy định của pháp luật. Người lao động làm thêm giờ có được trả lương không, chủ lao động đe dọa, ép buộc hay bắt tăng ca không lương có được xem là cưỡng bức lao động và phạt tiền bao nhiêu. Bài viết dưới đây Chuyên Tư Vấn Luật sẽ cung cấp cho Quý bạn đọc đầy đủ vấn đề pháp lý khi người sử dụng lao động quy định làm thêm giờ.

Phạt người sử dụng lao động đe dọa, ép buộc phải làm thêm giờPhạt người sử dụng lao động đe dọa, ép buộc phải làm thêm giờ

Bắt người lao động làm thêm giờ có được không?

Thời gian làm thêm giờ là khoảng thời gian làm việc ngoài thời giờ làm việc bình thường theo quy định của pháp luật, thỏa ước lao động tập thể hoặc nội quy lao động.

Căn cứ theo khoản 2 Điều 107 Bộ luật Lao động 2019, người sử dụng lao động được sử dụng người lao động làm thêm giờ khi đáp ứng đầy đủ các yêu cầu sau đây:

  • Trừ trường hợp quy định tại Điều 108 của Bộ luật Lao động 2019, các trường hợp khác khi tổ chức làm thêm giờ, người sử dụng lao động phải được sự đồng ý của người lao động về các nội dung gồm thời gian làm thêm, địa điểm làm thêm, công việc làm thêm.
  • Bảo đảm số giờ làm thêm của người lao động không quá 50% số giờ làm việc bình thường trong 01 ngày; trường hợp áp dụng quy định thời giờ làm việc bình thường theo tuần thì tổng số giờ làm việc bình thường và số giờ làm thêm không quá 12 giờ trong 01 ngày; không quá 40 giờ trong 01 tháng;
  • Bảo đảm số giờ làm thêm của người lao động không quá 200 giờ trong 01 năm, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 107 Bộ luật Lao động 2019.

Căn cứ theo Điều 108 Bộ luật Lao động 2019, người sử dụng lao động có quyền yêu cầu người lao động làm thêm giờ vào bất kỳ ngày nào mà không bị giới hạn về số giờ làm thêm theo quy định tại Điều 107 Bộ luật Lao động 2019 và người lao động không được từ chối trong trường hợp sau đây:

  • Thực hiện lệnh động viên, huy động bảo đảm nhiệm vụ quốc phòng, an ninh theo quy định của pháp luật;
  • Thực hiện các công việc nhằm bảo vệ tính mạng con người, tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phòng ngừa, khắc phục hậu quả thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh nguy hiểm và thảm họa, trừ trường hợp có nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe của người lao động theo quy định của pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động.

Như vậy, trừ trường hợp đặc biệt theo quy định tại Điều 108 Bộ luật Lao động 2019, người sử dụng lao động không được bắt người lao động làm thêm giờ mà không đáp ứng đầy đủ các yêu cầu theo quy định pháp luật.

Công nhân tăng ca có được trả thêm lươngCông nhân tăng ca có được trả thêm lương

Mức xử phạt đối với hành vi chủ lao động đe dọa, ép buộc làm thêm giờ

Xử phạt hành chính

Cưỡng bức lao động là việc dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc các thủ đoạn khác để ép buộc người lao động phải làm việc trái ý muốn của họ. Do đó, trong trường hợp người sử dụng lao động có hành vi đe dọa, ép buộc làm thêm giờ sẽ được xem là cưỡng bức lao động.

Căn cứ theo Điều 11 Nghị định 12/2022/NĐ-CP, người sử dụng lao động có hành vi cưỡng bức lao động hoặc ngược đãi người lao động nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự sẽ bị xử phạt hành chính là phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 75.000.000 đồng.

Xử lý hình sự Tội cưỡng bức lao động

Căn cứ Điều 297 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017), người sử dụng lao động sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội cưỡng bức lao động:

Thứ nhất, người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc thủ đoạn khác ép buộc người khác phải lao động thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

  • Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
  • Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;
  • Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 31% đến 60%.

Thứ hai, phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

  • Có tổ chức;
  • Đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu, người khuyết tật nặng hoặc khuyết tật đặc biệt nặng;
  • Làm chết người;
  • Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
  • Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
  • Tái phạm nguy hiểm.

Thứ ba, phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm:

  • Làm chết 02 người trở lên;
  • Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 122% trở lên.

Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Xử phạt hành vi ép buộc tăng caXử phạt hành vi ép buộc tăng ca

Hướng giải quyết khi công ty bắt buộc tăng ca

Căn cứ theo quy định tại Bộ luật Lao động 2019 và Nghị định 24/2018/NĐ-CP, trường hợp công ty bắt buộc tăng ca, người lao động có hướng giải quyết như sau:

Khiếu nại

Người lao động khiếu nại lần đầu gửi đến người sử dụng lao động:

  • Căn cứ theo quy định tại Điều 20 Nghị định 24/2018/NĐ-CP, kể từ thời điểm đơn khiếu nại được thụ lý thì thời hạn giải quyết khiếu nại không quá 30 ngày hoặc 45 ngày (đối với trường hợp ở vùng sâu, vùng xa đi lại khó khăn); đối với vụ việc phức tạp thì thời hạn giải quyết không quá 45 ngày hoặc 60 ngày (đối với trường hợp ở vùng sâu, vùng xa đi lại khó khăn).
  • Nếu kết quả giải quyết khiếu nại lần đầu đồng ý thì quyết định giải quyết khiếu nại sẽ có hiệu lực sau 30 ngày kể từ ngày ra quyết định khiếu nại.

Người lao động khiếu nại lần hai:

  • Căn cứ theo khoản 2 Điều 15 Nghị định 24/2018/NĐ-CP, Chánh Thanh tra Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, nơi người sử dụng lao động đặt trụ sở chính có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần hai.
  • Căn cứ theo Điều 28 Nghị định 24/2018/NĐ-CP, thời hạn giải quyết khiếu nại lần hai không quá 45 ngày, kể từ ngày thụ lý. Đối với vụ việc phức tạp thì thời hạn giải quyết khiếu nại không quá 60 ngày, kể từ ngày thụ lý.
  • Trường hợp ở vùng sâu, vùng xa đi lại khó khăn thì thời hạn giải quyết khiếu nại không quá 60 ngày, kể từ ngày thụ lý; đối với vụ việc phức tạp thì thời hạn giải quyết khiếu nại không quá 90 ngày, kể từ ngày thụ lý.

Tố cáo, tố giác

Căn cứ theo quy định tại khoản 4, Điều 164, Bộ luật Lao động 2019 thì người giúp việc có quyền tố cáo với cơ quan có thẩm quyền nếu người sử dụng lao động có hành vi ngược đãi, quấy rối tình dục, cưỡng bức lao động hoặc có hành vi khác vi phạm pháp luật. Trong trường hợp người giúp việc trong quá trình làm việc mà bị người sử dụng lao động (chủ nhà) cưỡng bức lao động thì có thể làm đơn tố cáo với cơ quan có thẩm quyền.

Ngoài ra, căn cứ theo quy định của BLTTHS 2015 thì người lao động bị cưỡng bức lao động có quyền tố giác tội phạm về hành vi cưỡng bức theo Điều 297 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017)

Khởi kiện

Trường hợp công ty yêu cầu người lao động làm thêm trái pháp luật, không đúng theo quy định thì nếu như không thỏa thuận được, người lao động có thể yêu cầu một trong các cơ quan tại Điều 187 Bộ luật Lao động 2019 để giải quyết tranh chấp lao động đối với cá nhân, Điều 191 Bộ luật Lao động 2019 đối với tranh chấp lao động tập thể. Thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động tập thể về quyền như sau cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động tập thể về quyền bao gồm:

  • Hòa giải viên lao động;
  • Hội đồng trọng tài lao động;
  • Tòa án nhân dân.

Như vậy, trong trường hợp công ty bắt tăng ca không đúng quy định của pháp luật, người lao động có thể khiếu nại hoặc tố cáo, tố giác hoặc khởi kiện đến Tòa án Nhân dân

Luật sư tư vấn bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động

Luật sư tư vấn bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động rất quan trọng trong quan hệ lao động. Bởi lẽ, trong quan hệ lao động, người lao động luôn ở thế yếu, do đó cần có những quy định để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp.

  • Luật sư có chuyên môn nghiệp vụ, am hiểu các quy định của pháp luật lao động;
  • Tư vấn giải quyết tranh chấp trong quan hệ lao động;
  • Tư vấn tranh chấp về bồi thường thiệt hại, trợ cấp khi chấm dứt hợp đồng lao động;
  • Tư vấn tranh chấp về bồi thường thiệt hại giữa người lao động với doanh nghiệp, tổ chức sự nghiệp đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng;
  • Tư vấn trình tự, thủ tục khiếu nại, khởi kiện trong trường hợp công ty bắt tăng ca trái quy định.

Bài viết trên đã giải đáp thắc mắc của Quý bạn đọc về các vấn đề pháp lý trong trường hợp người sử dụng lao động bắt người lao động làm thêm giờ. Thông qua bài viết này, Quý bạn đọc sẽ hiểu rõ hơn để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của mình cũng như thực hiện các trình tự, thủ tục đúng quy định của pháp luật. Nếu Quý bạn đọc còn bất kỳ thắc mắc hoặc cần tư vấn vui lòng liên hệ Chuyên Tư Vấn Luật qua hotline 1900.63.63.87 để được luật sư lĩnh vực lao động tư vấn.

>>>Bài viết có thể bạn quan tâm:

4.9 (17 bình chọn)

Bài viết được Nguyễn Văn Đệ - Luật sư kiểm duyệt: Nguyễn Trần Phương
Nguyễn Văn Đệ - Luật sư kiểm duyệt: Nguyễn Trần Phương

Tác giả: Chuyên Viên Pháp Lý

Lĩnh vực tư vấn: Lao Động, Hôn Nhân Gia Đình, Dân Sự, Thừa Kế

Trình độ đào tạo: Đại Học Luật

Số năm kinh nghiệm thực tế: 3

Tổng số bài viết: 834 bài viết