Ngăn cản thăm con sau khi ly hôn là hành vi vi phạm quyền thăm con của người không trực tiếp nuôi con theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình 2014. Vậy cần làm gì khi quyền thăm con bị ngăn cản, hành vi ngăn cản quyền thăm con sẽ bị xử lý như thế nào? Sau đây Luật sư Hôn nhân và gia đình sẽ giải đáp vấn đề này ngay bên dưới.
>>> Xem thêm: Tranh chấp giành quyền nuôi con khi ly hôn
Mục Lục
- Thu thập chứng cứ về việc bị ngăn cản thăm con
- Thuộc tính của chứng cứ việc ngăn cản
- Nguồn và trình tự thu thập chứng cứ việc bị ngăn cản
- Thực hiện tố cáo hành vi cản trở thăm con
- Thẩm quyền giải quyết tranh chấp quyền nuôi con sau ly hôn
- Hướng dẫn viết đơn tố cáo khi bị ngăn cản quyền thăm con
- Chế tài xử phạt đối với hành vi ngăn cản quyền thăm con
- Khởi kiện giành lại quyền nuôi con
- Dịch vụ luật sư hỗ trợ khi bị ngăn cản thăm con
Thu thập chứng cứ về việc bị ngăn cản thăm con
Theo quy định chung của pháp luật, khi yêu cầu cơ quan có thẩm quyền giải quyết thì người yêu cầu phải đưa ra căn cứ chứng minh cho yêu cầu cầu của mình.
Thuộc tính của chứng cứ việc ngăn cản
Theo Điều 93 Bộ luật Tố tụng Dân sự (BLTTDS) 2015 đã có định nghĩa cụ thể về chứng cứ, thông qua đó nhận thấy chứng cứ bao gồm các thuộc tính sau: tính khách quan, tính liên quan và tính hợp pháp. Chứng cứ có tính khách quan bởi chúng là cơ sở để nhận thức vụ việc dân sự, chúng phải là cái có thật, tồn tại ngoài ý muốn của những người tiến hành tố tụng và tham gia tố tụng. Chứng cứ có tính liên quan bởi nó là căn cứ để Tòa án dựa vào để giải quyết vụ án, giữa chứng cứ và vụ việc dân sự có mối quan hệ nhất định. Với thuộc tính hợp pháp yêu cầu chứng cứ phải được rút ra từ những nguồn nhất định do pháp luật quy định, quá trình thu thập được tiến hành theo đúng quy định của pháp luật.
Nguồn và trình tự thu thập chứng cứ việc bị ngăn cản
Điều 94 BLTTDS 2015 quy định về nguồn chứng cứ bao gồm các tài liệu đọc được, nghe được, nhìn được, dữ liệu điện tử,…Tuy nhiên để trở thành chứng cứ các tài liệu này cần phải thỏa mãn những trình tự thủ tục thu thập được quy định tại Điều 95 BLTTDS 2015.
Do đó, các chứng cứ về việc ngăn cản thăm con phải được thu thập từ những nguồn trên và phải đáp ứng đầy đủ các thuộc tính của chứng cứ, đó là tính khách quan, liên quan và hợp pháp.
Thực hiện tố cáo hành vi cản trở thăm con
>>> Xem thêm: Hành vi cản trở quyền thăm con sau khi ly hôn bị xử phạt như thế nào?
Khoản 3 Điều 82 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 (LHN&GĐ 2014) quy định không ai được ngăn cản quyền thăm con sau ly hôn của người không trực tiếp nuôi con. Vì thế khi có sự cản trở xuất hiện thì chủ thể có quyền lợi bị xâm phạm có thể tiến hành tố cáo hành vi đó để bảo vệ lợi ích của mình.
Thẩm quyền giải quyết tranh chấp quyền nuôi con sau ly hôn
Sau khi thu thập tất cả những chứng cứ về việc ngăn cản quyền thăm con thì người có quyền thăm con có thể tố cáo hành vi cản trở đó tới cơ quan công an hoặc Ủy ban nhân dân (UBND) để cơ quan có thẩm quyền xử phạt hoặc xin xác nhận của UBND hoặc công an về việc người trực tiếp nuôi con có hành vi cản trở quyền thăm con để yêu cầu cơ quan thi hành án thi hành việc chăm nom, chăm sóc con theo bản án, quyết định của Tòa án.
Hướng dẫn viết đơn tố cáo khi bị ngăn cản quyền thăm con
Sau khi đã thu thập toàn bộ chứng cứ, bạn có thể viết đơn để tố cáo. Chúng tôi gợi ý cho bạn các bước để viết một lá đơn hoàn chỉnh sau:
Bước 1: Đầu tiên phải có tên cơ quan có thẩm quyền giải quyết tố cáo. Thẩm quyền giải quyết tố cáo trong trường hợp này là Công an xã hoặc UBND cấp xã, phường, thị trấn
Bước 2: Tiếp theo là ghi tên, nơi cư trú của người làm đơn (người tố cáo).
Bước 3: Trình bày nội dung tố cáo: lý do, mục đích, yêu cầu giải quyết để cơ quan có thẩm quyền giải quyết.
- Tóm tắt diễn biến, hành vi ngăn cản quyền thăm con (các sự việc diễn ra theo trình tự thời gian như các hành vi cản trở, ngăn chặn việc tiếp xúc giữa người con với người có quyền thăm con).
- Hành vi ngăn chặn quyền thăm con của người bị tố cáo đã vi phạm khoản 3 Điều 82 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 vì đã xâm phạm đến quyền và nghĩa vụ của người không trực tiếp nuôi con sau ly hôn.
- Yêu cầu giải quyết tố cáo: yêu cầu ngăn chặn hành vi cản trở quyền thăm con của người bị tố cáo.
Bước 4: Cuối đơn là chữ ký cũng như họ tên đầy đủ của người làm đơn tố cáo.
Bước 5: Trình bày danh mục tài liệu, chứng cứ liên quan kèm theo đơn tố cáo, chứng minh nhân dân, …nhằm thuận lợi cho công tác điều tra và đảm bảo quyền và lợi ích cho các bên.
Chế tài xử phạt đối với hành vi ngăn cản quyền thăm con
Người nào có hành vi cản trở quyền thăm con của người không trực tiếp nuôi con mà không thuộc vào trường hợp cha mẹ bị hạn chế quyền thăm con theo quyết định của tòa án thì có thể bị xử lý theo thủ tục hành chính, cụ thể là phạt tiền theo quy định tại Điều 56 Nghị định 144/2021/NĐ-CP. Theo quy định người có hành vi ngăn cản quyền thăm nom, chăm sóc giữa ông, bà và cháu; giữa cha, mẹ và con sẽ bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng.
Khởi kiện giành lại quyền nuôi con
Quyền yêu cầu khởi kiện giành quyền nuôi con
Người có quyền yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con bao gồm các chủ thể được quy định tại khoản 1 và khoản 5 Điều 84 LHNGĐ 2014, cụ thể là:
- Cha đẻ, mẹ đẻ của người con. Họ là người trực tiếp nuôi hoặc không được trực tiếp nuôi con theo nội dung của bản án/quyết định ly hôn đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án trước đó nhưng có yêu cầu đòi lại quyền nuôi con.
- Người thân thích
- Cơ quan quản lý nhà nước về gia đình
- Cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em
- Hội liên hiệp phụ nữ
Trường hợp có căn cứ chứng minh người đang trực tiếp nuôi con không còn đủ điều kiện để nuôi con thì người không trực tiếp nuôi con có quyền yêu cầu Tòa án thay đổi người trực tiếp nuôi con theo quy định tại khoản 2 Điều 84 Luật HNGĐ.
Giải quyết tranh chấp quyền nuôi con thuộc thẩm quyền của Tòa án. Về hình thức và nội dung đơn khởi kiện. hoặc đơn yêu cầu gửi đến Tòa án phải tuân thủ theo quy định tại Điều 189 BLTTDS 2015.
Nội dung đơn khởi kiện giành quyền nuôi con
Cụ thể đơn khởi kiện giành quyền nuôi con gồm những nội dung sau đây:
- Ngày, tháng, năm làm đơn khởi kiện;
- Tên Tòa án nơi bị đơn cư trú;
- Tên, nơi cư trú, làm việc của người khởi kiện. Trường hợp các bên thỏa thuận địa chỉ để Tòa án liên hệ thì ghi rõ địa chỉ;
- Tên, nơi cư trú, làm việc của người bị khởi kiện;
- Trình bày vấn đề cụ thể yêu cầu Tòa án giải quyết đối với người bị kiện, cụ thể là yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con;
- Danh mục tài liệu, chứng cứ kèm theo đơn khởi kiện: giấy chứng nhận đăng ký kết hôn, chứng minh nhân dân, sổ hộ khẩu, giấy khai sinh,… (bản sao).
Thành phần hồ sơ khởi kiện giành quyền nuôi con gồm có:
- Đơn khởi kiện (mẫu đơn khởi kiện);
- Bản án/quyết định ly hôn của Tòa án;
- Giấy khai sinh của con (bản sao);
- Sổ hộ khẩu, chứng minh nhân dân (bản sao);
- Các tài liệu, chứng cứ làm căn cứ để thay đổi quyền nuôi con.
Dịch vụ luật sư hỗ trợ khi bị ngăn cản thăm con
>>> Xem thêm: Tư vấn luật hôn nhân gia đình
- Tư vấn
Tư vấn, giải đáp và hướng dẫn các quy định pháp luật hôn nhân và gia đình liên quan đến quyền thăm con, đề xuất hướng giải quyết thủ tục tối ưu, đảm bảo quyền lợi tốt nhất. Đề ra các phương án xử lý vấn đề pháp lý cụ thể và nhanh chóng nhằm giải quyết tốt công việc và rút ngắn thời gian thực hiện công việc, tạo hiệu quả công việc cao.
- Soạn thảo đơn từ, văn bản
Soạn thảo đơn từ, chuẩn bị hồ sơ nhằm giải quyết nhu cầu thiết thực cho khách hàng. Đơn từ ở đây có thể là đơn khiếu nại, đơn tố cáo tới cơ quan cấp có thẩm quyền cụ thể là tố cáo hành vi ngăn cản quyền thăm con. Soạn thảo đơn khởi kiện liên quan đến việc giành lại quyền nuôi con,… và các đơn từ khác xuyên suốt quá trình giải quyết tranh chấp hôn nhân và gia đình.
- Tham gia giải quyết tranh chấp
Trực tiếp tham gia giải quyết tranh chấp với tư cách đại diện ủy quyền hoặc người bảo vệ quyền lợi hợp pháp của đương sự.
Nhìn chung, bài viết đã cung cấp những thông tin cần thiết về hướng giải quyết khi quyền thăm con bị ngăn cản. Để được tư vấn, hỗ trợ giải quyết những vấn đề này vui lòng liên hệ qua hotline 1900.63.63.87, Luật sư Hôn nhân gia đình sẽ tư vấn luật hôn nhân gia đình cho bạn. Xin cảm ơn!